Abstract: The article generalizes the nature of civil judgment execution, the practice of organization and civil judgment execution operation in the Binh Dinh province and draws some experience for improving effect of civil judgment execution work.
1. Khái quát về công tác thi hành án dân sự
Thi hành án dân sự là một giai đoạn độc lập của tố tụng dân sự nhằm hoàn tất quá trình bảo vệ quyền lợi của đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan theo bản án, quyết định của Tòa án được tổ chức thi hành trên thực tế. Đó là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm đưa bản án, quyết định của Toà án ra thi hành trên thực tế, bảo đảm tính hiệu lực của các bản án, quyết định dân sự của Tòa án bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan. Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, hoạt động thi hành án dân sự còn góp phần phát hiện sai sót của các quá trình tố tụng dân sự của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi cho công dân, đương sự và không phù hợp với hiện trạng thực tế như lĩnh vực về đất đai, nhà ở, công trình kiến trúc xây dựng…, từ đó kiến nghị đến Tòa án có thẩm quyền kịp thời xét xử lại nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự, người có quyền và lợi ích liên quan; chỉ đạo công tác xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật và kiến nghị trong việc xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành án dân sự không những chỉ đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà còn phải tổ chức thi hành đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực nhưng phải thi hành ngay trong những trường hợp pháp luật quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự: “Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị: a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Thi hành án dân sự là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước vừa mang tính hành chính, vừa mang tính tư pháp, do cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên thực hiện nhằm đưa các bản án, quyết định về dân sự của Toà án đi vào thực tiễn cuộc sống. Hoạt động thi hành án dân sự trên thực tế gắn với quyền lực hành pháp, đồng thời, thúc đẩy các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thi hành án phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình. Trong trường hợp không thi hành quyết định thi hành án, các cá nhân, tổ chức đó phải chịu sự cưỡng chế của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thi hành án cũng có thể được thực hiện một cách tự giác bởi người có nghĩa vụ thi hành án. Chỉ khi các bản án, phán quyết không được thi hành một cách tự giác bởi người có nghĩa vụ thì hoạt động cưỡng chế thi hành án của chủ thế có thẩm quyền mới cần phải thực hiện. Trên bình diện rộng, thi hành án dân sự là tổng thể hoạt động chỉ đạo, điều hành, hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật nhằm mục đích đảm bảo các bản án, quyết định của Toà án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh trên thực tế. Thi hành án dân sự bao gồm cơ quan quản lý, cơ quan theo dõi, hỗ trợ hoạt động thi hành án, giám sát và giải quyết khiếu nại về hoạt động thi hành án dân sự; các cơ quan, ban ngành có liên quan nhằm đảm bảo cho hoạt động của cơ quan thi hành án được diễn ra đúng quy trình, thủ tục được pháp luật quy định, đồng thời có chất lượng và hiệu quả trên thực tế.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thi hành án dân sự, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự. Từ chỗ tổ chức thi hành án dân sự chỉ do Thừa phát lại, Ban Tư pháp xã (giai đoạn 1945 - 1950); Thẩm phán cấp huyện (giai đoạn 1950 - 1959); Chấp hành viên, nhân viên thi hành án đặt tại các Tòa án địa phương (giai đoạn 1960 - 1993) thực hiện, đến nay, chúng ta đã có một hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự gồm: 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, hơn 700 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện và hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự trong Quân đội.
2. Tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự ở Bình Định
Từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực đến nay, công tác thi hành án dân sự ở tỉnh Bình Địnhđã có nhiều chuyển biến tích cực cả về tổ chức và hoạt động. Hiện nay ở Bình Định, các cơ quan thi hành án dân sự bao gồm: Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 11 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện. Việc tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo ngành dọc từ trung ương xuống địa phương đã làm tăng vị thế của cơ quan thi hành án dân sự, tương xứng với nhiệm vụ được phân công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý.
