Ảnh: Internet
Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng và bất cập, hạn chế của thể chế giám sát thị trường tài chính ở nước ta, từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế giám sát thị trường tài chính phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Abstract: The article focuses on analyzing and assessing the current situation and shortcomings and limitations of the financial market supervision institution in our country, thereby, proposing solutions to improve the appropriate financial market supervision institution in current conditions.
Hệ thống tài chính có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng được mở rộng và phát triển với nhiều tiện ích, đáp ứng yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc xuất hiện và gia tăng rủi ro. Có trường hợp, các định chế tài chính sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Điều này đòi hỏi hệ thống tài chính phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước để tránh các nguy cơ đổ vỡ, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh cho hệ thống và từng định chế tài chính.
1. Khái quát về thể chế giám sát thị trường tài chính
Theo Từ điển tiếng Việt, “thể chế” được hiểu là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo[1].
Thể chế giám sát thị trường tài chính là các nguyên tắc, quy phạm pháp luật hợp thành một hệ thống thể chế thống nhất, định hướng và điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động giám sát thị trường tài chính.
Hoạt động của thị trường tài chính không chỉ thực hiện chức năng dẫn vốn từ nơi thừa vốn đến nơi thiếu vốn, hình thành giá của các tài sản tài chính, tạo tính thanh khoản cho tài sản tài chính, giảm thiểu chi phí tìm kiếm và chi phí thông tin cũng như sự ổn định và điều hòa lưu thông tiền tệ[2], mà còn là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro đối với thị trường, nhà đầu tư, đe dọa đến sự phát triển ổn định của thị trường tài chính. Yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động của các định chế tài chính, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ của thị trường tài chính là yêu cầu mang tính “sống còn” nhằm bảo đảm sự ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính. Thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, Nhà nước sẽ tạo ra “luật chơi”, các giới hạn cho các chủ thể tham gia trên thị trường, hướng tới việc bảo đảm an toàn, lành mạnh cho các giao dịch trên thị trường tài chính.
2. Thực trạng thể chế giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam
2.1. Khái quát mô hình giám sát thị trường tài chính trên thế giới và Việt Nam
Giám sát thị trường tài chính nhằm ba mục tiêu: Bảo đảm sự ổn định, vận hành thông suốt của hệ thống tài chính và nền kinh tế; bảo đảm sự lành mạnh và an toàn của các thể chế tài chính; bảo đảm đạo đức kinh doanh thị trường, tính liêm chính của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Trên cơ sở ba mục tiêu đó, trên thế giới đã tồn tại bốn mô hình giám sát thị trường tài chính: (i) Mô hình hệ thống giám sát theo thể chế; (ii) Mô hình hệ thống giám sát theo chức năng; (iii) Mô hình giám sát lưỡng đỉnh; (iv) Mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Việc lựa chọn mô hình giám sát phụ thuộc vào đặc thù, mức độ phát triển của thị trường tài chính, cấu trúc thị trường tài chính hiện có và tổng thể lợi ích quốc gia. Trên thế giới, xu hướng những năm gần đây ngày càng hình thành nhiều mô hình giám sát tài chính hợp nhất - là sự chuyển hướng từ phương thức giám sát theo lĩnh vực riêng lẻ sang hình thành một cơ quan giám sát duy nhất, thực hiện giám sát toàn bộ hệ thống tài chính theo các mục tiêu đề ra. Mô hình này đang được thúc đẩy, mở rộng ra nhiều quốc gia.
Việt Nam hiện đang giám sát hệ thống tài chính theo mô hình thể chế, mỗi cơ quan quản lý phụ trách giám sát một lĩnh vực riêng biệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính là hai cơ quan chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp ba khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện giám sát hoạt động ngân hàng (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát thị trường bảo hiểm (thông qua Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và thị trường chứng khoán (thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính thì Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có vai trò hỗ trợ, báo cáo các vi phạm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cho cơ quan giám sát lĩnh vực ngân hàng.
