Trong bài viết này, chúng tôi phân tích những nội dung, hình thức và biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, đồng thời nêu lên tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Qua đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời tới.
1. Cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP
1.1. Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Về nguyên tắc, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.Hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng các hình thức phù hợp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, ngành, lĩnh vực và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp.
1.2. Phương thức hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với doanh nghiệp
Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định hai phương thức hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với doanh nghiệp là:
Phương thức thứ nhất, hỗ trợ thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước. Đây là phương thức hỗ trợ thường xuyên được thực hiện thông qua 5 hình thức như: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật.
Phương thức thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành và chương trình hỗ trợ pháp lý của Bộ, ngành và các địa phương. Đây là phương thức hỗ trợ được xác lập căn cứ vào thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, ở từng địa phương, được áp dụng ưu tiên cho các đối tượng khác nhau. Phương thức này giúp khai thác được các nguồn lực và sự tham gia của các chủ thể khác ngoài cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
1.3. Nội dung, hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua những hình thức và biện pháp cụ thể sau:
Một là, xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, các Bộ tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì doanh nghiệp có quyền đề nghị Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cập nhật văn bản đó.
Hai là, xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Để kịp thời phổ biến các chính sách pháp luật có liên quan phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định các Bộ biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức phổ biến tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.
Ba là, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Theo đó, các Bộ tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.
Bốn là, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp việc giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các Bộ có liên quan giải đáp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức: Giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại; các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ có trách nhiệm trả lời yêu cầu giải đáp pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật.
Đối với các trường hợp có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc. Trong trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do.
Việc giải đáp pháp luật nói trên không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm là, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật. Theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP thì các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật. Các tổ chức pháp chế thuộc Bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý cho Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sáu là, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp.
- Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là:
+ Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, tại các vùng, ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;
+ Chương trình xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương.
- Việc xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện cụ thể như sau:
+ Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, địa phương: Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý.
+ Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành: (i) Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành; (ii) Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp là thành viên tổ chức mình gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành; (iii) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đần tư và Bộ Tài chính lập kế hoạch và tổ chức xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý được khuyến khích tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các chương trình hỗ trợ.
2. Triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP[1]
- Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp
Theo báo cáo của các Bộ, ngành thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tính đến ngày 10/10/2017, 100% các Bộ, ngành đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục thông tin pháp luật hoặc cung cấp văn bản pháp luật trong lĩnh vực Bộ, ngành quản lý trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và góp ý đối với dự thảo văn bản. Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào vận hành Trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) năm 2017. Một số Bộ, ngành đã xây dựng các cơ sở dữ liệu pháp luật và đã xây dựng, phát hành các bản tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành cũng như những nghiên cứu, bình luận, trao đổi các nội dung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (vbpl.vn) được thực hiện theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý.
Tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến tháng 10/2017, 100% các Ủy ban nhân dân dân này đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử của địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành, tập hợp và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Việc xây dựng và vận hành các trang thông tin, cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tại các Bộ, ngành và địa phương bước đầu đã thông tin các văn bản pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều trang thông tin được xây dựng, hoạt động nhưng không được đầu tư dẫn đến thông tin chưa được cập nhật thường xuyên. Việc doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
- Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
Hiện nay, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã và đang xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và dành cho doanh nghiệp nói riêng. Nhiều Bộ đã xây dựng thư viện pháp luật điện tử nhằm phổ biến pháp luật đến các doanh nghiệp thuộc Bộ và các doanh nghiệp trên toàn quốc. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Ủy ban nhân dân đã giao cho Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện lồng ghép các nội dung thông tin, tuyên truyền với nội dung trọng tâm là phổ biến các văn bản quy phạm liên quan đến pháp luật về chính sách thuế, các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh.
Việc xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện tại một số Bộ, ngành, địa phương đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua ý kiến của một số cơ quan thì hình thức này còn lãng phí, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
Các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức nhiều hội nghị, đợt tập huấn về công tác pháp chế, báo cáo viên pháp luật, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp, thì lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp quan tâm chủ yếu là pháp luật doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, pháp luật về hợp đồng, lao động, bảo hiểm...
Kết quả khảo sát doanh nghiệp sau khi tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp năm 2017 cho thấy, 54% doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp do các cơ quan tổ chức trong thời gian qua.
- Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
Các cơ quan, ban, ngành của Bộ và cơ quan ngang Bộ giải đáp các vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động theo các hình thức trực tiếp hỏi đáp và gián tiếp như gửi vào các hòm thư trong trang thông tin điện tử của cơ quan, gọi điện thoại, bằng văn bản... Thông qua các hòm thư góp ý, email điện tử và Chuyên trang “hỏi - đáp”, “tư vấn pháp luật” trên trang thông tin điện tử, các Sở, ban ngành, thuộc Ủy ban nhân tỉnh, thành phố đã giải đáp các khó khăn, vướng mắc pháp lý của các doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2017, lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp thường xuyên đề nghị cơ quan, tổ chức giải đáp là pháp luật đất đai, môi trường.
Doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng giải đáp pháp luật thông qua chuyên mục trên Trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân và các Sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, nhiều cơ quan thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chung chung hoặc không giải đáp, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện pháp luật và dẫn đến tâm lý nhiều doanh nghiệp không tin vào việc thực hiện trách nhiệm giải đáp pháp luật của doanh nghiệp.
- Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật
Các kiến nghị của doanh nghiệp được Bộ và các cơ quan ngang bộ quan tâm, tiếp nhận tổng hợp để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện các quy định của pháp luật có trách nhiệm xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương; đồng thời, chuyển đến Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến pháp luật, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan trung ương.
Việc kiến nghị đã được thực hiện bước đầu ở Trung ương và địa phương, tuy nhiên do công tác xử lý sau tiếp nhận của doanh nghiệp chưa được quan tâm nên doanh nghiệp ngại đưa ra ý kiến, đề xuất. Trong công tác lấy ý kiến doanh nghiệp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật cho thấy, nhiều cơ quan soạn thảo không tiếp thu hoặc tiếp thu nhưng không giải trình, trả lời dẫn đến doanh nghiệp không biết được kiến nghị của mình được xử lý như thế nào.
3. Vướng mắc, khó khăn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP[2]
Một là, về cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và đã thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2008 đến nay, tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định trong Nghị định cần được đánh giá và hoàn thiện thêm cho phù hợp với thực tế (đây cũng là ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương), ví dụ: Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định về giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, điều khoản này rất được doanh nghiệp kỳ vọng, tuy nhiên khoản 6 Điều 10 Nghị định này lại quy định: “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, trong khi đó trên thực tế, các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, các cơ quan thuế đang thực hiện nhiệm vụ này đối với trường hợp trả lời các vướng mắc về thuế đối với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp.
Hai là, về kinh phí. Ở các Bộ và cơ quan ngang Bộ, kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tập trung, chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này trong thời gian qua. Còn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kinh phí sử dụng vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế và chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội (6 tỷ đồng cho hoạt động này), TP. Hồ Chí Minh... rất nhiều tỉnh thành nguồn kinh phí chi cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được đảm bảo, chưa được coi trọng.
Kinh phí thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hiện không phù hợp với thực tế, nhất là các mức chi và nội dung chi gây khó khăn trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ba là, về nhân sự. Nhân lực triển khai trực tiếp công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đa số là kiêm nhiệm, các luật sư/tổ chức hành nghề luật sư còn thiếu và chất lượng dịch vị pháp lý chưa cao. Trong khi đó, Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng không có nhân sự chuyên trách để triển khai công tác này.
Bốn là, tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ, hoạt động hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý doanh nghiệp nói chung còn ít và không thường xuyên, sâu rộng, đầy đủ. Một số Bộ vẫn chưa xây dựng được chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn...). Một số vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến pháp lý còn chậm được giải đáp, giải quyết kịp thời. Vẫn tồn tại vướng mắc trong chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa chậm xử lý như việc bán cổ phần ra bên ngoài, chính sách bán cổ phần ưu đãi, quy định về xác định giá trị doanh nghiệp...
Năm là, nội dung các chương trình sinh hoạt, tọa đàm, chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ cho các doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vướng mắc, vấn đề nổi cộm về pháp luật, nhất là kiến thức pháp luật liên quan đến đầu tư ra thị trường nước ngoài, đàm phán ký kết và giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài. Báo cáo viên pháp luật có kinh nghiệm và khả năng truyền đạt nội dung kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp còn thiếu.
Sáu là, về phía doanh nghiệp, hiểu biết, nhận thức của nhiều doanh nghiệp về công tác pháp lý của doanh nghiệp chưa sâu, chưa đúng mức dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, do vậy làm phát sinh nhiều tranh chấp chưa thể giải quyết triệt để.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu pháp luật; chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp; chưa có thói quen thuê luật sư tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Trình độ hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật của chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là pháp luật quốc tế, do đó làm hạn chế khả năng cạnh tranh cũng như tìm kiếm các đối tác kinh doanh có tiềm năng. Công tác pháp chế cho doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhiều chủ doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu pháp luật để nắm bắt các quy định của pháp luật nhằm phòng, tránh rủi ro trong kinh doanh.
4. Đề xuất, kiến nghị[3]
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để triển khai cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2008/NĐ-CP theo hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện xuyên suốt theo 07 nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; sửa đổi Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP trong vấn đề tài chính của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn triển khai các hoạt động.
Các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm ban hành các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và quan tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thống nhất, đồng bộ trên cả nước; hàng năm, tổ chức các chương trình, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
Thứ hai, cần tăng cường kinh phí thường xuyên cho hoạt động hỗ trợ pháp lý trong doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP tại Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành trung ương, nhất là hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kế hoạch ngân sách hàng năm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là vẫn đề hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp. Đề nghị phân bổ kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách đồng bộ và tập trung để hỗ trợ triển khai các hoạt động và mua sắm các trang thiết bị làm việc cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương.
Cần huy động mạnh mẽ các nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từng bước và có lộ trình xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tương lai.
Thứ ba, về nhân sự, cần nghiên cứu, bố trí nhân sự (nhất là ở cấp Bộ, ngành) trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bởi “con người là yếu tố quyết định sự thành bại” và có hướng dẫn thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.