Abstract: The article clarifies the theoretical aspect of the self-control mechanism for the exercise of the judicial power of the People's Court, evaluates the operation of this mechanism in our country today, and recommends appropriate solutions to improve the mechanism, contributes to the development and improvement the Socialist rule of law state of Vietnam.
Quyền tư pháp là một nhánh của quyền lực nhà nước, do Tòa án thực hiện thông qua hoạt động xét xử nhằm bảo vệ công lý. Đây cũng là tinh thần được Montesquieu, Rousseau thể hiện trong các công trình của mình và được thừa nhận khá rộng rãi trong khoa học pháp lý hiện nay. Có vị trí đặc biệt quan trọng trong Nhà nước pháp quyền, yếu tố làm nên vị thế của quyền tư pháp là tính độc lập. Độc lập được xem như “khiên chắn” của quyền tư pháp, tạo ra sức mạnh đặc biệt cho nhánh quyền này trong Nhà nước pháp quyền. Khi bàn về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, như một lẽ tất yếu, quyền tư pháp không nằm ngoài sự kiểm soát. Tuy nhiên, kiểm soát thế nào để không can thiệp vào tính độc lập của nhánh quyền này? Lời giải tốt nhất có lẽ là phải thúc đẩy khả năng tự kiểm soát của hệ thống Tòa án.
1. Khái niệm, vai trò, nội dung của cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân
“Cơ chế” là một thuật ngữ được sử dụng tương đối nhiều trong những năm trở lại đây và có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Tiếp cận ở góc độ cấu trúc, cơ chế bao gồm “các yếu tố thể chế, thiết chế và các bảo đảm để thực hiện một chức năng hoặc một nhiệm vụ nào đó trong quản trị nhà nước và xã hội”[1]. Tiếp cận ở góc độ nội dung, cơ chế “là một phương thức, một hệ thống các yếu tố làm cơ sở, đường hướng cho sự vận động của một sự vật hay hiện tượng”[2]. Trong phạm vi bài viết, thuật ngữ “cơ chế” được tiếp cận ở góc độ thứ hai. Theo đó, cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân là tổng thể các cách thức, phương thức, biện pháp nhằm theo dõi, đánh giá, giám sát, ngăn ngừa và loại bỏ những hành động sai trái trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, được tiến hành trong nội bộ hệ thống Tòa án nhân dân. Cơ chế này có một số đặc điểm sau:
- Cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân là cơ chế khép kín, vì chỉ diễn ra trong nội bộ nội bộ hệ thống Tòa án nhân dân. Chủ thể và đối tượng kiểm soát của cơ chế này đều nằm trong một hệ thống, có mối quan hệ mật thiết với nhau.
- Cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân mang tính chất vừa chủ động, vừa tự động. Sự chủ động thể hiện ở vai trò kiểm soát của Tòa án cấp cao hơn đối với Tòa án cấp thấp hơn trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, còn có sự kiểm soát chủ động trong mỗi cấp Tòa án thông qua cơ chế quản lý hành chính nội bộ. Tính tự động thể hiện ở khả năng tự kiềm chế của các chủ thể trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, bao gồm: (i) Sự giới hạn của các Tòa án bằng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, đặc biệt là nghĩa vụ công khai, minh bạch thông tin; (ii) Khả năng giữ gìn liêm chính tư pháp của thẩm phán.
- Cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân bị giới hạn về nội dung và phạm vi kiểm soát. Khác với kiểm soát quyền lập pháp hay hành pháp, kiểm soát quyền tư pháp buộc phải tuân theo, thậm chí tăng cường tính độc lập. Sự giới hạn này đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ chế kiểm soát quyền tư pháp nói chung, cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân nói riêng.
Cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong Nhà nước pháp quyền, phòng chống sự tha hóa của quyền tư pháp, đồng thời bảo đảm tư pháp độc lập. Mục đích của kiểm soát không phải là cản trở hoạt động của quyền tư pháp, làm quyền lực yếu đi, mà ngược lại, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quyền tư pháp. Mặt khác, tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp còn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lạm quyền; bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân phối hợp với các cơ chế kiểm soát khác, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho quyền tư pháp được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp khá đa dạng, ngoài tự kiểm soát còn có sự kiểm soát của cơ quan lập pháp (Quốc hội/Nghị viện), cơ quan hành pháp (Chính phủ), kiểm soát của các thiết chế hiến định độc lập (thiết chế bầu cử, kiểm toán nhà nước), cơ quan công tố (Viện kiểm sát nhân dân). Bên cạnh đó là sự kiểm soát của bên ngoài bộ máy nhà nước như đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, truyền thông đại chúng và của người dân. Xem xét vai trò cũng như phương thức hoạt động của từng cơ chế kiểm soát quyền tư pháp luôn phải giải quyết được hai mặt của vấn đề là kiểm soát quyền lực và độc lập tư pháp. Rõ ràng, nhu cầu kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp là điều rất dễ nhận thấy, song ai kiểm soát, kiểm soát như thế nào thì không dễ trả lời. So với các cơ chế kiểm soát khác, cơ chế tự kiểm soát của Tòa án nhân dân giải quyết tốt nhất hai mặt của vấn đề.
Nội dung cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân bao gồm các phương thức sau:
Thứ nhất, kiểm soát về tổ chức trong hệ thống Tòa án: Pháp luật các nước thường trao cho hệ thống Tòa án sự độc lập khá lớn về mặt tổ chức, thể hiện ở nguyên tắc tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không gắn với bất kỳ đơn vị hành chính nào. Việc quyết định về tổ chức - hành chính được xem là công việc nội bộ của tư pháp và thường tập trung vào người đứng đầu hệ thống này, ở Việt Nam là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Sự kiểm soát thể hiện khá rõ trong quy trình hình thành nhân sự (bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái thẩm phán). Người đứng đầu ngành Tòa án cũng có vai trò lớn trong việc quyết định phân bổ biên chế, số lượng thẩm phán, ngân sách chi cho hoạt động của các Tòa án nhân dân; tổ chức kiểm tra việc thực hiện biên chế, quản lý cán bộ, quản lý và sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân.
Thứ hai, kiểm soát bằng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm: Xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm là phương thức nổi bật trong cơ chế tự kiểm soát của quyền tư pháp. Về cơ bản, pháp luật tố tụng trong các nhà nước hiện đại đều thiết kế một quá trình mà theo đó, vụ việc hoặc bản án có thể bị xem xét lại, nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những sai lầm có thể có trong lần xét xử trước đó. Do tư pháp độc lập nên việc xem xét lại chỉ có thể được tiến hành trong chính hệ thống Tòa án bởi các Tòa án cấp cao hơn về thẩm quyền xét xử, theo một quy trình tố tụng nghiêm ngặt. Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Chủ thể kiểm soát là Tòa án xét xử cấp phúc thẩm (Tòa án cấp cao hơn), mà ở Việt Nam là Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Đối tượng kiểm soát là bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Nội dung kiểm soát là tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị trong trường hợp có sai phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Bản chất của giám đốc thẩm là xem xét tính hợp pháp trong quá trình hành động của hệ thống tư pháp, chứ không xét xử và ra phán quyết về hành vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hay quyền và nghĩa vụ của đương sự. Nội dung là việc Tòa án kiểm tra lại tính có căn cứ và hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thông qua hoạt động “xét” chứ không “xử”. Nội dung của những căn cứ này thực chất là những biểu hiện của việc vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Qua sự vận hành của thủ tục giám đốc thẩm, lỗi của quá trình xét xử ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm sẽ được phát hiện và được khắc phục.