Với mô hình thể chế giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam, phần lớn các cơ quan giám sát chuyên ngành vừa thực hiện chức năng cấp phép, xây dựng cơ chế, chính sách, thực hiện chức năng hướng dẫn, triển khai thực hiện cơ chế chính sách, vừa thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể trên thị trường. Đánh giá tổng thể, hệ thống giám sát này đã đạt được một số kết quả quan trọng, đưa hệ thống tài chính ở nước ta phát triển cơ bản ổn định.
2.2. Thực tiễn thể chế giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam hiện nay và một số vấn đề đặt ra
2.2.1. Về thể chế giám sát thị trường tiền tệ
Với mô hình giám sát tài chính hiện nay, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý và giám sát trực tiếp thị trường tiền tệ. Việc quản lý và giám sát thị trường tiền tệ được thực hiện dựa trên hệ thống các văn bản pháp luật như: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, nội dung giám sát ngân hàng bao gồm: (i) Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu theo yêu cầu giám sát ngân hàng; (ii) Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; (iii) Việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng; (iv) Phân tích, đánh giá tình hình tài chính, hoạt động quản trị, điều hành và mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng; (v) Xếp hạng các tổ chức tín dụng hàng năm; phát hiện, cảnh báo rủi ro gây mất an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; (vi) Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro, vi phạm pháp luật[3].
Từ năm 2001 đến năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quy định gắn liền với những thay đổi của thị trường trong và ngoài nước. Đáng chú ý là các quy định liên quan tới hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ban hành vào năm 2012. Ngoài ra, khung pháp lý phục vụ cho hoạt động cho vay liên ngân hàng, hoạt động của thị trường mua bán giấy tờ có giá, các nghiệp vụ thị trường mở,… dần được hoàn thiện. Nhờ đó, hoạt động thị trường mở đã giải quyết tốt về thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, bình ổn tỷ giá.
Việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Ngân hàng Thương mại được thực hiện trên mọi phương diện hoạt động và luôn có sự đổi mới phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế. Trước năm 2010, hoạt động thanh tra, giám sát còn mang tính đơn lẻ, vai trò chỉ đạo và giám sát của Ngân hàng Nhà nước còn khá mờ nhạt. Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng đã có sự thay đổi đáng kể. Phương pháp thanh tra được đổi mới từ thanh tra đơn lẻ sang thanh tra toàn diện cả hệ thống ngân hàng. Hoạt động giám sát phù hợp với các quy định của pháp luật và tiếp thu những nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Trong giai đoạn này, hình thức giám sát cũng được triển khai một cách đồng bộ mang tính thống nhất từ trung ương đến địa phương. Có thể thấy, giai đoạn 2011 - 2016, hoạt động thanh tra đã đi vào nền nếp, phát huy vai trò tích cực trong việc bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các phương pháp giám sát mới, phạm vi giám sát được mở rộng bao gồm cả các công ty mẹ và công ty con. Bên cạnh việc giám sát tuân thủ pháp luật, giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu tập trung đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tăng cường giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng được đề cập tới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 với vai trò phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để xây dựng phương án phá sản trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt,... Tuy nhiên, vị trí pháp lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chưa tương xứng với vai trò của cơ quan này trong hoạt động của thị trường tiền tệ.
2.2.2. Về thể chế giám sát thị trường chứng khoán
Để phù hợp với sự thay đổi cả về lượng và chất của thị trường chứng khoán, công tác quản lý và giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán nói chung, giám sát giao dịch nói riêng không ngừng được củng cố. Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 và Luật Chứng khoán năm 2019 được ban hành cho thấy hoạt động giám sát, quản lý thị trường chứng khoán luôn được quan tâm sát sao và có những điều chỉnh phù hợp với mức độ phát triển của thị trường.
Trong quy định cũ (trước thời điểm ngày 01/01/2021), công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường được phân thành hai cấp, trong đó, Sở Giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát cấp 1, thực hiện giám sát tuân thủ trong các hoạt động báo cáo, công bố thông tin của các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thực hiện nghĩa vụ của thành viên giao dịch, nghĩa vụ công bố thông tin của các nhà đầu tư và giám sát các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát cấp 2, thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, giám sát các hoạt động giao dịch bất thường trên thị trường chứng khoán. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ là cơ quan xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán.