Hoạt động thi hành án dân sự ở tỉnh Bình Định trong những năm qua cũng đã có những khởi sắc nhất định. Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định, những năm gần đây, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền nhìn chung đều đạt chỉ tiêu đề ra; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được kiểm soát và đi vào nề nếp, bảo đảm tốt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh những thành công, tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự của tỉnh Bình Định vẫn còn những hạn chế nhất định như: Công tác tổ chức cán bộ chưa thật sự “đi trước một bước” (từ việc tuyển dụng cho đến sử dụng, quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm...); tình trạng giải quyết án kéo dài từ năm này qua năm khác vẫn còn ở mức cao; đơn thư khiếu nại, tố cáo còn phát sinh theo chiều hướng ngày càng tăng; việc phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu và những nhiệm vụ bổ trợ như đào tạo, tập huấn nghiệp vụ...chưa đồng bộ; công tác quản lý nhà nước trong thi hành án dân sự còn nhiều khâu chưa thống nhất, hiệu quả hoạt động chưa cao…Ví dụ năm 2018, trong 10 tháng, các cơ quan thi hành án dân sự toàn tỉnh mới thi hành xong 4.845 việc, đạt tỷ lệ 71,85% về việc (so với chỉ tiêu được Quốc hội giao còn thiếu 1,15%) so với cùng kỳ năm 2017, giảm 80 việc (giảm 1,62%) và giảm 0,65% về tỷ lệ; về tiền, thi hành xong 131 tỷ 824 triệu 845 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 21,83% (còn thiếu 10,17% so với chỉ tiêu của Quốc hội giao). So với cùng kỳ năm 2017, giảm 42 tỷ 458 triệu 890 nghìn đồng (giảm 24,36%) và giảm 3,83% về tỷ lệ… Sở dĩ còn những hạn chế nêu trên là bởi những lý do: (i) Cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn thiếu quyết liệt; quy định về thẩm quyền và địa vị pháp lý của chấp hành viên chưa thật sự tương xứng với nhiệm vụ được giao, còn phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan khác. Nhiều vụ việc trong đó liên quan đến án tín dụng, ngân hàng rất phức tạp; quá trình tổ chức thi hành án có vụ việc có người mua tài sản nhưng bị kéo dài chưa nhận được tài sản do có các vấn đề vướng mắc phát sinh; (ii) Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan hữu quan trong quá trình tổ chức thi hành án; (iii) Ý thức pháp luật của một bộ phận người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thi hành án hoặc có liên quan đến thi hành án chưa cao (chây ỳ, tẩu tán tài sản, thậm chí chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án…); (iv) Công tác tổ chức cán bộ, chế độ đãi ngộ trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự chưa được quy định thỏa đáng, công tác luân chuyển, điều động cán bộ còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn…
3. Một số bài học kinh nghiệm
Trước hết, để tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế cần phải có một hệ thống pháp luật chuẩn vì pháp luật là công cụ, phương tiện để Nhà nước tổ chức và hoạt động trên mọi lĩnh vực. Thi hành án dân sự có liên quan đến nhiều chủ thể, trong đó có những chủ thể có lợi ích đối lập hoặc lợi ích liên quan... nên có nhiều khả năng mâu thuẫn cả về lý thuyết cũng như thực tế. Để giải quyết được mâu thuẫn này, Nhà nước cần phải định rõ một khuôn mẫu chuẩn về mặt pháp lý làm căn cứ đúng và duy nhất. Sự đúng, sai, tranh chấp, mâu thuẫn chỉ có thể căn cứ vào pháp luật để xác định. Sự ban hành đầy đủ các căn cứ pháp lý sẽ góp phần bảo đảm quan trọng cho tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.
Thứ hai, cần có một bộ máy hoàn thiện với đội ngũ cán bộ, chấp hành viên có chuyên môn nghiệp vụ tốt để khi có những công việc mới hoặc tình huống phức tạp có thể giải quyết được ngay trên cơ sở phân định rõ chức năng, đảm bảo cho việc thi hành án chính xác và có hiệu quả.
Thứ ba, thi hành án dân sự là hoạt động phức tạp, đòi hỏi nhiều công đoạn mà sự phối hợp giữa các chủ thể có một vai trò hết sức quan trọng và trong nhiều trường hợp, nếu thiếu sự phối hợp này, công tác thi hành án dân sự không thể hoàn thành. Trong quá trình thi hành án, ở mỗi công đoạn lại cần sự tham gia của những chủ thể nhất định, đặc biệt trong các hoạt động cưỡng chế thi hành án, thì gần như phải huy động tất cả các lực lượng có liên quan phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, thi hành án dân sự là một hoạt động để khép lại một quá trình thực hiện quyền lực nhà nước và chứng minh sự hiện diện của Nhà nước trong việc bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân, nên chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho các cơ quan, đơn vị phải xuất phát từ chính điều kiện thực tế và khả năng giải quyết của cơ quan đó. Nói cách khác, việc đặt ra chỉ tiêu kế hoạch phải bảo đảm có tính khả thi. Sự hoàn thành nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân vào pháp luật, xã hội tin tưởng và tìm đến pháp luật, đến các cơ quan thực thi pháp luật để thực hiện quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình bằng chính cơ chế pháp lý mà pháp luật đã tạo ra. Bản thân việc đó sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm trong thi hành án sẽ thuận lợi trong công việc nhờ sự cộng tác của xã hội.
Thứ năm, cần có sự kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên để vừa phát hiện ra nhân tố tích cực để phát huy sức mạnh của chúng, đồng thời cũng tìm ra sự hạn chế, sai sót và nhanh chóng khắc phục hậu quả. Một trong những đặc trưng của thi hành án dân sự là các vụ việc nếu có điều kiện thì thực hiện càng nhanh càng tốt, vì vụ việc càng kéo dài, càng có nhiều biến động và càng có nguy cơ làm phức tạp thêm vấn đề vốn đã có sẵn trong các vụ việc này. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả của điều chỉnh pháp luật mà trong đó, tiêu chí giảm chi phí được thực hiện và kết quả đạt được lại cao cùng với ý nghĩa làm tăng vai trò của thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay.
Trường Chính trị tỉnh Bình Định