Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)[1] (sau đây gọi là Dự thảo) được kết cấu thành 10 chương và 136 điều. Dự thảo đã bám sát 05 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Trên cơ sở các chính sách này, Dự thảo đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn, bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội[2]. Chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta trong thời gian qua đã có những thay đổi mang tính chất nền tảng để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện Công ước số 102 năm 1952 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội. Đó là quá trình chuyển đổi từ chính sách bảo hiểm xã hội dành riêng cho khu vực nhà nước sang chính sách bảo hiểm xã hội bao phủ cả khu vực thị trường lao động chính thức, từng bước mở sang cả khu vực phi chính thức và tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân… Tuy nhiên, để trở thành trụ cột an sinh xã hội chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới (trước áp lực già hóa dân số, tác động của cách mạng khoa học, công nghệ đến thị trường lao động cũng như những hạn chế, tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014), thì chính sách bảo hiểm xã hội vẫn cần phải tiếp tục cải cách, hoàn thiện dựa trên cơ sở tổng kết đánh giá, nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Quá trình hoàn thiện chính sách phải bảo đảm nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với cải cách các chính sách khác có liên quan, nhất là chính sách tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội[3]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả góp ý một số quy định của Dự thảo, cụ thể như sau:
1. Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (Điều 3 Dự thảo)
Thứ nhất, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo tác giả, nên ghi bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân của các tổ hợp tác (tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh) vào khoản 1 Điều 3 Dự thảo để tương đồng với hai đối tượng mới được bổ sung trong Dự thảo là chủ hộ kinh doanh (hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh) hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương. Các đối tượng này có cả vai trò là người lao động trong nền kinh tế, vừa có nhu cầu, vừa có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội, họ cũng muốn được hưởng các lợi ích, hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội như những người lao động khác trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc bổ sung này giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phù hợp với mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể[4].
Thứ hai, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố” tại điểm i khoản 1 Điều 3 Dự thảo, theo tác giả, cần thống nhất quy định cụ thể về đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng bao gồm người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Cách quy định này mang tính liệt kê các đối tượng không chuyên trách ở cấp cơ sở, việc liệt kê “người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn” có sự tương đồng với quy định về đối tượng là “người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố”.
2. Về các hành vi bị cấm (Điều 8 Dự thảo)
Thứ nhất, khoản 7 Điều 8 Dự thảo quy định cấm hành vi: “Cộng tác, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ đóng…”. Quy định này còn chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu cho người thực hiện luật vì Dự thảo chỉ quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mà không làm rõ khái niệm nghĩa vụ đóng là nghĩa vụ của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hay bên sử dụng lao động. Cũng tại khoản này, còn quy định cấm hành vi “không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về bảo hiểm xã hội”. Tuy nhiên, Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không có quy định như vậy, mà chỉ quy định cấm hành vi: “Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính” (khoản 12). Do vậy, cần tính đến sự thống nhất trong cách quy định giữa hai luật khi cùng nói đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành.
Thứ hai, khoản 9 Điều 8 Dự thảo quy định cấm hành vi: “Cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức”. Hiện nay, bên cạnh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, tình trạng mua, bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội cũng gia tăng và biến tướng bằng nhiều hình thức để “lách” các quy định cấm. Chưa kể tình trạng bản thân người sử dụng lao động không trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, thậm chí chiếm dụng chính tiền bảo hiểm xã hội của người lao động do người lao động khó theo dõi hoặc không để ý đến quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động cho mình khiến các vi phạm về bảo hiểm xã hội xảy ra phổ biến, thể hiện sự coi thường pháp luật của các đối tượng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của chính người lao động. Do đó, khoản 9 Điều 8 Dự thảo cần quy định chung đối với các hành vi: “Cầm cố, chuyển nhượng sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức”. Mở rộng ra, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý, chia sẻ thông tin về lương và các khoản chi cho người lao động dùng làm cơ sở tính đúng, tính đủ bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện phần mềm định danh công dân để dễ quản lý, theo dõi, thống nhất thông tin giúp người dân kiểm soát việc quyền được bảo đảm.
3. Về trợ cấp hưu trí xã hội (Chương III Dự thảo)
Hiện nay, quy định trong Dự thảo đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là: Đủ 75 tuổi trở lên; không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ; mức hưởng gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng. Theo đó, quy định về trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 2 Điều 22 Dự thảo có nội dung tương tự chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009[5]. Tuy nhiên, theo Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009, trợ cấp xã hội hằng tháng này áp dụng cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng, mức hưởng hiện nay là 360.000 đồng, còn người cao tuổi từ đủ 75 - 80 tuổi trong Luật Người cao tuổi năm 2009 phải có điều kiện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Có thể thấy, quy định trên tại Dự thảo là một bước tiến trong bảo vệ, hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần xét đến mức hưởng có lợi nhất cho các chủ thể đủ điều kiện áp dụng và cân đối chi phí từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thông tin về tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay cũng cần xét đến, theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, nhưng phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới (nữ là 76,1 tuổi, nam là 71,1 tuổi)[6]. Do đó, tính đến đánh giá thẩm định giới cần tính đến cả bình đẳng giới với nam giới, tránh tình trạng chính sách hỗ trợ không bao phủ hết đối tượng do chưa đủ điều kiện hưởng đã hết thời hạn hưởng. Do đó, Dự thảo đã có bước tiến khi xác định độ tuổi hưởng mức trợ cấp này thấp hơn mức quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009, theo tác giả thì nên lấy mức tuổi thọ trung bình của người Việt Nam làm căn cứ.
4. Về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 37 Dự thảo)
Biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn được quy định tại khoản 2 Điều 37 Dự thảo như sau: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng”. Theo tác giả, nên xem xét lại biện pháp này do những ảnh hưởng không tích cực đến người lao động và đặc thù biện pháp này chủ yếu dành cho hoạt động quản lý thuế[7].
Biện pháp “hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động” tại khoản 3 Điều 37 Dự thảo cũng nên xem xét lại, vì đây là biện pháp ngăn chặn phòng ngừa nguy cơ bỏ trốn của người đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, do đó, cần cân nhắc cách quy định để tránh nguy cơ tùy tiện khi áp dụng.
Về tiền nộp thêm khi chậm đóng, hiện nay, theo Luật Phá sản năm 2014, khoản ưu tiên thanh toán khi phá sản doanh nghiệp hợp tác xã hiện chỉ có lương mà không có khoản nợ bảo hiểm xã hội, tức là, quyền lợi của người lao động vẫn không được bảo đảm về lâu dài. Do đó, tác giả khuyến nghị nên xác định tiền bảo hiểm xã hội chậm, chưa nộp là khoản ưu tiên bảo vệ như lương của người lao động thay vì xác định mức nộp thêm.
5. Về rút bảo hiểm xã hội một lần (Điều 70 Dự thảo)
Về cơ bản, cần hạn chế và tiến tới chấm dứt cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh các chính sách rút ngắn thời gian bắt đầu hưởng lương, chính sách hỗ trợ về tín dụng, trợ cấp hưu trí… thì quy định dứt khoát từ phía Nhà nước là cần thiết, do đó, tác giả đồng ý với phương án 1 tại điểm đ khoản 1 Điều 70 Dự thảo. Tuy nhiên, cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm xã hội để người lao động nhận biết đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, hỗ trợ họ cả trong thời gian lao động và khi hết tuổi lao động. Khoản đóng góp quỹ còn có phần không nhỏ là từ phía người sử dụng lao động chưa kể các hình thức hỗ trợ từ Nhà nước, do đó, đây cũng là trách nhiệm của người lao động với an sinh xã hội của đất nước. Về lâu về dài, nếu các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước dành cho người lao động hiệu quả, lợi ích người lao động được nhận bền vững, công tác phổ biến quy định bảo hiểm xã hội thực hiện thường xuyên, việc quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm thực hiện tốt sẽ tạo niềm tin cho người dân vào chính sách này, nhất là khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số như hiện nay thì cần các quy định dứt khoát để bảo đảm an sinh xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
TS. Nguyễn Thị Nga
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Ảnh: Internet
[1]. Bài viết sử dụng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 09/10/2023.
[2]. Xem: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=81746, truy cập ngày 30/12/2023.
[3]. Xem: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=81746, truy cập ngày 30/12/2023.
[4]. Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước có khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên…
[5]. Xem thêm: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
[6]. Xem: https://nld.com.vn/suc-khoe/tuoi-tho-trung-binh-cua-nam-gioi-viet-thap-hon-5-nam-so-voi-nu-20230829140602921.htm, truy cập ngày 18/11/2023.
[7]. Xem thêm: Điều 125 Luật Quản lý thuế năm 2019.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)