1. Chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc theo pháp luật Việt Nam
Vào tháng 6/1952, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chấp thuận Công ước số 102 về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội. Công ước này đã cung cấp 09 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bao gồm: Trợ cấp cho người bệnh, chăm sóc y tế, trợ cấp hưu trí, trợ cấp cho người tàn tật, trợ cấp tử tuất, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp cho gia đình, trợ cấp thai sản. Khi tham gia vào Công ước, các quốc gia thành viên được khuyến nghị phải triển khai ít nhất 03 chế độ trong chính sách lao động và phải có tối thiểu một trong số 05 chế độ sau: Trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hưu trí, trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp cho người tàn tật và trợ cấp tử tuất[1]. Do đó, việc quan tâm đến lợi ích của người già khi hết độ tuổi lao động nhận được sự chú trọng của ILO.
Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể đối với chế độ hưu trí, một phần quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Chế độ hưu trí không chỉ là công cụ quan trọng để Nhà nước ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho tất cả các thành viên trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, đưa ra những quy định cụ thể phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường và xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội và tích cực tham gia vào quốc tế trong lĩnh vực chế độ hưu trí. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 xác định và phân chia hai hình thức BHXH cho chế độ hưu trí: Tự nguyện và bắt buộc. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân tham gia và thụ hưởng chế độ hưu trí khi về già, bảo đảm an sinh xã hội trong tương lai. Trong đó, BHXH bắt buộc trong chế độ hưu trí là hình thức mà người lao động (NLĐ) và chủ sở hữu cùng đóng góp vào quỹ hưu trí hàng tháng theo mức quy định để bảo đảm việc hưởng lương hưu. Mức đóng BHXH bắt buộc được tính dựa trên mức lương hàng tháng của NLĐ. Khi đạt đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng BHXH, NLĐ được nghỉ hưu và nhận lương hưu. Tiếp theo đó, đến năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thông qua (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016) thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, đã đánh dấu một bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội. Các nội dung sửa đổi của Luật Bảo hiểm xã hội lần này đều hướng đến việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, bảo đảm công bằng xã hội, bình đẳng giới và an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và toàn cầu hóa trong hoàn cảnh mới. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đưa ra một số quy định khắc phục các điểm yếu trước đây của chế độ hưu trí nói riêng và từng bước thúc đẩy quá trình thực thi mục tiêu BHXH cho toàn dân nói chung. Cụ thể, các quy định liên quan đến BHXH bắt buộc và chế độ hưu trí được sửa đổi, bao gồm mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc, mức đóng BHXH bắt buộc, điều kiện nghỉ hưu, cách tính lương hưu, mức lương tham gia đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu và việc điều chỉnh lương hưu.
2. Một số khó khăn trong việc thực hiện các quy định chế độ hưu trí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
2.1. Về đối tượng áp dụng và hưởng chế độ hưu trí
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)[2] đã mở rộng thêm ba đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: (i) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; (ii) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương; (iii) NLĐ làm việc không trọn thời gian. Điều này giải quyết một thực trạng hiện nay đó là rất nhiều hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc cho bản thân họ và NLĐ nhưng các đối tượng này lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016, đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, Ngành BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với số lượng lớn chủ hộ kinh doanh cá thể trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, có những trường hợp đã đóng gần 20 năm và đủ độ tuổi để được hưởng các chế độ hưu trí[3]. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng này không nằm trong phạm vi tham gia BHXH bắt buộc và việc giải quyết các trường hợp đã tham gia 20 năm và đã đủ độ tuổi hưởng lương hưu gây ra sự khó khăn cho Nhà nước trong việc giải quyết chế độ hưu trí. Việc quy định thêm các đối tượng này phản ánh sự phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019, nâng cao quyền lợi khi những nhóm này tham gia vào việc đóng BHXH bắt buộc.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, nếu Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua thì một số đối tượng trước đây tham gia BHXH tự nguyện hoặc không tham gia BHXH nhưng khi Luật thay đổi họ phải đóng BHXH bắt buộc ngoài ý chí của NLĐ. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét hai quy định sau để bảo đảm việc tuân thủ của các đối tượng mới được bổ sung:
Thứ nhất, cần xem xét việc xác định quy trình tổ chức thực hiện đối tượng bổ sung, bao gồm trách nhiệm, thủ tục của cơ quan nhà nước thi hành chính sách có liên quan. Các thủ tục hành chính cần xây dựng theo đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, tao điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, tránh tạo áp lực cho họ tham gia từ ban đầu.
