1. Quy định về hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga
Sau khi Liên Xô tan rã, Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 được ban hành, trên cơ sở đó Bộ luật Hình sự năm 1996 cũng được xây dựng đánh dấu sự thay đổi chính sách hình sự của nước Nga nói chung và quy định về hình phạt tử hình nói riêng. Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 khẳng định: “Hình phạt tử hình, trong khi chờ được bãi bỏ, có thể được luật Liên bang quy định như một biện pháp trừng phạt đặc biệt đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chống lại sự sống, vụ án được xét xử bởi Tòa án có thẩm quyền và phải có sự tham gia của bồi thẩm đoàn”. Hiến pháp một lần nữa khẳng định, hình phạt tử hình là một hình phạt mang tính tạm thời và đang trong giai đoạn chờ bãi bỏ. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của hình phạt tử hình có sự thay đổi đáng kể, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996 đã chính thức quy định tử hình là một hình phạt trong danh sách hình phạt (Điều 44). Điều 59 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định về hình phạt tử hình như sau:
“1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ có thể được thiết lập đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ, cũng như đối với người chưa đủ mười tám tuổi khi phạm tội và nam giới đã đủ sáu mươi lăm tuổi tính đến thời điểm Tòa án tuyên án.
Hình phạt tử hình không được áp dụng đối với người bị nước ngoài dẫn độ về Liên bang Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều ước quốc tế của Liên bang Nga hoặc trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại, nếu theo pháp luật của quốc gia nước ngoài đã dẫn độ người đó, hình phạt tử hình không được quy định đối với tội phạm do người này thực hiện hoặc việc không áp dụng hình phạt tử hình là một điều kiện dẫn độ hoặc không thể áp dụng hình phạt tử hình áp đặt lên anh ta vì những lý do khác.
3. Hình phạt tử hình được ân giảm có thể được thay thế bằng hình phạt tù chung thân hoặc phạt tù có thời hạn hai mươi lăm năm”.
Có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt thời Xô Viết và hiện nay, tử hình luôn được coi là biện pháp hình sự đặc biệt và chỉ được áp dụng đối với các tội phạm nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga hiện hành đã thu hẹp các tội phạm phải chịu hình phạt tử hình, theo đó, hình phạt này áp dụng đối với nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng con người. Trước đó, bên cạnh tội phạm liên quan đến tính mạng con người, tử hình còn có thể áp dụng đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác như nhóm các tội xâm phạm nền tảng, sự tồn tại của Nhà nước Xô Viết. Các tội phạm quy định hình phạt cao nhất là tử hình gồm: Tội giết người (Điều 105), Tội xâm phạm tính mạng chính khách, người của công chúng (Điều 277), Tội xâm phạm tính mạng người tiến hành tư pháp, điều tra sơ bộ (điều 295), Tội xâm phạm tính mạng người thi hành công vụ (Điều 317), Tội diệt chủng (Điều 357).
Bộ luật Hình sự Liên bang Nga hiện hành cũng mở rộng các đối tượng không áp dụng tử hình gồm: Phụ nữ, người chưa đủ mười tám tuổi khi phạm tội, nam giới đã đủ sáu mươi lăm tuổi tính đến thời điểm Tòa án tuyên án. Trước đó, trong quy định của Điều 23 Bộ luật Hình sự Liên Xô năm 1960, các đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình chỉ gồm người chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và phụ nữ mang thai khi thực hiện hành vi phạm tội, khi tuyên án hoặc khi chuẩn bị thi hành án. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga cũng bổ sung quy định, tử hình không được áp dụng đối với đối tượng là người nước ngoài được dẫn độ về Nga để truy cứu trách nhiệm hình sự vì lý do tuân thủ các điều ước quốc tế, nguyên tắc có đi có lại hoặc bất kỳ lý do nào khác.
Sự hiện diện của hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt không có nghĩa là nó được áp dụng thực tế. Khi gia nhập Hội đồng châu Âu, Liên bang Nga đã ký Nghị định thư bổ sung số 06 cho Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, cam kết bãi bỏ hình phạt tử hình về mặt pháp lý trong vòng ba năm và trước đó sẽ đưa ra lệnh tạm dừng thi hành án của các bản án tử hình. Điều này ngụ ý những thay đổi tương ứng không chỉ trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự mà còn trong Hiến pháp Liên bang Nga. Tuy nhiên, Nghị định thư này đã không được phê chuẩn, do đó, về mặt lập pháp và nguyên tắc thì hình phạt tử hình đã không bị hủy bỏ ở Nga[1].
Thực tế, từ khi Bộ luật Hình sự Liên bang Nga có hiệu lực đến nay, không có người bị kết án nào bị thi hành án tử hình. Những người này đều bị tuyên hình phạt thay thế là tù chung thân hoặc tù có thời hạn hai mươi lăm năm. Đây cũng là vấn đề chính gây ra sự tranh luận trong giới nghiên cứu học thuật tại Liên bang Nga. Vậy tại sao quy định của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự về tử hình lại không được Tòa án áp dụng?
Trở lại quy định của Điều 20 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993, hình phạt tử hình chỉ có thể được xét xử bởi Tòa án có thẩm quyền với sự tham gia của bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, ở thời điểm Bộ luật Hình sự năm 1996 có hiệu lực, không phải mọi Tòa án có thẩm quyền xét xử các vụ án có án tử hình tại tất cả các liên bang đều có bồi thẩm đoàn theo quy định. Do đó, để bảo đảm nguyên tắc công bằng, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã ban hành Quyết định số 3-P ngày 02/02/1999 chỉ ra rằng, trước khi chế định bồi thẩm đoàn được thiết lập tại toàn bộ các Tòa án trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga, hình phạt tử hình không thể được áp dụng bởi các Tòa án của các thực thể cấu thành của Liên bang Nga nơi các tòa án bồi thẩm đoàn đã hoạt động[2]. Vì vậy, án tử hình trên thực tế đã không thể được áp dụng trong giai đoạn này. Ngày 19/11/2009, trong Phán quyết số 1344-O-R, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã một lần nữa giải thích: “Do lệnh cấm sử dụng hình phạt tử hình kéo dài, những bảo đảm ổn định về quyền con người không phải chịu hình phạt tử hình đã được hình thành và một chế độ hiến pháp và pháp lý đã được hình thành... Một quá trình không thể đảo ngược đang diễn ra nhằm mục đích xóa bỏ tử hình như một hình phạt đặc biệt có tính chất tạm thời”[3]. Do tính chất ràng buộc phổ quát của các quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga, trên thực tế, những quy định trên đã thiết lập một lệnh cấm tuyệt đối việc sử dụng hình phạt tử hình vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Nga.
2. Một số gợi mở cho Việt Nam
Trong thực tiễn của Liên bang Nga và Việt Nam, hình phạt tử hình đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ở Việt Nam, việc duy trì hay xóa bỏ tử hình khỏi danh sách các hình phạt của Bộ luật Hình sự cũng thu hút nhiều sự quan tâm, tranh luận của các nhà khoa học. Vấn đề duy trì hay hạn chế áp dụng và tiến tới xóa bỏ hình phạt này khỏi hệ thống hình phạt hiện nay là một chủ đề khó tìm được sự đồng thuận của đa số. Thực tế, những tranh luận này đã tồn tại từ lâu, được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khoa học, lý luận và thực tiễn. Vì vậy, từ việc nghiên cứu quy định về hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Liên bang Nga, tác giả đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật hình sự nói chung và quy định về hình phạt tử hình nói riêng.
Một là, mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, cụ thể, nên thay đổi độ tuổi của người không bị tử hình từ 75 tuổi theo quy định hiện nay xuống còn 60 tuổi.
Tính đến năm 2023, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7 tuổi, trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi[4]. Nếu theo quy định hiện hành, không áp dụng tử hình đối với người đủ 75 tuổi thì chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, nếu như họ phải chịu hình phạt tù chung thân, thì sau khi chấp hành án phạt ít nhất 12 năm họ mới được xem xét giảm án tù xuống 30 năm tù. Mặc dù được giảm nhiều lần nhưng người bị kết án vẫn phải bảo đảm chấp hành ít nhất 20 năm tù (Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 - sau đây gọi là Bộ luật Hình sự). Thời gian như vậy cũng là rất dài đối với họ. Do đó, tác giả cho rằng, đối với những người trên 60 tuổi, hình phạt tù chung thân là đã rất nghiêm khắc và đủ để răn đe, khi áp dụng sẽ hiệu quả, phù hợp đối với đối tượng này. Đồng thời, sửa đổi cụm từ “người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử” thành “người đủ 60 tuổi khi tuyên án”.
Hai là, bổ sung quy định về việc không tử hình đối với trường hợp dẫn độ tội phạm từ nước ngoài về Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo báo cáo của Bộ Công an, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã bỏ trốn đến các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, với mục đích nếu có bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình. Một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình nhưng sẽ không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ. Nếu không có cam kết, việc dẫn độ sẽ bị từ chối[5].
Thực tế hiện nay, một số quốc gia, đặc biệt là châu Âu, không quy định hình phạt tử hình, do đó khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội. Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu bổ sung trường hợp này vào Điều 40 Bộ luật Hình sự để bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, Điều 40 Bộ luật Hình sự có thể sửa đổi như sau:
“Điều 40. Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ đủ 60 tuổi trở lên khi tuyên án.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 60 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn;
d) Người được dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều ước quốc tế, hiệp ước dẫn độ, nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia và Việt Nam.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.
Ba là, liên quan đến chính sách hình sự nói chung và chính sách về hình phạt tử hình nói riêng.
Trước hết, tác giả cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt. Trong điều kiện kinh tế, xã hội, nhận thức pháp luật của người dân và tình hình tội phạm hiện tại, việc duy trì tử hình là cần thiết. Tử hình là hình phạt đặc biệt nghiêm khắc và có tác động phòng ngừa tội phạm riêng tuyệt đối. Những đối tượng bị tuyên án tử hình đều phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả của tội phạm là đặc biệt lớn cho nạn nhân, đe dọa sự ổn định của xã hội, đe dọa đến sự tồn tại của Nhà nước. Các đối tượng này đều được coi là những người không thể cải tạo được, đối tượng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, việc tử hình những đối tượng này là phù hợp, ngăn chặn tuyệt đối khả năng tái phạm của họ.
Bên cạnh đó, hình phạt này còn có khả năng phòng ngừa chung cao, đủ sức răn đe những đối tượng “không vững vàng” trong xã hội không, hạn chế nhóm đối tượng này có hành vi phạm tội tương tự.
Theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, hình phạt tử hình được áp dụng với các tội cụ thể như: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), Tội gián điệp (Điều 110), Tội bạo loạn (Điều 112), Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114), Tội giết người (Điều 123), Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh (Điều 194), Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội vận chuyển, trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Tội khủng bố (Điều 299); Tội tham ô tài sản (Điều 352), Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), Tội chống loài người (Điều 422), Tội phạm chiến tranh (Điều 423).
Dễ nhận thấy, số tội phạm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự Việt Nam cao hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga hiện tại. Về khách thể bị xâm phạm cũng có sự khác nhau, ở Liên bang Nga, tử hình chỉ được áp dụng đối với tội phạm xâm phạm trực tiếp đến tính mạng con người. Quy định này phù hợp với khuyến cáo của luật quốc tế, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất chỉ nên áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng con người. Trong đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, tử hình được quy định đối với tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người (các điều 123, 142); các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia (các điều 108, 109, 110, 112, 113, 114); các tội phạm về ma túy (các điều 248, 250, 251); tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Điều 194); tội xâm phạm trật tự công cộng (Điều 299); các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (các điều 421, 422, 423).
Theo tác giả, việc Nhà nước quy định hình phạt tử hình đối với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh chủ yếu là để răn đe, với mục đích phòng ngừa là chính. Do vậy, đối với các tội phạm này, cần tổng kết thực tiễn để quyết định có nên duy trì hình phạt này trong hệ thống hình phạt hay không. Theo quan điểm của tác giả, tử hình nên được loại bỏ đối với các tội phạm này, bởi lẽ việc có quy định mà không áp dụng trên thực tế làm giảm hiệu lực của hình phạt. Đồng thời, việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội đó cũng là giảm các tội đang quy định hình phạt tử hình. Điều này góp phần thể hiện rõ chính sách hình sự của nước ta là ngày càng nhân văn, hạn chế tử hình trong cả quy định của Bộ luật Hình sự và trong thực tiễn áp dụng.
Đối với các tội phạm khác, việc duy trì hình phạt tử hình là cần thiết, phù hợp với tình hình tội phạm và bảo đảm hiệu quả của công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Đồng thời, trong giai đoạn hiện nay, tác giả đồng tình việc đề xuất một số hình phạt thay thế tử hình như tù chung thân không giảm án, quy định về “tử hình treo”.
Về việc duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình khỏi hệ thống hình phạt, tác giả cho rằng, trong tương lai gần, hình phạt tử hình vẫn sẽ được duy trì với tư cách một hình phạt chính áp dụng đối với thể nhân trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Xu thế là nhà làm luật sẽ mở rộng các đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, hạn chế số tội mà quy định hình phạt cao nhất là hình phạt tử hình, chỉ nên áp dụng đối với nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng của con người (như các tổ chức quốc tế khuyến nghị)./.
Trần Phi Long
Nghiên cứu sinh Đại học Luật quốc gia Moskva, Liên bang Nga
[1]. Ищенко Е.П. Смертная казнь: прошлое, настоящее, будущее // Lex Russica. - М.: Изд-во МГЮА, 2009, № 6. - С. 1429-1448.
[2]. Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga, Quyết định số 3-P ngày 02/02/1999.
[3]. Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga, Phán quyết số 1344-O-R ngày 19/11/2009.
[4]. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người người Việt đạt 73,7 tuổi, https://dantri.com.vn/suc-khoe/nam-2023-tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-dat-737-tuoi-20231230074951090.htm, truy cập ngày 01/5/2024.
[5]. Bộ Công an: Nhiều tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài để không bị tử hình, https://thanhnien.vn/bo-cong-an-nhieu-toi-pham-bo-tron-ra-nuoc-ngoai-de-khong-bi-tu-hinh-185230710115444533.htm, truy cập ngày 01/5/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 404), tháng 5/2024)