Tóm tắt: Bài viết này bàn luận một số điểm còn hạn chế của pháp luật trong quá trình phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường không gian mạng, từ đó, đưa ra một số kiến nghị, đề xuất đối với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này.
Abstract: This article discusses some limitations of the law in the process of preventing and combating fraudulent criminals appropriating property in the cyberspace environment, thereby, making a number of recommendations and proposals for the improving Vietnamese laws in order to effectively prevent and combat this type of crime.
1. Dẫn nhập
Trong những năm gần, đây tỉ lệ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, đặc biệt là chủ thể thực hiện là người nước ngoài với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nhiều tài sản có giá trị lớn đã bị chiếm đoạt do sự hám lợi hoặc nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường không gian mạng, thực tiễn còn phát sinh một số bất cập trong quy định của pháp luật gây khó khăn cho các lực lượng chức năng, vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải hoàn thiện pháp luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình phòng, chống loại tội phạm này.
2. Quy định của pháp luật có liên quan về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường không gian mạng và một số bất cập
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là tội phạm có tính chất chiếm đoạt được thực hiện bởi hành vi gian dối nhưng phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành vật chất của tội phạm là giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; nếu dưới 2.000.000 đồng thì phải có các điều kiện như: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, đã bị kết án về các tội có hành vi chiếm đoạt chưa xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại. Hành vi khách quan bao gồm: Hành vi lừa dối (đưa ra các thông tin sai sự thật nhằm để nạn nhân tin đó là thật) và hành vi chiếm đoạt. Hai hành vi này đòi hỏi phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Đồng thời, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xem là hoàn thành tại thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
Trong thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện đều thể hiện bằng hành vi gian dối ra bên ngoài của mặt khách quan của tội phạm nhưng với phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn như: Lừa đảo thông qua hình thức vishing[1]; lừa đảo thông qua mô hình kinh doanh đa cấp - đa cấp tiền ảo[2]… Đặc điểm nổi bật của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội. Cũng chính vì vậy mà có những trường hợp thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã tuyệt đối hóa thủ đoạn gian dối của hành vi lừa đảo, chỉ tập trung chứng minh người phạm tội có thủ đoạn gian dối đã vội xác định đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không chú ý đến ý định chiếm đoạt dẫn đến sai lầm trong quá trình định tội danh. Bởi lẽ, nếu chỉ có thủ đoạn gian dối nhưng không có ý định chiếm đoạt thì không phải là lừa đảo, mà tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản hoặc chỉ là quan hệ dân sự, kinh tế... Trong khi đó, người nước ngoài khi họ thực hiện hành vi lừa đảo đa phần sử dụng qua các phương thức giao tiếp trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, webchat… thì rất khó có thể chứng minh ý thức của thủ đoạn gian dối ngay từ thời điểm này. Bởi vì, các cuộc trò chuyện và mọi thông tin có thể tự xóa ngay sau khi cuộc trao đổi kết thúc. Như vậy, trong thực tế để ngăn chặn sớm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là cực kỳ khó khăn bởi vì quy định của pháp luật đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra (hành vi chiếm đoạt phải thực hiện thành công). Ngoài ra, trong quy định của Bộ luật Hình sự còn rất nhiều tội danh lấy dấu hiệu hành vi gian dối, hành vi chiếm đoạt như: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng… dẫn đến sự nhầm lẫn hoặc khó nhận định tội danh nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên rất dễ gây nhầm lẫn giữa trường hợp phạm tội lừa dối chiếm đoạt tài sản với trường hợp phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; giữa tranh chấp dân sự với trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, theo khoa học pháp lý hình sự, để phân biệt các tội danh thì các cơ quan chức năng cần chứng minh ý thức của người thực hiện hành vi. Ý thức có trước khi thực hiện hành vi gian dối đó là lừa đảo, còn ý thức có sau thì tùy tình hình thực tế mà định các tội danh tương ứng. Nhưng thực tiễn việc chứng minh ý thức có trước của người nước ngoài trước khi thực hiện hành vi gian dối là cực kỳ khó khăn, nên trong thực tế có một số cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp lúng túng trong quá trình đề nghị xử lý.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), pháp nhân thương mại đã được các nhà làm luật nghiên cứu, bổ sung là chủ thể của tội phạm. Đây là một sự thay đổi tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế và tình hình kinh tế, xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, hiện nay, pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội được liệt kê tại Điều 76 nhưng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không được liệt kê trong số các tội đó[3]. Trong khi đó, hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bên cạnh những mặt tích cực thì chúng ta phải đối mặt với mặt trái của nền kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều thành phần kinh tế nước ngoài du nhập vào nước ta khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn, ngoài ra còn có rất nhiều pháp nhân thương mại do người nước ngoài thành lập không nhằm mục đích kinh doanh mà nhằm mục đích lợi dụng danh nghĩa kinh doanh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng các pháp nhân thương mại này lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính thì rõ ràng hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa cao và chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng là người nước ngoài.
Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và khắc phục hậu quả do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Biện pháp phong tỏa tài khoản được quy định tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có thể được xem như là một giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, không thể áp dụng biện pháp này ngay từ lúc đầu phát hiện hành vi, do quy định của pháp luật về điều kiện áp dụng: Biện pháp này chỉ được áp dụng khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại các tổ chức tín dụng. Thực tiễn sau khi chiếm đoạt được tài sản (đặt biệt là thông qua hệ thống chuyển khoản của ngân hàng), số tiền này sẽ được chuyển cho nhiều ngân hàng khác nhau và trên những địa bàn khác nhau cho các cá nhân khác nhau để gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi truy dấu vết. Do đó, nếu chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cơ quan tiến hành tố tụng không thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản (như là một biện pháp khẩn cấp tạm thời) để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, còn nếu áp dụng sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo Điều 26 Luật An ninh mạng có nội dung doanh nghiệp trong và ngoài nước có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy cả hai “ông lớn” Google và Facebook đều sẽ phải dịch chuyển đám mây điện toán về và đặt Datacenter tại Việt Nam, nơi đang lưu trữ các dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam khi Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Nhưng cho đến nay, các dữ liệu này vẫn đang được lưu trữ tại Datacenter Hồng Kông và Singapore đã gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi yêu cầu truy vết để xác định nội dung thông tin trao đổi giữa các đối tượng là người nước ngoài và nạn nhân.
3. Một số kiến nghị nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường không gian mạng
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tiến hành đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại và đặc biệt từ khi nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì tình hình người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, với nhiều mục đích khác nhau như: Đầu tư, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội làm ăn, học tập, du lịch, thăm thân, lao động ngắn hạn... Chính vấn đề này đã đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm nói chung và tội phạm do người nước ngoài thực hiện nói riêng, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài tổ chức thực hiện. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm này, pháp luật Việt Nam cần có những điều chỉnh cụ thể để hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thông qua một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm làm rõ hơn dấu hiệu định tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tránh nhầm lẫn với các tranh chấp giao dịch dân sự hoặc nhầm lẫn giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác cùng sử dụng thủ đoạn gian dối để phạm tội trong Bộ luật Hình sự về mục đích của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hướng:
(i) Xác định mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó, khi định tội cần xem xét người phạm tội có mục đích chiếm đoạt hay không và thời điểm người phạm tội nảy sinh mục đích chiếm đoạt tài sản trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
(ii) Trường hợp một người có hành vi gian dối trong việc xác lập các giao dịch dân sự nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà coi là vụ án tranh chấp về dân sự, nếu người phạm tội có thiện chí thực hiện các nghĩa vụ dân sự của mình; trường hợp người phạm tội có mục đích chiếm đoạt tài sản trước hoặc trong khi thực hiện hành vi lừa dối chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
(iii) Đối với tình trạng nhầm lẫn giữa trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số trường hợp phạm tội khác cùng sử dụng thủ đoạn gian dối để phạm tội do đánh giá không đúng về mối liên hệ giữa hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần hướng dẫn về hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hướng: Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Giữa hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt phải là kết quả của hành vi lừa dối.
Thứ hai, nghiên cứu, bổ sung pháp nhân thương mại là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh sắp tới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia vào các hoạt động kinh tế quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế bên cạnh những mặt tích cực nhưng cũng phát sinh những hạn chế đó là việc kiểm soát trở nên khó khăn, rất nhiều pháp nhân thương mại thành lập (có sự cấu kết giữa người nước ngoài và người Việt Nam) không nhằm mục đích kinh doanh mà thành lập nhằm mục đích lợi dụng danh nghĩa kinh doanh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, rất nhiều khả năng trong thời gian tới, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Thứ ba, hoàn thiện quy định của pháp luật để khắc phục tình trạng không thể thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Do đó, pháp luật hình sự cần có những sửa đổi, bổ sung để việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt có hiệu quả hơn. Cụ thể, cần bổ sung các quy định: Nếu có dấu hiệu tẩu tán tài sản của người phạm tội thì người phạm tội và người thân của họ hoặc những người có liên quan có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản. Nếu không thể chứng minh được nguồn gốc thì các cơ quan tiến hành tố tụng được phép phong tỏa hoặc tạm thời thu hồi toàn bộ hoặc một phần tài sản, khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt.
Thứ tư, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể đối với các tổ chức nước ngoài về việc thực hiện đúng theo quy định Luật An ninh mạng của Việt Nam. Di chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu về Việt Nam để thuận tiện trong việc quản lý trên môi trường không gian mạng cũng như phục vụ quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ để đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện.
Trịnh Duy Thuyên
Phạm Anh Thư
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Đối tượng phần lớn là người nước ngoài, thường là những ổ nhóm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người Trung Quốc, Malaysia, khi nhập cảnh vào Việt Nam thường chọn địa bàn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lớn thuê nhà, thuê đường truyền Internet tốc độ cao, bằng công cụ kỹ thuật chuyển cuộc gọi, các đối tượng thực hiện việc gọi điện đến các thuê bao cố định hoặc di động, giả danh cơ quan công an hoặc nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng. Sau khi lấy được lòng tin của người dân, các đối tượng tiếp tục giả danh là người đại diện của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát muốn kiểm tra xem số dư tài khoản ngân hàng của nạn nhân có phải phi pháp hay không và liên tục đe dọa, trấn áp tinh thần của nạn nhân và cuối cùng, chúng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản của các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc cơ quan tài chính nhà nước để giám định kiểm tra.
[2]. Nhà đầu tư bị dụ dỗ đầu tư vào những kế hoạch lừa đảo với những lời hứa sau khi đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, thực chất không có sự đầu tư nào được gọi là công ty đầu tư, mà chính là những nhà đầu tư trước sẽ nhận được lợi nhuận từ tiền của những nhà đầu tư sau.
[3]. Nguyễn Phi Hùng, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự năm 2015, bất cập và kiến nghị hoàn thiện,https://lsvn.vn/toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-trong-bo-luat-hinh-su-2015-bat-cap-kien-nghi-hoan-hien1666634892.html.