1. Một số đặc điểm về vị trí, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ và Nam Bộ, có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đơn vị hành chính gồm 09 huyện, 02 thành phố; có 170 xã, phường, thị trấn. Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước với 32 khu công nghiệp đang hoạt động, khoảng 1,3 triệu lao động (trong đó, 70% là lao động ngoài tỉnh); có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng 1.561 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 33,25 tỷ USD; có 48,620 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 466 nghìn tỷ đồng, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Những năm qua, kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Về dân cư, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh với gần 3,3 triệu dân, đứng thứ 5 cả nước. Đồng Nai là tỉnh đa dân tộc, nhiều tôn giáo, có 50 thành phần dân tộc cùng với khá đông người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, có 42 tổ chức thuộc 11 tôn giáo đang hoạt động, với 2.289.291 tín đồ các tôn giáo, chiếm gần 70% tổng số dân toàn tỉnh; hơn 11.000 chức sắc, nhà tu hành, hơn 24.000 chức việc, 1.796 cơ sở thờ tự tôn giáo và 624 tín ngưỡng…
Bên cạnh đó, Đồng Nai có hệ thống đường quốc gia đi qua gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và hệ thống các cảng biển; đồng thời đang triển khai hệ thống các tuyến giao thông huyết mạch khác như Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu; đường Vành đai 3 và cảng Phước An, cụm cảng biển nhóm V…, là hệ thống giao thông đối ngoại quan trọng, kết nối tỉnh Đồng Nai với các tỉnh lân cận, thúc đẩy giao lưu và trao đổi kinh tế.
Những đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh kế xã hội ở Đồng Nai nói chung, đặc biệt nguồn nhân lực tương đối dồi dào là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, cũng đặt ra những vấn đề trong công tác ổn định an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn.
2. Kết quả công tác dân vận trong tham gia bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH nói riêng, trong những năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã đặc biệt chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện công tác dân vận, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác dân vận thành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai, Quy định về trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong việc lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thành lập Ban chỉ đạo công tác Dân vận tỉnh, Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban Chỉ đạo.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Tỉnh ủy Đồng Nai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ trên lĩnh vực an ninh, trật tự; ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc; triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh; tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng ủy Công an tỉnh chủ động tổ chức và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều nội dung, biện pháp phong phú trên cả 02 địa bàn (trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trong cụm dân cư), nhất là tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh, địa bàn có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo. Kết quả, từ năm 2020 đến nay đã tổ chức tuyên truyền trên 7.000 cuộc có hơn 01 triệu lượt người tham dự; tổ chức biên soạn, in ấn và phát hành trên 63.000 cuốn tài liệu, đĩa DVD, tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, trật tự an toàn giao thông; treo trên 5.265 băng rôn, khẩu hiệu... Phối hợp với các cơ quan báo, đài hàng năm phát hành hàng trăm tin bài phản ảnh gương người tốt, việc tốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua đó, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều tin có giá trị giúp lực lượng Công an triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm. Các tổ hòa giải tại cơ sở cùng với người có uy tín trong cộng đồng dân cư đã tổ chức hòa giải trên 600 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh phức tạp ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự; các vụ đình công trên địa bàn tỉnh chủ yếu liên quan đến nội dung về quyền lợi kinh tế, thu nhập của người lao động.
Với quan điểm công tác dân vận phải xây dựng mối quan hệ gắn bó “máu thịt” với nhân dân, dựa vào dân, cùng với nhân dân thực hiện phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm để bảo vệ ANCT, giữ gìn TTATXH, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các ngành, địa phương tổ chức các đợt phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với công tác dân vận; hằng năm tổ chức ít nhất 03 đợt ra quân công tác dân vận cấp tỉnh, gần 100 đợt ra quân cấp huyện và cơ sở với nhiều hoạt động ý nghĩa như tuyên truyền pháp luật, trao tặng nhà tình thương, học bổng, nhu yếu phẩm, cây con giống, thẻ Bảo hiểm y tế, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, ra quân bê tông hóa, cứng hóa, phát quang các tuyến đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương… với tổng giá trị mỗi đợt ra quân trên 05 tỷ đồng.
