1. Đặt vấn đề
Trong tiến trình phát triển bền vững của xã hội loài người, thực thi nhân quyền là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết mà Nhà nước phải hướng đến. Đặc biệt, việc bảo vệ quyền của nhóm yếu thế trong xã hội là người khuyết tật cần phải được đề cao, vấn đề này cũng là một trong những tiêu chí cốt lõi để đánh giá sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2021, ước tính có khoảng 1,3 tỷ người, chiếm 16% dân số thế giới bị khuyết tật nghiêm trọng. Dự báo con số này sẽ tăng lên do sự gia tăng những căn bệnh không lây nhiễm và sự già hóa dân số[1]. Riêng tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam năm 2016 thì kết quả điều tra hộ gia đình cho thấy 7,06% dân số từ 02 tuổi trở lên là người khuyết tật[2]. Như vậy, người khuyết tật chiếm tỷ lệ rất lớn trong xã hội, họ là nhóm yếu thế rất dễ bị tổn thương nên cần được quan tâm, hỗ trợ từ mọi nguồn lực để xóa bỏ sự mặc cảm, kỳ thị.
Trên thực tế, có rất ít công trình công cộng phục vụ cho việc đi lại của người khuyết tật được xây dựng bảo đảm tính tiếp cận. Theo Báo cáo Nghiên cứu tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, có 61,2% người khuyết tật tham gia nghiên cứu trả lời về việc gặp khó khăn trong tiếp cận cơ sở vật chất tại nơi làm việc; 59,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận phương tiện giao thông công cộng; 51,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận các công trình công cộng. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cũng được cung cấp trong Báo cáo trên, Việt Nam mới chỉ có 20,8% số công trình giáo dục; 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan; 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu bảo đảm tiếp cận đối với người khuyết tật. Với thực trạng như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đều chưa thể đáp ứng yêu cầu về lộ trình quy định tại Điều 40 Luật Người khuyết tật năm 2010 là đến năm 2020, các công trình công cộng (như trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao) phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc sử dụng người lao động khuyết tật cũng gây nhiều khó khăn cho phía người sử dụng lao động (NSDLĐ). Bên cạnh khó khăn trong việc quản lý, điều hành người lao động khuyết tật thì cũng cần đầu tư nhiều chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật, mà có thể năng suất lao động thấp. Đa số trường hợp sử dụng lao động khuyết tật thông thường mang tính chất nhân đạo nhiều hơn dựa trên nhu cầu của NSDLĐ. Vì vậy, việc Nhà nước có biện pháp hỗ trợ phù hợp để kích thích, tạo động lực cho NSDLĐ thuê mướn người lao động khuyết tật tham gia lao động là rất cấp thiết, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho NSDLĐ, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần giảm thiểu sự mặc cảm, áp lực tâm lý của người lao động khuyết tật, cao hơn nữa là góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam bền vững.
Tuy nhiên, những ưu đãi của Nhà nước đối với người lao động khuyết tật hiện nay còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, đặc biệt là ưu đãi hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu sót nên việc triển khai trên thực tế gặp không ít khó khăn. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu quy định pháp luật Việt Nam về ưu đãi thuế và khó khăn trong việc triển khai các quy định này trong thực tiễn, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện.
2. Quy định pháp luật về hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật và một số kiến nghị
Người khuyết tật là những người có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần nên gặp khó khăn trong lao động, sinh hoạt, học tập. Khoản 3 Điều 33 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật”. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể thuận tiện trong công việc, sinh hoạt cá nhân. Người khuyết tật là đối tượng đặc thù nên cần có những điều kiện, môi trường làm việc khác biệt so với những lao động không khuyết tật.
Trên thực tế, do sự hạn chế trong các hoạt động nên việc tiếp cận việc làm của người khuyết tật đang gặp rất nhiều khó khăn vì nhà tuyển dụng “e ngại” tuyển dụng người khuyết tật. Nguyên nhân có thể là kỳ thị, năng suất lao động thấp, đặc biệt là phải tốn thêm chi phí để xây dựng môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Vì vậy, để thúc đẩy NSDLĐ thuê mướn người lao động khuyết tật để tham gia sản xuất, kinh doanh, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Giải pháp này vừa giúp NSDLĐ giảm gánh nặng tài chính khi xây dựng cơ sở vật chất đủ điều kiện luật định, vừa xây dựng môi trường làm việc hòa nhập cho người khuyết tật để giúp họ có việc làm bền vững, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
2.1. Điều kiện được hỗ trợ
Có hai nhóm chủ thể trong hai trường hợp sau sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật:
Trường hợp 1: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật[3]. Trong đó, hiểu thế nào là “cơ sở sản xuất, kinh doanh” chúng ta cần viện dẫn đến khoản 1 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Có thể thấy, chủ thể được hưởng kinh phí hỗ trợ rất rộng thuộc các thành phần kinh tế với điều kiện phải thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với chủ thể thuê mướn người lao động khuyết tật thực hiện sản xuất tự cung, tự cấp sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí. Cách tính tỷ lệ người lao động khuyết tật trên tổng số lao động được áp dụng theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH).