Sau thời điểm ngày 01/01/2021, khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực, công tác giám sát thị trường chứng khoán tiếp tục được củng cố. Khung pháp lý về giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ có nhiều thay đổi, quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Hệ thống quy định mới bảo đảm cho cơ quan quản lý, các chủ thể giám sát có đủ thẩm quyền để giám sát, thu thập thông tin, xác minh và làm rõ những dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động chứng khoán của tổ chức, cá nhân. Một số quy định giám sát mang tính xuyên biên giới liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam và các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước. Điều 38, Điều 40, Điều 41 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh quy định cụ thể về hoạt động giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch chứng khoán.
Đối với hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán, nhằm bảo đảm tính tuân thủ Luật Chứng khoán theo từng thời kỳ, các thông tư về giám sát giao dịch chứng khoán được ban hành kịp thời và có những điều chỉnh phù hợp với khung pháp lý mới. Thông tư số 115/2017/TT-BTC ngày 25/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 115/2017/TT-BTC), Điều 1 Thông tư số 35/2019/TT-BTC ngày 12/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 115/2017/TT-BTC (Điều 1 Thông tư số 35/2019/TT-BTC), Thông tư số 95/2020/TT-BTC thay thế cho Thông tư số 115/2017/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 35/2019/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Trong giai đoạn 2020 - 2021, nhằm giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường chứng khoán và kiểm soát rủi ro từ hoạt động đầu cơ chứng khoán, tăng vốn ồ ạt trái quy định, ngày 05/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán. Trong Chỉ thị này, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán tăng cường công tác giám sát thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh, kiểm tra các hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các giao dịch bất thường trên thị trường chứng khoán.
Trong thời gian gần đây, hoạt động ứng dụng công nghệ số được triển khai trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bao gồm cả hoạt động giám sát thị trường chứng khoán. Một số văn bản như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 86/NQ-CP). Trong Nghị quyết số 86/NQ-CP, Bộ Tài chính đã được giao chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động thông suốt và ứng dụng công nghệ số, triển khai các biện pháp để nâng hạng thị trường.
Mặc dù đã có những quy định về hoạt động giám sát cũng như quản lý thị trường nhưng hoạt động giám sát vẫn còn bộc lộ những bất cập. Cụ thể là trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ do dòng vốn nhàn rỗi từ dân cư trong giai đoạn dịch bệnh. Số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh, hoạt động của các công ty chứng khoán cũng thay đổi nhằm bắt kịp xu hướng. Hoạt động cho vay ký quỹ đạt dư nợ cao kỷ lục cùng với những diễn biến bất thường về giá cổ phiếu (tăng gấp nhiều lần trong một thời gian ngắn). Cùng với đó là hoạt động tăng vốn ồ ạt thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong thời điểm đó, hoạt động thanh tra, giám sát thị trường bộc lộ một số hạn chế nhất định, dẫn tới những hành vi thao túng thị trường, giao dịch nhờ thông tin nội gián hoặc giao dịch không thông báo của cổ đông lớn. Hoạt động phát hành trái phiếu sai quy định và sai mục đích sử dụng vốn diễn ra tại một số doanh nghiệp lớn gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Tháng 01/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đối diện với những vấn đề xử phạt các vi phạm trong giao dịch, cùng với đó là quyết định kỷ luật nhiều lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán. Đây được xem là một quyết định đúng đắn nhằm giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh nhưng đồng thời cũng cho thấy những hạn chế trong khâu quản lý, giám sát hoạt động của thị trường trong thời gian qua.
2.2.3. Về thể chế giám sát thị trường bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm Việt Nam chịu sự quản lý, giám sát của Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) thông qua các khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Sự phát triển của thị trường bảo hiểm trong thời gian qua là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm từng bước hoàn thiện. Sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung các năm 2010, 2019), Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi quan trọng, cụ thể là quy mô và phạm vi hoạt động của thị trường bảo hiểm đã được mở rộng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng nhiều, đóng vai trò trong việc tạo lập nguồn vốn lớn và dài hạn cho quốc gia. Hệ thống sản phẩm bảo hiểm phong phú hơn và đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân.
