1. Hiến pháp là bản khế ước xã hội bảo vệ quyền con người
Hiến pháp là bản khế ước của toàn xã hội ghi nhận tất cả các quyền tự do dân chủ của nhân dân, các quyền cơ bản của con người, ghi nhận quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là văn bản quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước với những biện pháp tối ưu, bảo đảm sự hạn chế quyền lực nhà nước trước các nguy cơ lạm quyền. Hiến pháp chính là chuẩn mực, khuôn thước cho mọi hành vi của Nhà nước và công dân. Vì vậy, Hiến pháp có quyền tối thượng trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Quyền con người là nội dung quan trọng trong Hiến pháp. Nếu như không có vấn đề bảo vệ nhân quyền thì có lẽ nhân loại cũng không cần có một bản Hiến pháp cho mỗi quốc gia[1]. GS. Hoàng Văn Hảo cũng cho rằng: “Chính vai trò giá trị của quyền con người, quyền công dân mà trong tư duy chính trị của nhân loại, vấn đề quyền con người, quyền công dân trở thành một nội dung chính của lịch sử lập hiến. Luật về các quyền của Anh sau cách mạng năm 1689, Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, Hiến pháp của tất cả các nước, dù là ở chế độ xã hội nào (tư bản, xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển) đều có chế định quyền con người, quyền công dân. Đó là nội dung cơ bản nhất của mỗi Hiến pháp, nội dung đó chi phối kết cấu của bản Hiến pháp, chế định quyền công dân thường được đặt lên hàng đầu trong Hiến pháp của nhiều nước”[2].
Quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng, đúng như Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ năm 1776 đã khẳng định: Nhân quyền là những quyền tự nhiên, tất yếu và bất khả xâm phạm như quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, người ta cho rằng, nhân quyền chỉ được đặt ra khi con người bị tước đoạt mất quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc nên phải đấu tranh giành lấy quyền đó, như cuộc đấu tranh của nô lệ, những người không được coi như con người chống lại chủ nô. Đấy là cuộc đấu tranh vì nhân quyền đầu tiên thời chiếm hữu nô lệ cổ đại. Nhưng phải đến cuộc Cách mạng tư sản thế kỷ 18, quyền con người mới được ghi nhận thành Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp. Điều đó phản ánh khát vọng của loài người sau nhiều thiên niên kỷ bị tước đoạt “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” dưới chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến.
Như vậy, vì nhân quyền nên mới có Hiến pháp - văn bản quy định thể thức thực hiện quyền lực của mỗi quốc gia. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh chống chuyên chế và sự lạm quyền để có được sự xác lập, thừa nhận những giá trị làm rào cản chống lại sự lạm quyền từ phía quyền lực công, cũng như từ phía các cá nhân khác đối với con người, tạo nên sự an toàn pháp lý cho con người trong xã hội. Trước đó, chế độ phong kiến và chiếm hữu nô lệ không có nhân quyền và Hiến pháp với nghĩa đầy đủ như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ cần có nhân quyền hay Hiến pháp mà nhân loại cần phải có cả hai thứ[3]. Bởi lẽ, nhân quyền không phải chỉ liệt kê các quyền con người là đủ, mà kèm theo đó là vấn đề bảo đảm cho các quyền ấy được thực hiện. Việc bảo đảm này không thể nào khác hơn là ngăn ngừa sự vi phạm của bất kể chủ thể nào kể cả từ phía Nhà nước và phi nhà nước.
Với ý nghĩa là đạo luật cơ bản của các quốc gia, Hiến pháp là công cụ pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền con người. Ngoài nội dung về tổ chức, giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước, Hiến pháp còn khẳng định rõ các quyền và tự do của cá nhân dưới hình thức các quyền con người, quyền công dân. Việc quy định các quyền con người, quyền công dân cũng là cách thức nhằm giới hạn, kiểm soát quyền lực nhà nước, bởi tập hợp các quyền con người, quyền công dân chính là những yêu cầu và nghĩa vụ với các nhà nước về những điều phải đáp ứng và những điều không được làm với người dân của họ[4].
