Cùng với tiến trình cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp đã có được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khởi đầu là thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo kiểu truyền thống với hồ sơ giấy và phải nộp trực tiếp, tiếp đến là cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, qua dịch vụ công trực tuyến và hiện nay, một phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp mới đã được hình thành và đang từng bước hoàn thiện, đó là cấp Phiếu lý lịch tư pháp (thí điểm) qua Ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đây là loại hình ứng dụng trên thiết bị số để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử, phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân[1]. Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023 của Chính phủ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2023 (Nghị quyết số 74/NQ-CP), Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (Chỉ thị số 23/CT-TTg) và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 02/2024 (Nghị quyết số 28/NQ-CP) đã giao “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế trước khi nhân rộng toàn quốc”.
Theo Báo cáo số 267/BC-BTP ngày 28/6/2024 của Bộ Tư pháp, sau hai tháng thí điểm, kể từ ngày 01/6/2024, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 16.047 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID/28.245 tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (chiếm tỷ lệ 56,8%), trả kết quả 7.124 Phiếu lý lịch tư pháp; Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 2.403 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID/3.441 tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (chiếm tỷ lệ 69,8%), trả kết quả 2.056 Phiếu lý lịch tư pháp. Kết quả thí điểm đã nhận được sự đánh giá tích cực của Bộ Tư pháp: “... các kết quả đạt được là đáng khích lệ, tạo thêm sự lựa chọn mới thuận lợi cho người dân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện tại về lý lịch tư pháp. Pháp luật về lý lịch tư pháp cơ bản đủ để thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Chủ trương, chính sách và phương án trong thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID là đúng đắn và nhận được sự hưởng ứng của người dân”[2], cũng như đánh giá cao của Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ về phương thức cấp Phiếu mới mẻ này: Nếu mở rộng hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại 63 tỉnh/thành trong cả nước, xét ở góc độ về kinh tế, “ước tính với 2,6 triệu Phiếu lý lịch tư pháp hàng năm giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội hàng trăm tỷ đồng”[3].
Vấn đề đặt ra là, với thành công trong thí điểm như vậy, cần tiếp tục mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID để bảo đảm có đầy đủ hơn về cơ sở thực tiễn của chính sách trước khi quyết định chính thức hay cần phải kết thúc thí điểm và triển khai chính thức trong toàn quốc? Tương ứng với mỗi hướng đi như vậy thì việc hoàn thiện quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đang là vấn đề cấp thiết đang đặt ra, bảo đảm cho việc dù “quyết sách” như thế nào thì các cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai trên thực tế, sớm mang lại cho người dân thụ hưởng những tiện ích mà phương thức cấp Phiếu này mang lại.
Hiện nay, có hai “khuynh hướng” chính sách đã hình thành và chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Tiếp tục mở rộng thí điểm ở một số tỉnh/thành trên toàn quốc từ ngày 01/7/2024 khi từng địa phương đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin và các điều kiện cần thiết khác; tiếp tục rà soát, hoàn thiện Quy trình nghiệp vụ thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID để thực hiện trên toàn quốc
Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đề xuất phương án trên xuất phát từ các căn cứ:
Thứ nhất, mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong hai tháng thí điểm, tuy nhiên, việc thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định như: Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG ngày 05/12/2023 của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp về việc thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG) cần được bổ sung để đáp ứng thực tiễn triển khai; điều kiện kỹ thuật, an ninh, an toàn, công nghệ thông tin tại các địa phương không giống nhau và đều phải được nâng cấp để kết nối, chia sẻ thông tin; việc vận hành yêu cầu phải có đội ngũ kỹ thuật thường trực hỗ trợ, xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID là một phương thức mới nên người dân và cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp còn “lúng túng” trong quá trình thực hiện và sử dụng các tính năng của các phần mềm, điều này đặt ra yêu cầu phải có hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại các địa phương trong cả nước trước khi triển khai chính thức.
