1. Sự cần thiết hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Ủy ban Châu Âu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là những doanh nghiệp có số lao động ít hơn 250 người và doanh thu hàng năm không quá 50 triệu EUR và/hoặc tổng giá trị tài sản ròng trên báo cáo tài chính hàng năm không quá 43 triệu EUR[1]. Ở Hoa Kỳ, DNNVV được định nghĩa là doanh nghiệp có ít hơn 500 lao động[2]. Ở Việt Nam, DNNVV là những doanh nghiệp có quy mô lao động trung bình hoặc nhỏ, doanh thu không cao hoặc tổng giá trị tài sản ròng không lớn. Nói cách khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh nhỏ và vừa. Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp hoặc còn non trẻ. Mặc dù có quy mô kinh doanh “khiêm tốn” nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp, có đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước, tạo phần lớn việc làm và là động lực phát triển của nền kinh tế - xã hội[3].
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của DNNVV trong nền kinh tế. Vì vậy, các nước đều có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển, trong đó chính sách hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV là một trong những chính sách quan trọng. Chính sách hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV là rất cần thiết vì những lý do sau:
Thứ nhất, bảo đảm DNNVV có nguồn vốn cần thiết cho phát triển. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, DNNVV thường có tiềm lực tài chính yếu. Do đó, DNNVV thường khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Để triển khai được kế hoạch phát triển kinh doanh hiệu quả, DNNVV cần phải huy động vốn.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thường các DNNVV không đủ điều kiện để phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Ngay cả bản thân ở những quốc gia không quy định về điều kiện phát hành chứng khoán thì DNNVV cũng không dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường chứng khoán vì các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, tín dụng là một kênh chủ yếu mà DNNVV tiếp cận để huy động vốn.
Thứ ba, DNNVV thường không có đủ nguồn tài sản để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Vì lẽ đó, cần những chính sách hỗ trợ tín dụng cho DNNVV sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu vốn của DNNVV nhưng cũng không thể “đẩy” các tổ chức tín dụng vào các “rủi ro tín dụng”. Do vậy, chính sách hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV rất cần có sự tham gia của Nhà nước và các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội.
Hoạt động hỗ trợ tín dụng DNNVV bao gồm:
- Hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng cho DNNVV có thể bao gồm hoặc không bao gồm những ưu đãi nhất định.
- Hoạt động cấp tín dụng của các quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV với những ưu đãi nhất định.
- Hoạt động bảo lãnh tín dụng bởi các quỹ do Nhà nước thành lập hoặc các quỹ có nguồn vốn đa dạng.
2. Thực trạng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ở Việt Nam, kênh hỗ trợ tín dụng cho DNNVV bao gồm các chính sách ưu đãi tín dụng do các tổ chức tín dụng áp dụng đối với các DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và quỹ hỗ trợ DNNVV.
Một trong những nguyên tắc hoạt động của các tổ chức tín dụng là phải ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường quá trẻ, quá nhỏ và quá nhiều rủi ro để tạo niềm tin cho các ngân hàng và các định chế tài chính khác[4]. Trong khi đó, các DNNVV Việt Nam thường làm ăn có tính chộp giật, manh mún, năng lực quản trị kém. Vì lẽ đó, các tổ chức tín dụng đều đưa ra những điều kiện vay vốn rất khắt khe. Thông thường các điều kiện là khách hàng vay phải có năng lực tài chính tốt, dự án vay vốn khả thi và có tài sản bảo đảm. Do có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, cấu trúc đơn giản, ít chú ý tới công tác quản trị tài chính, nhân sự và đặc biệt là không đáp ứng được về tài sản thế chấp nên DNNVV thường gặp trở ngại hơn là các công ty có quy mô lớn trong việc vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh[5]. Trên thực tế, các DNNVV ở Việt Nam cũng không minh bạch về báo cáo tài chính, các báo cáo tài chính thường mang tính chất đối phó với cơ quan thuế. Vì vậy các thông tin trên báo cáo tài chính của DNNVV hoặc là không đủ độ tin cậy hoặc thể hiện DNNVV không đủ điều kiện vay vốn. Vì vậy, nhiều DNNVV bị từ chối cho vay vì không đáp ứng được điều kiện về hồ sơ vay vốn. Hơn nữa, DNNVV cũng không đáp ứng được điều kiện tài sản bảo đảm nên cũng không được chấp nhận cho vay vốn. Do đó, trên thực tiễn các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng.
