Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được thông qua với nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước kịp thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Về kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã thực hiện 707 vụ tham gia tố tụng cho 707 người được trợ giúp pháp lý, trong đó, 68 người có công với cách mạng, 44 người thuộc hộ nghèo, 02 người dân tộc thiểu số, 178 trẻ em, 318 người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, 22 người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, 01 thân nhân của liệt sỹ, 02 người nhiễm chất độc da cam, 21 người cao tuổi, 50 người khuyết tật, 01 người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự là những người có khó khăn về tài chính. Ngoài ra, Trung tâm còn giải đáp hơn 1.000 vướng mắc pháp luật cho người dân tại trụ sở.
Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 527 vụ (chiếm 74%), luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện 180 vụ (chiếm 26%). Mặc dù những năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng số người được trợ giúp pháp lý vẫn tăng, số vụ việc trợ giúp pháp lý hàng năm đều tăng từ 10% - 20%, năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng đã được Sở Tư pháp chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, lấy người được trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong xét xử và tiếp cận công lý.
2. Về đánh giá chất lượng, thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý
Việc thẩm định vụ việc trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện đối với 100% hồ sơ vụ việc hoàn thành (707 vụ). Kết quả thẩm định vụ việc trợ giúp pháp lý đều đạt chất lượng tốt và được thể hiện bằng văn bản, lưu trong hồ sơ vụ việc.
Đối với công tác quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, tổ đánh giá gồm có Lãnh đạo Sở Tư pháp, phòng chuyên môn nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Đoàn Luật sư tỉnh và những trợ giúp viên pháp lý, luật sư có kinh nghiệm trong công tác trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp tổ chức đánh giá 141 vụ việc trợ giúp pháp lý, chiếm khoảng 30% trên tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành, trong đó, hình sự là 97 vụ, dân sự là 44 vụ. Kết quả đánh giá là 141 vụ việc đạt chất lượng tốt (đạt 100%).
Qua hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, nâng cao hiệu quả và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, bảo đảm người dân đều được thụ hưởng môi trường pháp lý công bằng và chất lượng như nhau, đồng thời là cơ sở để bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc tổ chức lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân của người được trợ giúp pháp lý về mức độ hài lòng của họ được thực hiện nghiêm túc và thực hiện cho 100% số vụ việc hoàn thành. Hầu hết, người được trợ giúp pháp lý hài lòng với kết quả của vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá cao về tinh thần, thái độ phục vụ, cách thức thực hiện, nội dung trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai ở cơ sở. Đa số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đánh giá nhiều trợ giúp viên pháp lý đã đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị nội dung bào chữa với lập luận chặt chẽ, sắc bén và tranh luận sôi nổi tại phiên toà. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý khi tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý tâm huyết với nghề, tận tâm, nhiệt tình với công việc, quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Qua đó, tạo dựng được uy tín của hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp viên pháp lý nói riêng đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Số lượng vụ việc thành công, hiệu quả chiếm gần 40% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý với 268 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả (238 vụ tham gia tố tụng hình sự, 30 vụ việc tham gia tố tụng dân sự), trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 224 vụ việc (chiếm 83,58%).
Việc Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2021 ban hành tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công đã giúp cho Sở Tư pháp có cơ sở thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Qua đó, có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý, vinh danh, khích lệ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc đưa ra các tiêu chí để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cũng góp phần giúp xã hội, cơ quan, tổ chức và người dân nhìn nhận rõ hơn về ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
3. Công tác chỉ đạo, phối hợp về trợ giúp pháp lý tại địa phương
Là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý ở địa phương, Sở Tư pháp luôn kịp thời chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước triển khai các hoạt động đi vào trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức ban hành, triển khai các chương trình, hoạt động phối hợp về trợ giúp pháp lý; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3135/KH-UBND ngày 02/11/2017 về triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 849/UBND-NCPC ngày 27/4/2020 về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Công văn số 849/UBND-NCPC); tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; nâng cấp Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp trong đó có nội dung riêng về hoạt động trợ giúp pháp lý; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập Trang thông tin điện tử Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương theo từng giai đoạn.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động trợ giúp pháp lý đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp quan tâm, tăng cường thực hiện thông qua chế độ báo cáo thống kê hoặc các cuộc kiểm tra trực tiếp, qua đó, Sở Tư pháp đã phát hiện kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương.
Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý ở địa phương, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2381/QĐ-UBND ngày 25/9/2018 kiện toàn Hội đồng gồm có 07 thành viên do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng ngay sau khi Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC) có hiệu lực. Chủ tịch Hội đồng cũng đã kiện toàn tổ giúp việc của Hội đồng. Công tác kiện toàn Hội đồng, tổ giúp việc được thực hiện thường xuyên để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả.
Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu Hội đồng ban hành Kế hoạch phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, ban hành một số văn bản chỉ đạo các ngành thành viên thực hiện; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC tại 08 cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, sau khi Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC được ban hành, công tác phối hợp giữa các ngành đã có chuyển biến rõ rệt, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được các cơ quan, cá nhân có liên quan trên địa bàn quan tâm, phối hợp.
