Trong những sự khác biệt đó, sự khác biệt về phương diện hiệu lực là sự khác biệt lớn nhất và có hậu quả lớn đối với quan hệ gia đình và đối với xã hội. Hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm các vấn đề pháp lý liên quan tới điều kiện có hiệu lực, vô hiệu, giải thích và thực hiện hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì quan hệ về nhân thân giữa họ không thay đổi, đây là điểm khác biệt với ly thân. Là một loại hợp đồng nên hợp đồng chia tài sản chung này cũng phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực nói chung của hợp đồng, bên cạnh đó, nó còn có những điều kiện đặc thù…
Trong bài viết, tác giả đề cập đến các nội dung chính đó là khái niệm và đặc điểm hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; một số nội dung về hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
1. Dẫn nhập
Gia đình là một chế định gắn bó với đời sống của một xã hội cụ thể. Nó phản ánh những đặc điểm truyền thống, văn hóa của xã hội đó sát thực và sâu sắc. Chẳng hạn: Khoản 5 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 khẳng định nguyên tắc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”. Do đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình có những khác biệt giữa các hệ thống pháp luật của các nước khác nhau mặc dù các hệ thống này đều xem luật gia đình là một chế định cơ bản của luật tư hay luật dân sự. Trong quan hệ gia đình, ngoài tình cảm thiêng liêng, thì vấn đề hôn sản khá phức tạp nhưng phụ thuộc khá nhiều vào những đặc điểm riêng của chế định gia đình ở từng nước. Nhà làm luật của mỗi quốc gia đều lựa chọn chế độ hôn sản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán, truyền thống và nguyện vọng của các cặp vợ chồng[1]. Hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân về mặt khoa học pháp lý nói chung không phải là vấn đề mới của pháp luật về gia đình ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng do các đặc điểm riêng của từng chế độ hôn nhân xây dựng trên các nền tảng xã hội và pháp luật khác nhau như trên, nên hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nói chung và hiệu lực của loại hợp đồng này nói riêng ở các nước trên thế giới mà thừa nhận loại hợp đồng này không hoàn toàn đồng nhất về quan niệm.
Ở Việt Nam, bước vào thời kỳ đổi mới, quan niệm về gia đình phong kiến và quan niệm gia đình theo kiểu xã hội chủ nghĩa cũ đang dần dần bị thay thế bởi một quan niệm gần gũi hơn với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Sự thay đổi về quan niệm này chủ yếu diễn ra trong mối quan hệ tài sản giữa các thành viên gia đình đối với nhau và giữa gia đình với những người ngoài gia đình. Bởi vậy, ở Việt Nam hiện nay, đã thừa nhận việc chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà với pháp luật về hôn nhân và gia đình trước kia vẫn còn là một vấn đề khá xa lạ. Cho nên, khi nghiên cứu hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Việt Nam cần chú ý tới các vấn đề sau: (i) Hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là một vấn đề thuộc luật tư có mối liên hệ không thể tách rời với các vấn đề pháp lý chung của hợp đồng, tài sản và gia đình; (ii) Hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nói chung và hiệu lực của hợp đồng này nói riêng không thể tách rời chế độ hôn sản theo một hệ thống pháp luật cụ thể.
