Đặt vấn đề
Truyền thông chính sách, pháp luật ngay từ khâu dự thảo văn bản được coi là phương thức cơ bản để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Thông qua truyền thông dự thảo chính sách, nhiều phản ánh, ý kiến của người dân được ghi nhận kịp thời để hoàn thiện dự thảo, qua đó đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì vậy, việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật không những nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Hiện, một số văn bản dưới luật, vấn đề truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được đề cập đến, tuy nhiên, việc thực hiện công tác này trên thực tế còn tồn tại một số hạn chế. Chính vì vậy, việc đưa quy định về truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (Dự thảo Luật) là vô cùng cần thiết.
1. Cơ sở chính trị, pháp lý của truyền thông chính sách trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
1.1. Cơ sở chính trị
Một trong những yêu cầu để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Tinh thần này đã được thể hiện trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “… trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”[1] và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng đã xác định, trong thời gian tới cần “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…”[2].
Trên cơ sở kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW), ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80/KL-TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 80/KL-TW), trong đó xác định yêu cầu: “Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật”, “Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật”. Tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Hội đồng: “Truyền thông chính sách pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả…” (điểm c khoản 1 Điều 2).
Cùng với đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của Nhân dân, trong đó, trước hết phải nói đến quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật.
Để quyền làm chủ này của người dân ngày càng trở nên thực chất, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông chính sách nói chung, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành song song, đồng thời, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành, mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo về chuyển đổi tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển[3]. Trong đó, cần xác định công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của công cuộc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
1.2. Cơ sở pháp lý
Hiện, công tác truyền thông chính sách đã được quy định tại một số văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công tác này. Cụ thể:
Điều 2 Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung nhiệm vụ về truyền thông chính sách, pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, huy động Nhân dân tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật hiệu quả; thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông về chính sách, pháp luật.
Trên cơ sở thực tiễn, kết hợp với việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương, định hướng lớn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Kết luận số 80-KL/TW; nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407) nhằm tăng cường truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chính sách sau khi được ban hành cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Triển khai chủ trương này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Chỉ thị này nêu rõ, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách;
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở, trong đó có bổ sung quy định về việc bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được áp dụng theo nội dung chi, mức chi của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật tại Thông tư này;
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (Nghị định số 59/2024/NĐ-CP), theo đó, đã bổ sung quy định đưa truyền thông nội dung cơ bản của chính sách trở thành một khâu trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật[4]. Đồng thời, Nghị định số 59/2024/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tổ chức truyền thông của nội dung cơ bản của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức phù hợp khác về các vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau và tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp[5].
Các văn bản nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 59/2024/NĐ-CP vẫn còn chung chung, chưa quy định rõ cách thức tổ chức thực hiện truyền thông chính sách, chưa nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác này. Đồng thời, có thể khiến các cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thức chưa chính xác về công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, coi hoạt động này là hoạt động tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, dẫn đến thực trạng công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại một số bộ, ngành, địa phương còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự hướng tới các đối tượng chịu tác động của văn bản.
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý, cũng như bối cảnh, yêu cầu hiện nay, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, cần phải gắn kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó giải pháp quan trọng đầu tiên là tổ chức truyền thông chính sách quan trọng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc quy định về trách nhiệm, cách thức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết.
2. Thực trạng công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay
Trên thế giới hiện nay, việc tổ chức truyền thông văn bản bản pháp luật từ khâu soạn thảo đến khi ban hành đã được một số quốc gia coi trọng và triển khai hiệu quả trên thực tế. Ở Canada, công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật từ khâu soạn thảo được thực hiện thông qua tham vấn cộng đồng dưới nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Việc tham vấn rất chú trọng đối tượng là luật sư, cán bộ thi hành, bảo vệ pháp luật. Ở Nhật Bản, các bộ thuộc Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm về xây dựng pháp luật đều có một website riêng để thông tin chi tiết về tình hình soạn thảo các văn bản luật mới. Trong quá trình soạn thảo văn bản, mỗi bộ thành lập một hội đồng nghiên cứu tham gia xây dựng chính sách, dự thảo văn bản để tiến hành các cuộc tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng và phỏng vấn chuyên sâu về dự thảo chính sách, pháp luật, làm cơ sở công bố báo cáo cuối cùng để đưa ra các chiến lược, chính sách, quy định khả thi. Đến giai đoạn trình dự thảo luật lên Quốc hội, Chính phủ mở một địa chỉ website “Ý kiến cộng đồng” để người dân góp ý về dự thảo chính sách, quy định mới.
Sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể:
Thứ nhất, đã phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, cấp tỉnh trong quán triệt, chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn thực hiện Đề án 407. Công tác tổ chức quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 407 đã được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương[6] quan tâm triển khai.
Thứ hai, chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách dần được hoàn thiện.
Thứ ba, trên cơ sở xác định chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần truyền thông theo Đề án 407 và yêu cầu thực tiễn, sau khi ban hành Đề án đến nay, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả. Các hình thức truyền thông dự thảo chính sách chủ yếu được các bộ, ngành, địa phương áp dụng triển khai gồm: (i) xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; (ii) tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách; (iii) tổ chức truyền thông thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội; (iv) tổ chức truyền thông dự thảo chính sách thông qua các hình thức khác như: Tổ chức các hội nghị góp ý, phản biện chính sách, thông qua các thiết chế ở cơ sở, các loại hình văn hóa cơ sở; thông qua Đài Phát thanh các quận, huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…
Thứ tư, sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án 407, công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội nhận được sự phối hợp, tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước[7].
Thứ năm, năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng được nâng cao. Một số cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương khác cũng đã tổ chức tập huấn về kỹ năng xây dựng, truyền thông dự thảo chính sách cho các công chức làm đầu mối công tác pháp chế, công tác truyền thông của cơ quan.
Thứ sáu, kinh phí triển khai thực hiện hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được một số bộ, ngành, địa phương quan tâm, bố trí[8].
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:
Một là, một số cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn xem nhẹ hoặc e ngại trong việc truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Hai là, chưa bố trí đầu mối tham mưu thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, chưa có sự phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, kinh phí cho truyền thông dự thảo chính sách chưa được nhiều bộ, ngành, địa phương bố trí hoặc còn rất hạn hẹp, chưa có kinh phí riêng cho công tác này nên các bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối, bố trí từ kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên hoặc hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị. Việc huy động các nguồn lực xã hội để tham gia tổ chức các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách còn hạn chế, chưa thường xuyên.
Năm là, việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung còn mang tính hình thức, chưa đa dạng, chủ yếu được thực hiện thông qua việc đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương. Hầu hết các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử không nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sáu là, một số văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành mới xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội (ví dụ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024), do vậy, chưa tạo được sự đồng thuận trong thực tiễn thi hành.
3. Một số góp ý đối với quy định về truyền thông chính sách trong Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Qua nghiên cứu cho thấy, truyền thông chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được đưa vào dự thảo Luật tại một số điều luật sau đây:
Thứ nhất, tại Điều 30 Dự thảo Luật quy định về lấy ý kiến và truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng chính sách. Cụ thể, tại điểm d khoản 1 Điều 30 Dự thảo Luật quy định cơ quan lập đề xuất chính sách thực hiện “phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí tổ chức truyền thông chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp”.
Thứ hai, tại điểm a khoản 2 Điều 33 Dự thảo Luật về soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết quy định: “Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết phải xây dựng chính sách, việc soạn thảo được thực hiện trên cơ sở các chính sách đã được thông qua. Trường hợp bổ sung chính sách mới trong quá trình soạn thảo thì phải thực hiện đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, đăng tải, truyền thông chính sách, thẩm định và thông qua chính sách theo quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31 và 32 của Luật này”. Đồng thời, tại điểm d khoản 3 của Điềum luật này cũng quy định cơ quan soạn thảo thực hiện “phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí tổ chức truyền thông nội dung cơ bản của dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp”.
Thứ ba, truyền thông chính sách được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 51 Dự thảo Luật về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn như sau: “Cơ quan chủ trì có thể đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình; có thể lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện truyền thông nội dung Dự thảo. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến tối thiểu 03 ngày kể từ ngày lấy ý kiến”.
Có thể thấy, hiện nay, tại Dự thảo Luật, truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được đề cập tới trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật khác được quy định tại Chương IV của Dự thảo Luật có phải thực hiện truyền thông chính sách hay không thì hiện chưa được đề cập. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng không quy định trách nhiệm của các chủ thể như Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện truyền thông chính sách đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức mình chủ trì soạn thảo. Chính vì vậy, nghiên cứu cho thấy, cần có một quy định tại “Chương I: Những quy định chung” để quy định trách nhiệm thực hiện truyền thông chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo đối với tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung tại Điều 6 Dự thảo Luật về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nội dung sau:
Một là, tại khoản 4 Điều 6 Dự thảo Luật, đề nghị bổ sung trách nhiệm thực hiện truyền thông chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có đề xuất xây dựng chính sách, chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức truyền thông chính sách đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Việc truyền thông chính sách, nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không chỉ hướng tới mục đích tạo diễn đàn, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào việc quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, mà còn tạo tiền đề nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thi hành pháp luật sau khi chính sách, dự thảo văn bản được thông qua, ban hành. Để phát huy hiệu quả truyền thông chính sách, dự thảo văn bản, trong Dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì trong việc tiếp thu, giải trình, báo cáo kết quả truyền thông chính sách, dự thảo văn bản trong hồ sơ chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, đề nghị cân nhắc chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 6 Dự thảo Luật như sau: “Tổ chức, đại biểu Quốc hội có đề xuất xây dựng chính sách, chủ trì soạn thảo tổ chức truyền thông chính sách đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ và công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội, tham vấn chính sách, góp ý chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và kết quả thực hiện truyền thông chính sách”.
