Abstract: The Law on Credit Institutions of 2010 has officially acknowledged that micro credit institution is a kind of credit institution. There is until now, however, most of documents regulating organization and operation of micro finance institutions were passed before the year 2010 and make not little inadequacies for operation of this kind of institution in the practice. Based on the study and operation reality, the paper proposes some recommendations for completing legal regulations on business operation of micro finance institutions in Vietnam at present.
1.1. Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh, tổ chức tài chính vi mô (TCVM) phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau đây: (i) Tổ chức TCVM chỉ được thực hiện những hoạt động được pháp luật cho phép và được quy định trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định; (ii) Tổ chức TCVM phải công bố công khai lãi suất và các mức phí cung ứng dịch vụ; (iii) Tổ chức TCVM phải xây dựng và tuân thủ các quy định nội bộ; (iv) Tổ chức TCVM phải phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng; (v) Tổ chức TCVM phải lưu giữ hồ sơ tín dụng; (vi) Tổ chức TCVM phải đảm bảo tổng dư nợ cấp tín dụng cho khách hàng TCVM trên tổng dư nợ không thấp hơn tỷ lệ do NHNN quy định.
1.2. Hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô
Về mặt bản chất, tổ chức TCVM là loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) nhỏ và chủ yếu cung ứng các dịnh vụ đơn giản cho đối tượng khách hàng là những đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội, nên những hoạt động kinh doanh của chủ thể này cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo các chủ thể này hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích, cũng như đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đưa ra những quy định để điều chỉnh đến hoạt động của tổ chức TCVM như sau:
Một là, hoạt động huy động vốn:
Đây là một nội dung rất quan trọng đối với các TCTD nói chung và tổ chức TCVM nói riêng, bởi huy động vốn chính là hoạt động tạo ra phương tiện để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác của tổ chức TCVM. Nói cách khác, hoạt động này có thể hiểu là nền tảng để các tổ chức TCVM xúc tiến các hoạt động kinh doanh khác nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Việc huy động vốn của các TCTD rất đa dạng vì có thể được thực hiện dưới rất nhiều các hình thức khác nhau như nhận tiền gửi, phát hành các loại giấy tờ có giá hay đi vay của các chủ thể khác. Tuy nhiên, do đặc thù của tổ chức TCVM là những TCTD có quy mô nhỏ, đối tượng khách hàng chủ yếu là người có thu nhập thấp và nội dung hoạt động cũng chỉ là những hoạt động ngân hàng đơn giản nên hoạt động huy động vốn của tổ chức TCVM cũng có nhiều hạn chế hơn so với các loại hình TCTD khác. Các hoạt động cụ thể bao gồm: Nhận tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam; vay vốn của các TCTD, tổ chức tài chính và của các cá nhân, tổ chức khác trong nước; vay vốn, nhận tài trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài… Hoạt động huy động vốn của các tổ chức TCVM chỉ bao gồm ba hình thức kể trên. Điều này có nghĩa là tổ chức TCVM không được phép thực hiện việc huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào khác, kể cả việc phát hành các loại giấy tờ có giá hay vay trực tiếp từ NHNN...
Hai là, hoạt động cấp tín dụng:
Đây là hoạt động hết sức quan trọng với tổ chức TCVM bởi phần lớn nguồn thu nhập của tổ chức được tạo ra từ chính hoạt động này. Hoạt động cấp tín dụng của tổ chức TCVM chỉ được thực hiện dưới duy nhất hình thức cho vay và cũng chỉ được cho vay bằng tiền đồng. Đối tượng khách hàng chủ yếu của TCVM là những người có thu nhập thấp hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ với những khoản vay có giá trị nhỏ để thực hiện các hoạt động kinh doanh nhỏ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân cũng như của gia đình nên không phát sinh nhu cầu sử dụng ngoại tệ.
