Abstract: The paper studies commercial conciliation and enforcement of successful conciliation from the experiences of the Federal Republic of Germany.
1. Một số nội dung cơ bản của Đạo luật Hòa giải của Đức
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Hòa giải rất rộng, hầu hết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực dân sự và thương mại (thuộc phạm vi của luật tư) đều có thể được giải quyết thông qua quy trình hòa giải[1]. Các tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thường bao gồm các tranh chấp dân sự phát sinh từ các quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình, lao động, xây dựng, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, phá sản[2]… Thậm chí, cả tranh chấp về thừa kế cũng có thể được hòa giải[3]. Đối với các tranh chấp thương mại có thể hòa giải được, căn cứ vào mối quan hệ là bên trong hay bên ngoài của doanh nghiệp, các tranh chấp này được biểu hiện qua hai hình thức: Tranh chấp bên trong và tranh chấp bên ngoài. Theo đó, tranh chấp bên trong là tranh chấp giữa những thành viên, định chế của cùng một doanh nghiệp với nhau, bao gồm các dạng tranh chấp giữa những người lao động, giữa các nhóm/phòng ban, giữa người lao động và người quản lý, giữa người quản lý và hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, giữa những người quản lý, giữa những chủ sở hữu và giữa những cổ đông với nhau[4]; tranh chấp bên ngoài là tranh chấp được hình thành giữa hai doanh nghiệp với tư cách là hai thực thể pháp lý độc lập hoặc giữa doanh nghiệp với những tổ chức/cá nhân khác. Các tranh chấp bên ngoài bao gồm tất cả tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xây dựng… của doanh nghiệp[5].
1.2. Hòa giải viên
Khác với pháp luật nhiều nước6, pháp luật Đức không đặt ra những tiêu chuẩn về năng lực, trình độ cũng như điều kiện cần để một người có thể trở thành hòa giải viên. Theo luật Đức thì hòa giải viên đơn giản là một người độc lập và không thiên vị, đứng ra hỗ trợ các bên trong quá trình hòa giải nhưng không có thẩm quyền ban hành bất kỳ quyết định nào[7]. Định nghĩa này nêu ra hai điều kiện mà một hòa giải viên cần phải có, đó là: (i) Tính độc lập, khách quan và không thiên vị; (ii) Có khả năng hỗ trợ các bên trong quá trình hòa giải nhưng không có quyền ban hành một quyết định ràng buộc các bên. Hai điều kiện này của hòa giải viên so với trọng tài viên vừa có điểm tương đồng, vừa có điểm khác biệt. Cả hòa giải viên và trọng tài viên đều là những người cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp, là những bên thứ ba hoàn toàn độc lập, vì vậy, tính độc lập, khách quan, vô tư và không thiên vị là điều kiện cốt yếu để đảm bảo một quy trình giải quyết tranh chấp có thể được diễn ra một cách công bằng, sòng phẳng và có lợi cho cả đôi bên. Thế nhưng, nếu trọng tài viên là những thẩm phán tư nhân[8], những người cầm cân nảy mực trong việc nhận định và phán xử về các quyền, nghĩa vụ của các bên thông qua việc ban hành một quyết định mang tính ràng buộc và chung thẩm, thì hòa giải viên lại đơn thuần là những người hỗ trợ, bằng khả năng của mình mang các bên lại với nhau và không có quyền ban hành bất kỳ phán quyết nào. Tính vô tư, khách quan phải được hòa giải viên thông báo với các bên ngay từ những bước đầu tiên của quy trình hòa giải. Hòa giải viên sẽ phải giải trình với các bên về tất cả các tình huống có thể dẫn đến việc vi phạm sự độc lập và không thiên vị. Nếu những tình huống này xảy ra, hòa giải viên chỉ được thực hiện nhiệm vụ của mình nếu các bên đồng ý rõ ràng như vậy[9].