Thứ hai, cần xem xét việc thiết lập một số chính sách ưu đãi, khuyến khích ban đầu đối với các đối tượng bổ sung trên trong các văn bản pháp luật mới. Mức đóng của các đối tượng này có thể được quy định thấp hơn các đối tượng khác trong một khoảng thời gian nhất định (có thể là 05 năm) và sau đó sẽ tăng dần theo mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khoản thu nhập của người tham gia. Trong thời gian đầu, Nhà nước cần tính toán khoản bù đắp phù hợp để cân đối được quỹ BHXH. Đồng thời, việc thực hiện được áp dụng theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Mặc dù việc tham gia là bắt buộc, quy định trở nên linh hoạt, cho phép người tham gia xác định được mức đóng tương ứng với khả năng để có các chế độ thụ hưởng khác nhau. Những trường hợp thuộc các đối tượng này đã tham gia vào BHXH bắt buộc trước đây, Nhà nước cần giải quyết có chính sách theo hướng có lợi cho họ được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, đặc biệt là khắc phục thực trạng về hưởng lương hưu hiện nay.
2.2. Về điều kiện được hưởng
Theo các nguyên tắc BHXH được pháp luật nhiều quốc gia quy định hiện nay, NLĐ để được hưởng lương hưu thì cần thỏa mãn đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đạt thời gian tối thiểu tham gia BHXH. Do đó, điều kiện được hưởng lương hưu với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã xác định hai vấn đề đó là thời gian tham gia BHXH và độ tuổi được hưởng. Quy định này được áp dụng khi người tham gia BHXH bắt buộc nghỉ việc và tham gia đóng đủ BHXH 20 năm trở lên cho bốn trường hợp. Trong điều kiện bình thường, nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi. Trong trường hợp làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành, độ tuổi yêu cầu nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực thuộc hệ số 0,7 trở lên. Với hai trường hợp trên, độ tuổi yêu cầu sẽ giảm xuống 05 tuổi so với quy định chung khi áp dụng với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân; hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí. Trong trường hợp làm công việc khai thác than trong hầm lò, NLĐ yêu cầu từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm việc. Cuối cùng là trường hợp người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp[4].
Thực trạng hiện nay cho thấy, quy định thời gian tối thiểu đóng BHXH là 20 năm để có thể hưởng lương hưu đã gây ra nhiều khó khăn và cản trở khả năng nhận lương hưu của một số người do họ không đủ đáp ứng các điều kiện đóng BHXH. Tính đến giữa năm 2023, số lượng người đáp ứng một trong hai điều kiện được hưởng lương hưu còn rất cao. Cụ thể, có khoảng 476.000 người được hưởng BHXH một lần và đã tham gia đóng trong thời gian trên 10 năm và đạt độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Khoảng 53.000 người đến độ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật đã chọn lựa việc rút BHXH một lần. Trên 20.000 người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đáp ứng thời gian tham gia đóng BHXH, vì vậy, họ phải bù đắp một khoản tiền để bảo đảm đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp, nhiều người tham gia BHXH chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng khoản tiền đóng BHXH đã đủ trên 20 năm. Vì vậy, tại Điều 64 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí đã giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Tuy nhiên, theo tác giả, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét có thể sửa đổi xuống 10 năm. Hiện nay, một số quốc gia phát triển họ quy định quy định thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu chỉ là 10 năm (như Hàn Quốc và Nhật Bản). Mục tiêu của sự sửa đổi này là tạo cơ hội thêm cho một số trường hợp như những NLĐ tham gia BHXH muộn, không liên tục hoặc thực hiện các công việc đặc thù bị giới hạn về thời gian làm nghề, do vậy họ không thể tham gia đủ 20 năm hoặc 15 năm đóng BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu[5]. Nếu điều