Trước những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (QBLTD) được thành lập ở các địa phương để bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Điều 14 của Quy chế quy định như sau:
“1. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định tại Quy chế này.
2. Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.
3. Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.
4. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác”.
Việc yêu cầu DNNVV phải có tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản bảo lãnh vay vốn gây khó khăn cho các DNNVV và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bảo lãnh tín dụng[6]. Bởi lẽ về mặt logic, doanh nghiệp cần đến bảo lãnh tín dụng khi họ không có tài sản bảo đảm để cầm cố hoặc thế chấp tại tổ chức tín dụng để vay vốn, còn nếu họ đã có tài sản bảo đảm thì rõ ràng họ cũng không thực sự cần đến bảo lãnh tín dụng.
QBLTD được lập tại các địa phương với nguồn vốn đa dạng. Ví dụ theo Điều 1.2 Nghị quyết số 192/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Quảng Nam quy định:
a) Ngân sách tỉnh cấp ban đầu 30 tỷ đồng (ba mươi tỷ đồng);
Hằng năm tùy khả năng cân đối ngân sách và hiệu quả hoạt động, Hội đồng nhân dân tỉnh cân đối bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phù hợp.
b) Vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân (bao gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA) trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
c) Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ theo quy định việc góp vốn của các tổ chức tín dụng.
d) Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, cho đến nay, vốn cấp của ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn là nguồn chủ yếu của QBLTD[7]. Nhiều địa phương chỉ đủ cân đối ngân sách để đảm bảo đủ nguồn vốn tối thiểu theo quy định là 30 tỷ đồng[8]. Với lượng vốn ít ỏi này, QBLTD không thể đáp ứng được nhu cầu bảo lãnh tín dụng của đông đảo các DNNVV ở địa phương. Trên thực tế, không phải tỉnh nào cũng có QBLTD. Ví dụ, cho đến nay tỉnh Khánh Hòa chưa có QBLTD[9]. Nói tóm lại, bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chưa thực sự hiệu quả trên thực tế.
Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) cũng đã được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. SMEDF trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. SMEDF được thành lập để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động. SMEDF không trực tiếp cho doanh nghiệp vay mà ủy thác cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại cho DNNVV vay. Kỳ hạn vay không quá 07 năm, trong trường hợp đặc biệt, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kỳ hạn tối đa là 10 năm. Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất - kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó (không bao gồm vốn lưu động) nhưng không quá 30 tỷ đồng. Mức lãi suất khá ưu đãi, tối đa không quá 90% lãi suất cho vay thương mại. Lãi suất áp dụng cho chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ năm 2017 là 7%/năm. Tuy nhiên, điều kiện cho vay cũng tương đối chặt chẽ, trong đó có điều kiện phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Như vậy, với điều kiện này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này, đặc biệt là các doanh nghiệp start-up. Hơn nữa, hạn mức chương trình không lớn, ví dụ hạn mức chương trình hỗ trợ DNNVV lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 là 180 tỷ đồng10. Với hạn mức chương trình còn rất khiêm tốn, chỉ một mình quỹ cũng khó lòng đáp ứng được nhu cầu vốn của các DNNVV.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho DNNVV, chúng tôi đề xuất một giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần đa dạng hóa các quỹ và chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV. Kinh nghiệm ở Hoa Kỳ cho thấy các quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV rất đa dạng. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Bộ Năng lượng (Department of Energy) bảo lãnh các khoản vay vốn hỗ trợ các hoạt động tiên phong sử dụng công nghệ tiên tiến trong thương mại nếu như có căn cứ xác định rằng người vay có khả năng trả nợ[11]. Bên cạnh đó, Bộ Năng lượng còn trực tiếp cho vay để phát triển các phương tiện công nghệ tiên tiến và các bộ phận kèm theo. Ngoài ra, ở Mỹ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (Exim Bank) hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong lĩnh vực thủy sản, có Chương trình hỗ tài chính cho thủy sản (FFP) thuộc Bộ Thương mại cung cấp các khoản vay trực tiếp cho ngành thủy sản. FFP cho doanh nghiệp vay dài hạn để tạo vốn xây dựng và xây dựng lại các tàu đánh cá, các cơ sở thủy sản và mua hạn ngạch đánh cá cá nhân tại Northwest Halibut/Sablefish Fishery. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng quản lý một chương trình gọi là Chương trình phát triển năng lượng nông nghiệp USDA. Chương trình cung cấp nguồn vốn cho các dự án nghiên cứu về năng lượng, cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng và thiết lập các hệ thống năng lượng tái tạo. Theo tác giả việc chuyên môn hóa các quỹ giúp cho các quỹ có thể nắm vững được những vấn đề mang tính kinh tế, kỹ thuật của ngành, để từ đó có những giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp. Trong trường hợp này, quỹ không chỉ đơn thuần cung cấp vốn mà có thể cử chuyên gia để “xắn tay” cùng doanh nghiệp quản trị, nghiên cứu và phát triển công nghệ và kinh doanh.