Ngay cả việc quy định lề lối hoạt động của chính quyền, buộc những người cầm quyền phải tuân theo các quy định của Hiến pháp cũng là cách thức nhằm mục đích bảo vệ nhân quyền trước thế lực nắm trong tay quyền lực, nên dễ lạm quyền vi phạm nhân quyền trong một xã hội đang cần thiết phải có sự tồn tại của nhà nước. Tuy nhiên, nếu chỉ được bảo đảm bằng các hình thức tổ chức nhà nước thì thiết nghĩ vấn đề nhân quyền vẫn không được bảo đảm một cách đầy đủ. Vì sự vi phạm nhân quyền không phải từ một phía Nhà nước mà còn từ nhiều chủ thể khác (phi nhà nước) như: Các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, các cá nhân khác... Như vậy, quyền con người phải được ghi nhận và bảo đảm trước hết bằng điều kiện pháp lý, mà cao nhất là Hiến pháp, là điều kiện tiên quyết cho việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ trong thực tiễn.
Hiến pháp là một bản khế ước xã hội, không chỉ bảo đảm cho quyền của người dân không bị vi phạm mà còn tiến tới tạo điều kiện để người dân có thể tham gia vào công việc của nhà nước. Đó là những bảo đảm pháp lý, hình thành nên nền tảng các cơ hội cho mọi cá nhân có thể được tham gia một cách tự do và bình đẳng vào quá trình hình thành các chính sách của nhà nước. Quyền con người là những quyền của tự nhiên mà tất cả mọi người đều có, nhưng vì đồng thời liên quan đến tất cả quyền lực của Chính phủ, nên chúng được thể hiện trong những nguyên tắc cơ bản của trật tự xã hội và ý đồ chính trị của bất kỳ nhà nước nào theo chế độ thượng tôn pháp quyền. Chính vì mục tiêu này mà quyền lực nhà nước không thể vô hạn, mà phải nằm trong một khuôn khổ nhất định, tức quyền lực nhà nước bị hạn chế[5].
Một nhà nước tốt phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người thiểu số. Vì vậy, một bản Hiến pháp tốt không thể không tính đến quyền lợi của thiểu số. Đó là tính nhân văn của Hiến pháp. Những quy định thể hiện nguyên tắc này trong Hiến pháp sẽ góp phần tạo nên hàng rào không thể vượt qua của bất kể chính sách nào chỉ dựa trên ý chí của đa số, mà không tính đến quyền lợi của thiểu số.
Cũng tương tự, một Nhà nước tốt là một Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ những người yếu trước kẻ mạnh, bảo vệ người nghèo trước kẻ giàu và có nhiều thế lực, Nhà nước phải có những quyết định cẩn trọng và khôn ngoan, tránh sự lợi dụng của bất kể thế lực nào, nhất là đối với những chủ thể quyền lực. Do vậy, một bản Hiến pháp nhân văn là phải bảo đảm cho những quy định này được thực hiện.
Chúng ta biết rằng nhân quyền là vấn đề lớn và luôn có sự thay đổi, phát triển trong tương lai. Vấn đề nhân quyền luôn đi kèm và không thể thiếu được vấn đề bảo vệ nó. Trong mối quan hệ với Luật nhân quyền quốc tế, ngày càng có nhiều Hiến pháp áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế về nhân quyền. Việc công nhận áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế cho phép các chủ thể pháp luật trong nước có thể sử dụng ngay các quy tắc của điều ước quốc tế để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình mà không cần phải đợi đến khi có nội luật hóa các quy tắc đó.