Một trong những điểm quan trọng làm cho hòa giải trở nên hấp dẫn là tính bảo mật thông tin. Hòa giải viên phải bảo mật tất cả những thông tin mà mình tiếp thu được trong suốt tiến trình hòa giải, nếu hòa giải viên tiết lộ thông tin mà không được sự đồng ý của các bên hoặc ngoài những trường hợp luật định có thể chịu trách nhiệm bồi thường. Nghĩa vụ bảo mật thông tin không bị hạn chế trong các trường hợp[10]: (i) Thông tin là cần thiết để thi hành thỏa thuận hòa giải thành (TTHGT); (ii) Thông tin trái trật tự công cộng; (iii) Các thông tin mang tính nhận thức chung. Thực hiện đạo đức nghề nghiệp cũng là một nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả hòa giải viên, tức là hòa giải viên bị ràng buộc bởi những quy tắc, quy chế của tổ chức nghề nghiệp mà mình đang sinh hoạt. Không hiếm trường hợp ở Đức các hòa giải viên là những luật sư và công chứng viên, do đó, khi tham gia vào quy trình hòa giải với vai trò là hòa giải viên, những luật sư và công chứng viên này không chỉ phải thực hiện nghĩa vụ do các bên quy định hoặc theo quy định của Đạo luật Hòa giải và các văn bản khác có liên quan, mà còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Quy tắc hành nghề luật sư (BORA) hay Bộ Quy tắc công chứng liên bang (BNotO). Dù rằng luật không đặt ra các quy định về tiêu chuẩn của hòa giải viên, nhưng để được tham gia vào quy trình hòa giải, hòa giải viên phải trải qua những sự tập huấn nghiêm ngặt theo các chương trình do những tổ chức hòa giải uy tín cung cấp. Khi thụ lý vụ việc, hòa giải viên có nghĩa vụ thông báo với các bên tranh chấp về năng lực giải quyết vụ việc và số lượng khóa tập huấn, thời lượng làm công tác thực tiễn của mình. Việc thông báo này có lợi cho cả hòa giải viên và các bên tranh chấp vì các bên biết được rằng mình có đặt niềm tin vào những người có năng lực phù hợp không, còn hòa giải viên cũng tránh được khả năng bị các bên khiếu nại về năng lực giải quyết tranh chấp.
2. Thỏa thuận hòa giải thành và việc thi hành thỏa thuận hòa giải thành
Quy trình hòa giải kết thúc nếu rơi vào một trong ba tình huống sau: (i) Các bên không thống nhất được các phương án để giải quyết tranh chấp; (ii) Các bên chỉ giải quyết một phần của tranh chấp; (iii) Toàn bộ tranh chấp được các bên giải quyết[11]. Hòa giải là quy trình giải quyết tranh chấp hoàn toàn dựa trên sự thành ý và tinh thần thiện chí của các bên tranh chấp, vì vậy, bất cứ khi nào mà sự thành ý không còn tồn tại nữa thì quy trình hòa giải cần phải kết thúc. Vì lẽ đó mà pháp luật của Đức cho phép các bên được rút khỏi hòa giải bất cứ khi nào mình thấy là phù hợp mà không cần đưa ra bất kỳ lý do gì[12]. Ngoài ra, thực tiễn pháp luật ở Đức cũng chứng minh rằng, các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận với nhau về những điều kiện, căn nguyên làm kết thúc quy trình hòa giải, ví dụ, nếu một bên lâm vào tình trạng phá sản hoặc tài sản tranh chấp bị thay đổi hiện trạng[13]…
Quy trình hòa giải, dù đơn giản và không nhiều công đoạn như tố tụng trọng tài, cũng làm các bên mất nhiều thời gian, chi phí và công sức theo đuổi, vì vậy, một kết quả hòa giải bất thành là điều mà các bên không hề mong muốn. Điều lý tưởng nhất mà các bên tranh chấp luôn tâm niệm, cũng là động lực để các bên tham gia vào hòa giải, là các bên đạt được một sự thỏa thuận nhất định nào đó về vụ tranh chấp và tốt nhất là giải quyết trọn vẹn toàn bộ tranh chấp[14]. Sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, tự định đoạt của các bên được gọi là “thỏa thuận hòa giải thành”. Hòa giải viên không thay mặt các bên đưa ra quyết định, mà chỉ giúp các bên trình bày nguyện vọng và mang các yêu cầu, lợi ích của các bên lại gần với nhau thông qua việc đề xuất giải pháp, phương án để các bên chọn lựa.
