Abstract: The article concentrates on analysis of contents in order to define the concept of service contract. On this basis, the article offers some proposals to completion of existing civil regulations with respect to service contract in accordance with this nature
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Việt Nam chính thức chuyển mình từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tồn tại mặc dù còn khá giản đơn của nền kinh tế thị trường cũng đủ khiến cho dịch vụ có điều kiện “vươn mình” phát triển, trở thành một trong các hoạt động kinh tế đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đến năm 2005, dịch vụ đã chiếm 38,13% cơ cấu nền kinh tế và năm 2014, tỉ lệ này là 41%[1]. Sự ra đời của dịch vụ tất yếu dẫn đến các quan hệ cung cấp, sử dụng dịch vụ ra đời giữa nhà cung ứng dịch vụ với người thuê dịch vụ. Công cụ pháp lý cơ bản nhất để xác lập các quan hệ này là HĐDV. Đây cũng là lý do để Bộ luật Dân sự năm 1995 và sau đó là Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận HĐDV là một trong các hợp đồng dân sự thông dụng cần pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, một thực tiễn hiện nay là các công trình nghiên cứu chưa đi sâu vào bản chất của HĐDV. Làm rõ bản chất HĐDV là cơ sở xem xét, đánh giá các quy định pháp luật về hợp đồng này có phù hợp hay không. Chính từ thực tế đó, tác giả tập trung làm rõ các yếu tố là cơ sở xác định bản chất của HĐDV. Để xây dựng khái niệm HĐDV, tác giả làm rõ nguồn gốc dịch vụ, phạm vi các dịch vụ là đối tượng của HĐDV. Trên cơ sở các phân tích này, tác giả xây dựng định nghĩa về HĐDV cũng như đưa ra các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật trong góc nhìn đối chiếu với bản chất dịch vụ, bản chất HĐDV.
1. Khái niệm dịch vụ
1.1. Một số quan niệm về dịch vụ
Hiện nay, nhiều quan điểm về dịch vụ tồn tại tương ứng với các góc độ nghiên cứu khác nhau. Dịch vụ là hoạt động kinh tế nên nhiều nhà kinh tế học coi dịch vụ “là quá trình lao động, sinh ra và mất đi cùng thời điểm với quá trình lao động đó, theo đó dịch vụ là một hàng hóa vô hình và có tính chất nhất thời”[2]. Adam Smith cho rằng: “Dịch vụ không mang tính sản xuất (nonproductive) vì không để lại một sản phẩm vật chất hữu hình, trong đó những tầng lớp được coi trọng trong xã hội như cha đạo, luật sư, thầy thuốc, người viết thư thuê, nhạc công, ca sĩ opera, vũ công… thực sự không sản sinh ra bất kỳ giá trị nào và không được hàm chứa trong một vật thể xác định hay một loại mặt hàng có thể bán được và công việc của người này tàn lụi đúng lúc nó được sinh ra”[3]. Adam Smith phản ánh hai đặc điểm cơ bản của dịch vụ là sự vô hình (khác biệt với vật là tài sản hữu hình) và sự “tàn lụi” dịch vụ cùng với thời điểm dịch vụ sinh ra. Dịch vụ trong nền kinh tế hiện đại “có tính hàng hóa nhiều hơn, vừa lưu trữ được và vận chuyển được đến mọi nơi, vừa có thể sử dụng được trong một thời gian dài, thậm chí gần như vô hạn”[4].
Qua phân tích trên cho thấy, các quan niệm về dịch vụ đa dạng phụ thuộc vào góc độ nghiên cứu của các nhà khoa học. Quan niệm về dịch vụ là đối tượng của HĐDV hiện nay chưa được đề cập trong bất cứ nghiên cứu nào.
