Trong những năm gần đây, tội phạm về đánh bạc ngày càng diễn biến phức tạp, có sự gia tăng cả về quy mô và số lượng đối tượng tham gia đánh bạc, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, từ đó gây ra nhiều hệ lụy xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Việc các đối tượng thực hiện tội phạm về đánh bạc sẽ làm phát sinh các loại tội phạm hình sự khác, đặc biệt là các tội phạm xâm phạm về sở hữu, nhân thân… gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới các hình thức truyền thống như bài lá, xóc đĩa, chọi gà, lô đề… cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, loại tội phạm này đã được các đối tượng thực hiện trái phép trên không gian mạng với các hình thức như cá cược bóng đá, lô đề online, game online đổi thưởng… Phạm vi hoạt động của các đối tượng không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Trước tình hình đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp góp phần hạn chế loại tội phạm này, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật hình sự quy định về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tạo ra hành lang pháp lý giúp công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả cao.
1. Một số bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
Thứ nhất, xác định tài sản được dùng để đánh bạc.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tài sản để xác định đánh bạc bao gồm “tiền hoặc hiện vật” là chưa bao quát được hết các tài sản mà các đối tượng có thể sử dụng để đánh bạc. Trong thực tiễn, có không ít trường hợp đối tượng sử dụng các loại giấy tờ có giá hoặc quyền sở hữu về tài sản để sử dụng vào mục đích đánh bạc.
Bên cạnh việc dùng tiền mặt Việt Nam đồng để trực tiếp đánh bạc với nhau, có không ít vụ án, các đối tượng đánh bạc bằng tiền ngoại tệ, đánh bạc bằng điểm, phỉnh, kim khí quý, đá quý… Hoặc trong các vụ án đánh bạc trên không gian mạng thông qua các trang web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài, các đối tượng đã sử dụng đồng tiền kỹ thuật số, phổ biến là Ethereum (ETH), Tether coin (USDT), Bitcoin (BTC) để thanh toán tiền trong quá trình tổ chức đánh bạc, đánh bạc[1]. Tại Việt Nam hiện nay, các loại tiền kỹ thuật số chưa được công nhận là tiền tệ, là phương tiện thanh toán nhưng thực tế lại có giá trị thanh toán tại các sàn giao dịch quốc tế trên không gian mạng và có thể quy đổi ra tiền Việt Nam đồng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách tính số tiền đánh bạc trong những trường hợp này để xác định trách nhiệm hình sự.
Về tiền và hiện vật được xác định dùng để đánh bạc, hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc áp dụng Điều 321 và Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) nên việc xác định tiền và hiện vật dùng để đánh bạc trong quá trình xử lý tội phạm về đánh bạc được vận dụng theo tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP), bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc. Tuy nhiên, nếu chỉ xác định tiền và hiện vật dùng để đánh bạc nêu trên là chưa đầy đủ, vì thực tế, trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng có đủ căn cứ chứng minh đối tượng dùng tiền, hiện vật dùng để đánh bạc hoặc sẽ được dùng đánh bạc nhưng không thu giữ được số tiền, hiện vật này (do đối tượng đã sử dụng hết, bị mất).
Thứ hai, xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc.
Vấn đề này vận dụng theo tinh thần của quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét, cụ thể: Trường hợp đối tượng thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc với tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc; trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”. Việc xác định trách nhiệm hình sự nêu trên không thể hiện hết được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và không phù hợp với các quy định khác của pháp luật hình sự như trong trường hợp xác định trách nhiệm hình sự khi nhiều lần cùng thực hiện một loại hành vi xâm phạm sở hữu hay nhiều lần cùng thực hiện một loại hành vi các tội về tham nhũng và các tội khác về chức vụ[2].
Thứ ba, Điều 322 Bộ luật Hình sự quy định hai tội tổ chức đánh bạc và gá bạc trong cùng một điều luật là chưa phù hợp, chưa bảo đảm trong việc phân hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Việc quy định tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc trong cùng một điều luật là chưa phù hợp, bởi lẽ, dấu hiệu về mặt khách quan trong cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc không giống nhau, mức độ nguy hiểm của tội tổ chức đánh bạc và gá bạc là rất khác nhau nên việc quy định hai tội phạm này chung trong cùng một điều luật để áp dụng chung một khung hình phạt là chưa bảo đảm trong việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội phạm[3].