Một vấn đề cần đặt ra là liệu hòa giải viên có quyền và có nên soạn thảo văn bản TTHGT cho các bên hay không? Hòa giải viên sẽ có quyền thực hiện việc soạn thảo này nếu các bên đồng ý hoặc nếu quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải có quy định như vậy và các bên đã hoàn toàn đồng thuận với quy tắc này. Thế nhưng, để trả lời cho câu hỏi có nên hay không thì đây là vấn đề khá tế nhị. Nếu hòa giải viên là luật sư hoặc chuyên gia pháp lý, có nhiều kinh nghiệm trong việc soạn thảo hợp đồng và các văn bản pháp lý, thì hòa giải viên nên giúp các bên[15]. Ngược lại, nếu hòa giải viên không có nhiều kinh nghiệm soạn thảo văn bản hoặc bản thân mình không cảm thấy tự tin thì tốt nhất là chỉ nên dự thảo các ý chính của TTHGT và sau đó để luật sư của các bên cho ý kiến nhằm hoàn thiện. Những hòa giải viên lành nghề tại Đức cũng thường khuyên rằng hãy để luật sư của các bên soạn thảo văn bản TTHGT vì điều này mang lại nhiều sự an toàn toàn pháp lý cho hòa giải viên[16]. Nếu hòa giải viên tự soạn TTHGT mà có sai sót thì hòa giải viên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho các bên nếu các bên có thiệt hại do sự sai sót này gây ra[17].
2.1. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành
Hòa giải viên giúp các bên tối đa hóa lợi ích và nguyện vọng của mình trên cơ sở TTHGT được xác lập[18], nhưng TTHGT có thể chỉ ghi nhận những yêu cầu nguyện vọng của các bên tranh chấp hoặc đề cập thêm về cơ sở pháp lý và tình tiết của vụ việc. Luật không quy định những nội dung cụ thể mà một TTHGT phải có, do đó, các bên được toàn quyền quyết định về những nội dung nào sẽ được đề cập trong TTHGT, miễn là những nội dung này được xác lập dựa trên tinh thần tự nguyện, không trái trật tự công[19] và hướng đến giải pháp “cùng thắng” Win – Win[20]. Để đảm bảo tính khả thi của TTHGT, các bên cũng có thể thỏa thuận về lộ trình và các cách thức nhằm hiện thực hóa những gì mình đã cam kết[21]. Ngoài ra, bảo mật thông tin cũng là vấn đề rất quan trọng vì trong quá trình hòa giải, các bên, với mong muốn đạt được những lợi ích của mình thông qua TTHGT, sẽ ra sức cung cấp các thông tin liên quan đến tranh chấp. Các thông tin này có thể là nội dung của giao dịch hoặc cũng có thể là những bí mật kinh doanh của các bên. Vì lẽ đó, để ràng buộc nghĩa vụ bảo mật thông tin cũng như thiết lập các giới hạn của việc tiết lộ thông tin, các bên nên thỏa thuận rõ ràng những trường hợp cũng như giới hạn của sự bảo mật[22].
Các hòa giải viên có nhiều kinh nghiệm tại Đức khuyến nghị rằng, một TTHGT nên gồm tối thiểu những nội dung như sau[23]: Thông tin về các bên tranh chấp; lời tựa (nếu cần); kết quả hòa giải; thông tin về quy trình hòa giải (nếu các bên có yêu cầu); các nội dung tranh chấp và giải pháp cho các nội dung này; cơ sở pháp lý (không bắt buộc); hình thức của thỏa thuận; bên chịu phí hòa giải; các bước tiếp theo sau khi hòa giải thành; thời hạn thực hiện cam kết và việc gia hạn; bảo mật thông tin; ngày tháng và chữ ký của các bên… Về mặt kỹ thuật, để tăng cường tính kỷ luật của hợp đồng nói chung[24] cũng như TTHGT nói riêng, các bên có thể đưa thêm vào TTHGT các điều khoản liên quan đến phạt vi phạm, hạn chế các quyền dân sự hoặc các biện pháp bảo đảm…
2.2. Hình thức thỏa thuận hòa giải thành