chỉnh như vậy, những NLĐ với thời gian đóng BHXH ngắn trước đây vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm y tế khi đã đến tuổi nghỉ hưu theo nguyên tắc “đóng - hưởng”. Ngoài ra, quy định mới cũng góp phần hạn chế số lượng người rút BHXH một lần khi số liệu thực trạng hiện nay là quá lớn. Việc quy định thời gian tham gia BHXH bắt buộc ngắn, NLĐ sẽ có động lực để tham gia một cách tự nguyện tránh tình trạng rút BHXH trước khi đạt tuổi hưu và bảo đảm cân bằng của quỹ BHXH. Trong trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH dài hơn, họ được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành (đạt mức tối đa là 75%). Đồng thời, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần phải cân đối, bổ sung thêm khoản thu nhập có thể tính được trong mức tiền lương hiện nay làm căn cứ tính lương hưu. Mức lương hưu của NLĐ về hưu hiện nay theo quy định của pháp luật dựa trên thời gian đóng góp BHXH và mức tiền lương, thu nhập. Vì vậy, việc giảm thời gian đóng BHXH, nhiều trường hợp NLĐ về hưu ở mức lương hưu thấp sẽ không bảo đảm được chất lượng cuộc sống như yêu cầu Nhà nước đề ra. Ngoài ra, về độ tuổi nghỉ hưu để áp dụng điều kiện hưởng lương hưu, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nên xem xét công thức tính theo hướng linh hoạt và có thể áp thống nhất với các quy định của Bộ luật Lao động thay vì áp dụng mức tuổi cố định như hiện nay.
2.3. Rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc có thể hưởng BHXH một lần trong bốn trường hợp sau: (i) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; (ii) Ra nước ngoài để định cư; (iii) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; (iv) NLĐ là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn, học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Việc pháp luật quy định về rút BHXH một lần là phù hợp với quyền lợi của người tham gia BHXH vì bản thân họ là người đóng góp, tạo lập và sở hữu hợp pháp khoản tiền để bảo đảm lợi ích xã hội về hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất. Quy định này còn có thể giúp NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt như thanh toán các khoản nợ, chi phí tài chính, chi trả sinh hoạt cho gia đình và bản thân và có thể có tiền để chăm sóc tuổi già[6]. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, số lượng người rút BHXH một lần ngày càng tăng cao theo các năm, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi đại dịch Covid-19 (2020 - 2021), con số này lên đến gần 01 triệu người. Điều này nếu xảy ra lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của quỹ BHXH gây sự thiếu hụt và tạo ra áp lực đối với cơ quan nhà nước trong việc quản lý. Trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2021, trên cả nước, hơn 04 triệu NLĐ đã đề nghị và được giải quyết để hưởng BHXH một lần. Trung bình mỗi năm, khoảng 750 nghìn người rút BHXH một lần, trong đó 99% tham gia BHXH bắt buộc[7]. Số lượng người rút BHXH một lần năm sau luôn vượt qua năm trước, với tốc độ tăng trung bình hàng năm khoảng 11%. Tỷ lệ người rút BHXH một lần so với số người đang tham gia BHXH bắt buộc trung bình chiếm 4%. Thực trạng cho thấy, mỗi khi có 02 người tham gia BHXH, thì có 01 người rút BHXH một lần. Lý do gây nên sự gia tăng số lượng người rút BHXH một lần phát sinh từ vấn đề xây dựng chính sách BHXH hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc thu hút, khuyến khích sự tham gia của NLĐ vào hệ thống BHXH. Cụ thể, quy định về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có thể hưởng lương hưu tương đối dài gây nên tình trạng một số lao động giảm động lực tham gia đóng góp. Điều kiện rút BHXH một lần tương đối đơn giản, với mức hưởng cao hơn so với mức đóng góp của NLĐ. Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức đóng 8% tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất tương đương 0,96 tháng lương/năm, trong khi mức hưởng lại từ 1,5 đến 02 tháng lương cho mỗi năm đóng góp[8].