Như vậy, đối với Hiến pháp quốc gia, việc ghi nhận rõ ràng và đầy đủ tất cả các quyền con người có thể có, phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế về nhân quyền là rất cần thiết, một mặt, để con người cần phải biết mà thụ hưởng và ngăn chặn ngay bất kể chủ thể nào vi phạm những quyền đó, mặt khác, phải ngăn ngừa ngay từ trước sự có thể vi phạm đến quyền con người của một chủ thể quan trọng nhất đó là Nhà nước. Một khi các quyền bị vi phạm cần phải có các biện pháp trừng trị chủ thể vi phạm và các biện pháp khôi phục lại những quyền đó, đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ, trách nhiệm phải bảo vệ nhân quyền từ phía Nhà nước. Điều này chỉ có thể được bảo đảm thực hiện bằng một văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao trong hệ thống pháp luật của quốc gia, đó chính là Hiến pháp.
2. Giám sát Hiến pháp, bảo vệ quyền con người
Việc tuyên bố các quyền con người trong Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người. Khi các quyền đó bị vi phạm, Nhà nước cần có cơ chế để xem xét, xử lý các hành vi vi phạm và phục hồi các quyền con người cho cá nhân, công dân bị vi phạm. Giám sát Hiến pháp là một trong những cơ chế bảo vệ có hiệu quả các quyền hiến định đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Giám sát Hiến pháp là hình thức kiểm tra, kiểm soát quyền lực nhà nước xuất phát từ mục đích bảo vệ các nền tảng hiến định của một quốc gia, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên cơ sở tinh thần của Hiến pháp, của các đạo luật, xác định được ý định, nội dung và mục đích điều chỉnh của luật để từ đó đưa ra các phán quyết cần thiết. Đây là một hoạt động kiểm tra quan trọng, phức tạp và có sự xung đột với quyền và lợi ích, thậm chí là lợi ích chính trị, nên phải được trao cho một thiết chế của Nhà nước có tính độc lập và đầy đủ thẩm quyền cần thiết như Tòa án Hiến pháp. Xét theo thẩm quyền phán quyết hay hiệu lực của phán quyết, giám sát Hiến pháp có thể chia thành hai mức độ: Giám sát có tính tư vấn và giám sát có tính quyết định. Trong mức độ thứ nhất, sự kiểm tra tính hợp hiến chỉ mang tính chất tư vấn cho các cơ quan hữu quan, làm cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền xử lý của các cơ quan đó, phán quyết không mang tính bắt buộc. Ở mức độ thứ hai, khi được tuyên là vi hiến, văn bản sẽ mất hiệu lực và phán quyết của cơ quan tài phán hiến pháp là chung thẩm. Đây là trường hợp phổ biến nhất[6].
Hiệu quả của việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân bằng cơ chế giám sát Hiến pháp cũng phụ thuộc vào các mô hình tài phán hiến pháp ở từng nước. Ví dụ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân bằng cách giao cho các Tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của đạo luật được áp dụng cho vụ việc cụ thể mà các bên đang khiếu kiện tại Tòa án. Nghĩa là, các bên trong một vụ việc cụ thể đang được giải quyết tại Tòa án, có quyền đề nghị Tòa án xem xét sự bất hợp hiến của đạo luật đang có hiệu lực vi phạm đến các quyền cơ bản được Hiến pháp bảo vệ. Tòa án nếu thấy khiếu kiện hiến pháp có đủ cơ sở, sẽ dừng vụ việc đang giải quyết để giải quyết vụ việc Hiến pháp. Phán quyết của Tòa án chỉ có giá trị áp dụng đối với các bên trong vụ việc đó, chứ không có thẩm quyền tuyên bố đạo luật đó vô hiệu. Tuy nhiên, đây được coi là hình thức bảo vệ quyền con người, quyền công dân trước những hành vi vi hiến có hiệu quả nhất vì bản thân cá nhân, công dân là những người trực tiếp yêu cầu được bảo vệ các quyền hiến định bị vi phạm trong một vụ việc cụ thể, qua đó, Tòa án sẽ phải xem xét khôi phục lại các quyền bị vi phạm đó. Bên cạnh đó, việc thiết lập một Tòa án Hiến pháp để kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật trước hoặc sau khi đã có hiệu lực theo yêu cầu của các chủ thể quyền lực nhà nước như nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, bộ trưởng, nghị sỹ... cũng là một cơ chế giám sát bảo vệ hiến pháp, làm mất hiệu lực đối với các đạo luật vi hiến. Tuy nhiên, mô hình này phụ thuộc vào ý chí của chủ thể quyền lực nhà nước chứ không xuất phát từ yêu cầu bảo vệ của người dân, vì thế, hiệu quả bảo vệ trực tiếp đối với quyền con người sẽ bị hạn chế vì những lợi ích chính trị của nhà cầm quyền.