Cũng như nội dung TTHGT, hình thức TTHGT không được pháp luật Đức dự liệu cụ thể. Theo đó, tính tự do về mặt hình thức đối với TTHGT sẽ hoàn toàn thuộc về chủ ý của các bên. TTHGT có thể được lập bằng văn bản hoặc thậm chí là lời nói giữa các bên cũng có thể chấp nhận được nếu các bên đồng ý như vậy[25]. Tuy nhiên, hình thức bằng lời nói mang rất nhiều rủi ro và không được các hòa giải viên có nhiều kinh nghiệm khuyến khích[26]. Trái lại, hình thức văn bản của TTHGT mang lại cho các bên sự an toàn pháp lý nhất định, hơn nữa, nếu một trong các bên sau khi hòa giải thành kết thúc lại không thực hiện như những gì đã cam kết thì văn bản chứa đựng TTHGT sẽ là bằng chứng thuyết phục để một bên kiện ra Tòa nhằm buộc bên không thiện chí phải thi hành những gì mình đã cam kết. Hình thức văn bản giấy của TTHGT được khuyến khích nhất nhưng các hình thức văn bản dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử, ví dụ như email, fax, telex… cũng có giá trị tương đương trong việc thiết lập TTHGT[27]. Không như tố tụng trọng tài với nhiều văn bản được hội đồng trọng tài ban hành trong suốt quy trình tố tụng, hòa giải là quy trình giải quyết tranh chấp chỉ với một văn bản là TTHGT[28]. Vì lẽ đó, hình thức của TTHGT phải được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, dùng ngôn từ dễ hiểu đối với các bên, điều này cũng giúp tránh sự hiểu nhầm hoặc nhận thức không thống nhất của các bên về kết quả tranh chấp[29]. Việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý đặc thù trong TTHGT giữa các bên tranh chấp là điều không nên vì về bản chất, ngôn ngữ pháp lý của Đức rất đa dạng, phức tạp và hàn lâm[30].
Nếu nội dung tranh chấp liên quan đến các giao dịch đặc thù được pháp luật quy định cụ thể về mặt hình thức thì TTHGT với tư cách là văn bản chứa đựng những nội dung liên quan đến tranh chấp, cũng phải được thực hiện thông qua những hình thức tương ứng. Ví dụ, nếu TTHGT ghi nhận kết quả giải quyết tranh chấp giữa các bên về việc cho thuê nhà, văn phòng giữa các doanh nghiệp, thì TTHGT này phải được lập thành văn bản. Tương tự, nếu TTHGT đề cập đến các quyền tài sản liên quan đến bất động sản giữa các bên thì phải được công chứng. Chữ ký của các bên tranh chấp và cả hòa giải viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì điều này thể hiện sự ràng buộc giữa các bên về sự đồng thuận đối với những giải pháp được nêu ra trong TTHGT, đồng thời chỉ ra tinh thần thiện chí, hợp tác cùng nhau giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, việc các bên cùng ký tên vào TTHGT là điều kiện đảm bảo loại trừ những sự khước từ thi hành trong tương lai của bên không thiện chí[31]. Về mặt kỹ thuật, không hiếm trường hợp các bên và hòa giải viên kết thúc hòa giải với những cái bắt tay thân thiện và cùng nhau dùng bữa tối[32].
2.3. Thi hành thỏa thuận hòa giải thành
TTHGT được hình thành từ sự tự nguyện, hợp tác một cách thiện chí giữa các bên, vì vậy, TTHGT trong đa phần các trường hợp sẽ được các bên thi hành một cách tự nguyện. Nhưng nếu đến bước thi hành TTHGT mà có một bên không thiện chí và từ chối thực hiện những cam kết của mình, bên còn lại sẽ bị thiệt hại khi các quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. TTHGT không thể đương nhiên được Tòa án Đức cho thi hành[33] mà phải được thực hiện theo các cơ chế nhất định[34]. Cần lưu ý là, để TTHGT được cho thi hành theo những cơ chế này thì TTHGT phải ghi nhận một cách rõ ràng rằng bên có nghĩa vụ đồng ý thi hành ngay những cam kết của mình[35]. Các cơ chế luật định bao gồm:
- Sau khi các bên cùng ký tên vào TTHGT, một bên sẽ mang văn bản TTHGT đến cơ quan công chứng nơi mình cư trú hoặc có trụ ở chính tại thời điểm TTHGT được thành lập để nhờ công chứng văn bản này. Nếu hòa giải viên cũng là công chứng viên thì hòa giải viên sẽ công chứng ngay TTHGT sau khi các bên cùng ký tên vào văn bản[36]. Sau khi được cơ quan công chứng chấp thuận công chứng, TTHGT có hiệu lực ràng buộc và là bằng chứng không thể khước từ khi được sử dụng vào giai đoạn thi hành. TTHGT sau khi được công chứng có thể được mang đến Tòa sơ thẩm nơi một bên cư trú để yêu cầu Tòa ra quyết định cho thi hành văn bản công chứng này[37].