Để quản lý cơ chế rút BHXH một lần một cách hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tác giả đồng tình với quan điểm cần xem xét áp dụng linh hoạt 04 giải pháp sau để bảo đảm cơ chế linh hoạt cho NLĐ lựa chọn nhưng vẫn hạn chế việc rút BHXH một lần ồ ạt như hiện nay[9]:
(i) Giải pháp 1: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã xác định thời điểm cho phép rút BHXH một lần và phân thành 02 nhóm đối tượng. Nhóm 1 cho phép NLĐ đã tham gia BHXH, sau 12 tháng nghỉ việc, được rút BHXH một lần trước thời điểm có hiệu lực Luật Bảo hiểm xã hội mới. Nhóm 2 chỉ áp dụng với một số trường hợp được Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, bao gồm đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, các trường hợp còn lại, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH kể từ ngày có hiệu lực của Luật mới thì không được rút BHXH một lần. Tuy nhiên, cần xem xét tính bình đẳng, tính tuân thủ, khả năng và chi phí quản lý trong việc phân loại 02 nhóm đối tượng[10].
(ii) Giải pháp 2: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã hạn chế NLĐ nghỉ sau 12 tháng không còn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và không tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, họ chưa tham gia BHXH đủ thời gian 20 năm thì được yêu cầu rút BHXH một lần nhưng không được trên 50% tổng thời gian đã đóng góp quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được giữ lại và yêu cầu để họ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Tuy nhiên, quy định này là chưa xác định NLĐ có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không sau khi rút lần đầu trừ các trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật.
(iii) Giải pháp 3: Cần linh hoạt trong việc tạo điều kiện cho NLĐ được lựa chọn trong hai trường hợp bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu (tạm hoãn) hoặc rút BHXH một lần. Nếu NLĐ chọn lựa bảo lưu, các quyền lợi trong 05 chế độ BHXH vẫn được duy trì và các quyền lợi bổ sung khác. Luật mới cũng cần cho phép NLĐ được phép ngừng bảo lưu và tiếp tục tham gia đóng BHXH khi họ có điều kiện và muốn quay lại. Trường hợp NLĐ quyết định rút BHXH một lần không lựa chọn việc bảo lưu, thì họ không được hưởng các quyền lợi trong 05 chế độ BHXH và các quyền lợi bổ sung.
(iv) Giải pháp 4: Cần có quy định cho phép trong trường hợp NLĐ không lựa chọn rút BHXH một lần có thể dùng sổ BHXH để thực hiện việc thế chấp hoặc vay vốn với mức lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giải quyết những khó khăn tài chính trước mắt. Tuy nhiên, cần có quy định kiểm soát chặt chẽ các yếu tố liên quan và các trường hợp cần phải dựa vào việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bao gồm mất việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định và không đủ khả năng tiếp tục đóng BHXH. Khi NLĐ sau đó khắc phục được những khó khăn, họ cần phải giải quyết khoản vay tài chính và tiếp tục tham gia đóng BHXH.
