Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật quy định các nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ở Việt Nam, xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG, quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, người được BHTG, quy định cụ thể về tiền gửi được bảo hiểm, thời điểm chi trả bảo hiểm... qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động BHTG, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng.
Quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 cho thấy, một số quy định của pháp luật về BHTG chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đối với việc hoàn thiện chế độ, chính sách về BHTG trong điều kiện mới và trong quá trình hội nhập.
Thứ nhất, về phí BHTG:
Khoản 1, 2 Điều 20 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định: “1. Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này”.
Việc phân biệt mức phí bảo hiểm giữa các TCTD là phù hợp với xu thế phát triển cạnh tranh, tạo sự công bằng cho các tổ chức tham gia BHTG, khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG có hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí BHTG thấp hơn và ngược lại.
Theo thông lệ quốc tế và hướng dẫn của Hiệp hội Bảo hiểm Tiền gửi Quốc tế (IADI)[1], một trong những điều kiện cần và đủ là phải đánh giá, phân loại tổ chức tham gia BHTG làm cơ sở để đưa ra mức phí thu tùy thuộc vào mức độ rủi ro và được áp dụng với tất cả các tổ chức tham gia BHTG, theo đó, các tổ chức tham gia BHTG có rủi ro càng lớn sẽ phải nộp phí BHTG càng cao và ngược lại.
Hiện nay, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định BHTG là loại hình bảo hiểm bắt buộc, theo đó TCTD (trừ ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG và Việt Nam đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các cá nhân tại tổ chức tham gia BHTG[2]. Việc áp dụng mức phí đồng hạng đã giúp tổ chức BHTG ổn định về nguồn thu phí, quỹ dự phòng nghiệp vụ tăng trưởng hàng năm tạo nguồn cho tổ chức BHTG thực hiện chính sách chi trả bảo hiểm đối với người được BHTG.
Qua nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng mức phí phân biệt tại Việt Nam có những khó khăn do hệ thống các TCTD Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém. Việc áp dụng phí BHTG phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là những TCTD có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Hiện nay, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024), các TCTD được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí BHTG.
Do vậy, để triển khai việc áp dụng mức phí phân biệt cần có sự đánh giá thận trọng, hoàn thiện quy định về đánh giá, phân loại tổ chức tham gia BHTG và lộ trình áp dụng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống các TCTD, niềm tin của công chúng.
Thứ hai, về hạn mức trả tiền bảo hiểm:
Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức BHTG được xác định phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng quốc gia và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người; tỷ lệ người gửi tiền được bảo vệ trên tổng số người gửi tiền và quy mô quỹ BHTG. Về nguyên tắc, chính sách BHTG hướng tới bảo vệ những người gửi tiền nhỏ nhưng chiếm số đông, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ (khoản 2 Điều 24). Việc không quy định hạn mức trả tiền cụ thể tại Luật bảo đảm việc điều chỉnh linh hoạt hạn mức này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống của người dân trong từng thời kỳ, qua đó bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Cụ thể, hạn mức trả tiền bảo hiểm được áp dụng ở mức 30 triệu đồng (từ năm 1999 đến tháng 8/2005); mức 50 triệu đồng (từ tháng 9/2005 đến tháng 04/8/2017); mức 75 triệu đồng (từ 05/8/2017 đến 11/12/2021); mức 125 triệu đồng áp dụng từ ngày 12/12/2021 cho đến nay.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 chưa có quy định dự phòng cho trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính hay khi có nguy cơ rút tiền hàng loạt tại các TCTD. Theo khuyến nghị của IADI, pháp luật các nước phải dự liệu cho trường hợp ngoại lệ như khi xảy ra khủng hoảng tài chính và cho phép tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm hoặc có thể áp dụng bảo hiểm toàn bộ tiền gửi (không có hạn mức BHTG) để kịp thời đối phó với cuộc khủng hoảng, rút tiền hàng loạt bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.
Khoản 2 Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD. Do vậy, việc sửa đổi điều khoản này tại Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 là cần thiết để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Bên cạnh đó, trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm cũng cần được nghiên cứu, chỉnh sửa vì Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 chỉ quy định tổ chức BHTG tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm (khoản 12 Điều 13). Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể về trình tự triển khai quy định này.
Theo kinh nghiệm quốc tế, khi tổ chức BHTG không đủ nguồn lực để trả tiền bảo hiểm thì có thể thực hiện tiếp nhận vốn khẩn cấp từ khu vực tư nhân; Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương, trong đó việc tiếp nhận vốn khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương được nhiều quốc gia áp dụng.
