1. Thực trạng chính sách, pháp luật về hóa đơn, chứng từ trong lĩnh vực thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam
Theo các số liệu thống kê qua các năm, thuế giá trị gia tăng luôn là loại thuế có mức đóng góp cao nhất vào tổng thu của Ngân sách Nhà nước (chiếm trên 25%). Chính vì vậy, để phát huy được hiệu quả vai trò của thuế giá trị gia tăng, cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hóa đơn, chứng từ để cơ quan quản lý thuế có thể kiểm soát tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Pháp luật về hóa đơn, chứng từ trong lĩnh vực thuế giá trị gia tăng có những đóng góp quan trọng như: (i) Góp phần ổn định trật tự trên các phương diện về pháp lý, kinh tế và chính trị, xã hội. Các chính sách, pháp luật là công cụ để Nhà nước điều tiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của thể nhân, pháp nhân nhằm đảm bảo cho những hoạt động này vừa vận hành theo đúng quy luật thị trường vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước; (ii) Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi cho các thể nhân và pháp nhân trong xã hội. Việc lưu giữ hóa đơn sẽ giúp người tiêu dùng chứng minh được quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Đối với người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, pháp luật về hóa đơn sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý tài chính chặt chẽ và hiệu quả; đánh giá chính xác nhất kết quả lãi lỗ; xác định đúng chi phí hợp lý, hợp lệ.
Nhận thức được tầm quan trọng ở trên, trong thời gian qua, pháp luật về hóa đơn ở nước ta luôn được bổ sung, cập nhật liên tục, từ đó, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2019, cơ quan thuế các cấp đã phát hiện 1.137 doanh nghiệp với 54.988 hóa đơn vi phạm, xử lý truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp gần 51,2 tỷ đồng[1]. Bên cạnh đó, để hiện thực hóa chủ trương số hóa quốc gia, đưa khoa học công nghệ vào khối hành chính công và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ năm 2010, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được ban hành. Đây được coi là cơ sở pháp lý chính thức đầu tiên để khuyến khích các doanh nghiệp thay thế hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật về hóa đơn, chứng từ trong lĩnh vực thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập chưa được giải quyết. Cụ thể:
Một là, các văn bản pháp luật quy định về hóa đơn chưa có sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ. Cụ thể, trong Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hướng dẫn cụ thể về hành vi dẫn đến trốn thuế là “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp”. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 chỉ quy định về hành vi trốn thuế sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp... Mặc dù cụm từ “bất hợp pháp” có thể được hiểu đồng nghĩa với “không hợp pháp”, tuy nhiên, do không thống nhất trong sử dụng thuật ngữ pháp lý đã làm cho pháp luật Việt Nam thiếu tính đồng bộ. Bên cạnh đó, các văn bản của Bộ Tài chính cũng thể hiện hành vi dẫn đến trốn thuế còn có cả dạng hành vi “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn”. Vì vậy, dường như Bộ luật Hình sự liệt kê thiếu dạng hành vi này trong điểm d khoản 1 Điều 200, gây khó khăn trong công tác thực thi trên thực tế. Phải nhấn mạnh rằng, hành vi “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn” và “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” hoàn toàn khác nhau. Nội dung này đã được khẳng định trong Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Hai là, quy định về thời hiệu bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử chưa thống nhất. Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (Nghị định số 119/2018/NĐ-CP) đặt ra mốc thời gian bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/11/2020, trong khi Chương X Luật Quản lý thuế năm 2019 lại đưa ra mốc thời gian từ ngày 01/7/2022. Điều này gây ra nhiều băn khoăn cho người nộp thuế, Tổng Cục thuế đã phải ra nhiều công văn phản hồi về nội dung này cho các doanh nghiệp[2].
Ba là, quy định về xử lý đối với các vi phạm về hóa đơn còn thiếu tính răn đe. Hàng loạt các vụ việc liên quan tới mua bán trái phép hóa đơn liên tiếp diễn ra. Điển hình mới đây là vụ Công an tỉnh An Giang khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can trong đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống để trốn thuế, trong đó có 03 cán bộ thuế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp mua hóa đơn khống để hưởng lợi bất chính trên 600 triệu đồng. Đường dây này gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng[3]. Bên cạnh đó là một số vụ khác như: Tháng 7/2020, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng trị giá gần 2.000 tỷ đồng do đối tượng Doãn Ngọc Huy ngụ tại TP. Hồ Chí Minh cầm đầu[4]. Tháng 9/2020, Công an TP. Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đại gia Ngô Văn Phát (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xăng dầu Phát) về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn” với giao dịch lên đến 5.000 tỷ đồng như một số báo chí đã đưa tin. Gần đây nhất, tháng 3/2021, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Lê Thị Hạnh về hành vi lập 28 doanh nghiệp “ma” để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn điện tử với số tiền 1.553 tỷ đồng[5]. Điểm chung của các vụ việc này là thời điểm được cơ quan chức năng phát hiện đều đã chiếm đoạt được hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với hành vi mua bán hóa đơn, mức án cao nhất chỉ là phạt tù đến 5 năm và phạt tiền như điều luật quy định so với lợi ích đạt được từ việc trốn thuế là chưa đủ để tạo ra tính răn đe cần thiết.