2.4. Chậm đóng, không đóng bảo hiểm xã hội
Bên cạnh đó, liên quan đến chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH bắt buộc thì thực trạng hiện nay doanh nghiệp chậm đóng, không đóng BHXH theo thời gian quy định có chiều hướng tăng. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2022, tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc bình quân là trên 10.000 tỷ đồng/năm. Số tiền chậm đóng khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ 1.562 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 16,3%) tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 22% trong tổng số tiền chậm đóng)[11]. Việc chậm đóng và “trốn” đóng BHXH này đã gây thất thu lớn cho quỹ BHXH, nợ quỹ BHXH cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, cụ thể là NLĐ đã trích phần BHXH thuộc trách nhiệm đóng góp của NLĐ nhưng doanh nghiệp lại không đóng vào quỹ BHXH, khi NLĐ yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng và chốt sổ BHXH hoặc trả lại số tiền NLĐ đã trích đóng theo quy định sẽ không khả thi. Như vậy, NLĐ sẽ thiệt thòi, mặc dù đã đóng đủ nghĩa vụ theo quy định nhưng do những vi phạm của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến các quyền lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí… Riêng đối với chế độ hưu trí, việc chậm đóng và “trốn” đóng này có thể ảnh hưởng đến điều kiện đủ số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hoặc tỷ lệ hưởng lương hưu của NLĐ. Chính vì vậy, cần phải có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi chậm đóng và “trốn” đóng BHXH. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định hành vi “trốn” đóng BHXH có thể bị xử lý hành chính, xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Các biện pháp xử lý hành vi “trốn” đóng BHXH được sửa đổi, bổ sung như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền “trốn” đóng; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động “trốn” đóng BHXH từ 06 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người người sử dụng lao động “trốn”\ đóng BHXH từ 12 tháng trở lên[12]...
Theo tác giả, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội nên bổ sung thêm quy định tăng mức phạt khi doanh nghiệp vi phạm nhiều lần về việc “trốn” đóng BHXH để doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH của mình. Từ đó, mới có thể bảo đảm quyền lợi của NLĐ nói chung và quyền lợi liên quan đến chế độ hưu trí của NLĐ. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi của các quy định trên, việc tổ chức thực thi cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, sự kiên quyết, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện là yếu tố quan trọng. Nếu “lơ là” và không có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan trong quá trình thi hành, kết quả sẽ trở nên tiêu cực, tạo cơ hội cho các hành vi vi phạm pháp luật và không đạt được hiệu quả như mong đợi.
ThS. Đinh Lê Oanh
ThS. Lê Hồ Trung Hiếu
SV. Nguyễn Thảo Vi
Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang
[1]. Minh Đức, Bao phủ an sinh xã hội toàn dân xu thế và thực tiễn, https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn, truy cập ngày 06/10/2023.
[2]. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
[3]. https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-dao-ngoc-dung-neu-3-huong-xu-ly-viec-thu-sai-bhxh-hon-4000-ho-kinh-doanh-post1024725.vov.
[4]. Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
[5]. Đinh Dũng Sỹ, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề nghị giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm để hưởng lương hưu, https://baodaknong.vn/du-an-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-de-nghi-giam-so-nam-toi-thieu-dong-bhxh-xuong-10-nam-de-huong-luong-huu-159650.html, truy cập ngày 09/10/2023.
[6]. Nguyễn Hoàng, Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập pháp luật về BHXH, https://baochinhphu.vn/sua-doi-can-ban-cac-vuong-mac-bat-cap-phap-luat-ve-bhxh-102230817094112682.htm, truy cập ngày 01/10/2023.
[7]. Hồng Chiêu, Hơn 4 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần trong 5 năm, https://vnexpress.net/hon-4-trieu-nguoi-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-trong-5-nam-4578828.html, truy cập ngày 07/10/2023.
[8]. Quý Nguyễn, 05 hạn chế, bất cập trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014, https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/35493/05-han-che-bat-cap-trong-luat-bao-hiem-xa-hoi-2014, truy cập ngày 01/11/2023.
[9]. Đinh Dũng Sỹ, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đề nghị giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm để hưởng lương hưu, https://baodaknong.vn/du-an-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-de-nghi-giam-so-nam-toi-thieu-dong-bhxh-xuong-10-nam-de-huong-luong-huu-159650.html, truy cập ngày 08/9/2023.
[10]. Ái Vân, Chính phủ trình 2 phương án về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-trinh-2-phuong-an-ve-van-de-huong-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-1225331.ldo 5/8/2023, truy cập ngày 01/10/2023.
[11]. Vũ Thu, Cần chế tài đủ mạnh để xử lý trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH, https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/can-che-tai-du-manh-de-xu-ly-truong-hop-cham-dong-tron-dong-bhxh-127154.html, truy cập ngày 10/10/2023.
[12]. Điều 37 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 393), tháng 11/2023)