1. Khái quát về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Theo Từ điển Tiếng Việt, “vốn” là “tổng thể nói chung những tài sản bỏ ra lúc đầu thường biểu hiện bằng tiền, dùng trong sản xuất, kinh doanh nói chung, trong hoạt động sinh lợi”[1]. Ở góc độ kinh tế, “vốn” (capital) là giá trị tư bản hay tài sản tài chính được sử dụng vào mục đích kinh doanh và góp vốn được hiểu là những đóng góp mà tổng cộng các phần đóng góp ấy trở thành một dấu hiệu đại diện cho số vốn của công ty. Số vốn góp này được sử dụng nhằm bảo đảm các chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ[2]. Còn ở góc độ pháp lý thì góp vốn được hiểu là hành vi pháp lý nhằm đưa tài sản của mình vào một hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đổi lấy quyền lợi từ công ty. Mối quan hệ này gồm có tài sản góp vốn, bên góp vốn và bên nhận góp vốn. Bên góp vốn không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc góp vốn vào công ty nhưng sẽ nhận được các giá trị khác là quyền lợi trong công ty.
Vốn góp là yếu tố vô cùng quan trọng không thể bỏ qua khi thành lập bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào. Đây là yếu tố không chỉ quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp mà còn phản ánh khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp đó, xác định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, nhà đầu tư của công ty. Từ điển Luật học định nghĩa, góp vốn là việc nhà đầu tư đưa tài sản dưới các hình thức khác nhau vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu công ty[3]. Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa góp vốn như sau: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập”. Bên cạnh đó, Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Từ đó, có thể hiểu một cách chung nhất, góp vốn là một hành vi pháp lý nhằm đưa tài sản của một cá nhân, tổ chức vào làm vốn để tiến hành sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận.
Trong cuốn Giáo trình Luật Thương mại phần chung và thương nhân, PGS.TS. Ngô Huy Cương chia hình thức góp vốn thành ba loại: Góp vốn bằng tài sản, bằng tri thức hoặc hoạt động hay công việc[4]. Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất có các quyền khai thác, sử dụng, hưởng hoa lợi từ đất đai và được thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất (trong đó có quyền góp vốn). Ở đây có thể hiểu, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một hình thức góp vốn bằng tài sản, cụ thể là quyền tài sản. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản trong giao dịch góp vốn, chủ sở hữu cũng có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình.
Hiện nay, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định như sau:
Thứ nhất, về điều kiện để quyền sử dụng đất trở thành tài sản góp vốn:
Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định các điều kiện để quyền sử dụng đất trở thành tài sản góp vốn như sau: (i) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013; (ii) Đất không có tranh chấp; (iii) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; (iv) Trong thời hạn sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 34 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và điều kiện về năng lực pháp luật, năng lực hành vi của chủ thể tham gia giao dịch góp vốn[5].
Thứ hai, về điều kiện để quyền sử dụng đất trở thành tài sản góp vốn:
Điều 193 Luật Đất đai năm 2013 cũng đặt ra những điều kiện để tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cụ thể: (i) Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận góp vốn đất nông nghiệp để thực hiện dự án; (ii) Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận góp vốn quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (iii) Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.
Thứ ba, về định giá tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất:
Việc định giá tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo nguyên tắc đồng thuận, có sự thỏa thuận giữa bên góp vốn và bên nhận góp vốn, hoặc do một tổ chức thẩm định, định giá.
Thứ tư, về thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất cho công ty thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Theo đó, các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính; trình tự và thủ tục cụ thể được hướng dẫn tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
Thứ năm, về chấm dứt việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 80 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như: Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất; một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn; các chủ thể bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013[6].
2. Hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Thứ nhất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới hoạt động góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định quyền sử dụng đất để trở thành tài sản góp vốn phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013).
Thứ hai, một số trường hợp đã chuyển giao quyền định đoạt nhưng chưa chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng dẫn tới tranh chấp.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất; một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn; bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai… Trường hợp hợp đồng góp vốn có quy định cụ thể về việc chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bên góp vốn không đồng ý bàn giao đất cho bên nhận góp vốn, thì phía bên nhận góp vốn hoàn toàn có thể lựa chọn giải pháp chấm dứt hợp đồng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Thứ ba, vướng mắc trong trường hợp đã chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nhưng chưa chuyển giao quyền định đoạt.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bên góp vốn đã chuyển giao mặt bằng khu đất và bên nhận góp vốn đã khai thác, sử dụng, xây dựng nhà xưởng và vận hành nhà máy nhiều năm nhưng bên góp vốn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký, không bàn giao hồ sơ đất. Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung nội dung về thời hạn thực hiện thủ tục hành chính về góp vốn sẽ không được tính vào thời hạn góp vốn.