Một trong những điểm nổi bật của Đồng Nai là thành lập và duy trì “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự”; từ năm 2015 đến nay đã huy động được 10 tỷ 854 triệu đồng, cho 679 người hoàn lương vay số tiền 21,914 tỷ đồng để có điều kiện lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Công an tỉnh hướng dẫn cho các địa phương xây dựng các Câu lạc bộ “Người hoàn lương” để giúp đỡ đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù, đi cơ sở giáo dục sớm tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 59 Câu lạc bộ “Người hoàn lương” với 1.605 thành viên, qua đó giúp đỡ trên 100 người có vốn kinh doanh, sản xuất, tạo việc làm.
Trong giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến công tác tôn giáo, công tác dân tộc và an ninh, trật tự trên địa bàn, Đồng Nai đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác dân vận để làm tốt công tác dân vận, vận động, thuyết phục, sử dụng người có uy tín, chức sắc các tôn giáo, người có ảnh hưởng và mối quan hệ để giải quyết các vụ việc, không để xảy ra mâu thuẫn lương - giáo trong quần chúng nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, không để ảnh hưởng xấu, phức tạp, kéo dài. Tỷ lệ các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự đã giảm rõ rệt, các vụ việc về đất đai tôn giáo cơ bản được giải quyết dứt điểm, không để tồn tại; giải quyết có hiệu quả các nhu cầu thiết yếu của các tổ chức tôn giáo, nên đã tranh thủ được sự ủng hộ đồng tình của các chức sắc và đồng bào có đạo.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng từ các chi bộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được thực hiện có hiệu quả trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, trở thành mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo để nhân ra diện rộng. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình như: Mô hình tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với công tác dân vận Chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự của Công an tỉnh; mô hình “Nụ cười cảnh sát giao thông”, “Làm hết việc, không hết giờ”, phong trào “Cảnh sát quản lý hành chính tận tình vì nhân dân phục vụ”; mô hình “Mỗi ngày làm một việc tốt có lợi cho dân”; mô hình “Tuyên truyền pháp luật tại địa bàn dân cư và trường học”; mô hình “Hướng về cơ sở làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và từ thiện”; ngoài ra, nhiều mô hình trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng có đông tín đồ tôn giáo hoạt động hiệu quả như: Mô hình Đội nữ dân phòng vùng đồng bào đạo Công giáo (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất); mô hình Tiếng kẻng an ninh (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom và xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ); Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm (thành phố Biên Hòa)… đã tiếp tục tạo niềm tin vững chắc của đại bộ phận nhân dân vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng; hăng hái thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện tốt và hiệu quả chính sách an sinh xã hội.
Có thể khẳng định, công tác dân vận và “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả vai trò của các cấp ủy, chính quyền và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác đảm bảo ANCT, TTATXH. Tình hình an ninh, trật tự ngày càng được đảm bảo, thế trận an ninh nhân dân từng bước được tăng cường; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai rộng khắp. Đồng Nai đã chủ động nắm tình hình, đấu tranh, vô hiệu hóa, làm thất bại âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động và đối tượng cực đoan, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn. Chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong tôn giáo, an ninh nông thôn, đô thị, trong các khu công nghiêp, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Các mặt công tác an ninh, chính trị nội bộ, văn hóa tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh công nhân, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước được đảm bảo. Các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội cơ bản được triển khai thực hiện có hiệu quả; tội phạm hình sự được kiềm chế qua từng năm, tỷ lệ điều tra phá án đạt kết quả tích cực. Chất lượng điều tra án được nâng lên, nhất là các vụ án lớn, vụ án nghiêm trọng, phức tạp gần đây được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội tiếp tục được tăng cường. Với tinh thần quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế ngay từ đầu năm nên trong năm 2022, kinh tế Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng tốt. Tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng 9,22% (vượt mục tiêu nghị quyết) là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 133,59 triệu đồng, tăng 9,9% so với năm trước, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 60,36% trong GRDP. Tỷ lệ thất nghiệp còn 2,4%, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 là 0,44%. Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Đồng Nai là một trong hai địa phương của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Quốc phòng, an ninh, TTATXH được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ khám phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt khá; tai nạn giao thông được kiềm giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021 (về số vụ, về số người chết và số người bị thương).
3. Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong tham gia bảo đảm ANCT, TTATXH còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện quy chế dân chủ, nhân rộng điển hình, các mô hình hoạt động của từng đoàn thể ở khu dân cư còn hạn chế, chưa thường xuyên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, cơ sở vẫn xem việc bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn chuyên trách nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với những vụ việc phát sinh, còn để phát sinh điểm nóng, chậm phát hiện và giải quyết kịp thời những hạn chế, khó khăn của cơ sở. Tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân còn tồn đọng, chậm giải quyết dứt điểm, từng lúc, từng nơi vẫn còn tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Việc phối hợp thực hiện công tác dân vận ở một số nơi, có lúc thiếu sự gắn kết, không thường xuyên, chưa hiệu quả; công tác xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở một số đơn vị lực lượng vũ trang còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng cán bộ, chiến sĩ vi phạm văn hóa trong ứng xử, tiếp xúc với nhân dân bị xử lý theo pháp luật.
Những hạn chế, thiếu sót nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận và “Dân vận khéo”; một số cán bộ, đảng viên còn có nhận thức chưa đầy đủ, coi nhẹ công tác dân vận; lực lượng chuyên trách làm công tác dân vận còn ít so với yêu cầu thực tiễn, trong khi nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận ngày càng nhiều hơn.
Trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đối với tỉnh Đồng Nai, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình kinh tế - xã hội mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân; các vấn đề việc làm, môi trường, an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới đang là mối quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Những thời cơ, thách thức nêu trên đặt ra yêu cầu đối với Tỉnh ủy Đồng Nai và các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác “Dân vận khéo” trong tham gia bảo đảm ANCT, TTATXH.
4. Một số giải pháp
Từ những kinh nghiệm qua những giải pháp, công việc đã làm được và những hạn chế, thiếu sót, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện, trong thời gian tới, Tỉnh ủy Đồng Nai tập trung một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận như sau:
Một là, phải khẩn trương, nghiêm túc khắc phục ngay những thiếu sót tồn tại của công tác dân vận thời gian qua, nhất là công tác dân vận chính quyền. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; cụ thể hóa các nhiệm vụ công tác dân vận phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Đồng thời, tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ANCT, TTATXH là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, xem đây là tiêu chí để đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tích cực trong đấu tranh chống các biểu hiện vô cảm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Hai là, tăng cường công tác nắm chắc tình hình nhân dân, dư luận xã hội trong nhân dân đối với việc triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và đối với lĩnh vực công tác dân vận nói riêng, nhất là đối với các chủ trương mới, các dự án đã và đang được triển khai thực hiện tại Đồng Nai; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công tác đối thoại, tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo sự đồng thuận của người dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời không để tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động chuẩn bị các biện pháp và phương án xử lý tình huống đảm bảo ANCT, TTATXH tại các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn mất an ninh, trật tự, dễ phát sinh “điểm nóng”; giải quyết triệt để các yếu tố tiềm ẩn phức tạp phát sinh trong tôn giáo, nông thôn, đô thị, khu công nghiệp.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp các loại tội phạm; phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cực đoan, chống đối chính trị với quan điểm công tác dân vận phải xây dựng mối quan hệ gắn bó “máu thịt” với nhân dân, dựa vào dân, cùng với nhân dân thực hiện công tác bảo vệ ANCT, TTATXH; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng nòng cốt tại cơ sở; đẩy mạnh thực hiện, xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng vũ trang nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung để tạo sức lan tỏa, tránh hình thức.
Bốn là, đổi mới và tăng cường các biện pháp xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phù hợp với các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng. Vận động, tranh thủ người có uy tín trong các tôn giáo, dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư, dòng họ, cơ quan, tổ chức để làm hạt nhân cho phong trào. Gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước, địa phương phát động; đẩy mạnh tổ chức các điểm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để thực sự là ngày hội của toàn dân hằng năm.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng. Người chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những việc nên làm, những công việc mà Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”; “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”[1]. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, bảo đảm và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc tiếp tục phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Nai, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển./.
ThS. Vũ Hùng Cường
Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai