1. Nên bổ sung việc cho, nhận tế bào vào phạm vi điều chỉnh của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Điều 1 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (về phạm vi điều chỉnh) có quy định về việc cho, nhận mô, bộ phận cơ thể người nhưng lại không quy định vấn đề cho, nhận tế bào, bởi vì các nhà làm luật quan niệm tế bào là một trong những bộ phận cấu thành mô. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, nếu theo cách giải thích về mô ở khoản 1 Điều 3 của Luật thì không phải trong mọi trường hợp tế bào đều đồng nghĩa với mô, ví dụ như tế bào gốc hay một tế bào đơn lẻ. Do đó, nên bổ sung việc cho, nhận tế bào vào phạm vi điều chỉnh của Luật ở Điều 1, vì Điều 6 của Luật có quy định về quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo, đồng nghĩa với việc tế bào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Hiện nay, việc cho - nhận noãn, tinh trùng, phôi đang là một trong những vấn đề quan trọng và cần phải được quy định chặt chẽ. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề điều trị bằng tế bào gốc sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Theo PGS.TS. Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thì tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa, có khả năng biệt hóa để trở thành các tế bào khác với các chức năng riêng biệt mới. Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell) thu nhận từ tủy xương, mô mỡ… không chỉ có khả năng làm mới mà còn có khả năng biệt hóa thành nhiều kiểu tế bào khác nhau như xương, mỡ, sụn, cơ, gan, thận, tim mạch, tế bào tiết insulin, thần kinh, tế bào khí quản… Đồng thời, tế bào gốc tự thân có tính an toàn cao. Chính vì thế, hiện nay tế bào gốc trưởng thành đang được nghiên cứu ứng dụng điều trị trong rất nhiều bệnh lý. Cũng theo PGS.TS. Chu Thị Hạnh, đến nay, đã có 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này và kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy chưa có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ, tủy xương. Sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt và có phản hồi tích cực khi được điều trị bằng tế bào gốc[1].
Từ thực tế đó, cần phải có những quy định pháp luật cụ thể và chặt chẽ hơn về vấn đề này, vì việc hiến tế bào còn có thể tạo ra một cơ thể hay một chủ thể pháp luật mới. Vì vậy, nên bổ sung vào Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác khái niệm về tế bào theo hướng tế bào là các đơn vị cấu trúc chức năng cơ bản của mọi sinh vật đa bào. Hơn nữa, cần bổ sung quyền lợi cho người tự nguyện hiến tế bào bên cạnh người hiến mô, bộ phận cơ thể, vì việc hiến tế bào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến. Người hiến tế bào cần được hưởng quyền lợi khi Nhà nước ta đang cố gắng khuyến khích nhiều người hiến để tạo nguồn mô, tế bào, bộ phận cơ thể cứu chữa người bệnh và phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
2. Bổ sung quy định về người có nguyện vọng hiến bộ phận cơ thể người theo di chúc
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác năm 2006 không có quy định về nguyện vọng hiến được thể hiện trong di chúc. Trên thực tế, có trường hợp người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể và xác của mình sau khi chết đã không thực hiện việc đăng ký theo mẫu và thủ tục mà đạo luật này đã quy định thì có được chấp nhận không?
Theo tác giả, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nên bổ sung quy định về sự kiện này. Pháp luật dân sự nói chung và Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là hành lang pháp lý cần được mở rộng trong việc khuyến khích cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được thể hiện nguyện vọng của mình. Đồng thời, cũng là một điều kiện để làm tăng số lượng mô, bộ phận cơ thể người và xác cho ngân hàng mô. Khi đề cập vấn đề này cũng không nên hiểu một cách đơn giản và theo một nghĩa hẹp là di chúc chỉ định đoạt tài sản, còn mô, bộ phận cơ thể người và xác của cá nhân không phải là tài sản nên không thể quy định dịch chuyển những đối tượng này theo di chúc được. Hiểu như vậy là chưa thực sự toàn diện về một quan hệ rất đặc biệt là quan hệ hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác. Bởi vì, nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của cá nhân được thể hiện bằng nhiều hình thức như có đơn đăng ký hiến theo mẫu quy định và sự thể hiện ý chí của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác còn có thể theo một hình thức khác là di chúc. Căn cứ của đề xuất trên là dựa vào quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006: “Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó”.
