Nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khẳng định, đây là một trong những Đề án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Trong thời gian vừa qua, nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ đã chuẩn bị xây dựng Kế hoạch nhằm triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có một số Bộ ban hành được kế hoạch triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg. Đến nay, Bộ Tư pháp là một trong các bộ tiên phong đi đầu trong ban hành Kế hoạch thực hiện. Đồng chí cho rằng, với 52 nhiệm vụ cụ thể của Đề án, có thể thấy rằng các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương sẽ phải giải quyết rất nhiều nhiệm vụ để phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, cần phải xác định rất rõ các đầu nhiệm vụ, cách thức triển khai, chi phí thực hiện cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện. Đồng chí cũng mong Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an rà soát văn bản pháp luật và giải pháp hoàn thiện thể chế chính sách để đảm bảo cho Đề án này, phối hợp triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến (4 dịch vụ công trực tuyến trong 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu để kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia) cũng như trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống của Văn phòng Chính phủ và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm cho dữ liệu dân cư “sớm, đủ, sạch”, đồng thời hỗ trợ Văn phòng Chính phủ trong liên thông thủ tục hành chính…
Cùng quan điểm về vấn đề rà soát các quy định pháp luật để giải quyết các vướng mắc về thể chế, đại diện C06 Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua việc triển khai kết nối các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dữ liệu trong một số nhiệm vụ của Bộ Công an trên diện rộng thì hầu hết đều có vướng mắc về thể chế. Các dịch vụ công đẩy lên mức độ 3 hoặc 4 đều phải sửa đổi Luật hoặc Nghị định hoặc Thông tư mới thực hiện được. Do đó, đối với một số hạng mục cần có “hành lang tạm thời” để thực hiện ngay, tuy nhiên về lâu dài cần có lộ trình, định hướng và phối hợp với các đơn vị có liên quan như Bộ Tư pháp để hoàn thiện thể chế. Cũng theo đồng chí, để Đề án thành công thì không chỉ sửa đổi, hoàn thiện thể chế ở Bộ Công an, mà vấn đề thể chế cũng cần phải được hoàn thiện tại các bộ, ngành. Đồng chí cũng cho biết thêm, trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, thì trước mắt, Thủ tướng cũng đã có định hướng để các Bộ sớm có phương án triển khai thí điểm hoặc tổ chức thực hiện ngay. Đồng chí cũng cho biết, hai Bộ Tư pháp và Công an đã có phối hợp, kết nối các cơ sở dữ liệu của hai Bộ từ rất sớm. Chẳng hạn, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Để sớm giải quyết các vướng mắc về quy trình, kỹ thuật trong việc kết nối các cơ sở dữ liệu, đồng chí đề nghị Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với C06 để rà soát, hoàn thiện thể chế, giải quyết các vướng mắc này.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, đây là Đề án quan trọng bậc nhất trong xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số và có tác động lớn, mạnh mẽ đối với Bộ, ngành Tư pháp. Thứ trưởng cũng cho biết sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện Đề án này. Thứ trưởng cũng vui mừng vì Bộ Tư pháp đã “vào cuộc sớm” và là một trong số ít bộ tại thời điểm này đã ban hành được Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Đề án. Thứ trưởng cho biết, trong Kế hoạch triển khai của Bộ Tư pháp, 34 nhóm nhiệm vụ khác nhau đã được liệt kê để thực hiện Đề án của Chính phủ, trong đó có 7 cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành được chỉ đích danh trong Đề án sẽ có kết nối, chia sẻ, chưa kể các cơ sở dữ liệu nhỏ chưa được nhắc đến. Thứ trưởng cho rằng, việc thực hiện Đề án mặc dù có thể có những khó khăn, thách thức nhất định nhưng cũng là 1 cơ hội tốt cho Bộ, ngành Tư pháp, nếu chúng ta đồng hành với chính phủ, với các Bộ, ngành khác thì sự nghiệp xây dựng chính phủ số chắc chắn thành công.
Để triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Tư pháp hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị:
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg; cụ thể hóa các nội dung Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg vào Kế hoạch công tác năm 2022 và các năm tiếp theo của đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Công nghệ thông tin - đơn vị thường trực giúp việc Tổ công tác, cũng như các đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ.
Thứ trưởng cũng lưu ý, việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 06/QĐ-TTg được coi là nhiệm vụ quan trọng đối với Bộ, ngành. Do đó, người đứng đầu tất cả các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai các nhiệm vụ được phân công. Đồng thời phải phát huy tinh thần trách nhiệm một cách cao nhất, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg là “phải với tinh thần máu lửa” thì mới triển khai được.
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)