So với các TCTD khác, hoạt động cấp tín dụng của tổ chức TCVM bị giới hạn khá chặt cả về hình thức cấp cũng như giá trị của khoản tín dụng. Đây cũng là điều hợp lý bởi hai lý do: (i) Xuất phát từ bản chất của hoạt động TCVM chỉ là những hoạt động ngân hàng đơn giản, có giá trị nhỏ; (ii) Tiềm lực tài chính của chính các tổ chức TCVM cũng chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế[1] nên để đảm bảo an toàn, tổ chức TCVM không thể thực hiện được các hình thức cấp tín dụng khác cũng như những khoản vay có giá trị lớn. Việc cho phép tổ chức TCVM được mở rộng hoạt động tín dụng sang những đối tượng không phải là khách hàng TCVM ở một mức độ nhất định cũng là một cách tiếp cận hợp lý nhằm giúp tổ chức TCVM có thể sử dụng vốn hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo được tôn chỉ, mục đích của mình là trợ giúp những đối tượng khó khăn trong xã hội.
Ba là, hoạt động mở tài khoản và thanh toán:
Tổ chức TCVM được phép mở tài khoản tiền gửi tại NHNN và các ngân hàng thương mại (NHTM). Điều cần lưu ý ở đây là, loại tài khoản tổ chức TCVM được phép mở chỉ là tài khoản tiền gửi mà không phải là tài khoản thanh toán. Dường như đây là một quy định bất cập bởi tổ chức TCVM cũng là một doanh nghiệp và để phục vụ hoạt động của mình, tổ chức TCVM cũng cần phải thực hiện những giao dịch nhất định và việc không có tài khoản thanh toán sẽ ít nhiều gây ra những khó khăn cho chủ thể này.
Đối với hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán, cũng giống như các TCTD phi ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức TCVM không được phép mở tài khoản thanh toán cho khách hàng của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủ thể này không được phép cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản cho khách hàng. Về vấn đề này, tác giả cho rằng cách tiếp cận của pháp luật hiện hành là hoàn toàn hợp lý bởi với tôn chỉ và mục đích hoạt động của mình cũng như năng lực tài chính, con người, công nghệ... thì tổ chức TCVM khó có thể thành công khi thực hiện được các dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Pháp luật cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này để tổ chức TCVM có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để định hướng cho các hành vi của mình.
Bốn là, các hoạt động kinh doanh khác:
Tổ chức TCVM cũng được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Nhìn chung, những hoạt động kinh doanh khác mà tổ chức TCVM được phép thực hiện cũng khá đơn giản và cũng chỉ hướng đến những hoạt động phục vụ cho đối tượng khách hàng chủ yếu cũng như bổ trợ cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình mà thôi. Cụ thể như: Ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn; cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực TCVM; cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng TCVM; làm đại lý cung ứng dịch vụ bảo hiểm.
1.3. Những giới hạn nhằm đảm bảo an toàn đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô
Thứ nhất, những trường hợp không được cấp tín dụng:
Tổ chức TCVM không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; không được đứng ra bảo đảm cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 vay vốn tại các TCTD khác dưới bất cứ hình thức nào; không được cho vay để góp vốn vào một TCTD khác trên cơ sở nhận tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của chính TCTD nhận vốn góp.
Thứ hai, những trường hợp hạn chế cấp tín dụng:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì tổ chức TCVM không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho các chủ thể sau đây: (i) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức TCVM; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức TCVM; (ii) Kế toán trưởng của tổ chức TCVM; (iii) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó; (iv) Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng. Bên cạnh đó, về mặt thủ tục, việc cấp tín dụng cho các chủ thể này phải được quyết định bởi Hội đồng thành viên và phải thông báo công khai trong tổ chức TCVM đồng thời phải đảm bảo, tổng dư nợ của các chủ thể nêu trên không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức TCVM.
Thứ ba, giới hạn cấp tín dụng:
Khoản 1 và khoản 3 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đưa ra giới hạn tối đa cho tổng dư nợ của một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có tổ chức TCVM. Dư nợ nêu trên không bao gồm các khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là TCTD khác. Giới hạn này được cụ thể hóa như sau[2]: (i) Tổng dư nợ của một khách hàng TCVM (cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ) không được vượt quá ba mươi (30) triệu đồng; (ii) Tổng dư nợ của một chủ thể không phải là khách hàng TCVM không được vượt quá 10% vốn tự có của tổ chức TCVM; (iii) Tổng dư nợ của nhóm khách hàng liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức TCVM.