Thứ hai, đa dạng hóa các công cụ hỗ trợ tín dụng: Ngoài hình thức cung cấp các hỗ trợ tín dụng truyền thống như cho vay, bảo lãnh,… thì cần cho phép các quỹ được hỗ trợ tài chính cho các DNNVV thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh chia lợi nhuận hoặc chia sản phẩm, DNNVV phát hành trái phiếu riêng lẻ cho quỹ (pháp luật về phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng cần lới lỏng các điều kiện phát hành trái phiếu). Bên cạnh đó, quỹ cũng có quyền mua các cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi do DNNVV phát hành. Đặc biệt cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại tỏ ra rất hiệu quả khi mà cổ đông có thể được đối xử ưu tiên như một chủ nợ.
Thứ ba, nếu các nguồn quỹ chủ yếu dựa vào vốn ngân sách nhà nước thì vốn hỗ trợ sẽ rất hạn chế. Vì vậy cần đẩy mạnh hiện thực hóa việc đa dạng nguồn vốn, trong đó phát huy được nguồn vốn từ công chúng và từ chính cộng đồng doanh nghiệp. Để có thể thực hiện được điều này nên cho phép các quỹ được thực hiện các hình thức huy động vốn như phát hành trái phiếu, chứng chỉ đầu tư... Như vậy, các quỹ hỗ trợ DNNVV không chỉ là các quỹ do ngân sách nhà nước tài trợ là chủ yếu mà còn có cả các quỹ hỗ trợ DNNVV có nguồn vốn tư nhân. Các nhà đầu tư và tài trợ vốn cho các quỹ này cần được hưởng các chính sách ưu đãi phù hợp để họ sẵn sàng tham gia vào chương trình hỗ trợ DNNVV. Các chính sách ưu đãi có thể bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập đối với lợi nhuận từ đầu tư, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế và/hoặc phí đối với doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tài chính cho các quỹ. Ngoài ra, cũng có thể yêu cầu DNNVV thụ hưởng khoản hỗ trợ tài chính từ quỹ phải có những cam kết ưu đãi về giá hàng hóa, dịch vụ đối với người tham gia đóng góp vốn cho quỹ.
Thứ tư, điều đáng lo ngại nhất đối với cả các tổ chức tín dụng và các quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV là sự thiếu minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp này. Chừng nào còn thiếu sự minh bạch về tài chính của DNNVV thì chừng đó DNNVV còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tài trợ. Bởi vì không chủ thể nào có thể mạnh dạn cho một doanh nghiệp vay khi các số liệu phản ánh năng lực tài chính của doanh nghiệp đó không đáng tin cậy hoặc khi biết rằng các doanh nghiệp này có sự gian lận về số liệu tài chính. Vì vậy, pháp luật về kế toán cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng minh bạch hóa báo cáo tài chính doanh nghiệp, trong hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp chỉ tồn tại một bộ sổ sách kế toán theo đúng chuẩn mực kế toán. Ngoài ra, cần cá nhân hóa nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật và kế toán trưởng của doanh nghiệp về sự trung thực, chính xác của số liệu tài chính.