Khoản 2 Điều 190 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định, Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức BHTG vay đặc biệt trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức BHTG không đủ chi trả người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt.
Thứ ba, về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm:
Chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ tổ chức BHTG nào trên thế giới, thể hiện vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD. Việc xác định thời điểm chi trả phù hợp thể hiện sự cam kết của Nhà nước đối với người gửi tiền trong việc bảo đảm chi trả ngay lập tức khoản tiền được bảo hiểm trong hạn mức trả tiền bảo hiểm hoặc chi trả tối đa tiền gửi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG phá sản nhằm củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống TCTD. Thời điểm chi trả BHTG cần quy định sớm để kịp thời ổn định tâm lý của người gửi tiền, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, tránh được phản ứng dây chuyền góp phần bảo đảm sự an toàn của hệ thống các TCTD.
Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào trình trạng phá sản hoặc khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định tổ chức tham gia BHTG là chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Việc quy định nhiều thời điểm không thống nhất như pháp luật hiện hành dẫn đến khó khăn cho tổ chức BHTG khi xác định thời điểm chi trả cũng như việc chi trả chưa bảo đảm kịp thời.
Theo khuyến nghị của IADI, hệ thống BHTG phải bảo đảm đề người gửi tiền tiếp cận nhanh chóng tiền gửi được bảo hiểm của họ, tổ chức BHTG cần được thông báo trước và đầy đủ về các tình huống có thể dẫn đến việc phải tiến hành chi trả BHTG và được quyền tiếp cận trước các thông tin về người gửi tiền.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định, sau khi phương án phá sản đã được phê duyệt, tổ chức BHTG có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản.
Do vậy, để bảo đảm sự thống nhất trong các quy định của pháp luật, cần phải nghiên cứu sửa đổi thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhằm bảo đảm ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh phản ứng dây chuyền trong bộ phận người dân có tiền gửi, bảo vệ được quyền và lợi ích của người gửi tiền, góp phần giữ an toàn và trật tự xã hội.
Thứ tư, hoàn thiện quy định pháp luật để BHTG tham gia vào quá trình tái cơ cấu TCTD được kiểm soát đặc biệt:
Trên thế giới, một số tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xử lý ngân hàng yếu kém thông qua hoạt động cho vay đối với tổ chức tài chính thực hiện việc sáp nhập với ngân hàng bị phá sản (Nhật Bản), “chia sẻ tổn thất” với các ngân hàng thực hiện mua lại (Hoa Kỳ)… Điều này có nghĩa là, quỹ dự phòng BHTG không chỉ để sử dụng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà còn hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết.
Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 chỉ quy định tổ chức BHTG tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ (khoản 13 Điều 13).
Kế thừa quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt như cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn do TCTD nhận chuyển giao bắt buộc phát hành hay phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân; phối hợp tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Do đó, để nâng cao vai trò của tổ chức BHTG và BHTG tham gia từ sớm, từ xa, việc quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ tài chính của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG trong các trường hợp được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản bảo đảm, cơ chế thu hồi khoản cho vay đặc biệt, tỷ lệ nguồn vốn của tổ chức BHTG được mua trái phiếu do TCTD nhận chuyển giao phát hành… là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 cũng cần có các quy định cụ thể để tổ chức BHTG thực hiệt tốt chức năng kiểm tra, giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG, sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với tổ chức tham gia BHTG để có các biện pháp ứng xử kịp thời, phù hợp.
BHTG Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần bảo vệ và duy trì sự ổn định của hệ thống TCTD, do vậy việc hoàn thiện pháp luật về BHTG ở Việt Nam trong mối quan hệ tổng thể với hoàn thiện pháp luật về ngân hàng là một nhu cầu tất yếu khách quan, bảo đảm cho pháp luật BHTG phù hợp với bối cảnh kinh tế mới trong nước và quốc tế, hướng pháp luật BHTG dần đến các chuẩn mực chung của quốc tế, đồng thời khắc phục những thiếu sót, bất cập của pháp luật BHTG hiện hành./.
Nguyễn Diệu Linh
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
[1]. Ngày 06/5/2002, Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) được thành lập có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ. Tính đến tháng 12/2021, IADI đã có 95 tổ chức thành viên, và 17 đối tác, nguồn: vnba.org.vn/vi/iadi-co-them-2-to-chuc-thanh-vien-va-1-doi-tac-chinh-thuc-3809.htm, truy cập ngày 25/02/2024.
[2]. Xem: Khoản 3 Điều 21 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi; khoản 1 Điều 6 Nghị định 89/1999/NĐ-CP ngày 01/09/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 401), tháng 3/2024)