Trường hợp 2: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết
tật vào làm việc ổn định sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật[4]. Từ quy định này có hai vấn đề pháp lý đặt ra:
Một là, sử dụng người khuyết tật vào “làm việc ổn định”, vậy thế nào là “làm việc ổn đinh” hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn thi hành. Điều này tạo ra hoang mang cho chủ thể sử dụng lao động người khuyết tật là thuê mướn bao lâu sẽ được hưởng ưu đãi? Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ gặp khó khăn, lúng túng khi xem xét hỗ trợ.
Từ đó, tác giả kiến nghị, cần có hướng dẫn thống nhất cách xác định thế nào là “làm việc ổn định”. Theo tác giả thì có thể tham khảo đến quy định về loại hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động năm 2012 (gồm 03 loại) và Bộ luật Lao động năm 2019 (gồm 02 loại). Làm việc ổn định có thể hiểu là người lao động được ký hợp đồng lao động làm những công việc có tính chất thường xuyên, lâu dài. Tham khảo tinh thần quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về loại hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc loại hợp đồng không xác định thời hạn thì giữa người lao động và người sử dụng lao động đã cam kết làm việc ổn định, lâu dài. Tác giả ủng hộ giải thích pháp luật theo hướng là xác định điều kiện “làm việc ổn định” là giữa 02 bên đã ký kết loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn hay loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Hai là, trong quy định trên chưa rõ ràng về chủ thể là “hợp tác xã, hộ gia đình” có được hỗ trợ hay không? Vì theo pháp luật hiện hành, hai chủ thể này không được xem là loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, nếu hợp tác xã và hộ gia đình sử dụng trên 10 lao động là người khuyết tật nhưng lại chưa đủ 30% tổng số lao động thì có được hỗ trợ kinh phí này hay không? Tác giả cho rằng, hợp tác xã, hộ gia đình có thể được hiểu là một loại tổ chức sử dụng từ 10 người khuyết tật.
2.2. Mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ
Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật quy định: Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.
Pháp luật hiện hành không ấn định mức hỗ trợ cụ thể đối với người sử dụng lao động khuyết tật mà việc hỗ trợ sẽ được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: Tỷ lệ sử dụng lao động khuyết tật (tính theo Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH), mức độ khuyết tật dựa vào giấy xác nhận khuyết tật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, quy mô của cơ sở sản xuất (lớn, vừa, nhỏ). Từ những yếu tố trên cùng với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động quyết định mức hỗ trợ cho người sử dụng lao động khuyết tật đủ điều kiện trên.
Đối với việc hỗ trợ cho trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc thì Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH chưa quy định về điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục để được hỗ trợ. Theo nghiên cứu của tác giả thì cũng chưa có văn bản nào khác quy định để tháo gỡ vấn đề này, đây là một khoảng trống pháp luật cần có hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, việc tiếp cận chính sách về hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người khuyết tật (bao gồm cải thiện khả năng tiếp cận cho nhân viên khuyết tật) trong thực tiễn còn rất khó khăn. Nguyên nhân là do quy định này vẫn chưa được hướng dẫn chi tiết về danh mục, tiêu chí xác định và mức hỗ trợ. Báo cáo về tình hình việc làm của người khuyết tật tại 08 tỉnh ở Việt Nam cho thấy, chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào tiếp cận được với chính sách hỗ trợ này[5].
2.3. Hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp thiết lập môi trường làm việc hòa nhập
Khoản 3 Điều 33 Luật Người khuyết tật hiện hành quy định “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật”. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định như thế nào là môi trường làm việc “phù hợp” thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.
Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng người khuyết tật lại thiếu hiểu biết về cách thức để thiết lập một môi trường làm việc hòa nhập và vì vậy thường bỏ qua việc đầu tư về môi trường làm việc do e ngại về chi phí tài chính cho những sự thay đổi đó. Mặt khác, đối với từng loại khuyết tật khác nhau thì người khuyết tật cũng sẽ cần đáp ứng những nhu cầu về công cụ lao động phù hợp, lối đi, chỗ ngồi… nhưng làm thế nào để “phù hợp” thì pháp luật cũng chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá. Do vậy, người khuyết tật đã và đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận điều kiện và môi trường làm việc. Theo Báo cáo nghiên cứu tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, có tới 61,2% người khuyết tật tham gia nghiên cứu trả lời rằng họ gặp khó khăn về tiếp cận cơ sở vật chất tại nơi làm việc, 59,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, 51,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận các công trình công cộng[6]. Vì vậy, bên cạnh việc “hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật”, tác giả cho rằng, Nhà nước cần thành lập một tổ chức tư vấn, thiết kế miễn phí để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật xây dựng được môi trường làm việc hòa nhập nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động của người khuyết tật. Điều này cũng khuyến khích NSDLĐ mạnh dạn hơn trong tuyển dụng người khuyết tật làm việc.
Nguyễn Thị Hồng Vân
Đại học Đồng Tháp
[1] WHO, 2022, Global report on health equity for persons with disabilities, https://www.who.int/publications/i/item/9789240063600.
[2] Tổng cục Thống kê Việt Nam (2016), Điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, tr. 15.
[3] Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.
[4] Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.
[5] Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam (2018), Báo cáo nghiên cứu, đánh giá thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan đến lao động là người khuyết tật, tr. 32.
[6] Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2016), Báo cáo nghiên cứu tình hình thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, Hà Nội, tr. 21.