Bài viết đánh giá tổng quan về cho vay ngang hàng ở Việt Nam, phân tích những lợi ích và rủi ro, từ đó đưa ra một số đề xuất để quản lý loại hình này trong thời gian tới.
Xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 2005, mô hình công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) bắt đầu phát triển bao gồm các công ty như Zopa, Funding Circle. Đến năm 2006 và 2007, mô hình này phát triển mạnh tại Mỹ, nổi lên là các công ty như Lending Club, Prosper, SoFi, OnDeck, Avant. Từ năm 2007, Trung Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên phát triển mô hình này, sau đó trở thành quốc gia phát triển mô hình P2P lending mạnh trên thế giới (bao gồm các công ty như Lufax, JimuBox, Dianrong, PPdai, Renrendai). Hiện nay, Lending Club, Prosper, SoFi (ở San Francisco), Zopa và RateSetter (ở London) là 05 công ty P2P lending lớn nhất thế giới[1].
Về bản chất, cho vay ngang hàng hay còn gọi là vay trực tuyến, là mô hình kinh doanh sử dụng nền tảng công nghệ số để kết nối người cho vay (nhà đầu tư) với người đi vay (cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay), không thông qua trung gian tài chính truyền thống (như ngân hàng thương mại, công ty tài chính hay quỹ tín dụng…). Theo mô hình này, các công ty P2P lending không trực tiếp cho vay tiền mà chỉ tập trung phát triển phần mềm, hệ thống để kết nối giữa người cho vay và người đi vay. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Những công ty P2P lending này sử dụng công nghệ big data để thu thập tất cả dữ liệu của cả hai phía người cho vay và người đi vay, nhiệm vụ chính bao gồm: Cung cấp nền tảng công nghệ kết nối bên cho vay và bên vay; tiếp nhận đề nghị vay vốn; thẩm định đặc điểm, năng lực, chấm điểm bên vay, quyết định cho vay và đưa ra mức lãi suất cho vay tương ứng với mức độ rủi ro (thể hiện qua số điểm) của bên vay; phân bổ nguồn vốn huy động được từ các nhà đầu tư để cho vay; thu hồi nợ và trả cho nhà đầu tư; kiểm tra hành vi rửa tiền; tuân thủ pháp luật và chế độ báo cáo; quản lý rủi ro bao gồm cả việc lập quỹ phòng ngừa rủi ro… Qua đó, công ty P2P lending sẽ được hưởng phí dịch vụ từ cả nhà đầu tư và bên vay.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, mô hình P2P lending bắt đầu phổ biến, tuy nhiên, hiện nay chưa có công ty P2P lending nào được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký dưới hình thức công ty tư vấn đầu tư hoặc môi giới tài chính nhưng hoạt động theo mô hình P2P lending. Tính đến tháng 12/2019, Việt Nam đã có khoảng trên 40 công ty đang hoạt động theo mô hình P2P lending, tập trung ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh[2]. Phần lớn các công ty P2P lending ở Việt Nam đang tự áp lãi suất trên tiêu chí tự xây dựng; mức lãi suất này sẽ thay đổi dựa trên điểm tín nhiệm (do hệ thống chấm) đối với người cho vay, thời hạn vay và các tiêu chí khác của người đi vay. Các công ty này thường đưa ra mức lãi suất huy động vốn cao hơn ngân hàng và cho vay rẻ hơn công ty tài chính với lãi suất huy động vốn từ 10 - 20%/năm (cao gấp 02 lần, gấp 03 tiền lãi huy động tại ngân hàng, trong khi mức lãi suất tiền gửi tại ngân hàng hiện nay cao nhất là khoảng 8,4%/năm); lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động trên cộng thêm chênh lệch 1 - 5%/năm, phổ biến là 15 - 25%/năm. Về hình thức vay bao gồm thế chấp, tín chấp hoặc mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ô tô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ô tô, nhà trả góp...
