Bài viết phân tích một số vướng mắc về giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này.
Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một loại trách nhiệm pháp lý, do đó, trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh khi và chỉ khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là những căn cứ do pháp luật quy định, khi thỏa mãn các căn cứ đó thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng phát sinh. Pháp luật dân sự không quy định cụ thể căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe mà chỉ quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người nhằm mục đích bảo vệ cho tính mạng, sức khỏe của cá nhân không thể bị xâm phạm. Đồng thời, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, phòng ngừa các hành vi vi phạm khác. Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố: (i) Phải có thiệt hại xảy ra, thiệt hại gồm vật chất và tinh thần; (ii) Phải có hành vi trái pháp luật; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; (iv) Phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây ra thiệt hại.
1. Một số vướng mắc về giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm
Thứ nhất, xác định mức bồi thường tổn thất tinh thần do hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe gây ra.
Về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì đối với trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015); đối với trường hợp sức khỏe bị xâm phạm thì mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015). Hiện nay, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP) chưa hướng dẫn cụ thể thực hiện khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về mức bồi thường, do tính chất đặc biệt của tinh thần là hết sức trừu tượng nên những tổn thất về tinh thần là không thể xác định cụ thể, không thể khôi phục lại như tình trạng ban đầu như các loại tài sản thông thường khi bị thiệt hại. Bồi thường tổn thất về tinh thần không thể hiểu như nguyên tắc bồi thường toàn bộ mà chỉ coi đó là bù đắp một phần tổn thất, mất mát về tinh thần. Về nguyên tắc, việc tính mức bồi thường có thể xác định theo hướng tỷ lệ thuận với những thiệt hại vật chất thực tế xác định được.
Thực tiễn cũng đã xảy ra những trường hợp lái xe gây tai nạn còn cố ý làm cho nạn nhân chết vì lý do là mức bồi thường trong trường hợp xâm phạm tính mạng thấp. Pháp luật không quy định mức bồi thường tối thiểu mà chỉ quy định mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án.
Về người được bồi thường, theo quy định của pháp luật thì người được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần chính là người bị hại nếu đối tượng bị xâm phạm là sức khỏe và danh dự, nhân phẩm, uy tín và là người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại nếu đối tượng bị xâm phạm là tính mạng. Khi một người bị xâm phạm đến tính mạng thì thứ tự người được bồi thường tổn thất về tinh thần là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu không có những người này thì người được bồi thường là người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại hoặc người bị hại trực tiếp nuôi dưỡng. Thực tiễn áp dụng quy định này đã xuất hiện vấn đề bất cập như: Có trường hợp những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất không trực tiếp sống cùng, để cho người khác nuôi dưỡng người bị hại với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng khi người đó bị xâm phạm tính mạng thì người trực tiếp nuôi dưỡng không được hưởng vì vẫn còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Trong khi đó, những người ở hàng thừa kế thứ nhất không quan tâm, chăm sóc người bị hại lúc còn sống thì lại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, mà mục đích của luật là nhằm bồi thường cho những người thân thích bị thiệt hại về tinh thần.
Thứ hai, chi phí hợp lý cho việc mai táng.
Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP thì chi phí hợp lý cho việc mai táng được hiểu là những chi phí không thể thiếu trong một đám tang. Tuy nhiên, việc xác định chi phí ở mỗi địa phương, mỗi thời điểm khác nhau, mặt khác, chi phí mai táng dựa trên chi phí thực của gia đình bị hại nên mỗi nơi giá cả khác nhau hoặc các khoản chi như mua đất chôn cất, dịch vụ trọn gói… là khoản chi phí lớn và khó xác định.
Thứ ba, xác định lỗi của bị hại trong vụ án mà bị hại cũng có lỗi.
Đối với các vụ án hình sự, tình tiết “người bị hại cũng có lỗi” có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự. Điều 585 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”. Như vậy, đối với các vụ án mà bị hại cũng có lỗi cần phải xác định mức độ, tỷ lệ lỗi của bị hại để xác định mức bị cáo phải bồi thường tương ứng với tỷ lệ lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định mức độ lỗi, tỷ lệ lỗi trong nhiều vụ án còn chưa thực sự chính xác, còn tùy nghi, cảm tính trong việc xác định lỗi.
Thứ tư, xác định tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe.
Theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP, đối với bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại là các loại chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng cơ thể bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, hiện nay, Nghị quyết chưa hướng dẫn việc xác định tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bị hại theo chỉ định của bác sỹ, vì vậy, việc vận dụng của thẩm phán trong một số trường hợp còn tùy nghi, định tính trong xác định khoản tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị hại.
Thứ năm, xác định tiền cấp dưỡng.
Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP quy định, khi có thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản như: Chi phí cấp cứu, điều trị; chi phí mai táng và khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định cấp dưỡng đối với trường hợp người bị hại mất khả năng lao động nên thực tế, gia đình và người bị hại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi bị xâm hại sức khỏe mức nghiêm trọng, đặc biệt, trong các trường hợp mất hoàn toàn khả năng lao động, sống thực vật phải có người chăm sóc.
2. Một số kiến nghị
Một là, cần nâng mức bồi thường tổn thất tinh thần, quy định rõ hơn về bồi thường thiệt hại về tinh thần.
Đối với sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa hiện nay là 50 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp khi đặt trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như: Bị hại bị thiệt hại sức khỏe tới 80%, 90% sức khỏe; bị hại là vận động viên bị thiệt hại sức khỏe và không thể hồi phục được như trước khi bị xâm phạm sức khỏe; diễn viên, ca sỹ bị xâm phạm sức khỏe dẫn đến không thể tiếp tục làm nghề… Do đó, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh theo hướng nâng mức bồi thường tổn thất tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm lên mức tối đa là 100 tháng lương cơ sở.
Đối với tính mạng bị xâm phạm, mức bồi thường tổn thất tinh thần hiện nay là 100 tháng lương cơ sở. Mức này vẫn còn thấp khi đặt trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như: Bị hại là con duy nhất trong gia đình; bị hại là con trai duy nhất trong dòng họ; bị hại là người trẻ tuổi… Hơn nữa, khoản 4 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định: “Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là 360 tháng lương cơ sở”, do đó, theo tác giả, cần điều chỉnh theo hướng tăng mức bồi thường về tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm lên đến 150 - 200 tháng lương cơ sở.
Bên cạnh đó, cần quy định từ mức bồi thường tối thiểu đến mức bồi thường tối đa và có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền trong trường hợp nào được áp dụng mức bồi thường tối thiểu, trong trường hợp nào thì được áp dụng mức bồi thường tối đa.
Về người được hưởng bù đắp về tinh thần, trong trường hợp này, pháp luật cần quy định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị hại, người bị hại trực tiếp nuôi dưỡng đều là người thân thích và cùng được bồi thường trong cùng một diện sẽ phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc. Mục đích của bồi thường tổn thất về tinh thần là nhằm vào những người bị tổn thất, mất mát về tinh thần. Pháp luật cần bổ sung quy định trong trường hợp này người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ không được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần nếu họ đã bị Tòa án kết án về một trong các hành vi ngược đãi, hành hạ nghiêm trọng hoặc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người bị hại đối với người bị xâm phạm tính mạng.
Về xác định mức độ thiệt hại về tinh thần, theo tác giả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét, thống nhất xác định thiệt hại về tinh thần, hay cơ quan chuyên trách xác định thiệt hại về tinh thần làm căn cứ để Tòa án quyết định mức bồi thường.
Hai là, cần thống nhất mức bồi thường về chi phí mai táng theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP, đưa ra mức tối đa, tối thiểu dựa trên mức lương cơ sở trong việc xác định mức mà người gây thiệt hại phải bồi thường như: Mua đất chôn cất; thuê xe đưa tang; dịch vụ chôn cất…
Ba là, xác định tỷ lệ lỗi của bị hại trong trường hợp bị hại cũng có lỗi cần thiết được thể hiện trong bản án, giải thích rõ mức độ lỗi, tỷ lệ lỗi của bị hại, lấy đó làm căn cứ để quyết định mức độ bồi thường. Theo tác giả, cần có sự hướng dẫn thống nhất trong việc xác định tỷ lệ lỗi thông qua việc xây dựng các tiêu chí cụ thể, mức độ ảnh hưởng, tác động của lỗi đối với thiệt hại.
Bốn là, khoản tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại hiện chỉ được quy định một cách chung chung tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP, do đó, cần tiếp tục hướng dẫn nội dung này theo hướng quy định mức tối đa, tối thiểu và cách tính, mức bồi thường cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bị thiệt hại; từng loại thương tích và thời gian bồi dưỡng phục hồi sức khỏe.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp sức khỏe bị xâm phạm, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn trong trường hợp nào thì bị hại phải có người chăm sóc khi điều trị, trường hợp nào không cần người chăm sóc; thời gian chăm sóc tối thiểu là bao lâu; chi phí cho người chăm sóc và số lần chi phí tàu xe đi lại cho người chăm sóc bị hại...
Năm là, cần có quy định cấp dưỡng đối với người bị xâm hại sức khỏe nặng mà họ mất khả năng lao động, không có thu nhập và thực tế trước khi bị xâm phạm họ đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
ThS. Lê Thị Phương
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)