- Nếu luật sư của các bên cũng đóng vai trò là hòa giải viên trong quy trình hòa giải theo ý nguyện của các bên[38], thì luật sư sau khi cùng các bên ký tên vào TTHGT phải mang văn bản TTHGT đến Tòa sơ thẩm nơi một bên cư trú hoặc có trụ sở chính[39]. Nếu Tòa sơ thẩm đồng ý công nhận TTHGT giữa các bên thì Tòa này đồng thời cũng sẽ ra quyết định cho thi hành TTHGT.
- Nếu các bên tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài nhưng đạt được thỏa thuận với nhau về kết quả vụ tranh chấp trước khi hội đồng trọng tài ra phán quyết mang tính chung thẩm và ràng buộc, thì hội đồng trọng tài sẽ ghi nhận những thỏa thuận này trong một phán quyết trọng tài[40]. Phán quyết trọng tài trong trường hợp này gọi là “phán quyết đồng thuận” vì nó ghi nhận sự thống nhất ý chí của các bên về vụ tranh chấp, hơn là những sự thẩm định và phán xử của hội đồng trọng tài. Phán quyết đồng thuận có hiệu lực tương đương với phán quyết trọng tài thông thường và hoàn toàn có thể được mang đến Tòa thượng thẩm khu vực nơi bên thua kiện cư trú hoặc có trụ sở chính hoặc nơi có tài sản để yêu cầu Tòa ra quyết định thi hành phán quyết.
TTHGT được xác lập ở ngoài lãnh thổ của Đức cũng được đối xử hoàn toàn bình đẳng như TTHGT được các bên nhất trí thông qua tại Đức. Tuy nhiên, luật áp dụng để xem xét hiệu lực của TTHGT sẽ là luật được áp dụng cho hợp đồng giữa các bên nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể về việc chọn luật cho quy trình hòa giải[41]. Một TTHGT được xác lập ở nước ngoài muốn được Tòa án Đức[42] cho thi hành thì có thể được thực hiện thông qua những cách thức sau:
- Một TTHGT được công chứng ở nước ngoài không đương nhiên được thi hành tại các Tòa án Đức[43]. Thế nhưng, nếu nước mà cơ quan công chứng có trụ sở là thành viên của Quy tắc Brussels I (sửa đổi) thì TTHGT trong trường hợp này xem như là được cơ quan công chứng của Đức thực hiện và sẽ được cho thi hành theo cơ chế đã phân tích ở trên. Vì thế, giải pháp kỹ thuật dành cho bên có quyền trong TTHGT muốn thi hành TTHGT tại Đức là mang TTHGT đến một nước thành viên Quy tắc Brussels I (sửa đổi) để công chứng (tốt nhất là Đức), sau đó mang văn bản công chứng TTHGT đến các Tòa sơ thẩm của Đức thì việc cho thi hành sẽ diễn ra thuận tiện.
- Nếu TTHGT đã được một Tòa án, nhất là Tòa án nơi TTHGT được thiết lập bởi các bên tranh chấp, ra quyết định công nhận và cho thi hành nhưng vì lý do nào đó mà không thể thi hành được tại nước sở tại, thì bên có quyền trong TTHGT có thể mang quyết định này đến nhờ Tòa án Đức công nhận và cho thi hành. Cơ chế công nhận và cho thi hành này sẽ rơi vào trường hợp công nhận và cho thi hành quyết định của Tòa án nước ngoài. Nếu quyết định của Tòa án nước ngoài được ban hành tại nước châu Âu là thành viên Quy tắc Brussels I (sửa đổi) thì việc công nhận và cho thi hành sẽ chịu sự điều chỉnh của Quy tắc này. Ngược lại, nếu quyết định của Tòa án nước ngoài được ban hành tại một nước không phải thành viên Quy tắc Brussels I (sửa đổi) thì các quy định về công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của Tòa án nước ngoài của ZPO sẽ được áp dụng[44]. Tòa án có thẩm quyền xem xét yêu cầu công nhận và cho thi hành trong trường hợp này sẽ là Tòa sơ thẩm hoặc thượng thẩm nơi bên có nghĩa vụ cư trú hoặc có trụ sở chính[45].