2. Khái niệm và đặc điểm hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
PGS.TS. Ngô Huy Cương chỉ ra khái niệm hiệu lực của hợp đồng theo nghĩa rộng bao gồm các vấn đề như thi hành hợp đồng, giải thích cho ý chí của của các bên tham gia quan hệ hợp đồng và kiềm chế hoặc bảo đảm cho việc biểu lộ ý chí, theo nghĩa hẹp bao gồm thi hành hợp đồng và giải thích cho ý chí của của các bên tham gia quan hệ hợp đồng[2]. Tác giả Vũ Văn Mẫu đã xác định rõ ràng về phạm vi của hiệu lực của hợp đồng và chỉ rõ nghiên cứu hiệu lực của hợp đồng bao gồm nghiên cứu hiệu lực của nghĩa vụ và vấn đề giải thích hợp đồng[3]. Đây chính là nội dung của hiệu lực hợp đồng mà cần phải triển khai nghiên cứu sau khi đã nghiên cứu điều kiện có hiệu lực, phạm vi của hiệu lực và thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Ở hệ thống Common Law, vấn đề cốt yếu của hiệu lực của hợp đồng được thể hiện trong học thuyết “Privity of contract” (tạm dịch là quan hệ pháp lý giữa các bên). Học thuyết này có nội dung chủ yếu là chỉ các bên thực tế của hợp đồng có quyền và nghĩa vụ bắt buộc theo hợp đồng, tuy nhiên có ngoại lệ đối với bên thứ ba có lợi ích[4]. Dù không nghiên cứu một cách khái quát như ở các nước theo hệ thống Civil Law, nhưng luật hợp đồng ở các nước theo Common Law cũng nghiên cứu những vấn đề pháp lý giống như ở các nước theo Civil Law như điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, giải thích hợp đồng và thực hiện hợp đồng. Trong phiên bản năm 2004 của Unidroit giới thiệu Bộ Nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế, quan niệm rộng về hiệu lực của hợp đồng đã được đưa ra nhưng không bao gồm nội dung của hiệu lực của hợp đồng mà chỉ liên quan tới các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng vô hiệu[5]. Phần giải thích hợp đồng và thực hiện hợp đồng được tách riêng tại đó. Tuy nhiên, các vấn đề này về mặt học thuật là một thể thống nhất. Qua các phân tích ở trên có thể rút ra: “Hiệu lực của hợp đồng chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm các vấn đề pháp lý liên quan tới điều kiện có hiệu lực, vô hiệu, giải thích và thực hiện hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”.
Hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không thể tách rời một chế độ hôn sản nhất định. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ định nghĩa: “Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về (sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản vợ và chồng theo luật định”[6]. Định nghĩa này bao quát phần lớn các quan hệ về tài sản trong các chế độ hôn sản và xuất phát từ các qui định pháp luật về hôn nhân và gia đình trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời.
Các nhà luật học Châu Âu đã nghiên cứu so sánh các chế độ tài sản của vợ chồng trong khu vực Châu Âu và thấy rằng, trong một số nền tài phán có sự kết hợp nhiều chế độ hôn sản với nhau, chẳng hạn những chế độ hôn sản khác nhau có thể được kết hợp theo cách chúng được áp dụng đối với những loại tài sản khác nhau như bất động sản hoặc động sản đặc biệt; đặc biệt hôn ước có thể thiết lập đối với tài sản hiện có hoặc sẽ có trong tương lai[7]. Các chế độ hôn sản khá đa dạng và phức tạp này cho thấy các giải pháp liên quan tới các tranh chấp tài sản trong thời kỳ hôn nhân cần được đa dạng hóa, vì vậy, hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không phải là một chế định hoàn toàn đồng nhất.
Trước hết phải nói khi chia tài sản chung của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân thì quan hệ về nhân thân giữa vợ và chồng không thay đổi, và đây là điểm khác biệt giữa chế định chia tài sản chung của vợ chồng và chế định ly thân[8]. Hôn nhân nếu được xem là một hợp đồng, thì hợp đồng này có hiệu lực liên quan tới cả nhân thân và tài sản. Nhưng nếu xem hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng là sự thống nhất ý chí thay đổi quan hệ vợ chồng (hay thay đổi quan hệ hợp đồng hôn nhân giữa vợ và chồng), thì hợp đồng này chỉ làm thay đổi quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, có nghĩa là nó chỉ có hiệu lực đối với quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng. Có thể thấy, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là một trong những trường hợp chia tài sản của vợ chồng bởi việc chia tài sản này có thể là do pháp luật (không tự nguyện) hoặc do tự nguyện (thống nhất ý chí của vợ và chồng). Nói tới chia tài sản chung của vợ chồng theo chế độ hôn ước, có ý kiến cho rằng: Nếu lựa chọn chế độ tài sản chung, thì vợ chồng thỏa thuận trong hôn ước các vấn đề liên quan tới các thành phần của tài sản chung của vợ chồng, đồng thời tài sản riêng của mỗi bên (nếu có); trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng và quyền lợi của mỗi bên; giải quyết món nợ phát sinh từ đời sống chung của gia đình…; và thông thường pháp luật có qui định chặt chẽ về việc thay đổi hôn ước vì người thứ ba có quyền lợi liên quan tới tài sản của vợ chồng[9]. Hôn ước ở Việt Nam được xem là sự thỏa thuận bằng văn bản do vợ chồng lập trước khi kết hôn để quy định chế độ tài sản của vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân mà nội dung của nó quy định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản đó, cũng như trong việc thực hiện giao dịch giữa họ với người thứ ba[10]. Việc gắn hoàn toàn hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng vào hôn ước và đòi hỏi pháp luật phải quy định chặt chẽ về hợp đồng này là chưa thuyết phục vì có thể làm ảnh hưởng tới tự do ý chí. Tuy nhiên, hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng có thể gây ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ của vợ, chồng tới người thứ ba trong gia đình. Vì vậy, pháp luật phải kiểm soát hiệu lực của hợp đồng liên quan tới người thứ ba trong gia đình, thậm chí ngoài gia đình trong trường hợp của thương nhân vợ chồng.