Thứ hai, Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan chưa quy định rõ phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, vì vậy, để thực hiện chính thức, Chính phủ cần sớm thông qua nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp triển khai thực hiện trên thực tế.
Để thực hiện phương án này, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể nhằm hoàn thiện Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG. Về Quy trình này, trước khi bước vào giai đoạn thí điểm, được sự nhất trí chủ trương của Lãnh đạo hai Bộ (Bộ Tư pháp và Bộ Công an), Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã thống nhất ban hành Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG về thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Quy trình này gồm 16 bước thao tác, trong đó, người dân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ thực hiện theo 02 bước (kê khai hồ sơ, thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và gửi hồ sơ trên Phần mềm ứng dụng VNeID); công chức Sở Tư pháp và cán bộ, chiến sĩ công an thuộc Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh (PV06) cùng Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an (V06) tùy theo chức năng, nhiệm vụ sẽ thực hiện các công việc ở 14 bước còn lại của Quy trình. Ở góc độ người yêu cầu cấp Phiếu, với thủ tục đã được đơn giản hóa tối đa khi yêu cầu cấp Phiếu (chỉ khai một lần tờ khai trong đó thông tin nhân thân đã được xác thực và điền tự động) trong thời hạn luật định, họ có thể nhận được Phiếu lý lịch tư pháp dưới dạng bản giấy hoặc bản điện tử. Đối với các cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu, để ra sản phẩm cuối cùng là Phiếu lý lịch tư pháp, đòi hỏi phải có sự tham gia tác nghiệp và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của 04 chủ thể: Sở Tư pháp; V06, C06, PV06 và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thông qua môi trường mạng. Về mặt kỹ thuật, đòi hỏi phải điều chỉnh, kết nối 03 hệ thống: Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố, Phần mềm ứng dụng VNeID và Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp; đồng thời bảo đảm yêu cầu an ninh, an toàn thông tin, bảo mật theo quy định của Bộ Công an và bảo đảm bí mật đời tư.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi về biểu mẫu tờ khai, biểu mẫu Phiếu lý lịch tư pháp theo Thông tư số 06/2024/TT-BTP ngày 09/6/2024 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.
2. Thực hiện chính thức việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và ban hành Quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID để thực hiện trên toàn quốc
Việc chính thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID dựa trên các căn cứ:
Thứ nhất, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử “là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một số bước thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc bằng phương tiện điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến”[4]. Theo đó, loại trừ việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thì tất cả các thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực được thực hiện trên môi trường điện tử đều có giá trị pháp lý giống như các cách thức thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp bằng hồ sơ giấy hay trực tuyến. Theo Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG thì việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và tất cả các thao tác của người dân và tác nghiệp của cơ quan chức năng đều giải quyết trên môi trường điện tử, do đó, với quy định của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là đã có đủ cơ sở pháp lý để cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) đã xác định rõ phạm vi các quan hệ được điều chỉnh theo Luật này, đó là: “Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó” (khoản 3 Điều 1). Đối với lĩnh vực lý lịch tư pháp, hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định tại Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và do điều kiện kinh tế - xã hội thời điểm đó nên Luật chỉ quy định phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo kiểu truyền thống với hồ sơ giấy và được người dân nộp trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu. Bởi vậy, khi Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực thi hành thì việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoàn toàn có thể thực hiện trên môi trường điện tử, trong đó có ứng dụng VNeID.
Vì các lẽ trên, không nhất thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh vấn đề này.
Thứ hai, Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử đã mở rộng đối tượng được định danh và xác thực điện tử trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, ngoài cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có danh tính điện tử thì tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng được Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (C06) cấp danh tính điện tử. Vì vậy, cần bổ sung nhóm chủ thể là cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam vào Quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, bảo đảm cho họ có thể thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.