1.2. Nguồn gốc dịch vụ
Các Mác khẳng định: “Dịch vụ là con đẻ của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, khi mà nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đòi hỏi một sự lưu thông thông suốt, trôi chảy, liên tục để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao đó của con người thì dịch vụ ngày càng phát triển”[5]. Điều này đã phản ánh rõ nét nguồn gốc ra đời của dịch vụ. Kinh tế loài người trải qua hai giai đoạn sản xuất kinh tế: Kinh tế sản xuất tự cung tự cấp (còn được gọi là kinh tế tự nhiên) và kinh tế sản xuất hàng hóa. Khi giai đoạn kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp không thể đáp ứng được, nền kinh tế của loài người chuyển dần sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Những điều kiện ra đời của nền kinh tế sản xuất hàng hóa cũng là các điều kiện ra đời của dịch vụ vì dịch vụ được thừa nhận là “con đẻ” của nền kinh tế sản xuất này. Như vậy, kinh tế sản xuất hàng hóa nói chung và dịch vụ nói riêng ra đời khi thỏa mãn các điều kiện:
(i) Hình thành nhóm người chuyên thực hiện một công việc hoặc một nhóm công việc nhất định. Xuất phát từ điều kiện phân công lao động xã hội của nền kinh tế hàng hóa, lao động tiến dần đến “chuyên môn hóa giữa các cá nhân, các nhóm người (tập thể) hoặc các vùng trong nền kinh tế để làm ra một hay một số loại sản phẩn nhất định với số lượng lớn”[6]. Dịch vụ chỉ ra đời khi xuất hiện các cá nhân hoặc nhóm cá nhân, hoặc một vùng trong nền kinh tế chuyên thực hiện một hoặc một nhóm công việc nhất định.
(ii) Năng lực thực hiện công việc của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, thậm chí mỗi vùng kinh tế có sự khác biệt. Điều kiện này chi phối trực tiếp đến các đặc tính của nền kinh tế hàng hóa như có sự trao đổi hàng hóa, cạnh tranh giữa các nhà cung ứng cùng một mặt hàng. Đối với dịch vụ, thực hiện cùng một công việc hoặc nhóm công việc nhất định nhưng mỗi cá nhân, tập thể lại có năng lực thực hiện khác nhau. Do đó, khi tiến hành trao đổi dịch vụ với tư cách hàng hóa trên thị trường, các nhà cung ứng dịch vụ thực hiện trên cơ sở cạnh tranh với nhau, chấp nhận sự khác biệt trong giá cả của cùng một dịch vụ vì còn phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp, kỹ năng, chuyên môn, điều kiện vật chất... khi thực hiện công việc.
1.3. Thuộc tính của dịch vụ
Từ nguồn gốc ra đời của dịch vụ có thể thấy dịch vụ mang các thuộc tính cơ bản sau:
- Dịch vụ là hành vi của con người thực hiện công việc nhất định đáp ứng nhu cầu của chủ thể trong xã hội. Dịch vụ là hành vi có ý chí của con người, có thể được hỗ trợ bởi máy móc, khoa học kỹ thuật với mục tiêu đem lại lợi ích vật chất (kết quả hoạt động gia công, kết quả hoạt động sửa chữa…) hoặc lợi ích tinh thần cho con người.
- Dịch vụ là các hoạt động được thực hiện có tính chuyên môn hóa, có tổ chức. Quá trình phân công lao động xã hội chính là quá trình nâng cao kinh nghiệm, chuyên môn hóa từng lĩnh vực cụ thể. Những chủ thể thực hiện chuyên môn hóa là những chủ thể “làm về một phạm vi, một việc gì đó”[7]. Xuất phát từ thuộc tính này nên giữa người cung ứng dịch vụ với người thuê dịch vụ luôn có sự độc lập trong quá trình thực hiện công việc.
- Dịch vụ là một loại hàng hóa luôn gắn liền với thị trường, chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Dịch vụ là một loại hàng hóa đặc biệt được mua đi - bán lại trên thị trường. Trao đổi dịch vụ trên thị trường được xác định theo hai giá trị là giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa. Các quy luật của kinh tế thị trường trực tiếp chi phối đến sự ra đời, lưu thông dịch vụ trên thị trường.
- Các giao dịch cung ứng, sử dụng dịch vụ luôn mang tính đền bù. Người thuê dịch vụ buộc phải trả một khoản tiền nhất định tương đương với giá trị dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Như vậy, từ các phân tích về nguồn gốc dịch vụ và thuộc tính dịch vụ, dịch vụ được định nghĩa như sau: Dịch vụ là hành vi thực hiện công việc nhất định đáp ứng nhu cầu của con người, được thực hiện có tính chuyên môn hóa, có tổ chức, là một loại hàng hóa luôn gắn liền với thị trường, chịu sự chi phối của quy luật thị trường và luôn có tính chất đền bù.