- Nếu phán quyết đồng thuận được hội đồng trọng tài thông qua ngoài lãnh thổ của Đức, pháp luật Đức xem đây là phán quyết trọng tài nước ngoài và phán quyết này sẽ được thi hành theo quy định của Công ước New York năm 1958[46]. Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp này cũng sẽ là Tòa thượng thẩm khu vực nơi bên thua kiện cư trú hoặc có trụ sở chính hoặc nơi có tài sản để yêu cầu Tòa ra quyết định thi hành phán quyết.
Tóm lại, không nằm ngoài xu thế ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế ngoài Tòa án, hòa giải thương mại ngày càng được ưa chuộng tại các nước phát triển nói chung và tại Đức nói riêng. Quy trình hòa giải, vốn tốn kém thời gian, tiền của và công sức của các bên, sẽ là lý tưởng nhất khi các bên có thể ngồi lại để thỏa thuận với nhau về tất cả những nội dung tranh chấp dưới sự hỗ trợ, chứng kiến của hòa giải viên. Một văn bản TTHGT với chữ ký của các bên và cả hòa giải viên không chỉ có giá trị chứng cứ vững chắc mà còn thể hiện sự thiện chí và nhận thức rõ ràng của các bên về những quyền và nghĩa vụ của mình. Các bên hoàn toàn có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua những cơ chế được dự liệu trong Bộ luật Tố tụng dân sự, bất kể TTHGT được lập trong hay ngoài lãnh thổ của ĐứC.
& NGUYỄN THỊ THÙY LINH **
* Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
** Viện Nhà nước và Pháp luật
Tài liệu tham khảo:
[2]. Becker/Fittschen, Bürgermeister und Mediation, Kommunal- und Schul-Verlag, 2012.
[3]. Xem: Risse/Scherer, Alwaltshandbuch Erbrecht (4 Aufl.), Nxb. C.H.Beck, 2014.
[4]. Marianne Koschang-Rohbeck, Praxisbuch Wirtschaftsmediation: Grundlagen und Methoden zur Lösung innerbetreitblicher und zwischenbetreitblicher Konflikt, Nxb. Springer Gabler, 2015, tr. 238.
[5]. Marianne Koschang-Rohbeck, Praxisbuch Wirtschaftsmediation: Grundlagen und Methoden zur Lösung innerbetreitblicher und zwischenbetreitblicher Konflikt, Nxb. Springer Gabler, 2015, tr. 238.
[6]. Ví dụ, theo quy định của Việt Nam, các tiêu chuẩn của hòa giải viên mang cả tính định lượng cũng như định tính. Theo đó, hòa giải viên phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đạo đức, uy tín, vô tư, khách quan; có trình độ đại học và công tác trong lĩnh vực đào tạo từ 02 năm trở lên; có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán thương mại, xem: Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về Hòa giải thương mại.
[7]. Điều 1(2) Đạo luật Hòa giải.
[8]. Lê Nguyễn Gia Thiện, Số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài - nhìn từ góc độ luật học so sánh, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15, 8/2012, tr. 44.
[9]. Điều 3(1) Đạo luật Hòa giải.
[10]. Điều 4 Đạo luật Hòa giải.
[11]. Alan Stitt, Mediation: A Practical Guide, Nxb. Routledge-Cavendish, 2004, tr. 133.
[12]. Beckman, Wirtschaftsmediation in der anwaltlichen Beratung - pratischer Ratbeger für den Umgang mit Mediation, DStR 2007, tr. 584.
[13]. Greger/Unberath, Mediationsgesetz, Sec. 2. Comment 254.
[14]. Rabe/Wode, Mediation: Grundlagen, Methoden, rechtliche Rahmen, Nxb. Springer, 2014, tr. 224.
[15]. Marianne Koschang-Rohbeck, Praxisbuch Wirtschaftsmediation: Grundlagen und Methoden zur Lösung innerbetreitblicher und zwischenbetreitblicher Konflikt, Nxb. Springer Gabler, 2015, tr. 238.
[16]. Alan Stitt, Mediation: A Practical Guide, Nxb. Routledge-Cavendish, 2004, tr. 136.
[17]. Rabe/Wode, Mediation: Grundlagen, Methoden, rechtliche Rahmen, Nxb. Springer, 2014, tr. 226.