Bên cạnh những tồn tại trong quy định pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi cũng còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Thực tế trong những năm qua, việc tổ chức bộ máy quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý thuế, quản lý hóa đơn. Một bộ phận cán bộ thuế có tinh thần trách nhiệm chưa cao, thậm chí, có trường hợp còn “tiếp tay” cho hành vi trốn thuế, như trường hợp ở tỉnh An Giang... Cán bộ thuế tạo điều kiện cho các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, hưởng lợi trên 600 triệu đồng. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm đó là trong khi pháp luật về hóa đơn luôn cố gắng bắt kịp với các thành tựu của khoa học - công nghệ mới, thì hệ thống cơ sở hạ tầng lại có tốc độ phát triển chậm hơn, dẫn tới tình trạng “có luật nhưng không thực hiện được”. Nghị định số 119/2018/NĐ-CP đề ra thời hiệu áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc kể từ tháng 11/2020, thế nhưng đến tháng 9/2020, việc triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế vẫn chỉ dừng ở bước thí điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng...
2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về hóa đơn, chứng từ trong lĩnh vực thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam
Thứ nhất, cần bổ sung, sửa đổi các chế tài hiện nay đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn theo hướng tăng nặng mức xử phạt cả về xử phạt vi phạm hành chính và vi phạm pháp luật hình sự. Đồng thời, để sớm phát hiện hành vi vi phạm trên thực tế, có thể nghiên cứu học tập “chính sách khoan hồng”, trao thưởng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức trong đường dây vi phạm nhưng đã đứng ra tố giác.
Thứ hai, đề xuất thống nhất sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ trong nước; hoạt động vận tải quốc tế; xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài. Vì lý do thực tế, hóa đơn giá trị gia tăng và hóa đơn xuất khẩu chỉ để phân biệt hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng trong nước hay nước ngoài, còn nội dung về thuế thì tương đồng. Do đó, nên thống nhất thành một loại hóa đơn để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp khi phải in hai loại hóa đơn khác nhau, dễ dàng kê khai nộp thuế, hạn chế nhầm lẫn hóa đơn.
Thứ ba, ngoài các quy định pháp luật cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cần có các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy doanh nghiệp tích cực sử dụng hóa đơn điện tử. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Italia trong việc ưu đãi hoàn tiền thuế giá trị gia tăng hàng năm và đảm bảo các dịch vụ tạo, truyền, lưu giữ hóa đơn điện tử được cung cấp miễn phí cho tất cả người nộp thuế đã đăng ký thuế giá trị gia tăng[6]. Nhà nước cũng cần có biện pháp kinh tế khuyến khích người tiêu dùng nhận hóa đơn sau khi mua hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng là người nộp thuế giá trị gia tăng, song việc lấy hóa đơn không mang lại lợi ích nào nên không tạo nên động lực mạnh mẽ để người tiêu dùng tham gia vào quy trình kiểm soát hoạt động kinh tế phát sinh. Việc sử dụng các biện pháp kinh tế trong điều kiện người tiêu dùng chưa có ý thức, thói quen lấy hóa đơn sau khi mua hàng là giải pháp hoàn thiện pháp luật về hóa đơn mang tính khả thi. Trên thế giới, để khuyến khích người tiêu dùng cá nhân lấy hóa đơn, Chính phủ nhiều nước đã đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử và xổ số hóa đơn trực tuyến. Đây là kết quả của sự thay đổi từ lý thuyết về tội phạm kinh tế (sử dụng biện pháp hành chính để phòng ngừa tội phạm) sang lý thuyết thúc đẩy mới, mà ở đó, các biện pháp kinh tế được đề xuất để khuyến khích tuân thủ pháp luật thuế.
Tóm lại, trong thời gian sắp tới, việc cấp bách cần thực hiện chính là hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định về hóa đơn điện tử cũng như xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Trong tương lai, Nhà nước cần đề ra các biện pháp kinh tế phù hợp đảm bảo pháp luật về hóa đơn thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế giá trị gia tăng.
ThS. Nguyễn Thu Trang
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem: Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn của người nộp thuế
[2]. Cụ thể là: Công văn số 2576/TCT-CS ngày 23/6/2020 trả lời Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam về thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử; Công văn số 2577/TCT-CS ngày 23/6/2020 trả lời Tổng Công ty Lương thực Miền Nam về hóa đơn; Công văn số 2578/TCT-CS ngày 23/6/2020 trả lời Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức về hóa đơn...
[3]. Xem: Cảnh Nhật, Khởi tố 3 cán bộ thuế liên quan mua bán trái phép hóa đơn
[4]. Xem: Vi Di, Lật tẩy chiêu thức băng nhóm mua bán hóa đơn trị giá 2.000 tỷ
[5]. Xem: Hải Ninh, Nữ quái mua bán hóa đơn nghìn tỷ: Đối mặt án phạt 5 năm tù… quá nhẹ?
[6]. Xem: ThS. Phạm Thị Thu Hồng, Áp dụng hóa đơn điện tử ở Việt Nam và một số kiến nghị