Cùng với hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động chung của thị trường bảo hiểm, quy định xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng được chú trọng, thể hiện qua việc ban hành các quy định kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cũng như thẩm quyền xử phạt tiền. Tuy vậy, thị trường bảo hiểm hiện nay còn gặp một số vấn đề vướng mắc như: Thiếu những văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành luật và chưa có người thực sự giám sát độc lập, do đó, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra như sử dụng các giải pháp cạnh tranh phi truyền thống nhằm lôi kéo khách hàng. Thực trạng này gây ra hậu quả xấu cho các doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo đảm chất lượng dịch vụ và gây ra tâm lý e ngại cho khách hàng. Khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm vì lợi ích chung toàn thị trường còn hạn chế.
Về mặt thực tiễn, trong từng lĩnh vực tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm còn nhiều hạn chế, bất cập. Gần đây, thị trường chứng khoán có những biểu hiện không lành mạnh. Cá biệt có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Từ đó làm ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn tài chính đất nước. Đáng chú ý là những sai phạm trên các thị trường có tính chất dây chuyền, dẫn tới những rủi ro liên quan tới nhiều thị trường như thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ.
Thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật cũng như xây dựng mô hình giám sát thị trường tài chính phù hợp ở Việt Nam hiện nay.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện thể giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế giám sát thị trường tài chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, về mô hình thể chế giám sát thị trường tài chính.
Nghiên cứu đổi mới mô hình giám sát thị trường tài chính theo hướng chuyển đổi sang mô hình hợp nhất. Theo đó, cần cân nhắc các yếu tố: Mục tiêu rõ ràng và pháp luật điều chỉnh, tính độc lập và trách nhiệm giải trình, các nguồn lực, việc thực thi hiệu quả, tính toàn diện của quản lý và giám sát, hiệu quả về mặt chi phí, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, xây dựng cơ chế xử lý khủng hoảng. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể, trước mắt có thể hợp nhất một phần, sau đó mới hợp nhất toàn bộ. Để làm tốt yêu cầu này, trước tiên, Việt Nam cần phân định rõ ràng, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giám sát, đặc biệt, cần tăng cường hiệu lực phối hợp của các cơ quan giám sát cũng như nâng cao hơn nữa vị trí pháp lý cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Tiếp theo, tùy thuộc vào trình độ phát triển của hệ thống tài chính và thể chế chính trị Việt Nam, có thể từng bước áp dụng mô hình giám sát hợp nhất một phần rồi tiến tới hợp nhất giám sát toàn bộ thị trường tài chính.
Ngoài ra, việc tách bạch giữa hoạt động giám sát và hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với từng bộ phận thị trường tài chính sẽ hạn chế được sự can thiệp hành chính không hợp lý vào các hoạt động trên thị trường tài chính, tạo cơ sở cho thị trường tài chính Việt Nam vận động theo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và phát triển lành mạnh. Hoạt động giám sát đối với các định chế tài chính cần chuyển từ cơ chế giám sát tuân thủ sang giám sát rủi ro, trên cơ sở đó có thể hạn chế được khủng hoảng tài chính, ngân hàng.
Bên cạnh đó, sớm ban hành cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động Fintech; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với giám sát hợp nhất các tập đoàn tài chính do tính phức tạp và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của mô hình kinh doanh này; rà soát để giảm thiểu rủi ro từ các xung đột lợi ích trong thể chế giám sát tài chính tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chứng khoán và lĩnh vực ngân hàng, như cần tách bạch hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới chứng khoán; Luật Các tổ chức tín dụng cần thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quy định chặt chẽ hơn về tín dụng và các hoạt động ngân hàng khác đối với khách hàng và người có liên quan đến khách hàng đó, bảo đảm hạn chế xung đột về lợi ích.