Một người khi còn sống đã không đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết nhưng mô, bộ phận cơ thể của người này vẫn được hiến sau khi người này qua đời với điều kiện được những người thân thích của người này đồng ý bằng văn bản và người đại diện các con đã thành niên của người đó thì việc hiến mô, bộ phận cơ thể vẫn được thực hiện. Trong trường hợp này, việc dùng mô, bộ phận cơ thể của người đã chết cho người khác nằm ngoài ý chí của người có mô, bộ phận cơ thể sau khi chết. Việc hiến trong trường hợp này tùy thuộc vào ý chí được thể hiện dưới hình thức văn bản của người là cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng của người đó sau khi chết được đem hiến cho người khác. Như vậy, việc người hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết cho người khác dưới hình thức di chúc cũng nên được pháp luật quy định cụ thể trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để điều chỉnh toàn diện hơn và đầy đủ hơn các sự kiện có thể xảy ra trong đời sống xã hội hiện nay.
3. Về vấn đề chết não trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Theo quy định tại Mục 3, Chương III Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (từ Điều 26 đến Điều 29), chết não là một nội dung đặc biệt quan trọng được quy định thành một mục riêng trong Luật. Theo đó, việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, tạng của người có thẻ đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết. Tuy nhiên, để xác định được chết não phải có đủ 03 chuyên gia (hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y) và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn cận lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian. Quy định này là hết sức chặt chẽ, bảo đảm tối đa việc đưa ra kết luận một người đã chết não hay chưa. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là ở các nước phát triển, các điều kiện về cận lâm sàng không nhất thiết, cũng như tiêu chuẩn về thời gian, dẫn tới bắt buộc phải có ba lần xác định chết não và mất tối thiểu 12 giờ tính từ lần xác định chết não đầu tiên là quá dài. Điều này vừa gây tốn kém kinh phí xác định chết não, đồng thời sẽ làm mất cơ hội vàng để lấy được mô, tạng của người hiến chết não. Bên cạnh đó, quy định về chuyên gia pháp y trong Hội đồng xác định chết não cũng cần phải đánh giá lại, vì quy định này gây khó khăn cho các cơ sở y tế nếu không mời được bác sĩ pháp y tham gia trong Hội đồng xác định chết não.
Theo tác giả, Luật không cần thiết bắt buộc phải có sự tham gia của giám định pháp y trong việc xác định chết não, vì thực tế ở Việt Nam cho thấy, số lượng chuyên gia pháp y là không nhiều, đặc biệt là ở một số bệnh viện, cơ sở y tế ở mức trung bình. Nếu quy định như điểm c khoản 2 Điều 27 của Luật sẽ có nhiều trường hợp phải chờ sự có mặt của các chuyên gia pháp y. Do đó, sẽ kéo dài “thời gian vàng” cho phép lấy những bộ phận tạng được hiến ở điều kiện tốt nhất, chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn. Ví dụ như, tim chỉ được ghép trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy ra khỏi lồng ngực của người hiến, còn thận thì tuy bảo quản để ghép được có thời gian dài hơn nhưng cũng không quá 72 giờ. Việc xác định chết não nên giao cho một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia thuộc chuyên khoa hồi sức, hồi sức tích cực nội - ngoại thần kinh đánh giá dựa trên dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của khoa học kỹ thuật y học hiện đại. Sau khi hội đồng có kết luận thống nhất, thì thủ trưởng sẽ ra quyết định cuối cùng.
4. Cần sửa đổi một số quy định về ngân hàng mô và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Điều 35 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “1. Ngân hàng mô là cơ sở y tế do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập. 2. Ngân hàng mô được tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô; cung ứng mô cho các cơ sở y tế hoặc cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học và hợp tác quốc tế trong việc trao đổi mô” và khoản 7 còn quy định: “Ngân hàng mô hoạt động không nhằm mục đích thương mại”.
Theo quy định trên, cá nhân cũng có quyền thành lập ngân hàng mô, tương tự như cá nhân có quyền thành lập các loại doanh nghiệp khác. Khoản 5 Điều 35 quy định: “Ngân hàng mô có tư cách pháp nhân và chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của Bộ Y tế”. Điều này sẽ dẫn đến mâu thuẫn sau: (i) Cá nhân thành lập ngân hàng mô nhằm mục đích gì khi pháp luật quy định là ngân hàng mô hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh? (ii) Ngân hàng mô được thành lập phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Ngân hàng mô của cá nhân phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự… mà lại hoạt động không nhằm mục đích thương mại. Quy định này có sự bất cập vì không có sự phân biệt ngân hàng mô với các loại doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác. Nếu một ngân hàng mô của tư nhân được thành lập mà không nhằm mục đích thương mại thì khó có thể tồn tại.
Điều kiện hiện nay ở Việt Nam, ngân hàng mô cần phải do Nhà nước giám sát và chỉ những cơ sở y tế của Nhà nước mới có đủ điều kiện thành lập ngân hàng mô. Ngân hàng mô hoạt động không vì mục đích kinh doanh, cho nên Nhà nước vẫn phải bao cấp. Mục đích chữa bệnh cho nhân dân là cơ bản. Cá nhân không thể có đủ các điều kiện hoạt động khi ngân hàng mô thuộc quyền sở hữu cá nhân được thừa nhận. Nếu quy định cho cá nhân được thành lập ngân hàng mô sẽ xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa cá nhân và các cơ sở y tế của Nhà nước có ngân hàng mô. Những tiêu cực và thương mại hóa có thể phát sinh trong hoạt động ngân hàng mô thuộc các thành phần kinh tế và hình thức sở hữu khác nhau. Điều đó là không thể tránh khỏi và khi đó thị trường mô sẽ diễn ra phức tạp và mục đích thu lợi nhuận từ việc thu gom nguồn mô sẽ diễn ra như các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Với những lập luận trên, tác giả cho rằng, cần phải xóa bỏ quy định cho phép cá nhân được thành lập ngân hàng mô.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật, thì chỉ lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống đã đăng ký hiến. Trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô hoặc cần ghép mô cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến nếu có sự đồng ý của người đó. Quy định này không còn phù hợp ở những điểm sau: (i) Trước đây, người bệnh chỉ được ghép thận khi có người cho cùng nhóm máu thì nay khác nhóm máu cũng có thể ghép được[2]. Việc quy định trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô, bộ phận cơ thể thì những người không cùng huyết thống với người được ghép cũng có thể hiến mô, bộ phận cơ thể để ghép cho người cần phải ghép. (ii) Quy định về việc đăng ký hiến vẫn mang nặng tính hành chính và có thể gây cản trở cho cá nhân có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống. Theo tác giả, việc cá nhân có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người không nhất thiết phải đăng ký.