Thứ tư, quy định về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn có sự chồng chéo.
Quy định pháp luật hiện hành còn thiếu thống nhất về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng năm 2014, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày công chứng viên ký tên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất cùng với nhà trên đất, theo Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà là thời điểm được công chứng hoặc chứng thực hợp pháp. Tuy nhiên, thời điểm chuyển quyền sử dụng đất theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013 là thời điểm được đăng ký. Nếu góp vốn bằng quyền sử dụng đất cùng với nhà trên đất chưa được đăng ký mà xảy tranh chấp thì áp dụng Luật Nhà ở năm 2014 hay Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết? Nếu áp dụng Luật Nhà ở năm 2014 thì hợp đồng có hiệu lực đối với phần nhà còn đất chưa có hiệu lực; nếu áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Đất đai năm 2013 thì hợp đồng góp vốn chưa có hiệu lực pháp luật vì chưa được đăng ký.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Một là, bổ sung quy định hồ sơ góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có biên bản bàn giao đất/tài sản gắn liền với đất nhằm tránh tình trạng bên góp vốn đã chuyển giao quyền định đoạt nhưng chưa chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng. Việc quy định phải có biên bản bàn giao và biên bản này được nộp cho cơ quan nhà nước là bắt buộc và phải có biên bản bàn giao đất/tài sản gắn liền với đất trong trường hợp bên góp vốn là tổ chức, cá nhân không kinh doanh.
Hai là, về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Cần sửa đổi quy định của khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất tương ứng với từng loại hợp đồng và phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, đối với hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần quy định rõ thời gian có hiệu lực của hợp đồng, thời điểm chuyển quyền sử dụng đất.
Ba là, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một nội dung khá mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là quy định về “không gian sử dụng đất”, về “quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không”, dự thảo đã khắc phục được nhược điểm của Luật Đất đai hiện hành về những vấn đề: Chưa có quy định về cho thuê phần không gian phía trên bề mặt của công trình công cộng; chưa có quy chế để trao quyền sử dụng khoảng không gian phía trên bề mặt công trình công cộng cho một chủ thể khác; khá cứng nhắc khi áp dụng nguyên tắc một thửa đất tại một thời điểm chỉ có một người khai thác, sử dụng… Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa trực tiếp sử dụng cụm từ “quyền bề mặt” nên chưa thực sự bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. “Quyền bề mặt” là khái niệm được nêu trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và được sử dụng phổ biến trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia. Nếu không quy định cụ thể trong Luật Đất đai thì sẽ không thể đưa khái niệm này vào thực tiễn cuộc sống.
Bốn là, về chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích, cơ quan soạn thảo đã quy định khá rõ nét chế độ sử dụng đất kết hợp đa mục đích trong dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa những người sử dụng đất. Những đổi mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa, giúp khắc phục tình trạng bỏ hoang đất hoặc sử dụng sai mục đích, góp phần cải thiện sinh kế người dân. Tuy nhiên, các quy định mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, cần thiết phải được thể chế hóa đầy đủ trong nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, cần phải làm rõ được thế nào là đất sử dụng hỗn hợp/kết hợp nhưng “không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính”; làm rõ nguyên tắc “tuân thủ các pháp luật chuyên ngành” khi sử dụng đất hỗn hợp/kết hợp trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, cần phải làm rõ nguyên tắc “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định” khi sử dụng đất hỗn hợp/kết hợp.
Phan Thị Quyên
Hoàng Văn Nhất
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Hoàng Phê (2019), Từ điển Tiếng Việt - Viện ngôn ngữ học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 1428.
[2]. Nguyễn Như Phát (2009), Quyền sở hữu cá nhân - Cội nguồn của tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, Quyền con người: tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học xã hội (Võ Khánh Vinh Chủ biên), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 88.
[3]. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Bách Khoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 312.
[4]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật Thương mại phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 179-186.
[5]. Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6]. Khoản 3 Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)