Thứ tư, về tỷ lệ đảm bảo an toàn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì trong quá trình hoạt động, tổ chức TCVM phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn bao gồm: (i) Tỷ lệ khả năng chi trả; (ii) Tỷ lệ an toàn vốn. Các tỷ lệ này cụ thể như sau[3]: Đối với tỷ lệ về khả năng chi trả, tổ chức TCVM phải duy trì mức không nhỏ hơn 20%; đối với tỷ lệ an toàn vốn, tổ chức TCVM phải duy trì tối thiểu 10% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “có” rủi ro[4].
Trên đây là những giới hạn mà pháp luật hiện hành đặt ra đối với các hoạt động kinh doanh của tổ chức TCVM nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động này và qua đó là cho sự an toàn của tổ chức. Song những quy định này mới chỉ là những sự tiếp cận bước đầu trong việc tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức TCVM ở Việt Nam hiện nay.
2. Kiến nghị hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động kinh doanh của tổ chức tài chính vi mô hiện nay
Mặc dù các quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các tổ chức TCVM là khá phù hợp, song vẫn còn một số vấn đề cần phải hoàn thiện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hoạt động mở tài khoản của tổ chức TCVM:
Cần đưa ra quy định cho phép tổ chức TCVM được mở tài khoản tại NHNN và NHTM, bao gồm cả tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi chứ không phải chỉ là tài khoản tiền gửi như hiện nay. Việc sửa đổi này sẽ giúp tổ chức TCVM thuận lợi hơn khi thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, nên cho phép tổ chức TCVM được mở tài khoản tiền gửi cho khách hàng. Hiện nay khoản 2 Điều 121 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 mới chỉ đề cập đến việc không cho phép tổ chức TCVM mở tài khoản thanh toán cho khách hàng mà chưa đề cập đến tài khoản tiền gửi. Về nguyên tắc, theo quy định tại Điều 90 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thì với cách quy định như khoản 2 Điều 121, tổ chức TCVM sẽ không được mở tài khoản tiền gửi cho khách hàng tại tổ chức TCVM. Đây là quy định bất hợp lý bởi việc tổ chức TCVM mở tài khoản tiền gửi cho khách hàng không hề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay sự an toàn của tổ chức này cũng như an toàn tiền gửi của khách hàng mà trái lại, sẽ giúp cho hoạt động của tổ chức TCVM thuận lợi hơn khá nhiều[5], vì vậy, nên cho phép tổ chức TCVM được mở tài khoản tiền gửi cho khách hàng của mình, bao gồm cả khách hàng TCVM và các khách hàng khác (nếu có).
Thứ hai, đối với quy định về các trường hợp không được cho vay:
Nhìn vào cách tiếp cận của Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, có thể thấy sự tiếp cận khá lộn xộn và không nhất quán của quy định này đối với các hoạt động cấp tín dụng của tổ chức TCVM. Nhằm đảm bảo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh nói riêng và sự an toàn nói chung của tổ chức TCVM, nên bãi bỏ quy định miễn trừ áp dụng khoản 1 Điều 126 đối với các tổ chức TCVM - tức là sửa đổi khoản 2 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng, tổ chức TCVM vẫn phải tuân thủ quy định về các trường hợp không được cho vay theo quy định tại khoản 1 Điều 126.