Thứ ba, với các lợi ích của việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, tại Hội nghị Chính phủ về phiên họp chuyên đề đánh giá tình hình triển khai và giải pháp chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã kết luận: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu, sẵn sàng, chủ động triển khai các nhiệm vụ, trong đó trước mắt phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ để hoàn thành… việc nhân rộng triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”[5]. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân 63 tỉnh/thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng, kết nối, nhân lực triển khai để sẵn sàng thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, ngoài hai địa bàn đã và đang thực hiện thí điểm, đã có 42 tỉnh/thành phố chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Điển hình là Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 24/7/2024 để triển khai trên địa bàn tỉnh, đồng thời, Tổ công tác Đề án 06 của Tỉnh đã có Công văn số 49/TCTĐA06 ngày 15/8/2024 để chỉ đạo, theo đó: “Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc hoàn thiện các nội dung để triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, bảo đảm thời gian triển khai chính thức trong tháng 9/2024”.
Với chủ trương thực hiện chính thức việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, việc ban hành chính thức Quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ý tưởng chính sách và khởi nguồn của việc thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID được đề ra theo Nghị quyết số 74/NQ-CP và Nghị quyết số 28/NQ-CP. Vì vậy, để có Quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp chính thức trên ứng dụng VNeID thì rất cần có quyết nghị của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền cụ thể hóa, thể chế hóa chính sách bằng hình thức văn bản pháp lý phù hợp.
Thứ hai, quy định đầy đủ quyền truy cập vào ứng dụng VNeID và yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho tất cả các chủ thể có danh tính điện tử được cấp theo đúng quy định của Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bao gồm công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam và người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, xác định rõ các cơ quan có trách nhiệm tham gia vào quy trình (Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, C06, V06 và PV06) và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, bảo đảm tách bạch, không chồng chéo, rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan ở từng khâu, phù hợp quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã được phân quyền về các Sở Tư pháp. Vì vậy, trong việc tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các thao tác nghiệp vụ để cấp Phiếu hoàn toàn do Sở Tư pháp chủ động và có sự phối hợp với PV06 và V06; Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia không cần thiết phải hỗ trợ cho các Sở Tư pháp trong hoạt động tra cứu, xác minh nên việc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia không tham gia vào Quy trình cấp Phiếu sẽ giảm bớt được khâu trung gian, giảm thời gian thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tựu trung lại, cải cách thủ tục hành chính dù theo phương án nào thì cũng đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, mang lại cho người dân được thụ hưởng những giá trị thực chất của cải cách, chuyển đổi số. Cũng như bất kể chính sách thí điểm nào, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được thì việc thực hiện thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên môi trường điện tử bằng ứng dụng VNeID cũng khó tránh khỏi còn một số tồn tại, hạn chế về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tiễn đã minh chứng cho những thành tựu bước đầu đạt được và giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và của cả hệ thống chính trị. Nghiên cứu, tìm tòi và ban hành chính sách công là một quá trình từ khi vấn đề trong thực tiễn phát sinh cho đến thời điểm vấn đề được giải quyết bằng một chính sách cụ thể. Với một Chính phủ kiến tạo thì dù có thể còn khía cạnh nào đó của chính sách chưa thể hoàn chỉnh, trọn vẹn thì vẫn cần phải ban hành chính sách để sớm đạt được mục tiêu. Vì vậy, tôi cho rằng, cần sớm thực hiện chính sách cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đồng thời ban hành đồng bộ Quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID để triển khai trên địa bàn toàn quốc, điều đó sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức của Việt Nam cũng như cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú, hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó cũng chính là sự quán triệt và thể hiện trong thực tiễn quan điểm “việc gì lợi cho dân phải hết sức làm”[6] của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà từ đây Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.
ThS. Phạm Quang Đại
Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia
Ảnh: Internet
[1] Khoản 18 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2023.
[2] Báo cáo số 267/BC-BTP ngày 28/6/2024 của Bộ Tư pháp.
[3] Công văn số 4031/TCTTKĐA ngày 20/5/2024 của Tổ Công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
[4] Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
[5] Thông báo số 204/TB-VPCP ngày 08/5/2024 của Văn phòng Chính phủ.
[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 51.