Thứ ba, kiểm soát bằng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án: Hai nguyên tắc có ý nghĩa rất lớn nhằm kiềm tỏa quyền tư pháp là nguyên tắc xét xử công khai và nguyên tắc xét xử có Hội thẩm tham gia. Nguyên tắc xét xử công khai có mục đích để xã hội và người dân kiểm soát hoạt động của Tòa án, song cũng tạo ra giới hạn buộc Tòa án phải tuân thủ. Nói cách khác, xét xử công khai thúc đẩy khả năng tự kiềm chế của thẩm phán và Tòa án. Nguyên tắc thứ hai tác động đến khả năng tự kiểm soát của Tòa án là nguyên tắc xét xử có Hội thẩm tham gia. Trên thực tế, sự tham gia của Hội thẩm vào hoạt động xét xử hiện nay vẫn tạo ra những tranh luận khác nhau về tính chất kiểm soát. Tuy nhiên, cần nhìn nhận Hội thẩm như một “thẩm phán” không chuyên trong Tòa án, tham gia xét xử để cân bằng, kiềm chế thẩm phán. Về mặt pháp lý, ở nước ta, chế định Hội thẩm thường được ghi nhận cùng với thẩm phán và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân trong cùng một văn bản. Do đó, sự tham gia của Hội thẩm cũng được xem như một phương thức kiểm soát nội bộ trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam.
Thứ tư, kiểm soát bằng bảo đảm liêm chính tư pháp của thẩm phán: Liêm chính tư pháp mang tính chất chủ quan, vô hình nhưng lại cực kỳ quan trọng, bởi lẽ, dù kiểm soát bằng phương thức nào đi chăng nữa thì “chốt chặn” cuối cùng vẫn là quyết định của thẩm phán và Hội đồng xét xử. Không có cơ chế nào thường xuyên và hữu hiệu bằng khả năng tự kiểm soát của thẩm phán. Nói như cựu Thẩm phán Hoa Kỳ Harlan Stone thì “sự kiểm soát duy nhất đối với việc thi hành quyền lực của chính mình chính là sự tự kiềm chế”[3]. Bảo đảm liêm chính tư pháp của thẩm phán đòi hỏi các yếu tố: (i) Năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị, đạo đức; (ii) Điều kiện bảo đảm như chế độ tiền lương, nhiệm kỳ, an ninh, an toàn cá nhân và thân nhân; (iii) Các chuẩn mực đạo đức, ứng xử và cơ chế xử lý kỷ luật hiệu quả. Các yếu tố này vừa mang tính chủ quan, phụ thuộc vào khả năng, nhận thức, ý chí của thẩm phán, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các yếu tố bên ngoài, nhất là các chính sách của Nhà nước về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ…
2. Một số vấn đề đặt ra đối với cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay
Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các văn bản pháp luật tố tụng như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã thiết lập thể chế pháp lý của cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp. Ngoài ra, hành vi của thẩm phán và các chức danh trong Tòa án còn bị giới hạn bởi các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán... Trên cơ sở đó, cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân ở nước ta đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực trạng pháp lý cũng như sự vận hành của cơ chế vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, nhận thức về vai trò, nội dung của cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ. Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về cơ chế này mà chủ đạo là hai vấn đề: (i) Kiểm soát quyền tư pháp có thực sự cần thiết không khi tư pháp độc lập?; (ii) Không có chuẩn mực nào cho tự kiểm soát, bởi vì nó phụ thuộc phần lớn vào ý chí chủ quan của đối tượng kiểm soát. Ngoài ra, một số phương thức kiểm soát như xét xử phúc thẩm, nguyên tắc xét xử công khai hay sự tham gia của Hội thẩm trong xét xử có phải tự kiểm soát hay không vẫn là những nội dung còn nhiều tranh luận.
