Ngày 15/3/2014, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, bằng hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị (tại điểm cầu Hà Nội), về phía khách mời có đại diện Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành trung ương. Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cùng đông đảo đội ngũ phóng viên các đài truyền hình, cơ quan báo chí trung ương và địa phương đến đưa tin về Hội nghị tại các điểm cầu.
Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2000 và được sửa đổi bổ sung năm 2009. Đây là công cụ pháp lý sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức xã hội và của công dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, sau gần 14 năm thi hành, do tình hình đất nước có những thay đổi lớn về kinh tế, xã hội và ngoại giao… Bộ luật Hình sự năm 1999 đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa từng áp dụng, trong khi nhiều vấn đề phát sinh lại chưa được luật quy định… Đặc biệt, việc thực hiện đường lối, chính sách đổi mới của Đảng ở lĩnh vực kinh tế, xã hội và ngoại giao đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Điều này đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 một cách cơ bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Chính vì vậy, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe Báo cáo tóm tắt kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 do đồng chí Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày và 11 báo cáo từ các địa phương… Các Báo cáo đã đánh giá những kết quả đạt được của Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, về cơ bản Bộ luật Hình sự năm 1999 đã đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân. Bên cạnh đó, các Báo cáo cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập và hạn chế trong quá trình thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999; đồng thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Hình sự năm 1999 theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, và các định hướng cơ bản xây dựng dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi. Cụ thể là:
1. Thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
3. Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
4. Nghiên cứu nội hóa những quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
5. Sửa đổi các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến các tội phạm tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
6. Hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của Bộ luật Hình sự; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự và giữa Bộ luật Hình sự với các luật khác.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nghiêm túc và nỗ lực của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, đặc biệt là Bộ Tư pháp trong việc tổng kết đánh giá Bộ luật Hình sự. Phó Thủ tướng thống nhất với các mục tiêu, quan điểm và các định hướng lớn mà Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo đưa ra, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản:
Một là: Tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi nhằm xây dựng được một Bộ luật Hình sự sửa đổi khắc phục ở mức cao nhất các hạn chế, tồn tại, có tính khả thi cao, tính hiện đại, tính dự báo, tính minh bạch và có chất lượng cao về mặt kỹ thuật lập pháp;
Hai là: Bộ luật Hình sự sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội;
Ba là: Bộ luật Hình sự sửa đổi phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị;
Bốn là: Bộ luật Hình sự sửa đổi phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường;
Năm là: Bộ luật Hình sự sửa đổi phải trực tiếp đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, cướp của, giết người, tai nạn giao thông, môi trường - đang là vấn đề bức xúc xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;
Sáu là: Bộ luật Hình sự sửa đổi phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên một Bộ luật lớn như Bộ luật Hình sự;
Bảy là: Bộ luật Hình sự sửa đổi phải nội luật hóa cho được những quy định mang tính bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí còn trái chiều, nhưng nhìn chung đã có sự đồng thuận cao của Nhân dân, các thành phần kinh tế và các tổ chức xã hội…
Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống. Nhiệm vụ sửa đổi Bộ luật Hình sự phải theo hướng cơ bản, toàn diện phù hợp, khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm; tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế… đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới, phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân – vì con người, vì Nhân dân… được xác định là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam./.
Vũ Hải Việt