Hai là, Dự thảo Luật quy định về truyền thông chính sách theo hướng xác định trách nhiệm cho cơ quan chủ trì xây dựng, soạn thảo và mang tính nguyên tắc là phù hợp. Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả, thực chất, trách nhiệm trong tổ chức truyền thông chính sách, nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể hơn. Do đó, đề nghị cân nhắc, bổ sung khoản 5 tại Điều 6 để giao Chính phủ quy định chi tiết điều này, tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn các nội dung của Điều 6, trong đó có truyền thông chính sách, nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, chỉnh lý nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 30 Dự thảo Luật theo hướng bổ sung trách nhiệm của cơ quan chủ trì trong việc tiếp thu, giải trình, báo cáo kết quả truyền thông chính sách, dự thảo văn bản trong hồ sơ chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau: “Phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí tổ chức truyền thông chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp; tiếp thu, giải trình và báo cáo tại hồ sơ chính sách về kết quả thực hiện truyền thông chính sách”. Tương tự, tại điểm d khoản 1 Điều 33 Dự thảo Luật cũng cần được xem xét chỉnh lý như sau: “Phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí tổ chức truyền thông chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp; tiếp thu, giải trình và báo cáo tại hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về kết quả thực hiện truyền thông chính sách”.
Kết luận
Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết “Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã nhận định: “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Để thực hiện được điều này, công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để người dân được tiếp cận từ sớm, từ xa với chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thi hành pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng. Việc xây dựng các quy định về truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết, giúp cho các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành thực sự có sức sống và có “vòng đời” bền lâu trong thực tiễn xã hội, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội hiệu quả.
TS. Lê Vệ Quốc
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
3. Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024.
4. Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.
5. Tờ trình về việc phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.
6. Tổng Bí thư Tô Lâm, “Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, https://baochinhphu.vn/phat-huy-tinh-dang-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-102241019142658209.htm, truy cập ngày 03/02/2025.
7. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, “Tăng cường truyền thông dự thảo chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài”, Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
[1] “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 96, 97 và 118.
[2] “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 285.
[3] Trích từ Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024.
[4] Điểm a khoản 28 Điều 1 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP.
[5]. Điểm b khoản 29 Điều 1 Nghị định số 59/2024/NĐ-CP.
[6] Bộ Tư pháp đã ban hành và tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án như: Công văn số 2075/HĐPH ngày 23/6/2022; Công văn số 3779/HĐPH ngày 05/10/2022; Công văn số 1877/HĐPH ngày 15/5/2023; Công văn số 2540/HĐPH-PBGDPL ngày 20/5/2024. Trong năm 2024, việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai Đề án cơ bản đã được các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương quan tâm, ban hành kế hoạch, công văn triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, có một số bộ, ngành trong năm 2024 chưa có văn bản triển khai Đề án 407 bao gồm: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế... Năm 2024, có 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Đề án hoặc lồng ghép trong Kế hoạch triền khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
[7] Một số cơ quan thông tấn, báo chỉ đã tích cực tham gia thực hiện truyền thông dự thảo chính sách như: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam…
[8] Thành phố Hà Nội bố trí 211 triệu đồng thực hiện truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Lai Châu (năm 2023: 52 triệu đồng); Thanh Hóa (150 triệu đồng/năm); Kon Tum (40 triệu đồng/năm); Thái Bình (30 triệu đồng/năm); Cà Mau (100 triệu đồng/năm); Bắc Kạn (năm 2024: 60 triệu đồng); Đắk Lắk (năm 2023: 50 triệu đồng; năm 2024: 100 triệu đồng); Lạng Sơn (năm 2023: 70 triệu đồng; năm 2024: 40 triệu đồng); Nghệ An (năm 2024: 71 triệu đồng); Quảng Nam (năm 2022, 2023: 100 triệu đồng/năm).