Thứ hai, mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án ở nước ta hiện nay dường như vẫn mang dấu ấn của hành chính hóa. Mặc dù, về nguyên tắc, hệ thống Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử, song giữa các cấp tòa dường như vẫn tồn tại mối quan hệ lệ thuộc không chỉ về hành chính mà đôi khi cả về tố tụng. Trong mỗi Tòa án, mối quan hệ hành chính giữa lãnh đạo (Chánh án) với nhân viên Tòa án (thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên) một mặt là biểu hiện của kiểm soát nội bộ, mặt khác cũng ảnh hưởng khá lớn đến độc lập tư pháp.
Thứ ba, hệ thống pháp luật nước ta đang thiếu vắng các quy định về yêu cầu cụ thể đối với chất lượng bản án, quyết định giám đốc thẩm của Tòa án. Mặc dù để bảo đảm chất lượng của bản án, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng, Tòa án nhân dân tối cao đã có một số văn bản hướng dẫn việc soạn thảo bản án và mẫu các bản án, tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản chính thức nào đưa ra khái niệm về bản án hoặc xác định tính chất, đặc điểm của bản án, để từ đó đặt ra các yêu cầu đối với việc soạn thảo bản án. Việc thiếu các yêu cầu pháp lý về chất lượng bản án làm cho Toà án dễ có xu hướng “tùy tiện” trong việc đưa ra phán quyết và cũng làm hạn chế khả năng kiểm soát giữa các cấp tòa trong quá trình thực thi quyền tư pháp.
Thứ tư, hiện nay Tòa án ở Việt Nam chưa được công nhận thẩm quyền giải thích pháp luật, do vậy, khả năng kiểm soát của Tòa án cấp giám đốc thẩm với Tòa án cấp thấp hơn cũng bị hạn chế.
Thứ năm, một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án chưa thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc thúc đẩy khả năng tự kiểm soát của Tòa án. Nếu nguyên tắc xét xử công khai ngày càng được Tòa án chú trọng và ghi nhận như một “áp lực” để thực hiện đúng đắn hơn quyền tư pháp thì nguyên tắc xét xử có Hội thẩm tham gia còn vẫn còn những hạn chế nhất định. Thực tiễn công tác của các Tòa án cho thấy, vai trò của Hội thẩm còn tương đối mờ nhạt.
Thứ sáu, liêm chính tư pháp của thẩm phán chưa thực sự được bảo đảm. Một số tiêu chuẩn quy định để bổ nhiệm thẩm phán hầu như chỉ mang tính định tính (như tiêu chuẩn “liêm khiết và trung thực”, “có tính thần dũng cảm”…). Sự bó hẹp nguồn thẩm phán trong nội bộ Tòa án cũng gây ra hạn chế trong bảo đảm liêm chính tư pháp. Ngoài ra, tình trạng thẩm phán không có đủ khả năng tự kiểm soát một phần do điều kiện làm việc của thẩm phán chưa thực sự được bảo đảm. Chế độ tiền lương của cán bộ Tòa án nói chung, thẩm phán nói riêng còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế bảo vệ thẩm phán và thân nhân của họ. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát và kỷ luật thẩm phán chưa hiệu quả. Việc đặt ra quá nhiều biện pháp kỷ luật đối với thẩm phán với cả cương vị công chức hành chính và cương vị nghề nghiệp cũng có thể “đe dọa” một cách tiêu cực đến vị thế nghề nghiệp cũng như việc thực hiện quyền tư pháp của thẩm phán.
3. Giải pháp
Thực trạng nêu trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân ở nước ta. Trong điều kiện thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần chú ý một số giải pháp sau:
Một là, nhận thức đúng đắn về vai trò, nội dung của cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân. Trong kiểm soát quyền lực, cần chú trọng bản chất, đặc thù của mỗi nhánh quyền lực để phát huy tối đa hiệu quả của từng cơ chế kiểm soát. Tổ chức và hoạt động của quyền tư pháp phải tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống các quy tắc tố tụng đầy đủ, minh bạch, chặt chẽ. Cùng với đó là nguyên tắc độc lập tư pháp đòi hỏi hạn chế tối đa khả năng can thiệp của các nhánh quyền lực khác cũng như các chủ thể vào việc thực hiện quyền này. Do đó, cơ chế tự kiểm soát trong hệ thống Tòa án nhân dân thực sự là cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền tư pháp.