Trong một số nhà nước như các nhà nước xã hội chủ nghĩa, với quan điểm truyền thống cho rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, là cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân nên là cơ quan cao nhất có quyền lập hiến và lập pháp, không có cơ quan nào có đủ tư cách để kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật của Quốc hội. Do đó, những Nhà nước này thường không thiết lập một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp. Thay vì thiết lập Tòa án Hiến pháp, các Nhà nước này sẽ giao quyền kiểm hiến cho Quốc hội. Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng Hiến pháp giúp Quốc hội thực hiện chức năng kiểm hiến. Quốc hội là cơ quan lập pháp, lại thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các đạo luật đó thì không khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nếu có một đạo luật nào đó vi hiến, Quốc hội cũng sẽ làm cho nó hợp hiến bằng cách giải thích pháp luật thay vì sửa đổi, hay bãi bỏ chúng. Điều đó là một bất cập. Một thực tế hiển nhiên cho thấy, không phải đạo luật nào do Quốc hội làm ra đều thể hiện ý chí hay lợi ích của các tầng lớp dân cư. Và không phải đại biểu Quốc hội nào cũng đã làm tròn trách nhiệm đại diện của mình trước cử tri, đại diện cho lợi ích của họ. Việc thành lập một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập hoặc giao quyền kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp cho các Tòa án vẫn là một giải pháp tối ưu cho việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
3. Bảo đảm quyền con người - Tư tưởng chủ đạo của Hiến pháp năm 2013
Quyền con người, quyền công dân là những nội dung trọng tâm của Hiến pháp năm 2013. Kế thừa những quy định về quyền con người, quyền công dân được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số quyền mới, đồng thời quy định rõ hơn nội hàm của các quyền, phản ánh xu hướng hội nhập và phát triển của Việt Nam. Theo đó, có 05 điều chứa đựng 05 quyền hoàn toàn mới so với Hiến pháp năm 1992, đồng thời 29 điều khác đều được bổ sung, sửa đổi. Các quyền mới trong Hiếp pháp năm 2013 là quyền sống (Điều 19), quyền tiếp cận thông tin (Điều 25), quyền an sinh - xã hội (Điều 34), quyền thụ hưởng các giá trị văn hóa (Điều 41) và quyền về môi trường (quyền được sống trong môi trường trong lành) (Điều 43).