Với sự xuất hiện của mô hình P2P lending thì người đi vay sẽ chịu lãi suất thấp hơn và người cho vay sẽ nhận được lãi suất tiết kiệm cao hơn so với lãi suất của các ngân hàng. Bên cạnh đó, P2P lending giúp khách hàng không phải đến ngân hàng giao dịch mà giao dịch qua trực tuyến, thủ tục vay đơn giản, xét duyệt cho vay dễ dàng, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, trái ngược với quy trình xét duyệt tín dụng khắt khe, tốn nhiều thời gian, chi phí tại ngân hàng truyền thống. Đồng thời, giao dịch qua công ty P2P lending có sự linh hoạt hơn, cho phép các bên tự thỏa thuận những điều kiện vay có lợi hơn cho mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại cho người cho vay và người đi vay, hoạt động của các công ty P2P lending này cũng nảy sinh nhiều nguy cơ, vấn đề phức tạp, nổi lên:
Một là, ở Việt Nam hiện nay chưa có hành lang pháp lý đối với công ty P2P lending, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp P2P lending nào nhưng đã có hàng loạt các công ty và website hoạt động theo mô hình này với đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính ngân hàng nước ta. Bên cạnh đó, do các công ty P2P lending chỉ là môi giới, kết nối giữa người đi vay và người cho vay, nên khi tranh chấp, rủi ro xảy ra, trách nhiệm do hai bên tự giải quyết; lúc này, các cơ quan chức năng cũng không có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp của hai bên.
Hai là, hoạt động “tín dụng đen” được hợp pháp hóa bằng cách các công ty cầm đồ, công ty tài chính đăng ký liên kết với các công ty P2P lending để cho vay. Trong trường hợp này, các công ty P2P lending đóng vai trò tìm kiếm khách hàng vay vốn và chuyển thông tin cho các công ty cầm đồ, công ty tài chính. Theo đó, công ty P2P lending không đóng vai trò trung gian kết nối giữa bên đi vay và bên cho vay như mô hình P2P lending truyền thống đang triển khai ở nhiều nước mà có dấu hiệu trở thành kênh phân phối, bán hàng cho các công ty cầm đồ, công ty tài chính. Công ty cầm đồ là bên cho vay nhưng lại là đầu mối thu gốc, lãi và phí từ khách hàng vay, sau đó thanh toán phí cho các công ty P2P lending. Theo những hợp đồng này, ngoài lãi theo thỏa thuận phải trả với người cho vay thì người đi vay còn phải chịu hàng loạt các chi phí khác như: Phí thẩm định tài sản, phí lưu giữ tài sản, phí tư vấn... Chính vì khoản phí cao hơn nhiều lần lãi suất, dẫn đến lãi suất thực tế khoản tiền người đi vay phải trả có thể lên tới 30 - 50%/tháng. Với “tín dụng đen”, nếu người vay không có khả năng trả nợ, thì có thể bị người cho vay thu hồi nợ theo cách không chính thống, bị ép buộc, đe dọa, hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của những người đi vay nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ.
Ba là, nguy cơ các công ty nước ngoài lợi dụng mô hình P2P lending để cho vay tín dụng không phép. Nhiều công ty P2P lending 100% vốn nước ngoài, đăng ký dịch vụ tư vấn tài chính trong giấy phép đăng ký kinh doanh và có hệ thống máy chủ và hệ thống máy dự phòng đặt ở nước ngoài, dẫn đến khó có khả năng kiểm soát dữ liệu, có thể phát sinh rủi ro rất lớn nếu có phát sinh các vụ án hình sự hay các nhân sự chủ chốt của các công ty P2P lending này bỏ trốn ra nước ngoài hoặc không phối hợp với cơ quan chức năng thì việc truy cập thông tin để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong nước là rất khó.