18. Jörg Risse, Wirtschaftsmediation, Nxb. C.H.Beck, 2003, tr. 36.
[19]. Rabe/Wode, Mediation: Grundlagen, Methoden, rechtliche Rahmen, Nxb. Springer, 2014, tr. 226.
[20]. Bühling-Uhle/Kirchhoff/Scherer, Arbitration and Mediation in International Business (2nd Ed.), Nxb. Wolter Kluwer International, 2006, tr. 174.
[21]. Rabe/Wode, Mediation: Grundlagen, Methoden, rechtliche Rahmen, Nxb. Springer, 2014, tr. 224.
[22]. Alan Stitt, Mediation: A Practical Guide, Nxb. Routledge-Cavendish, 2004, tr. 136.
[23]. Gerhard Hösl, Mediation - die erfolgreiche Konfliktlösung: Grundlagen und praktische Anwendung, Nxb. Kösel-Verlag, 2002, tr. 153.
[24]. Kỷ luật hợp đồng vốn được xem đặc trưng lâu đời của nền pháp chế Đức.
[25]. Rabe/Wode, Mediation: Grundlagen, Methoden, rechtliche Rahmen, Nxb. Springer, 2014, tr. 226.
[26]. Marianne Koschang-Rohbeck, Praxisbuch Wirtschaftsmediation: Grundlagen und Methoden zur Lösung innerbetreitblicher und zwischenbetreitblicher Konflikt, Nxb. Springer Gabler, 2015, tr. 236.
[27]. Điều 126a và 126b Bộ luật Dân sự Đức.
[28]. Marianne Koschang-Rohbeck, Praxisbuch Wirtschaftsmediation: Grundlagen und Methoden zur Lösung innerbetreitblicher und zwischenbetreitblicher Konflikt, Nxb. Springer Gabler, 2015, tr. 238.
[29]. Ulrike Hinrichs, Praxishandbuch Mediationsgesetz, Nxb. De Gruyter, 2014, tr. 210.
[30]. Bản thân chữ TTHGT cũng có thể được viết bằng một loạt các thuật ngữ cầu kỳ và phức tạp như: Vergleichsvertrag, Abschlussvereinbarung, Mediationsergebnis và Mediationsergebnisvereinbarung.
[31]. Haft/von Schlieffen, Handbuch Mediation, 2. Aufl, Nxb. C.H.Beck, 2008, tr. 316.
[32]. Risse/Scherer, Alwaltshandbuch Erbrecht (4 Aufl.), Nxb. C.H.Beck, 2014.
[33]. Haimo Schack, Internationales Zivilverfahrensrecht, Nxb. C.H.Beck, 2014, đoạn 379.
[34]. Ulrike Hinrichs, Praxishandbuch Mediationsgesetz, Nxb. De Gruyter, 2014, tr. 210.
[35]. Nhưng trên thực tế bên này đã không làm như vậy.
[36]. Điều 794(1)(5) Bộ luật Tố tụng dân sự Đức (ZPO).
[37]. Điều 796c.
[38]. Beckman, Wirtschaftsmediation in der anwaltlichen Beratung - pratischer Ratbeger für den Umgang mit Mediation, DStR 2007, tr. 583.
[39]. Điều 796a ZPO. Thông thường thì Tòa án được yêu cầu sẽ là Tòa sơ thẩm nơi bên có nghĩa vụ nhiều hơn trong TTHGT cư trú hoặc có trụ sở chính.
[40]. Điều 1053 ZPO.
[41]. Reithmann/Martiny, Internationales Vertragsrecht, Nxb. Otto Schmidt, 2015, para. 379.
[42]. Thường là Tòa sơ thẩm nơi cư trú hoặc có trụ sở chính của bên có nghĩa vụ trong TTHGT.
[43]. Haimo Schack, Internationales Zivilverfahrensrecht, Nxb. C.H.Beck, 2014, đoạn 912.
[44]. Các Điều 328, 722 và tiếp theo của ZPO, xem: Ingo Saenger, Zivilprozessordnung Handkommentar, Nxb. Nomos, tr. 927-945, 1449 và tiếp theo.
[45]. Điều 722(2) ZPO.
[46]. Điều 1061 ZPO về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Đức, xem: Lê Nguyễn Gia Thiện, Vấn đề công nhận kép phán quyết của trọng tài thương mại nước ngoài nhìn từ thực tiễn tại Đức, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 10, 5/2015, tr. 60 - 64.