Chuyên gia trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Với những thông tin mà bạn cung cấp thì bố bạn có vay ngân hàng 100 triệu đồng, theo quy định trên thì bố bạn phải trả đủ tiền cho ngân hàng khi đến hạn. Tuy nhiên, bố bạn đã mất một tháng sau khi làm hợp đồng vay. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.
Như vậy, trong trường hợp bố bạn có để lại di chúc thì người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng tương ứng với phần di sản nhận được, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nếu bố bạn không để lại di chúc thì những người hưởng thừa kế theo pháp luật (gồm những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tóm lại, việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng là nghĩa vụ bắt buộc khi người thừa kế đồng ý nhận di sản thừa kế./.
Gia Bảo