Bốn là, mô hình P2P lending tạo cơ hội cho tội phạm công nghệ cao gia tăng khi mà công nghệ số ngày càng phát triển. Các công ty P2P lending phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp, do đó, năng lực công nghệ, hạ tầng kỹ thuật có thể chưa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống; toàn bộ dữ liệu về người tham gia hình thức này đều được quản lý, lưu trữ trên hệ thống máy chủ và hoạt động trên môi trường internet. Vì thế, các hackers có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập, đánh cắp thông tin cá nhân của các bên tham gia; hệ thống máy chủ của công ty P2P lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập, sửa, xóa dữ liệu có chủ đích dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất, thay đổi thông tin giao dịch gây ảnh hưởng trực tiếp tới tài sản của các nhà đầu tư và các bên tham gia giao dịch trong hệ thống. Bên cạnh đó, nếu công ty P2P lending bất ngờ rút khỏi thị trường Việt Nam thì toàn bộ thông tin giữa bên cho vay và bên vay có thể hoàn toàn không có khả năng tra soát và truy cập do công ty đối tác chiếm toàn bộ quyền kiểm soát cả nền tảng công nghệ lẫn máy chủ lưu trữ dữ liệu.
Năm là, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Cụ thể, các nhà đầu tư không được hưởng các quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ người gửi tiền như ở hệ thống ngân hàng; nhưng vẫn phải chịu các rủi ro về tín dụng, thanh khoản, pháp lý… Đối với ngân hàng, thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) rất quan trọng, qua đó mà các ngân hàng có cơ sở dữ liệu đánh giá tín dụng của khách hàng và quyết định phần lớn vào việc có cho vay không. Tuy nhiên, theo mô hình P2P lending, các nhà đầu tư phải tự thẩm định thông tin khách hàng nên có thể không chính xác. Thủ tục xác thực thông tin khách hàng được thực hiện chủ yếu dựa vào việc chụp ảnh và nhận diện chứng minh thư đối chiếu với khuôn mặt khi khách hàng đăng ký. Bên cạnh đó, việc xác minh mục đích vay vốn hoàn toàn dựa vào khai báo của khách hàng và không có biện pháp hậu kiểm để xác minh việc sử dụng vốn có đúng mục đích khai báo hay không. Vì vậy, nếu người cho vay không có kinh nghiệm thẩm định hồ sơ người vay, đặc biệt trong trường hợp thông tin khách hàng cung cấp sai lệch hoặc khách hàng sử dụng thông tin cá nhân để vay vốn tại nhiều công ty khác nhau... thì có thể dẫn đến đánh giá sai về khách hàng vay, dẫn đến rủi ro cao. Ngoài ra, trong một số trường hợp, công ty P2P lending huy động vốn nhưng không cho khách hàng vay và sử dụng vốn đó vào mục đích khác, dẫn đến khoản vay bị nợ xấu hoặc không thu hồi được.