Thứ tư, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể Điều 6 Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người Việt Nam có hành vi phạm tội ở nước ngoài mà Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định là tội phạm.
Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Hình sự quy định: “Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này”. Tại một số quốc gia, người nước ngoài tham gia đánh bạc trong các Casino do Chính phủ cấp phép là hợp pháp, do đó, không ít những trường hợp, đối tượng người Việt Nam tham gia tổ chức đánh bạc và đánh bạc ở nước ngoài, đặc biệt là xuất cảnh sang nước bạn Campuchia (cả bằng con đường hợp pháp và bất hợp pháp) để tham gia đánh bạc trong các Casino hay tham gia đánh bạc bằng hình thức đá gà, gây mất an ninh trật tự và kéo theo các hệ lụy làm phát sinh các loại tội phạm khác[4], có trường hợp, đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam, qua quá trình điều tra xác minh xác định nguồn gốc số tiền trên của đối tượng là tiền có được do thắng bạc khi tham gia đánh bạc ở Campuchia[5] nhưng hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với những trường hợp đánh bạc này, các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa tội phạm là chủ yếu.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
- Bổ sung quy định tài sản để xác định đánh bạc bao gồm “tiền, hiện vật hoặc tài sản khác” cho phù hợp với các loại tài sản mà đối tượng có thể sử dụng để thực hiện việc đánh bạc.
- Tách tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 322 thành 02 điều luật độc lập quy định về tội tổ chức đánh bạc, tội gá bạc, đồng thời quy định cụ thể hành vi khách quan của tội tổ chức đánh bạc, tội gá bạc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là vấn đề định tội danh được chính xác.
Thứ hai, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự. Quá trình xử lý đối với các tội phạm về đánh bạc của các cơ quan có thẩm quyền dựa trên việc vận dụng tinh thần của quy định tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP (văn bản này đã hết hiệu lực thi hành). Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Điều 321, Điều 322 Bộ luật Hình sự, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật[6], trong đó chú ý đến một số nội dung sau đây:
- Quy định hướng dẫn về cách quy đổi trong trường hợp đối tượng đánh bạc bằng tiền ngoại tệ, đánh bạc bằng điểm, phỉnh, kim khí quý, đá quý và hướng dẫn trong trường hợp cách tính số tiền đánh bạc khi đối tượng thực hiện đánh bạc qua mạng, sử dụng đồng tiền kỹ thuật số và tiến hành thanh toán tiền thông qua hệ thống thanh toán quốc tế.
- Quy định về “tiền, hiện vật hoặc tài sản khác” được xác định dùng để đánh bạc, ngoài 03 trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, bổ sung thêm trường hợp “tiền, hiện vật hoặc tài sản khác có căn cứ xác định đã dùng hoặc sẽ dùng để đánh bạc nhưng không thu giữ được”.
- Sửa đổi quy định về cách xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc có thể tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc. Cụ thể là:
+ Trường hợp đối tượng thực hiện nhiều lần hành vi đánh bạc với tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, trừ trường hợp các lần đánh bạc được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian mà tổng số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên.
+ Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tổng số tiền, giá trị hiện vật của các lần đánh bạc và áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên”.
Thứ ba, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Điều 6 Bộ luật Hình sự, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý đối với những trường hợp đối tượng người Việt Nam có hành vi phạm tội ở nước ngoài mà Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định là tội phạm để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, góp phần đấu tranh có hiệu quả trước tình trạng người Việt Nam xuất cảnh sang nước ngoài đánh bạc nói chung, đặc biệt là sang Campuchia đánh bạc nói riêng.
ThS. Vũ Trịnh Hải Việt
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/de-nghi-truy-to-43-bi-can-danh-bac-qua-mang-gan-4-ty-usd-i650263/.
[2]. Điều 8 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
[3]. TS. Nguyễn Đức Hưng, Tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề tháng 10/2022.
[4]. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/trom-cap-tai-san-tri-gia-1-2-ty-dong-sang-campuchia-danh-bac-i684838/.
[5]. https://vnexpress.net/mang-ve-600-trieu-thang-bac-o-campuchia-nguoi-dan-ong-bi-bat-3393632.html.
[6]. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 3687/VKSNDTC - Vụ 7 ngày 16/9/2021 gửi Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị về việc xây dựng Nghị quyết hướng dẫn các tội phạm về đánh bạc.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 386), tháng 8/2023)