Hai là, đổi mới tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp. Cụ thể, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án cần được thiết kế theo hướng đề cao hơn nữa sự độc lập về thẩm quyền, hạn chế thấp nhất sự lệ thuộc về hành chính. Có thể thiết kế mô hình này như sau: (i) Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một số đơn vị hành chính cấp huyện; (ii) Tòa án phúc thẩm được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, có thẩm quyền xét xử phúc thẩm và sơ thẩm một số vụ án theo lãnh thổ được giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh; (iii) Tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; (iii) Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Trước mắt, nếu giữ nguyên cách thức tổ chức như hiện nay thì cần kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án các cấp để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào hiệu quả của cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp. Để quản lý hệ thống Tòa án, có thể học tập kinh nghiệm các nước có mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia[4] để xem xét, áp dụng tại Việt Nam. Hội đồng do Quốc hội thành lập để xem xét các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp, trình chủ thể có thẩm quyền quyết định. Nội dung hoạt động của Hội đồng Tư pháp quốc gia (có thể) gồm: Chiến lược, quy hoạch phát triển Tòa án nhân dân; chương trình đào tạo, xem xét tiêu chuẩn và xét bổ nhiệm thẩm phán; việc đề bạt, bổ nhiệm Chánh án các Tòa án; việc khen thưởng và kỷ luật thẩm phán, Hội thẩm[5].
Thủ tục hành chính tư pháp tại các Tòa án hiện nay cũng cần được thay đổi để vừa bảo đảm tính độc lập của thẩm phán, vừa gắn với kiểm soát quyền lực. Trong đó, thủ tục phân công thẩm phán cần áp dụng các hệ thống phân công ngẫu nhiên tự động (tiến hành bằng phần mềm, dựa vào những tiêu chí nhất định[6]) hoặc thủ công theo thứ tự xoay vòng theo tên của các thẩm phán. Tất nhiên, muốn áp dụng rộng rãi phương thức này thì yêu cầu quan trọng là ngành Tòa án phải được tăng cường về cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin.
Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm. Muốn vậy, trước hết phải quy định thẩm quyền giải thích pháp luật cho Tòa án, đồng thời phải ban hành các quy định để điều chỉnh, kiểm soát chất lượng giải thích pháp luật. Pháp luật cũng cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm bồi thường của Tòa án nếu bản án bị hủy bởi quyết định giám đốc thẩm. Cùng với đó là nhanh chóng xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bản án, quyết định của Tòa án nhân dân. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Bốn là, tăng cường liêm chính tư pháp của thẩm phán. Trước hết, cần nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng đội ngũ thẩm phán bằng hệ thống điều kiện, tiêu chuẩn được quy định rõ ràng, khoa học. Tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và chuyên môn cần được đưa lên trước; bổ sung quy định về tiêu chuẩn tâm lý, tố chất của thẩm phán và có cơ chế cụ thể để kiểm chứng được tiêu chuẩn đó. Về tổ chức thực hiện, phải chú trọng việc nâng cao đạo đức và năng lực cho đội ngũ thẩm phán bằng việc đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ xét xử. Nhiệm kỳ của thẩm phán có thể xem xét kéo dài hơn, tiến tới chế độ bổ nhiệm thẩm phán suốt đời. Chế độ tiền lương của thẩm phán phải cao hơn mức lương của công chức thông thường, thậm chí tương đương với các chức danh chủ chốt trong cơ quan lập pháp, hành pháp[7]. Các chế độ đãi ngộ khác đối với thẩm phán và thân nhân của họ cũng cần được quan tâm, bảo đảm. Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng, ban hành một luật riêng quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp, các chế độ, chính sách khác đối với thẩm phán và các chức danh tư pháp. Luật cần thể hiện tính đặc thù cao về tiền lương của các chức danh nêu trên và không dựa trên bậc lương của công chức hành chính[8]. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho thẩm phán và thân nhân cần được thiết lập, bao gồm cả các biện pháp đồng bộ (như bảo mật thông tin; trang bị phương tiện bảo vệ tính mạng, nhà ở, tài sản của thẩm phán) và các biện pháp bảo vệ mang tính cấp bách, áp dụng đối với thẩm phán khi thụ lý, giải quyết những vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp (như thay đổi dữ liệu cá nhân; cung cấp vũ khí, cung cấp các thiết bị bảo hộ cá nhân đặc biệt và thiết bị cảnh báo nguy hiểm cho thẩm phán).