Khoản 2 Điều 14 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định không đồng nhất ở chỗ: Đoạn 1 khoản 2 quy định “chỉ lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống đã đăng ký hiến” nhưng đoạn 2 khoản này lại quy định “trong trường hợp cấp cứu mà cần phải ghép mô hoặc cần phải ghép mô cho cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì được phép lấy mô của người chưa đăng ký hiến nếu có sự đồng ý của người đó”. Hơn nữa, đoạn 2 Điều 14 còn thiếu các quy định về bộ phận cơ thể người sống, nên nó không phù hợp với tên của điều luật là: “Điều kiện, thủ tục lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống”. Với lập luận trên, tác giả đưa ra giải pháp sửa khoản 2 Điều 14 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 theo hướng như sau: “Lấy mô, bộ phận cơ thể người được thực hiện ở người sống đã đăng ký hoặc không có đăng ký nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người hiến”. Quy định như vậy vừa ngắn gọn, vừa chặt chẽ và phạm vi điều chỉnh của điều luật sẽ rộng hơn, phù hợp với đời sống xã hội vốn cần sự linh hoạt và kịp thời. Ngoài ra, còn loại bỏ được những thủ tục hành chính phiền hà, mất thời gian của người hiến.
5. Nên bổ sung quy định về cấy ghép tử cung vào Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Cấy ghép tử cung là một sự tiến bộ vượt bậc trong y học, nó không chỉ đem lại lợi ích về mặt thể chất mà còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần. Khi một người phụ nữ không muốn sinh con, họ có thể lựa chọn hiến tặng nó cho một người phụ nữ khác bị khiếm khuyết tử cung bẩm sinh và các bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép tử cung vào ổ bụng người nhận. Sau đó, người nhận ghép tạng có thể sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Thực tế, phẫu thuật cấy ghép tử cung từ người hiến tạng còn sống đã có tiền lệ thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, cho đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là đơn vị y tế đầu tiên công bố ý định ghép tử cung, tạo cơ hội làm mẹ cho những người phụ nữ có bệnh đặc biệt, không có tử cung hoặc không thể mang thai do những bất thường về tử cung. Theo GS.TS. Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thì bệnh viện đã thực hiện việc ghép phổi, ghép giác mạc, ghép thận… và đến sau năm 2020 sẽ thực hiện việc ghép chi, ghép gân, ghép tử cung. Đối với các trường hợp ghép tử cung, GS.TS. Mai Hồng Bàng cũng cho rằng: Có cơ hội hiến - ghép trong trường hợp con gái có bất thường về tử cung và không thể mang thai được mà mẹ có thể hiến tặng tử cung để ghép cho con gái hoặc có thể có nguồn hiến tặng tử cung từ người cho chết não[3]. Vì vậy, để vấn đề cấy ghép tử cung sớm được triển khai trong thực tiễn, tác giả đề nghị nên bổ sung quy định về cấy ghép tử cung vào Luật.
6. Nên bổ sung quy định về cấy, ghép cẳng tay, chân vào Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Cấy, ghép cẳng tay, chân đã được thực hiện thành công ở nhiều quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Canada, Iran, Trung Quốc, Ấn Độ. Ở Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghép thành công hai cẳng tay cho một bệnh nhân 18 tuổi từ người cho chết não[4]. Tuy nhiên, vấn đề cấy, ghép cẳng tay, chân vẫn chưa được điều chỉnh ở trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Do vậy, theo tác giả nên bổ sung nội dung này vào Luật bằng một điều luật cụ thể để thuận tiện trong thực tiễn thực hiện tại Việt Nam.
NCS. Đại học Luật Hà Nội
[1]. http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/cac-ky-thuat-moi-trien-khai/5698-su-dung-te-bao-goc-trong-dieu-tri-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-nhung-ket-qua-buoc-dau.html.
[2]. Xem: http://www.benhviendakhoatinhphutho.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/tabid/92/t/thuc-hien-thanh-cong-ca-ghep-than-khong-cung-huyet-thong-va-nhom-mau/title/2109/ctitle/18/language/vi-VN/Default.aspx? AspxAutoDetectCookieSupport=1.
[3]. https://tuoitre.vn/co-hoi-ghep-tu-cung-tai-viet-nam-20181210092626594.htm.
[4]. https://tuoitre.vn/ghep-thanh-cong-doi-tay-cho-nam-benh-nhan-18-tuoi-2020110914275738.htm.