Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, TMĐT đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ thuộc top ba của khu vực. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng của 03 nền kinh tế internet lớn nhất khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 33 - 35%, theo đó, đứng đầu là Indonesia với 49%, thứ hai là Việt Nam với 38%, thứ ba là Phillipines với 32%[1]. Tuy nhiên, với bản chất của TMĐT là hoạt động thương mại áp dụng các tiến bộ trong công nghệ thông tin và Internet, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã xác định: Đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Ngoài ra, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư chỉ đạo: Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; đồng thời, ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Do đó, để bảo đảm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, việc đánh giá sơ lược về một số bất cập trong thực tiễn hoạt động TMĐT tại Việt Nam hiện nay từ đó kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này là việc làm cần thiết.
1. Thực tiễn hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra
1.1. Vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử
Với đặc thù của hoạt động TMĐT là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, nên các hành vi vi phạm pháp luật có thể được thực hiện dễ dàng hơn. Một số đối tượng lợi dụng TMĐT để thực hiện các hành vi lừa đảo, mua bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng cấm, với các cách thức đưa tin, đăng bài tinh vi, phức tạp để tránh bộ lọc của đơn vị quản lý website và cơ quan chức năng. Không khó để có thể thấy các trường hợp người mua nhận được hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng kém chất lượng và việc xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền đối với hàng kém chất lượng. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, đã rà soát tổng số 463.865 gian hàng và 1.755.559 sản phẩm; đã xử lý khoảng 5.200 gian hàng với trên 21.000 sản phẩm vi phạm. Cụ thể, sàn TMĐT có số sản phẩm vi phạm nhiều nhất là Sendo.vn với hơn 400 gian hàng và gần 4.000 sản phẩm khẩu trang vi phạm. Sàn có nhiều sản phẩm vi phạm thứ hai là Shopee.vn với gần 3.000 gian hàng và hơn 3.500 khẩu trang y tế vi phạm[2].
Ngoài ra, hiện nay, các đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT là chủ thể đặt ra luật lệ, nắm toàn bộ thông tin cũng như công nghệ để quản lý các giao dịch trên hạ tầng của mình, do vậy họ có năng lực và có trách nhiệm triển khai các nghiệp vụ về xét duyệt thông tin người bán, kiểm soát thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán trên nền tảng mà họ quản lý. Tuy nhiên, với lý do hạn chế về nhân lực, công nghệ (khách quan) hoặc chưa quan tâm đầu tư đúng mức, thậm chí buông lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn (chủ quan), hiện tượng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa đăng tải bằng ngôn ngữ nước ngoài xuất hiện trên các sàn TMĐT với diễn biến phức tạp, khó lường, chưa cho thấy các biện pháp kiểm soát hữu hiệu.
Về khuôn khổ pháp lý, quy định hiện hành đang xác định việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ là trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch TMĐT. Trong khi đó, với hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn người bán thông qua các sàn giao dịch TMĐT, các đơn vị vận hành sàn đang chỉ thực thi trách nhiệm trong việc tự ban hành quy chế đăng tải thông tin. Điều này dẫn đến các sàn giao dịch TMĐT có yêu cầu khác nhau trong thể hiện thông tin về nguồn gốc xuất xứ hay quy cách chất lượng, thông tin người bán, từ đó, tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
1.2. Thiếu cơ chế để quản lý hoạt động thương mại điện tử
Hiện nay, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động TMĐT còn chưa rõ nét. Cụ thể, khi liên hệ với chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ để giải quyết tranh chấp, khiếu nại sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thực hiện được mà chủ yếu phụ thuộc vào chính sách, thiện chí của từng chủ thể. Ngoài ra, việc cơ quan quản lý nhà nước xử lý những hành vi vi phạm pháp luật có nhiều bất cập, khó khả thi do khoảng cách địa lý, độ trễ thời gian, quyền tài phán và thậm chí là phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các chủ sở hữu.
Từ thực tiễn nêu trên, đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT là hoạt động thương mại hiện đại có tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu thương mại, qua đó góp phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
2. Một số kiến nghị
Để khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, hướng đến bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho hoạt động TMĐT; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT; không để TMĐT bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi các quy định trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, sửa đổi nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT và nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thông qua TMĐT. Cụ thể, tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 26 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP bổ sung trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 12 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ trong việc xác định cụ thể bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, sửa đổi quy định thông tin về điều kiện giao dịch chung theo hướng bổ sung nội dung chính sách kiểm hàng tại điểm b khoản 1 Điều 32 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố điều kiện về chính sách kiểm hàng trên website, bảo đảm tính minh bạch và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng hiện nay nhiều website không công bố rõ ràng chính sách có cho phép hay không việc đồng kiểm hàng của khách hàng ghi nhận hàng, người tiêu dùng không nắm được thông tin dẫn dến việc phát sinh khiếu nại, tranh chấp. Việc bổ sung nội dung chính sách kiểm hàng để đảm bảo, thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website phải công bố rõ các điều kiện về chính sách kiểm hàng trên website, bảo đảm tính minh bạch và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website. Các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, loại trừ các thông tin mang tính chất riêng biệt theo sản phẩm như ngày, tháng, năm sản xuất, hạn sử dụng, số lô sản xuất. Việc loại trừ một số thông tin đặc định đối với hàng hóa như ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lô sản xuất… là cần thiết do mỗi sàn thương mại điện tử có trưng bày, giới thiệu, bán hàng triệu mặt hàng khác nhau. Trong đó, mỗi mặt hàng lại có thông tin đặc tính như ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lô sản xuất khác nhau mặc dù cùng đáp ứng đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Việc không loại trừ các thông tin này sẽ dẫn đến các sàn TMĐT phải kiểm soát bổ sung một lượng thông tin vô cùng lớn, thậm chí là bất khả thi. Mặt khác, để các cơ quan phòng, chống gian lận thương mại, người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra, kiểm soát thông tin, uy tín, tính chấp hành pháp luật của người bán đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nghĩa vụ của chủ website TMĐT phải công bố các văn bản chứng nhận, giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền về TMĐT. Hoạt động TMĐT có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực có liên quan đến TMĐT. Tác giả cho rằng, bên cạnh vai trò chủ trì quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý internet đối với các website có hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Hay vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc cung cấp thông tin về số lượt giao dịch của các website TMĐT hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu về các doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh thương mại điện tử... Mặt khác, trong xu thế toàn cầu hiện nay, việc hội nhập quốc tế để thúc đẩy thương mại điện tử là cần thiết, trong đó, với vai trò quản lý, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kịp thời rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để một mặt tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, mặt khác bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, để cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin chính xác, đầy đủ của các bên, phục vụ cho việc quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp, khiếu nại nếu phát sinh thì việc sửa đổi quy định về thủ tục hành chính thông báo với Bộ Công Thương theo hướng khoanh vùng, ấn định chỉ có website có chức năng đặt hàng trực tuyến mới phải thực hiện thủ tục thông báo. Việc sửa đổi quy định này sẽ góp phần giúp Bộ Công Thương quản lý thực chất hơn các website TMĐT. Bởi vì, hiện nay, theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, thì tất cả các website TMĐT đều phải làm thủ tục thông báo với Bộ Công Thương.