Sáu là, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng mô hình P2P lending này để thực hiện các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, đa cấp... Trước hết, đối tượng tham gia sàn giao dịch bao gồm cả người cư trú và người không cư trú, đối tượng ẩn danh hoặc mạo danh vì thế rất khó để kiểm soát cũng như xác thực thông tin mà các đối tượng cung cấp. Cùng với đó, về nguồn gốc số tiền cho vay, các công ty P2P lending không kiểm soát được nguồn tiền đầu tư cho vay, nên tiền đầu tư của các tổ chức, cá nhân có thể trở thành kênh để các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền, trốn thuế hoặc huy động vốn theo mô hình đa cấp nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư…
Trong xu thế phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, mô hình P2P lending với những lợi ích vượt trội so với ngân hàng truyền thống, được coi là xu hướng phát triển tất yếu, “không thể cấm” và được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế trong nước và tình hình hoạt động tài chính P2P lending trên thế giới cho thấy bên cạnh những lợi ích mô hình này đem lại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, cơ hội cho các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý các công ty P2P lending cũng như phòng ngừa rủi ro nói chung, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến mô hình này trong thời gian tới, cần tập trung một số nội dung cơ bản sau:
- Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát để xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý quản lý hoạt động của các công ty P2P lending. Có thể cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước về mô hình P2P lending được thí điểm hoạt động. Qua đó nhằm tổng kết, đánh giá các mặt ưu, nhược điểm của hoạt động này để hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Về khung pháp lý, cần quy định cụ thể một số nội dung sau:
(i) Đối với các công ty P2P lending, cần quy định rõ các điều kiện đảm bảo an toàn hoạt động đối với công ty P2P lending cùng với quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty này, cụ thể: Quy định về vốn điều lệ nhất định, giới hạn vốn huy động, điều kiện cơ cấu sở hữu vốn; minh bạch thông tin; tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ chủ chốt; hệ thống công nghệ thông tin, máy chủ đặt tại Việt Nam; báo cáo dữ liệu cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, tra cứu thông tin phục vụ chấm điểm khách hàng; lập quỹ phòng ngừa rủi ro, mở tài khoản ủy thác tại bên thứ ba (có thể là tại các định chế tài chính) để quản lý tiền vốn của nhà đầu tư…
(ii) Đối với tổ chức, cá nhân là người cho vay và đi vay: Cần quy định rõ số tiền một tổ chức, cá nhân được cho vay và được vay; trách nhiệm của người cho vay và người vay; quy định về quyền tiếp cận thông tin…
(iii) Ban hành chế tài xử phạt cụ thể đối với các công ty P2P lending, tổ chức, cá nhân cho vay và đi vay cố tình vi phạm, không tuân thủ quy định.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các công ty P2P lending. Trước hết, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra hoạt động P2P lending của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đang hoạt động kinh doanh theo mô hình P2P lending tại Việt Nam để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm đối với các hoạt động vi phạm pháp luật. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hành chính trong xử phạt hành vi vi phạm nếu chưa đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần phối hợp đơn vị liên quan nghiên cứu, đưa ra các cơ sở pháp lý, giải pháp để quản lý thuế đối với hoạt động của các công ty P2P lending. Ngoài ra, tăng cường sự hợp tác quốc tế, tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như Anh, Liên bang Nga, Mỹ, Trung Quốc… trong việc hoàn thiện khung pháp lý và quản lý hoạt động của các công ty theo mô hình này.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước về hoạt động P2P lending và những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn từ mô hình này. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, phổ biến về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lợi dụng mô hình này để phạm tội nhằm nâng cao cảnh giác của người dân trước thủ đoạn lừa đảo, cho vay nặng lãi, rửa tiền, đa cấp... Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tích cực tố cáo, tố giác tội phạm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoạt động “tín dụng đen”; hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc thu thập, cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu làm chứng cứ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến mô hình P2P lending.
- Các cơ quan, đơn vị trong Ngành Công an theo chức năng nhiệm vụ của mình cần tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động P2P lending, chủ động phát hiện được những phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này, những biến tướng của các công ty lợi dụng mô hình P2P lending để hoạt động như ngân hàng, cho vay nặng lãi, thu hồi nợ không đúng quy định, chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam… Thông qua đó, có những hình thức xử lý kịp thời, đồng thời tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc quản lý đối với mô hình hoạt động này. Tăng cường sự phối hợp với tất cả các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành Công an để nắm tình hình phát hiện vấn đề; đặc biệt phát huy vai trò, chức năng của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức xác minh, đấu tranh với những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động P2P lending.
Học viện An ninh nhân dân
[1]. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/loi-ich-cua-mo-hinh-kinh-te-chia-se-va-nhung-thach-thuc-cho-nha-quan-ly-302048.html.
[2]. Lại Văn Công (2019), Một số yếu tố rủi ro của hình thức tín dụng “cho vay ngang hàng” và giải pháp phòng ngừa, Tạp chí Cảnh sát nhân dân.