Năm là, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của Hội thẩm đáp ứng yêu cầu tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân. Pháp luật cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn Hội thẩm theo hướng người được bầu làm Hội thẩm phải có trình độ pháp luật từ trung cấp trở lên hoặc ít nhất phải qua một lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật tập trung 06 tháng. Hàng năm, ngành Tòa án cần phải có kế hoạch quan tâm đầu tư kinh phí để bồi dưỡng, nâng cao trình độ pháp lý cho đội ngũ Hội thẩm. Nguồn Hội thẩm cũng nên được mở rộng từ các tổ chức luật sư, tư vấn pháp lý, thành viên Hội Luật gia và các hiệp hội không thuộc quản lý của các bộ, ngành. Để bảo đảm công bằng và khuyến khích Hội thẩm tích cực tham gia công tác xét xử, cần áp dụng các chế độ đãi ngộ tương xứng với công sức mà họ đã bỏ ra và trách nhiệm mà họ phải gánh chịu. Ngoài các giải pháp trên, về mặt thể chế, trong thời gian tới, cần có quy định thêm về tiêu chuẩn đánh giá Hội thẩm trong nhiệm kỳ, để từ đó có cơ sở lựa chọn Hội thẩm trong những nhiệm kỳ tiếp theo.
Các giải pháp nêu trên cần được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, từ nhận thức đến quy định và tổ chức thực hiện. Có như vậy mới phát huy được vai trò, hiệu quả của cơ chế tự kiểm soát việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân, hướng đến xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, công bằng xã hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Nguyễn Quang Anh, Hoàn thiện cơ chế pháp lý nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, Luận án tiến sĩ Luật học, Hà Nội, 2015, tr. 29.
[2]. Sổ tay về phát triển, thương mại và WTO, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 58.
[3]. Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao, Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến - Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội, 2012, tr. 323.
[4]. Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã trình đề án về mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia tại phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
[5]. Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hội thảo “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đà Nẵng, tháng 01/2022, tr. 98.
[6]. Phạm Hồng Lĩnh, Hoàn thiện thủ tục phân công thẩm phán, https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/hoan-thien-thu-tuc-phan-cong-tham-phan.
[7]. Tại Nhật Bản, thẩm phán được xác định là công chức đặc biệt (khoản 3 Điều 2 Luật Công chức). Chế độ tiền lương cụ thể đối với thẩm phán được điều chỉnh riêng bằng Luật về lương của thẩm phán năm 1948. Theo Luật này, lương của thẩm phán được quy định ở mức cao hơn so với công chức thông thường. Chẳng hạn, lương của Thẩm phán Tòa án tối cao hiện tại tương đương với mức lương của Bộ trưởng.
[8]. Nguyễn Thúy Hiền, Kinh nghiệm quốc tế về chế độ tiền lương đối với thẩm phán và các chức danh tư pháp, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/kinh-nghiem-quoc-te-ve-che-do-tien-luong-doi-voi-tham-phan-va-cac-chuc-danh-tu-phap.