2. Phạm vi dịch vụ là đối tượng của hợp đồng dịch vụ
Nhu cầu lợi ích của con người rất đa dạng dẫn đến các hoạt động kinh tế đáp ứng nhu cầu này cũng đa dạng, trong đó có dịch vụ. Mặc dù các hoạt động dịch vụ đều có chung các thuộc tính như đã phân tích, nhưng khi xem xét trên cơ sở chủ thể thực hiện, vai trò của dịch vụ đối với phát triển kinh tế - xã hội thì dịch vụ phân thành hai loại: Dịch vụ công và dịch vụ tư. Dịch vụ công mang các đặc điểm: (i) Là các công việc được thực hiện bởi cơ quan công quyền hay những chủ thể được chính quyền ủy nhiệm đứng ra thực hiện; (ii) Mục đích của dịch vụ công là phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng và lợi ích tối thiểu cần thiết của xã hội để đảm bảo cuộc sống được bình thường và an toàn; (iii) Người sử dụng dịch vụ công không trực tiếp trả tiền; (iv) Lượng cung ứng dịch vụ công sẽ không phụ thuộc vào khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ: Mọi người dân (bất kể đóng thuế nhiều hay ít hoặc không phải đóng thuế) đều có quyền hưởng sự cung ứng dịch vụ công ở một mức độ tối thiểu, với tư cách là đối tượng phục vụ của chính quyền. Lượng dịch vụ công cộng mà mỗi người tiêu dùng không phụ thuộc vào mức thuế mà người đó đóng góp[8]. Các đặc điểm này cho thấy, quan hệ cung ứng, sử dụng dịch vụ công cũng tuân theo các thủ tục đặc biệt và không mang tính bình đẳng địa vị pháp lý giữa nhà cung ứng dịch vụ với người sử dụng dịch vụ.
So sánh với dịch vụ công, nhóm dịch vụ tư mang những đặc điểm:
- Sự ra đời của dịch vụ tư xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của một chủ thể hoặc một nhóm chủ thể nhất định.
- Chủ thể cung ứng dịch vụ tư là các cá nhân, tổ chức mà quá trình thực hiện dịch vụ không gắn với quyền lực công - còn được gọi là tính chất công quyền. Cá nhân, tổ chức trước khi thực hiện việc cung ứng dịch vụ phải đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thành lập, cấp phép hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật.
- Hoạt động cung ứng dịch vụ tư của bên cung ứng dịch vụ hướng đến mục đích thu lợi nhuận. Khoản lợi nhuận mà bên cung ứng dịch vụ có được là cơ sở để chủ thể này phát triển hoạt động kinh doanh của mình hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của bản thân.
- Lượng cung ứng dịch vụ tư phụ thuộc vào khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ. Mỗi khách hàng có nhu cầu và khả năng chi trả riêng nên lượng cung ứng dịch vụ cũng có sự khác biệt.
Những đặc điểm của dịch vụ tư cho thấy địa vị của bên cung ứng dịch vụ với bên sử dụng dịch vụ là bình đẳng với nhau cũng như để hình thành nên quan hệ cung ứng, sử dụng dịch vụ đòi hỏi các chủ thể phải thỏa thuận đi đến thống nhất. Do đó, cơ sở để xác lập quan hệ cung ứng, sử dụng dịch vụ phải thông qua một quan hệ hợp đồng. Chính vì vậy chúng ta có thể khẳng định, dịch vụ tư là đối tượng của HĐDV.
3. Khái niệm hợp đồng dịch vụ
HĐDV là thuật ngữ được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau. HĐDV có thể được dùng dưới góc độ là quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và cũng có thể là tổng hợp các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cung ứng, sử dụng dịch vụ.
(i) Dưới góc độ là quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh giữa bên cung ứng dịch vụ với bên sử dụng dịch vụ: HĐDV là quan hệ giữa bên cung ứng dịch vụ với bên thuê dịch vụ hướng mà bên cung ứng dịch vụ thực hiện một công việc nhất định đem lại lợi ích cho bên thuê dịch vụ. Lợi ích của bên thuê dịch vụ có thể là các lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần. Nội dung quan hệ HĐDV ghi nhận các quyền, nghĩa vụ của hai bên chủ thể. Như vậy, dưới góc độ là một quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh, HĐDV được thiết lập dựa trên ba yếu tố cơ bản: Chủ thể, khách thể và nội dung.
(ii) Hợp đồng dịch vụ là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cung ứng, sử dụng dịch vụ, bao gồm các quy định về quá trình hình thành, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên cung ứng dịch vụ với bên sử dụng dịch vụ do Nhà nước ban hành, có tính bắt buộc áp dụng hoặc hướng dẫn áp dụng đối với các chủ thể, được bảo đảm bởi cơ chế thực thi của Nhà nước.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng dịch vụ trong Bộ luật Dân sự trên cơ sở đối chiếu bản chất của dịch vụ
Xác định các thuộc tính dịch vụ, xây dựng khái niệm dịch vụ dưới góc nhìn phân biệt với các công việc không mang tính dịch vụ, khái niệm HĐDV là cơ sở để hoàn thiện pháp luật về loại hợp đồng dân sự thông dụng này.
