1. Hiến pháp năm 2013 - Bước tiến mới trong hiến định quyền con người
Vấn đề quyền con người và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người đã được đề cập từ rất sớm trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 cũng khẳng định những giá trị nhân quyền khi tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1].
Sau khi giành được độc lập, quyền con người là vấn đề tiếp tục được nhấn mạnh và cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, mà rõ nét nhất chính là sự hiến định quyền con người qua các bản Hiến pháp. Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người ngày càng được coi trọng và đề cao, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đây là cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để Hiến pháp năm 2013 kế thừa, phát triển với một diện mạo mới - bước phát triển về kỹ thuật lập pháp trong hiến định quyền con người. Với 120 điều, trong đó dành 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 2013 là thành tựu lập pháp, là nền tảng pháp lý để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
- Về tên gọi và vị trí mới của chương: Từ vị trí Chương V trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đưa “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” lên Chương II. Đây không đơn thuần là sự dịch chuyển cơ học mà đánh dấu bước ngoặt trong sự thay đổi nhận thức, tư duy về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chế định quyền con người trong Hiến pháp cũng như vai trò của Hiến pháp đối với bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
- Về cách tiếp cận quyền con người, quyền công dân: Các bản Hiến pháp trước đây, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992 đã đề cập đến quyền con người, quyền công dân nhưng ranh giới hai quyền này chưa phân định rõ, thậm chí, nhiều quy định còn có sự đồng nhất quyền. Khắc phục hạn chế này, Hiến pháp năm 2013 phân biệt rõ ràng chủ thể của quyền con người là “mọi người” và chủ thể của quyền công dân là “công dân”, “công dân có quyền và có nghĩa vụ”. Theo đó, chỉ những người có quốc tịch Việt Nam mới được hưởng quyền công dân, như quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước…, còn lại là các quyền khác thuộc về tất cả mọi người, gồm cả công dân, người nước ngoài, người không có quốc tịch. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhiều quyền mới như: Quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); quyền bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)…
- Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như mở rộng chủ thể có quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; trách nhiệm của Nhà nước trước công dân của nước mình, công dân không thể bị trục xuất, giao nộp cho nước khác, bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài... Đồng thời, khắc phục cách diễn đạt thể hiện tư tưởng “ban phát” quyền cho con người bằng cách thay đổi cách diễn đạt và văn phong pháp lý, cụ thể như: Cụm từ “Nhà nước bảo đảm”, “Nhà nước tạo điều kiện”, “Nhà nước khuyến khích” đã được thay thế bằng “mọi người có quyền”, “công dân có quyền”… Hiến pháp năm 2013 cũng lược bỏ các cụm từ “theo quy định của pháp luật”, “theo quy định của luật” tránh cách hiểu và áp dụng tùy tiện, thừa nhận khả năng có thể áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp.
- Hiến pháp năm 2013 quy định một số quyền đồng thời là nghĩa vụ, như: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 38); công dân có quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39); mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43).
Điểm nổi bật của Hiến pháp năm 2013 là việc xây dựng các nội dung mang tính nguyên tắc chỉ đạo, là định hướng cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật như: Nguyên tắc về kiểm soát quyền lực nhà nước (Điều 2), nguyên tắc quyền làm chủ của Nhân dân (các điều 2, 3, 4, 6, 14, 28), nguyên tắc xác định nghĩa vụ của Nhà nước đối với quyền con người (Điều 3, Điều 14), nguyên tắc hạn chế quyền con người (khoản 2 Điều 14), nguyên tắc bảo vệ Hiến pháp (cơ chế bảo hiến) (khoản 2 Điều 119).
2. Thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013
Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nghị quyết số 64/2013/QH13), trong đó nêu rõ: “Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (khoản 1 Điều 3).
Căn cứ Nghị quyết số 64/2013/QH13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/12/2014 ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13). Nghị quyết xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013 là rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Yêu cầu cơ bản của việc rà soát văn bản pháp luật đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 với các định hướng cơ bản như: Rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành để phát hiện những quy định trái Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp. Ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lập danh mục xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Kể từ khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, hệ thống pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới với con số ấn tượng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) thông qua 85 bộ luật, luật, 10 pháp lệnh[2]; khóa XIV (2016 - 2021) thông qua 73 bộ luật, luật, 02 pháp lệnh[3]. Đối với Quốc hội khóa XV, chỉ tính riêng Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết[4]. Hệ thống các đạo luật, luật được ban hành sau khi có Hiến pháp năm 2013 không chỉ có số lượng lớn trong một nhiệm kỳ mà nhiều luật là những dự án luật lần đầu tiên được xây dựng, bảo đảm trực diện, thúc đẩy quyền con người như Luật An ninh mạng, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… Nhiều luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật[5], tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn[6]…, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người theo đúng tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong hơn 10 năm qua, nhiều văn bản luật và văn bản dưới luật (nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật) đã được ban hành điều chỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp quyền con người; sửa đổi, bổ sung kịp thời và loại bỏ các quy định không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Điều đó đã góp phần thay đổi “diện mạo” của hệ thống pháp luật trong nước, tạo hành lang pháp lý cho việc ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhìn một cách tổng quát có thể thấy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, các bộ luật, luật cụ thể hóa cơ bản các quyền con người được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Nhiều quyền con người trước đây được quy định trong các nghị định, pháp lệnh nay đã được quy định trong luật, bảo đảm hiệu lực văn bản trong tổ chức thực hiện như: Luật Hộ tịch năm 2014 (trước đây là Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 (trước đây là Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ bí mật nhà nước số), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (trước đây là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn)...
