Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu một số hạn chế của Luật Phá sản hiện hành và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Abstract: The article studies some limitations of the current Bankruptcy Law and proposes some solutions to improve the law to meet practical requirements.
1. Những vấn đề đặt ra trong quá trình thi hành Luật Phá sản năm 2014
Một là, về khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán:
Tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 quy địn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Thực tế, việc doanh nghiệp có khoản nợ quá hạn 03 tháng là rất phổ biến, việc không thanh toán các khoản nợ quá hạn này có nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp xuất phát từ tình trạng khó khăn, mất cân đối tài chính tạm thời của doanh nghiệp mắc nợ, nhưng cũng có trường hợp do các bên có tranh chấp về chính khoản nợ đó hoặc do doanh nghiệp cố tình không chịu thanh toán nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn của chủ nợ, lẽ ra các khoản nợ quá hạn này cần được giải quyết bằng con đường tố tụng dân sự nhưng chủ nợ lại yêu cầu mở thủ tục phá sản để gây sức ép trả nợ đối với doanh nghiệp bị yêu cầu. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí có thể là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và sau đó phải phá sản thật.
Hai là, về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 5):
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản năm 2014, thì chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp chủ nợ không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ đến hạn mà khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã trả nợ và được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó, chủ nợ có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án hoặc bản án, quyết định đang được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán nợ không?
- Doanh nghiệp sử dụng các tài sản có giá trị của doanh nghiệp (như nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất, giá trị quyền sử dụng đất...) thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ bằng hình thức mua lại toàn bộ tài sản thế chấp. Như vậy, các khoản nợ lương, nợ bảo hiểm, các khoản nợ khác không có bảo đảm sẽ không được thanh toán. Có ý kiến đề nghị khi xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp thì chủ nợ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp…
Ba là, về thẩm quyền giải quyết phá sản (Điều 8):
Điều 8 Luật Phá sản năm 2014 quy định, thẩm quyền giải quyết phá sản cấp tỉnh trong bốn trường hợp và được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền giải quyết phá sản trong trường hợp “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau” vẫn còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay không kinh doanh bất động sản đều có thể có tài sản là các bất động sản ở những địa phương khác nhau. Theo đó, việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp này trên thực tế còn gặp khó khăn.
Thêm vào đó, khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản có quy định về giải quyết hậu quả pháp lý trong trường hợp có sự thay đổi thẩm quyền Tòa án nhân dân do phát sinh các điều kiện làm cho vụ việc phá sản từ cấp huyện thuộc cấp tỉnh[1]. Tuy nhiên, Nghị quyết này vẫn còn “bỏ ngỏ” trường hợp thay đổi từ cấp tỉnh xuống cấp huyện thì trước đó Tòa án ban đầu ra quyết định mở thủ tục phá sản có chuyển về lại cho cấp huyện hay không?
Bốn là, bất cập trong quy định về quyền và nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản năm 2014:
So với cổ đông chiếm cổ phần lớn công ty cổ phần và thành viên hợp tác xã thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên không có quyền này. Như vậy, nếu thành viên chiếm vốn chi phối của công ty nhận thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì cũng không có quyền nộp đơn mà chỉ chờ vào người đại diện theo pháp luật hoặc chủ tịch hội đồng thành viên nộp đơn với tư cách là người có nghĩa vụ. Điều này phần nào gây bất lợi cho thành viên, bởi nếu tình hình kéo dài có thể gây ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của thành viên đó.
Năm là, quy định liên quan đến hoạt động thương lượng của các chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán:
Luật Phá sản năm 2014 quy định về quyền đề nghị được thương lượng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và chủ nợ để được rút đơn. Điều này đồng nghĩa với việc Tòa án phải luôn chấp nhận yêu cầu thương lượng của các bên, nhưng có phải trong mọi trường hợp, thỏa thuận rút đơn đều được chấp nhận hay không? Rõ ràng, Luật Phá sản đã cho các bên quyền thương lượng việc rút đơn nhưng lại quy định phải đề nghị Tòa án để được rút đơn là chưa phù hợp.
Sáu là, bất cập trong quy định về đơn hợp lệ trong thủ tục phá sản:
Một trong những yêu cầu để xem đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ đó là kèm theo đơn phải có chứng cứ chứng minh các khoản nợ đến hạn. Hay nói đúng hơn, chủ nợ phải chứng minh được doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Thực tế, để chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các khoản nợ không phải xuất phát từ các hợp đồng vay, mượn về tài chính mà xuất phát từ khả năng thực hiện thanh toán các hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Do đó, vấn đề đề này cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Bảy là, về thanh toán thù lao, chi phí quản tài viên đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ bù trừ:
Bù trừ nghĩa vụ giữa doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản với chủ nợ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản được quy định tại Điều 63 Luật Phá sản năm 2014, thực hiện theo quy định tại Điều 378 Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ phải được sự đồng ý của quản tài viên, quản tài viên báo cáo thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ.
Như vậy, quản tài viên tham gia làm việc và chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nghĩa vụ bù trừ nên mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí phải định giá tài sản để làm cơ sở cân đối nghĩa vụ bù trừ, tuy nhiên, trong trường hợp này quản tài viên không được thanh toán thù lao, chi phí.
Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định, chi phí quản tài viên được thanh toán từ giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.
Vấn đề đặt ra là, nếu trường hợp sau khi thực hiện nghĩa vụ bù trừ mà doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản không còn tài sản thì ai thanh toán chi phí quản tài viên, chi phí phá sản giải quyết như thế nào nếu rơi vào trường hợp này? Do đó, đây là vấn đề đang xảy ra trong thực tiễn và cần được nghiên cứu, hoàn thiện.
Tám là, về lập bảng kiểm kê tài sản:
Việc kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được quy định tại Điều 65 Luật Phá sản năm 2014. Doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Việc không hợp tác hoặc không có khả năng để kiểm kê tài sản của doanh nghiệp vì lý do nhất định trong thực tiễn đã và sẽ làm quản tài viên gặp khó khăn, trở ngại khi lập bảng kê tài sản theo quy định tại điểm b khoản Điều 16, khoản 1 Điều 75 Luật Phá sản năm 2014.
Mặc dù khoản 5 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014 quy định trường hợp đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác không hợp tác về việc kiểm kê tài sản hoặc cố tình làm sai lệch việc kiểm kê tài sản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (tại Mục 37 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ) cũng bất khả thi (vì doanh nghiệp không còn ai để xử lý).
Vấn đề đặt ra là, khi doanh nghiệp không còn người có trách nhiệm tiến hành các công việc kiểm kê tài sản, cung cấp, giao nộp thông tin hồ sơ kế toán tài sản thì giải quyết như thế nào?
Chín là, về chi phí thẩm định giá:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Luật Phá sản năm 2014, trường hợp xét thấy việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều này là không chính xác thì Tòa án nhân dân yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Giá trị tài sản được xác định, định giá theo giá thị trường tại thời điểm kiểm kê.
Vấn đề đặt ra là: Chi phí tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản lấy từ nguồn nào nếu tiền tạm ứng chi phí phá sản không đủ thanh toán? Ai phải chịu chi phí này đối với trường hợp kiểm kê, định giá tài sản bảo đảm nếu doanh nghiệp không còn tài sản khác?
2. Một số kiến nghị hoàn thiện Luật Phá sản năm 2014 đáp ứng yêu cầu thực tiễn
(i) Về khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 theo hướng tăng thời hạn không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 06 tháng hoặc 01 năm, tức là chỉ được yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời gian 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày đến hạn thanh toán.
(ii) Về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 5): Cần nhanh chóng ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung điều khoản quy định về điều kiện mất khả năng thanh toán. Theo đó, ngoài quy định về trường hợp được xem là mất khả năng thanh toán như trong Luật Phá sản năm 2014 hiện nay, cần quy định thêm về mất khả năng thanh toán trong trường hợp đặc biệt (tình trạng khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, khủng bố, thậm chí là các hiệu ứng từ công nghệ môi trường), thời gian 03 tháng sẽ được tính từ ngày đầu tiên sau khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tuyên bố kết thúc tình huống đặc biệt đó. Tuy nhiên, xác định trường hợp mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong các trường hợp trên khó có thể chuyển tải trong nội dung một điều khoản, Luật Phá sản cần quy định về tinh thần chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
(iii) Về thẩm quyền giải quyết phá sản (Điều 8): Cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền giải quyết phá sản để khắc phục vướng mắc hiện nay.
(iv) Về quy định về quyền và nghĩa vụ nộp đơn phá sản: Cần bổ sung quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của thành viên có số vốn điều lệ chiếm từ 65% trên tổng vốn điều lệ của công ty.
(v) Về quy định liên quan đến hoạt động thương lượng của các chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán: Tác giả cho rằng, về mặt tinh thần của luật cũng như về mặt câu chữ nên quy định như sau: Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã nhận được thông báo bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền thương lượng với chủ nợ nộp đơn về việc rút đơn không cần phải có đơn đề nghị được thương lượng. Các bên có nghĩa vụ gửi kết quả thương lượng về cho Tòa án trong vòng 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc thương lượng. Với quy định này, sẽ tạo cho các bên chủ động hơn trong việc tiến hành thương lượng, hạn chế tốn kém tài chính và thời gian đi lại. Thêm vào đó, Luật Phá sản cần quy định rõ hơn thế nào là thỏa thuận trái với tinh thần của pháp luật về phá sản và hậu quả pháp lý của từng hành vi đó. Quy định trên tạo nên sự thuận lợi và hợp lý hơn, khẳng định thỏa thuận rút đơn là quyền nhưng không phải mọi thỏa thuận rút đơn điều được chấp nhận. Tòa án vẫn là chủ thể quyết định cuối cùng sau khi xem xét kết quả thương lượng được gửi lên.
(vi) Về đơn hợp lệ trong thủ tục phá sản: Quy định chi tiết về đơn hợp lệ trong thủ tục phá sản hiện nay.
(vii) Về thanh toán thù lao, chi phí quản tài viên đối với trường hợp thực hiện nghĩa vụ bù trừ: Cần quy định rõ trường hợp sau khi thực hiện nghĩa vụ bù trừ mà doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản không còn tài sản thì chủ thể nào có trách nhiệm thanh toán chi phí quản tài viên, chi phí phá sản.
(viii) Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, quy định có tính khả thi hơn để giải quyết đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không còn người có trách nhiệm tiến hành các công việc kiểm kê tài sản, cung cấp giao nộp thông tin hồ sơ kế toán tài sản.
(ix) Về chi phí thẩm định giá: Đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng chủ nợ phải nộp tạm ứng chi phí thẩm định giá tài sản để bảo đảm tính khả thi khi thi hành.
ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Phó Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp
[1]. Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP quy định: “Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình giải quyết phá sản có sự thay đổi nơi cư trú, địa chỉ của người tham gia thủ tục phá sản hoặc xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Phá sản và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết”.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)