4.1. Quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng dịch vụ và một số điểm bất cập khi đối chiếu với bản chất dịch vụ
Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định riêng dành cho HĐDV là từ Điều 518 đến Điều 526. Với tổng cộng 9 điều luật dành cho hợp đồng dân sự thông dụng này, các quy định pháp luật đã tạo nên một khung pháp lý cơ bản dành cho HĐDV. Tuy nhiên, trên góc nhìn đối chiếu với các thuộc tính dịch vụ cho thấy một số điểm còn chưa phù hợp:
Một là, quy định pháp luật về HĐDV chưa quy định ranh giới giữa công việc mang tính chất dịch vụ và công việc không mang tính chất dịch vụ. Theo Điều 519 Bộ luật Dân sự năm 2005, nguyên tắc pháp luật đặt ra với công việc là đối tượng HĐDV gồm: Có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm và không trái đạo đức xã hội. Nguyên tắc “có thể thực hiện được” đối với dịch vụ được quy định chung chung. Thuộc tính của dịch vụ cho thấy, dịch vụ có hai đặc trưng so với công việc không mang tính dịch vụ là tính chuyên nghiệp và tính sinh kế của người thực hiện công việc. Điều 519 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định chưa cụ thể nên dẫn đến trong thực tiễn xét xử, nhiều Tòa án áp dụng quy định dành cho HĐDV giải quyết tranh chấp hợp đồng nếu hợp đồng có đối tượng là công việc.
Hai là, chưa quy định về nghĩa vụ tiền hợp đồng dành cho các nhà cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp. Trong quy định về hợp đồng dân sự nói chung, Việt Nam chưa thừa nhận các nghĩa vụ tiền hợp đồng. Nhiều nghĩa vụ như cung cấp thông tin, tài liệu, yêu cầu… thường phải thực hiện trước khi hợp đồng được giao kết để xác định phạm vi đối tượng. Trong pháp luật của Liên minh Châu Âu đã xây dựng thống nhất một số nguyên tắc chung, trong đó có nguyên tắc chung về HĐDV (Principle of European Law: service contracts - viết tắt PEL SC) quy định về nghĩa vụ tiền hợp đồng dành cho các nhà cung ứng dịch vụ như Điều 1:103 quy định nghĩa vụ cảnh báo trước hợp đồng mà bên cung ứng dịch vụ…
Ba là, chưa quy định về tiêu chuẩn dịch vụ nói chung. Dịch vụ rất đa dạng và bản thân mỗi dịch vụ có một tiêu chuẩn khác nhau hoặc mỗi nhà cung ứng dịch vụ sẽ cung cấp dịch vụ ở một tiêu chuẩn nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về chất lượng dịch vụ thì pháp luật cần đưa ra các phương thức xác định tiêu chuẩn dịch vụ.
Bốn là, không quy định về thời điểm thực hiện dịch vụ. Về nguyên tắc, sau khi HĐDV được giao kết và có hiệu lực, các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ được thỏa thuận, ghi nhận trong hợp đồng. Tuy nhiên, đối với một nhà cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, pháp luật cần phải có quy định mang tính chất chặt chẽ hơn. Thời điểm thực hiện dịch vụ cần được tham khảo trong pháp luật một số quốc gia, khu vực, đặc biệt là PEL SC.
Năm là, cần thay đổi góc nhìn đối với việc giao thực hiện dịch vụ cho người thứ ba. Theo quy định của pháp luật thì bên cung ứng dịch vụ phải tự mình thực hiện công việc, không được phép giao cho người khác thực hiện thay công việc. Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục kế thừa quy định này trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, dịch vụ là một hoạt động kinh tế đỉnh cao và chất lượng dịch vụ được đảm bảo bởi sự chuyên nghiệp. Nếu pháp luật tiếp tục quy định như vậy thì sẽ giảm bớt tính năng động, linh hoạt cho các nhà cung ứng dịch vụ.
4.2. Một số kiến nghị hoàn thiện đối với quy định pháp luật về hợp đồng dịch vụ
Tác giả xin đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về HĐDV nhằm tương thích với bản chất, thuộc tính của dịch vụ. Cụ thể:
- Hoàn thiện quy định về đối tượng HĐDV. Bên cạnh các yêu cầu đang được pháp luật ghi nhận, chỉ các công việc được thực hiện chuyên nghiệp, có chuyên môn, có tổ chức mới trở thành đối tượng của HĐDV. Hoàn thiện theo hướng này sẽ góp phần xác định rõ ràng quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ với bên thực hiện một công việc không mang tính dịch vụ.