Thứ hai, hệ thống quyền con người trong các lĩnh vực dân sự - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đã được tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm theo các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn. Hệ thống các quy định này vừa có sự phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, vừa bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, gắn xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật về quyền con người.
Thứ ba, từ tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, nguyên tắc hạn chế quyền con người, hệ thống văn bản luật, dưới luật đã bảo đảm thực chất các quyền con người, hạn chế sự tùy tiện trong các hoạt động lập quy và tổ chức thực hiện pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 còn có một số tồn tại, hạn chế nhất định: (i) Một số quyền được hiến định từ năm 2013, song đến nay vẫn chưa có luật cụ thể hóa như: Quyền tự do lập hội, quyền biểu tình, quyền chuyển đổi giới tính... Một số quyền đã được luật hóa song chưa rõ cơ chế tổ chức thực hiện như quyền trưng cầu ý dân, quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân của cử tri, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa… Một số quyền đã đi vào cuộc sống, song chưa được quy định đồng bộ, liên thông giữa các luật, chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến khó bảo vệ quyền trên thực tế như: Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, đặc biệt trên không gian mạng; quyền sống trong môi trường trong lành; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của pháp luật. (ii) Còn có trường hợp văn bản quy phạm pháp luật (dưới luật) quy định về quyền con người chưa phù hợp với Hiến pháp, bộ luật, luật ảnh hưởng đến quyền con người. Từ năm 2016 đến ngày 31/12/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tiếp nhận, phân loại đối với 38.184 văn bản (gồm 4.774 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 33.410 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận, kiến nghị xử lý đối với 1.040 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật (gồm 170 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 870 văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)[7].
3. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013
Trong thời gian tới, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) về “bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật…; lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, khẩn trương, nhất quán thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là: Bảo đảm các tiêu chí dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước; chú trọng hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Hai là, cần tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam tương thích với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) (năm 1966). Tiếp tục nghiên cứu, nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế đã ký kết cũng như các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận trong các phiên họp của Hội đồng Nhân quyền khi thực hiện Báo cáo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc về quyền con người (UPR) kỳ III và gần đây nhất là kỳ IV (tháng 5/2024). Cụ thể, trong thời gian tới, Việt Nam cần rà soát để ban hành, sửa đổi kịp thời một số luật điều chỉnh trực tiếp đến quyền con người, phù hợp với các cam kết quốc tế như: Hoàn thiện và thông qua các dự thảo Luật Dân số, Luật Phòng, chống mại dâm, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Chuyển đổi giới tính; sửa đổi, bổ sung Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế…
Ba là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, nâng cao năng lực, trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, theo sát cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo. Xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra, phối hợp thẩm tra bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng pháp luật để tạo hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện tốt các quyền của cơ quan, tổ chức, người dân. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động lập pháp của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bốn là, “cụ thể hóa và xây dựng cơ chế để các chủ thể thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp” theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong thời gian tới, cần đề xuất, lựa chọn và quy định cơ chế giám sát và bảo vệ Hiến pháp thông qua việc thành lập cơ quan bảo hiến (Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến). Hiện nay, để bảo vệ Hiến pháp, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, chủ thể đang được giao trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp (cả hệ thống chính trị với trụ cột là các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp).
Kết luận
Qua 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Các quyền con người cơ bản đã được ghi nhận, bảo đảm và thúc đẩy cả trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Điều này sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời phản bác lại các quan điểm, lập luận sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay./.
TS. Nguyễn Thúy Hoa
Học viện Chính trị khu vực I
[1]. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, https://vietnamnet.vn/toan-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-771240.html.
[2]. Số liệu tổng hợp trên trang https://quochoi.vn.
[3]. Quốc hội khóa XIV, Báo cáo số 10/BC-QH14 ngày 08/4/2021 công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.
[4]. Theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
[5]. Một số luật về tổ chức bộ máy (như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;…); các luật về thể chế kinh tế thị trường (như: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng;...); các luật về công chức, công vụ (như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;…).
[6]. Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng…
[7]. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), Báo cáo tham luận tại Hội nghị tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Hà Nội, ngày 26/4/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 411), tháng 8/2024)