3. Một số nội dung về hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Là một loại hợp đồng, do đó, hợp đồng này cũng như các hợp đồng thông thường khác phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực nói chung của hợp đồng, tuy nhiên có những điều kiện đặc thù. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các điều kiện có hiệu lực chung của giao dịch dân sự bao gồm: (i) Điều kiện về năng lực chủ thể; (ii) Điều kiện về tính tự nguyện; (iii) Điều kiện về tính không vi phạm điều cấm và đạo đức xã hội; (iv) Điều kiện về tuân thủ qui định pháp luật đối với hình thức của giao dịch[11]. Năng lực chủ thể của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực chủ thể của kết hôn, trừ trường hợp một bên bị mất năng lực hành vi dân sự trong thời kỳ hôn nhân trước khi giao kết hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng. Việc giao kết hợp đồng này phải hoàn toàn tự nguyện. Các bên vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp không thể thỏa thuận được về việc chia tài sản chung. Việc chia tài sản chung của vợ chồng không thể chống lại các nghĩa vụ được chăm sóc, cấp dưỡng của con và trốn tranh các nghĩa vụ khác. Khoản 2 Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu nếu nằm trốn tránh các nghĩa vụ như: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản do luật định. Việc tuyên vô hiệu đối với việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (theo khoản 1 Điều 42) khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là một vấn đề có tính đặc thù. Tuy nhiên, với các quy định này có thể gây ra nhiều tranh luận mà khó có hồi kết bởi: Thứ nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của con có thể đã nằm trong phạm vi của nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; thứ hai, lợi ích chung của gia đình là một vấn đề khá mơ hồ, khó có thể giải thích đầy đủ trong những trường hợp cụ thể. Các quy định này dễ bị lợi dụng để chống lại tự do ý chí. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như trên đã nghiên cứu có thể dẫn tới hậu quả xấu cho người thứ ba cả trong và ngoài gia đình như vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, pháp luật một mặt không can thiệp để cản trở tự do ý chí một cách thái quá nhưng mặt khác kiểm soát hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để tránh những hậu quả xấu xảy ra. Về mặt hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, trước hết, pháp luật thường quy định chặt chẽ về hình thức của hợp đồng để bảo đảm tính minh bạch, chắc chắn và có cân nhắc kỹ lưỡng của các bên giao kết. Hình thức văn bản của hợp đồng phải bằng văn bản, có thể đòi hỏi phải có công chứng, chứng thực hay phải qua một thủ tục giao kết đặc biệt. Đòi hỏi giao kết hợp đồng phải qua một thủ tục đặc biệt còn có lý ở chỗ, loại hợp đồng này (như trên đã nói) gắn chặt với hợp đồng hôn nhân trong khi hợp đồng hôn nhân bị đòi hỏi phải giao kết với một thủ tục đặc biệt ở hầu hết các nền tài phán. Vì vậy, khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”. Các quy định này chưa thực sự thỏa đáng về phương diện bảo vệ các quan hệ sở hữu liên quan tới các nghĩa vụ trọng yếu của gia đình như trên đã nói vì thiếu một thủ tục giao kết đặc biệt hay một yêu cầu đặc biệt về giao kết. Các quy định về hình thức của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân ảnh hưởng tới vấn đề thời điểm có hiệu lực của loại hợp đồng này. Điều 39 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được thể hiện bằng văn bản hoặc từ ngày lập văn bản trong trường hợp văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực (khoản 1). Tuy nhiên, trong khối tài sản chung của vợ chồng có thể có tài sản đòi hỏi phải được chuyển dịch theo thể thức đặc biệt thì theo đạo luật này, hợp đồng chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực kể từ thời điểm các quy định về thể thức đặc biệt này đã được tuân thủ đầy đủ (khoản 2 Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung” (khoản 1 Điều 38). Các quy định này cho thấy sự thừa nhận loại hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và hiệu lực của hợp đồng này đối với không chỉ các bên, mà còn đối với cả tài sản. Để hiểu rõ hiệu lực của hợp đồng này, người ta không thể không tìm hiểu quan niệm về tài sản chung. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, chế độ hôn sản của Việt Nam hiện nay có lẽ được chú trọng hay xây dựng trên nền tảng tài sản chung của vợ chồng bởi khoản 3 Điều 33 của đạo luật này có quy định: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. Và tài sản chung có vai trò “dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng” (khoản 2 Điều 33). Tài sản chung ở đây có nhiều nguồn gốc khác nhau như tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực đối với tất cả các tài sản này. Tuy nhiên, hiệu lực của loại hợp đồng này có sự khác biệt liên quan tới những loại tài sản đặc biệt chẳng hạn như quyền sử dụng đất. Bởi quyền đất đai là tài sản đặc biệt liên quan tới chỗ ở và nguồn sống chủ yếu của nhiều gia đình do đó Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ấn định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng (khoản 1 Điều 33). Quy định này khẳng định thêm về chế độ hôn sản của Việt Nam hiện nay có lẽ được chú trọng hay xây dựng trên nền tảng tài sản chung của vợ chồng như trên đã nhận định.
Ngoài những nội dung về hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nhằm bảo đảm cho điều kiện có hiệu lực của loại hợp đồng này như đã phân tích ở trên, pháp luật thường loại trừ hiệu lực của loại hợp đồng này liên quan tới phần hoặc một vài tài sản nhất định để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng đã xác lập trước khi hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cụ thể được giao kết. Chẳng hạn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” (khoản 4 Điều 33).
Mặc dù là một đạo luật khá tiến bộ trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhưng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn khá nhiều hạn chế, nhất là về những vấn đề pháp lý mới phát sinh, chẳng hạn như hiệu lực của hợp đồng chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Các hạn chế này có thể gây khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp thực tiễn. Vì vậy, đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung nhất định cho đạo luật này nhưng trước hết phải xuất phát từ những nghiên cứu sâu về mặt lý luận.
Đại học Lao động - Xã hội Hà Nội
[1]. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 28.
[2]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung (dùng cho đào tạo sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 542.
[3]. Vũ Văn Mẫu (1963), Việt Nam Dân Luật luợc khảo, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 242.
[4]. Daniel Khoury, Yvonnes S Yamouni (1989), Understanding Contract Law, Second edition, Butterworths, Australia, pp. 164 - 165.
[5]. Xem Unidroit (2004), Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nhà pháp luật Việt - Pháp dịch ra tiếng Việt, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2005, tr. 1266 - 201.
[6]. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 8 - 9.
[7]. Katharina Boele-Woelki, Frédérique Ferrand, Cristina González Beilfuss, Maarit Jantera-Jareborg, Nigel Lowe, Dieter Martiny, Walter Pintens (2013), Principles of European Family Law Regarding Property Relations Between Spouses, Intersentia, Cambridge – Antwerp – Porland, p.101.
[8]. Nguyễn Hồng Hải (2003), “Bàn thêm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam”, Tạp chí Luật học, Số 5/2003, Đại học Luật Hà Nội.
[9]. Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 30 - 31.
[10]. Nguyễn Hồng Hải (2008), “Khái quát tài sản của vợ chồng trong pháp luật hôn nhân và gia đình của một số nước trên thế giới”, Trang Thông tin pháp luật dân sự, 08/10/2008.
[11]. Xem Ngô Huy Cương (2017), Luật Dân sự 1, Bài giảng điện tử.