Liên quan đến quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền vốn có từ khi con người sinh ra, Hiến pháp năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh những nguyên tắc nền tảng bảo đảm quyền con người như: Quyền về an toàn thân thể, danh dự, nhân phẩm và quyền xét xử công bằng của những người tham gia tố tụng, bao gồm các bảo đảm tố tụng cho quyền được đối xử bình đẳng trước pháp luật và trước Tòa án, quyền được suy đoán vô tội, quyền không phải đưa ra các chứng cứ buộc tội mình, quyền im lặng, quyền được xét xử kịp thời, công bằng, công khai, quyền được bào chữa... Có thể khẳng định, bảo đảm quyền con người, quyền công dân là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt của Hiến pháp năm 2013. Đó không chỉ là những quy định về các quyền hay nguyên tắc bảo đảm quyền con người mà bảo vệ quyền con người còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội, trước hết là của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân... Từ Đảng Cộng sản đến các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đều phải “phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”, đồng thời phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” (Điều 4, Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013). Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến” (Điều 69) thay vì Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến như trước đây, điều đó cho thấy nhân dân Việt Nam mới là chủ thể “xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp”. Hiến pháp chính là ý chí của toàn dân, là bản khế ước bảo đảm các quyền của người dân, từ những quyền tự nhiên, cơ bản, vốn có của người dân như quyền sống, quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc... cho đến những quyền được tham gia một cách bình đẳng và công bằng vào việc quản lý và điều hành đất nước, cơ hội được phát triển và được bảo đảm sống trong môi trường an toàn. Đối với hành pháp và tư pháp, Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có nghĩa vụ “bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân” (khoản 6 Điều 96) và lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp phân định rõ: “Tòa án thực hiện quyền tư pháp”, đồng thời sứ mệnh hàng đầu đặt ra cho Tòa án là nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, sau đó mới đến bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (khoản 3 Điều 102). Tương tự như vậy, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân... (khoản 3 Điều 107). Đối với các cá nhân, “cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”, đồng thời phải chống “mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Điều 8).
Hiến pháp đã khẳng định việc tôn trọng các quyền và tự do của mỗi người phải đặt trong mối quan hệ với việc tôn trọng quyền và tự do của người khác. Montesquieu đã khẳng định rằng, việc thực hiện tự do của người này không thể là sự ảnh hưởng, sự xâm hại đến tự do của người khác, mà tự do phải trong khuôn khổ của pháp luật, trong sự cho phép của xã hội và của trật tự khế ước xã hội. Hiến pháp năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người với tư cách là thành viên của xã hội và tư cách là công dân của một Nhà nước phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Điều này vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi mà xu hướng tuyệt đối hóa nhấn mạnh đến quyền mà quên đi nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của cá nhân đối với người khác, với cộng đồng và xã hội. Đây cũng là những giá trị nền tảng của văn hóa truyền thống cũng như các nguyên tắc và hướng dẫn của cộng đồng quốc tế, nhất là của Liên Hợp Quốc về việc khuyến khích trách nhiệm, bổn phận của mỗi người đối với tôn trọng quyền của người khác. Mặc dù trong lịch sử lập hiến Việt Nam chưa bao giờ thiết lập cơ chế tài phán Hiến pháp để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp và các quyền hiến định của con người, tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 cũng đã nhấn mạnh đến thiết chế để thực hiện quyền con người hiệu quả, đó là việc quy định để ngỏ cho việc hình thành thiết chế độc lập giúp bảo vệ hiệu quả các nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp cũng như của quyền con người. Khoản 2 Điều 119 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.
Với tư cách là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao của mỗi quốc gia, Hiến pháp ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh đời sống chính trị của mỗi Nhà nước. Theo từng thời kỳ, vai trò của Hiến pháp luôn có sự thay đổi. Nhưng cho dù có sự thay đổi như thế nào thì Hiến pháp vẫn luôn giữ chức năng cổ điển vốn có của nó là giới hạn quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp chính là bản khế ước xã hội giữa Nhà nước và người dân trong việc bảo đảm nhân quyền.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 113.
[2]. GS. Hoàng Văn Hảo, Hiến pháp Việt Nam và vấn đề quyền con người, quyền công dân. Bài đăng trong Hiến pháp, pháp luật và quyền con người - Kinh nghiệm Việt Nam và Thụy Điển, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Raoul Wallenberg về Quyền con người và Luật nhân đạo - Đại học Lund - Thụy Điển, H. 2001, tr. 148.
[3]. GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 113.
[4]. PGS. TS. Vũ Công Giao, Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam: Sơ bộ phân tích so sánh. Bài đăng trong Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập 2, Nxb. Hồng Đức, H. 2012, tr. 33.
[5]. GS. TS. Nguyễn Đăng Dung, Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr. 120.
[6]. GS.TSKH. Đào Trí Úc, Giáo trình Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 121 - 122.