Thứ năm, nên tháo bỏ yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm đối với các khoản cấp tín dụng từ các quỹ hỗ trợ DNNVV. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là quỹ sẽ cung cấp khoản tín dụng cho bất kỳ DNNVV nào. Các DNNVV vẫn phải chứng minh tính khả thi của dự án cần tài trợ vốn, năng lực tài chính của mình và khả năng trả nợ. Các quỹ cũng vẫn phải thẩm định hồ sơ vay vốn của DNNVV và chỉ duyệt các dự án được khuyến khích phát triển, hiệu quả và người vay có khả năng trả nợ. Ngoài ra, giữa doanh nghiệp và quỹ cũng có thể thỏa thuận sử dụng tài sản hoặc thu nhập từ vốn vay để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ và/hoặc áp dụng cơ chế tái cấu trúc vốn, chuyển nợ thành cổ phần hoặc vốn góp trong trường hợp quá hạn mà DNNVV không trả được nợ. Trong trường hợp này, quỹ sẽ cử người có năng lực tham gia quản trị DNNVV nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNVV. Giải pháp này chỉ có thể thực hiện hiệu quả bởi các quỹ chuyên ngành khi họ có các chuyên gia am hiểu sâu sắc về các vấn đề kinh tế, kỹ thuật của ngành.
Thứ sáu, cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ tín dụng cho các DNNVV với những chương trình ưu đãi nhất định. Đương nhiên, khi các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng theo chương trình ưu đãi cho DNNVV thì bản thân tổ chức tín dụng cũng cần được hưởng những ưu đãi nhất định từ Nhà nước nhằm xan xẻ những rủi ro mà các tổ chức tín dụng có thể gặp phải khi tham gia tài trợ tín dụng cho DNNVV. Các chính sách ưu đãi có thể là miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho lợi nhuận thu được từ hoạt động tài trợ tín dụng theo chương trình ưu đãi. Ngoài ra, tổ chức tín dụng có thể bán khoản nợ này cho bên thứ ba. Điều này đòi hỏi thị trường mua bán nợ của ngân hàng phải thực sự phát triển.
Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Điều 2.1 Đề xuất ngày 06/5/2003 của Ủy ban về khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa 2003/361/EC (Commission Recommendation of 6 May 2003 concerning the definition of micro, small and medium-sized enterprises, 2003/361/EC).
[2]. U.S. International Trade Commission, Small and Medium-Sized Enterprises: U.S. and EU Export Activities, and Barriers and Opportunities Experienced by U.S. Firms, Investigation No. 332-509, Publication 4169, July 2010.
[3]. Ở Mỹ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 90% tổng số doanh nghiệp. (Xem U.S. International Trade Commission, Small and Medium-Sized Enterprises: U.S. and EU Export Activities, and Barriers and Opportunities Experienced by U.S. Firms, Investigation No. 332-509, Publication 4169, July 2010, tr. xiii).
[4]. Supporting small and medium-sized enterprises in 2012, A joint report of the European Commission and the European Investment Bank Group, 02/05/2013, tr. 2.
[5]. ThS. Nguyễn Hữu Mạnh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng: Những vấn đề đặt ra? http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-va-vua-tiep-can-von-ngan-hang-nhung-van-de-dat-ra-93601.html,
[6]. Hà Văn Dương, Vai trò của Nhà nước đối với phát triển hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 220 (5/2014), tr. 69.
[7]. Hà Văn Dương, Vai trò của Nhà nước đối với phát triển hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 220 (5/2014), tr. 70.
[8]. Hà Văn Dương, Vai trò của Nhà nước đối với phát triển hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 220 (5/2014), tr. 70.
[9]. ThS. Nguyễn Hữu Mạnh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng: Những vấn đề đặt ra? http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-va-vua-tiep-can-von-ngan-hang-nhung-van-de-dat-ra-93601.html,
[10]. Công văn số 30/QDNNVV-NVUT về việc triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính năm 2017 của Quỹ Phát triển DNNVV ngày 06/3/2017.
[11]. http://energy.gov/lpo/loan-guarantee-program-governing-documents.