Với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp nên số lượng bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để được trợ giúp pháp lý ngày càng tăng. Cơ quan, người tiến hành tố tụng luôn trên địa bàn luôn tạo điều kiện để người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện theo các nhiệm vụ theo quy định của bộ luật, luật về tố tụng, cụ thể:
Cơ quan cảnh sát điều tra đã tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Khi người bị buộc tội dưới 18 tuổi có yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì các cơ quan cảnh sát điều tra đã giải thích quyền được trợ giúp pháp lý. Việc giải thích được thể hiện trong biên bản tố tụng để lưu tại hồ sơ vụ án; thông báo và thông tin về trợ giúp pháp lý, thực hiện việc đăng ký bào chữa theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Các cơ sở giam giữ đều thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định cho người dưới 18 tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý; niêm yết tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng tạm giữ, tạm giam, tại nơi làm thủ tục tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng thăm gặp, phòng làm việc của người bào chữa và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và chuyển đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cùng với thông báo trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc hướng dẫn cho người dân tiếp cận được với chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước. Đối với các vụ án có đối tượng là trẻ em, người dưới 18 tuổi, Tòa án nhân dân có biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho các đương sự và lưu trong hồ sơ tố tụng.
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thông báo lịch xét xử cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp kết hợp kiểm sát việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, chủ động liên hệ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi theo quy định pháp luật và quy chế phối hợp của Hội đồng.
Để người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý kịp thời, ngày 27/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có Công văn số 849/UBND-NCPC chỉ đạo Sở, ban, ngành trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu phát hiện công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh trong quá trình giải quyết vụ án khi phát hiện có người thuộc diện trợ giúp pháp lý đã thực hiện tốt việc giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã làm thông báo trợ giúp pháp lý gửi cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý theo pháp luật. Một số trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhưng chưa yêu cầu trợ giúp pháp lý cũng được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi thông tin trợ giúp pháp lý để Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động liên hệ, giải thích thêm cho họ hiểu về chính sách trợ giúp pháp lý. Hàng năm, số vụ việc do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo về Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chiếm khoảng 80% tổng số vụ việc thụ lý.
Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa cho họ.
Đồng thời, để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý trên địa bàn, theo đề nghị Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tài chính đã bố trí kinh phí gần 500.000.000 đồng để chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời, Sở Tư pháp đã ký kết với Tòa án nhân dân tỉnh Kế hoạch liên tịch số 1452/KHLT-STP-TAND ngày 27/6/2022 về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân 02 cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; đã trang bị pano bảng danh sách người trực tại Tòa án 02 cấp, pano bảng thông tin trợ giúp pháp lý để niêm yết tại Tòa án nhân dân theo kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022 giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân.
4. Công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý
Xác định công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý cho các đối tượng trợ giúp pháp lý, trong giai đoạn này, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức 170 đợt truyền thông về công tác trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật tại cơ sở, cấp phát 56.247 tờ gấp các loại cho 8.843 lượt người tham dự, giải đáp thắc mắc về pháp luật cho 979 lượt người dân. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh tổ chức 05 đợt truyền thông về công tác trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật cho phụ nữ tại các huyện Bến Cầu, Tân Biên, Tân Châu và Trảng Bàng với 295 lượt người dự.
Nhằm đổi mới trong công tác truyền thông, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, 06 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với Thành đoàn thành phố Tây Ninh và Phòng Tư pháp thành phố tổ chức được 02 đợt truyền thông công tác trợ giúp pháp lý bằng hình thức trực tuyến thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên và nhân dân quan tâm, theo dõi và sẽ tiếp tục thực hiện 02 đợt truyền thông nữa vào quý 3 và quý 4 năm 2022.
Trong quá trình triển khai chính sách trợ giúp pháp lý và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, địa phương cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc quy định về điều kiện có khó khăn về tài chính đi kèm với một số nhóm người quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nên đã hạn chế số lượng người thuộc diện trợ giúp pháp lý; các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết rất nhiều vụ án, có những vụ án hình sự, dân sự như là hụi, họ, cho vay nặng lãi, số bị can, bị cáo, bị hại, đương sự rất đông, có vụ lên đến hàng trăm người nên việc thực hiện đầy đủ các bước giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC sẽ phát sinh lượng hồ sơ rất lớn, gây áp lực cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; phần mềm Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý chưa được ổn định và có sự thay đổi về chi thù lao tham gia vụ việc trợ giúp pháp lý, có sự thay đổi về tiêu chí xác định vụ việc thành công, hiệu quả... gây khó khăn cho việc cập nhật vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành lên hệ thống.
5. Một số kiến nghị, đề xuất
Để hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao trong thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền xem xét mở rộng diện người được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, cụ thể: Các đối tượng theo khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 không cần có điều kiện có khó khăn về tài chính; người thuộc hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cần quan tâm để nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng để ngang bằng với các chức danh tư pháp khác. Do đó, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét thay đổi tên gọi chức danh trợ giúp viên pháp lý thành tên gọi khác để bảo đảm xứng tầm với các chức danh khác trong quá trình tham gia tố tụng.
Thứ ba, Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ sớm hoàn thiện, bổ sung các chức năng của phần mềm Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương cập nhật, khai thác số liệu phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành; tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm để chia sẻ những kinh nghiệm tốt của các địa phương trong quá trình tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại địa phương tiếp tục quan tâm đến chính sách trợ giúp pháp lý, thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình theo quy định để hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thụ hưởng được chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Hiệu quả hoạt động và phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Tây Ninh
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được thông qua với nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực
Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh