Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là dự thảo Luật quan trọng, phức tạp, có tính thực tiễn cao, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến vấn đề lao động, việc làm - một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển bao trùm và bền vững, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới. Luật Việc làm (sửa đổi) xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.
Để tạo việc làm đầy đủ và chất lượng phải thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết gia tăng việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm và việc làm chất lượng cao. Muốn vậy, Nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình và kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Chau Chắc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Ảnh minh họa
Điều 8 Dự thảo Luật về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Theo đại biểu, việc bổ sung nội dung này giúp đối tượng trên có điều kiện tốt hơn để tạo công ăn việc làm ở nông thôn, giúp nông thôn ngày càng phát triển, hạn chế tình trạng di cư như hiện nay vào các thành phố lớn, giảm áp lực cho các đô thị.
Cùng thảo luận về vấn đề này, theo đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, chính sách hỗ trợ tạo việc làm quy định tại Chương II của Dự thảo Luật, trong đó về đối tượng vay vốn, đại biểu đề nghị làm rõ quy mô doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 là như thế nào. Trong dự thảo luật cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết, nên sẽ khó có căn cứ để thực hiện trong thực tiễn. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, hộ kinh doanh có cơ sở sản xuất kinh doanh đóng tại địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển, hải đảo để tránh bỏ sót trường hợp tổ chức đơn vị sử dụng lao động có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, nhưng không đủ số lượng để được hưởng chính sách này.
Minh Trí