- Pháp luật cần ghi nhận các nghĩa vụ tiền hợp đồng đối với các chủ thể trong HĐDV. Bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ buộc phải thực hiện các nghĩa vụ do luật định ngay cả khi HĐDV giữa các bên chưa ký kết. Các nghĩa vụ tiền hợp đồng cần được quy định đối với HĐDV bao gồm: (i) Nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu trung thực, cung cấp các chứng chỉ, giấy phép liên quan đến thực hiện dịch vụ và đưa ra các chỉ dẫn của bên thuê dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ; (ii) Nghĩa vụ thu thập thông tin liên quan đến thực hiện dịch vụ của bên cung ứng dịch vụ; (iii) Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin, bảo quản tài liệu, giấy phép hoặc chứng chỉ do bên thuê dịch vụ cung cấp của bên cung ứng dịch vụ; (iv) Nghĩa vụ xây dựng các phương án thực hiện dịch vụ của bên cung ứng dịch vụ. Việc ghi nhận nghĩa vụ xây dựng phương án dịch vụ đòi hỏi pháp luật phải có sự linh hoạt dựa trên đặc thù từng dịch vụ cũng như thói quen trong hoạt động nghề nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh; (v) Nghĩa vụ cảnh báo rủi ro của bên cung ứng dịch vụ cho bên thuê dịch vụ; (vi) Nghĩa vụ cảnh báo sự kiện bất thường của bên thuê dịch vụ đối với bên cung ứng dịch vụ; (vii) Nghĩa vụ điều chỉnh nội dung đã đàm phán trong HĐDV khi hoàn cảnh thay đổi.
- Pháp luật cần ghi nhận tiêu chuẩn dịch vụ nhằm tạo nên hành lang pháp lý cho các chủ thể trong quá trình thỏa thuận hoặc cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp nếu có về vấn đề này. Pháp luật cần ghi nhận các phương thức xác định tiêu chuẩn dịch vụ như theo thỏa thuận của các bên, theo nguyên tắc thực hiện dịch vụ của bên cung ứng dịch vụ. Tiêu chuẩn này có thể được xác định theo tiêu chuẩn đã quảng cáo, công bố hoặc tiêu chuẩn chung nhất định của nhóm các nhà cung ứng dịch vụ.
- Pháp luật cần ghi nhận về thời điểm thực hiện dịch vụ. Vấn đề này, pháp luật Việt Nam nên học hỏi quy định trong PEL SC. Thời điểm thực hiện dịch vụ phải là thời điểm mà bên cung ứng dịch vụ đã thu thập đủ thông tin cần thiết và bảo đảm đầy đủ các điều kiện để thực hiện dịch vụ trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
- Pháp luật cần ghi nhận việc giao công việc cho người thứ ba là một quyền của bên cung ứng dịch vụ. Người thứ ba phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố thuộc về chuyên môn, kinh nghiệm tương đương như bên cung ứng dịch vụ. Trường hợp loại trừ là bên thuê dịch vụ yêu cầu đích danh bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc thì chủ thể này không có quyền giao cho người thứ ba.
ThS. Kiều Thị Thùy Linh & ThS. Đèo Thị Thủy
Đại học Tây Bắc
[1]. Báo cáo của Tổng cục Thống kê về cơ cấu kinh tế theo ngành năm 2014 (nguồn: gso.gov.vn).
[2]. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyễn Mạnh Hùng (đồng chủ biên - năm 2010), Phát triển ngành dịch vụ: Xu hướng và kinh nghiệm quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 78.
[3]. Adam Smith (1975), An inquiry into the nature and causes of the wealth of nation, Pennsylvania State University, USA, tr. 271.
[4]. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyễn Mạnh Hùng (đồng chủ biên - năm 2010), Phát triển ngành dịch vụ: Xu hướng và kinh nghiệm quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 20.
[5]. K. Marx, Ph.Angghen Toàn tập, Phần II, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995, tr. 576.
[6]. Đại học Luật Hà Nội (2001), Đề cương bài giảng Kinh tế chính trị học Mác - Lê Nin (lưu hành nội bộ), Nxb. Thống Kê, tr. 33.
[7]. GS.TS. Nguyễn Như ý (chủ biên) (2011), Đại từ điển tiếng Việt (tái bản lần thứ 12), Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr. 309.
[8]. PGS.TS. Lê Chi Mai (2008), Dịch vụ công, Tạp chí Bảo hiểm số 3 năm 2008 (nguồn: http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/05/24/d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A5-cng).