Thứ ba, cần xây dựng và ban hành cơ chế áp dụng phí và lãi suất cho vay để điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức TCVM:
Mặc dù là một phương thức xóa đói, giảm nghèo nhưng các tổ chức TCVM vẫn phải tự tồn tại mà không có bất cứ sự trợ cấp về mặt tài chính nào. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh của tổ chức TCVM buộc phải tạo ra chênh lệch thu chi để đảm bảo sự tồn tại của chính mình. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, hoạt động TCVM thường có chi phí lớn hơn so với các loại hình TCTD khác do những đặc thù của chính lĩnh vực này: Giá trị khoản vay nhỏ, địa bàn hoạt động phức tạp và nguồn nhân lực chất lượng không cao[6]… Thực trạng này cho thấy, nếu áp dụng cơ chế tính lãi suất, phí như các NHTM thì tổ chức TCVM khó có thể có lợi nhuận và vì thế để đảm bảo sự tồn tại, chủ thể này cần phải áp dụng một mức lãi suất cũng như mức phí (nếu có) cao hơn so với các TCTD khác.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn của tổ chức TCVM cũng không thuận lợi nếu áp dụng mức lãi suất tiền gửi như các TCTD khác bởi rất nhiều lý do như: Trụ sở giao dịch không thuận tiện bằng các TCTD khác; sự hiểu biết của xã hội về tổ chức TCVM còn hạn chế cũng như quy mô của tổ chức TCVM thường là khá nhỏ nên cũng rất khó để tạo ra sự tin tưởng đối với người gửi tiền... Chính vì vậy, để có cơ hội huy động được vốn, tổ chức TCVM cũng cần phải cạnh tranh với các TCTD khác bằng việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao hơn so với các TCTD khác. Như vậy, để có thể thực hiện được hoạt động kinh doanh của mình một cách có hiệu quả, tổ chức TCVM phải được áp dụng một cơ chế quản lý về phí và lãi suất khác hơn so với các TCTD khác trong nền kinh tế. Do đó, cần ban hành văn bản quy định về cơ chế áp dụng lãi suất và phí đối với các tổ chức TCVM mà không áp dụng các quy định dành cho tất cả các TCTD nói chung. Về nguyên tắc, cần phải nghiên cứu và tính toán chi tiết để đưa ra mức lãi suất, phí áp dụng đối với các tổ chức TCVM phải cao hơn so với mức áp dụng cho các TCTD khác nhằm đảm bảo cho chủ thể này có lợi nhuận để duy trì sự tồn tại của mình.
Không ồn ào như những chủ thể khác của thị trường tài chính - tiền tệ khi TCVM không có những hợp đồng tín dụng giá trị nghìn tỷ với những khách hàng là các tập đoàn kinh tế lớn song, khi khách hàng của TCVM tuyệt đại đa số là bộ phận có thu nhập thấp thì giá trị xã hội mà những hoạt động này đưa đến lại không hề đơn giản: Một công cụ hữu hiệu cho cuộc chiến xóa đói giảm nghèo. Chính bởi vai trò quan trọng này nên ngày 06/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2195/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đến năm 2020”. Để có thể thực hiện được mục tiêu mà Đề án đã xác định, rất cần một khung pháp luật thật sự phù hợp với thực tiễn của ngành TCVM non trẻ của Việt Nam.
Học viện Ngân Hàng
[1]. Ba tổ chức TCVM hiện nay đang hoạt động ngoại trừ TYM có quy mô tương đối lớn với Vốn điều lệ 135,8 tỷ VND thì M7 và Thanh Hóa có quy mô khá nhỏ (Vốn điều lệ lần lượt chỉ là 15,5 tỷ VND)Nguồn:http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/pages/htctctd/tctcvm?_afrLoop=7592999763412863&_afrWindowMode=0&_afrWindowId=13nzy2wsyp_46#%40%3F_afrWindowId%3D13nzy2wsyp_46%26_afrLoop%3D7592999763412863%26_afrWindowMode%3D0%26_adf.ctrl-state%3D13nzy2wsyp_82.
[2]. Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ngày 17/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
[3]. Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ngày 17/4/2009 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
[4]. Tài sản “có” rủi ro được xác định mức độ rủi ro theo các quy định tại Điều 5 Thông tư 07/2009/TT-NHNN. Cách tính tỷ lệ đảm bảo an toàn và tỷ lệ đảm bảo khả năng chi trả được quy định tại Phụ lục A và Phụ lục B của Thông tư số 07/2009/TT-NHNN.
[5]. Ví dụ khi khách hàng vay vốn tại tổ chức TCVM và được giải ngân nhưng ngay lập tức chưa thể nhận tiền hoàn toàn có thể gửi lại tổ chức TCVM thông qua tài khoản tiền gửi của mình hay trong trường hợp khách hàng nhờ tổ chức TCVM thu hộ, chi hộ thì khách hàng cũng có tài khoản tại tổ chức TCVM để quản lý tiền của mình...
[6]. Lê Thanh Tâm (2013), Lãi suất cho vay đối với các tổ chức TCVM: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 15, Tháng 8/2013.