Hai là, đối với thị trường tiền tệ.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng, bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật các ngành khác, phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường, chủ động ứng phó trước những biến động thị trường. Ngoài ra, cần tăng cường việc lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu nhằm tăng khả năng chi trả cũng như tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính và hạn chế các lĩnh vực kinh doanh rủi ro kém hiệu quả. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ hoạt động bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán cho các đợt phát hành trái phiếu, nhất là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần đổi mới hoạt động thanh tra, giám sát thông qua việc ban hành các chương trình công tác, kế hoạch thanh tra trong toàn hệ thống. Các nội dung thanh tra nên tập trung vào một số vấn đề trọng điểm như: Vốn điều lệ, cổ đông, hoạt động cấp tín dụng cho các cổ đông lớn và những người có liên quan, hoạt động ủy thác đầu tư, cấp tín dụng cho hoạt động đầu tư tài chính, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, hoạt động của các công ty con,… Từng bước đổi mới phương pháp thanh tra, cần chuyển hướng nhanh và mạnh hoạt động thanh tra rủi ro thay vì thanh tra việc chấp hành chính sách. Đối với hoạt động giám sát, cần thu hẹp khoảng cách các chuẩn mực trong nước và quốc tế. Xây dựng các chỉ tiêu giám sát và ngưỡng cảnh báo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Hoạt động giám sát cũng nên được công khai, minh bạch trên các kênh thông tin chính thức của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, nâng cao năng lực giám sát theo hướng các cơ quan quản lý, giám sát cần độc lập, được trao quyền nhiều hơn. Làm rõ vai trò và trao quyền nhiều hơn cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Về phía Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nên thay đổi mô hình tổ chức theo hướng đa chức năng để trở thành kênh giám sát hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng. Nhờ đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ có đủ thông tin và dữ liệu để phân loại các tổ chức tham gia trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong hoạt động tài chính - ngân hàng, đề xuất phương án quản lý rủi ro một cách chủ động và hiệu quả cho các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, bảo đảm tính an toàn, đồng bộ, bảo mật và có mức độ phù hợp với các chuẩn mực chung và đủ khả năng tích hợp với hệ thống của ngành. Khi có sự kết nối thông qua công nghệ số, tính an toàn, bảo mật sẽ tốt hơn, đồng thời, hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước có thể được thực hiện dễ dàng và linh hoạt hơn thông qua hệ thống số. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech, ngân hàng số, tiền kỹ thuật số.
Ba là, đối với thị trường chứng khoán.
Từ thực tế những vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua cho thấy thị trường vốn rất dễ bị thao túng, tác động và can thiệp. Do đó, cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì cần thay đổi phù hợp với bối cảnh hiện tại. Một số doanh nghiệp bất động sản lớn đã thực hiện phát hành thành công nhiều đợt trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, số vốn thu về không được sử dụng đúng mục đích hoặc không được công khai chi tiết dẫn tới rủi ro thanh toán nợ cho các trái chủ khi đáo hạn trái phiếu. Thêm vào đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên nghiên cứu và đề xuất quy định cụ thể và dành riêng cho hoạt động giám sát công ty chứng khoán. Môi giới đồng thời với tự doanh sẽ tạo ra lợi thế lớn trong hoạt động giao dịch và có thể dẫn tới việc thao túng giá, làm giá, công bố thông tin sai quy định.
Bốn là, đối với thị trường bảo hiểm.
Sớm ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022; Bộ Tài chính ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện theo nghị định của Chính phủ một cách cụ thể. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác khai thác, mở rộng thị trường, chủ động trong kinh doanh bảo hiểm và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
TS. Nguyễn Thị Dung
Viện Nghiên cứu lập pháp
[1]. Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr. 932.
[2]. Đào Lê Minh (Chủ biên), Giáo trình những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2002, tr. 12 - 15.
[3]. Xem thêm: Lê Thị Thu Thủy (2012), Pháp luật Việt Nam về giám sát thị trường tài chính và thực tiễn áp dụng, VNU Journal of Science: Legal Studies, 28(1).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 378), tháng 4/2023)