Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên một sự thay đổi lớn về phương thức và cách thức làm việc, giao dịch trong nền kinh tế hội nhập ở Việt Nam hiện nay. Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data) đã khiến cho rất nhiều ngành nghề, hoạt động kinh doanh buộc phải thay đổi, cải tiến để phù hợp với thời đại và thích nghi với tốc độ phát triển công nghệ thông tin của kỷ nguyên số. Sự tác động của công nghệ đối với pháp luật cũng không phải ngoại lệ, Chính phủ điện tử ra đời và hàng loạt sự đổi mới về lưu trữ và sử dụng dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực về doanh nghiệp, dân cư, đất đai, y tế, giáo dục, bảo hiểm, an ninh, sản xuất… đã tạo nên một bước đột phá lớn, thay thế những cách làm việc truyền thống trước đây.
 |
 |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận trao đổi về sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến TMĐT ở Việt Nam như: (i) Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật về TMĐT và cơ hội, thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới phát triển TMĐT ở Việt Nam; (ii) Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và TMĐT đến khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; (iii) Cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT và cơ sở pháp lý điều chỉnh cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT; (iv) Bảo đảm an toàn giao dịch điện tử và xây dựng khung pháp lý về bảo đảm an toàn giao dịch điện tử; (v) Thực trạng pháp luật quản lý thuế, hải quan về TMĐT ở Việt Nam và một số kiến nghị; (v) Thực trạng giao kết hợp đồng TMĐT và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ TMĐT; (vii) Định hướng, kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về TMĐT ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; (viii) Hoàn thiện pháp luật về TMĐT ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…
 |
 |
Các tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều tập trung phân tích về những thuận lợi, khó khăn, từ đó, đưa ra những kiến nghị, giải pháp đối với việc hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về TMĐT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể kể đến như: (i) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thương mại điện tử năm 2005; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phân định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia TMĐT ở tất cả các công đoạn của giao dịch TMĐT phù hợp với sự phát triển của đời sống, xã hội. (ii) Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoàn thiện các khái niệm đến hoàn thiện các quy định về nội dung (bảo vệ thông tin người tiêu dùng, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bảo hành, thu hồi hàng hóa có khuyết tật…) và các quy định về việc xác lập và vận hành của các cơ chế thực thi (kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giải quyết tranh chấp, mô hình cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội…). (iii) Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (iv) Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ người tiêu dùng và thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân kinh doanh. (v) Nâng cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, chất lượng các sàn thương mại điện tử, trách nhiệm của thương nhân đối với người tiêu dùng theo hướng bên cạnh buộc thực hiện nghĩa vụ nếu không sẽ gánh chịu trách nhiệm pháp lý, đồng thời cần xây dựng thêm những quy định để khuyến khích các thương nhân “tự giác” thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người tiêu dùng. (vi) Nâng cao năng lực của người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, người tiêu dùng cần phải hiểu luật để tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm phạm - chuyển từ trạng thái bị động sang trạng thái chủ động bằng việc chủ động thực hiện các quyền của mình cũng như hỗ trợ, giám sát thương nhân thực hiện các trách nhiệm của mình./.
Vũ Hải Việt