Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ đã báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Ngành Tư pháp năm 2013. Theo đó, trong năm 2013, Học viện Tư pháp đã tổ chức được 06 khóa đào tạo cho 2.997 học viên, gồm: Khóa đào tạo nghiệp vụ xết xử, khóa đào tạo nghề luật sư, khóa đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, khóa đào tạo nghiệp vụ công chứng, khóa đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp, khóa đào tạo nghiệp vụ đấu giá. Bên cạnh việc tổ chức các lớp đào tạo nguồn cho các chức danh tư pháp, trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức 66 lớp (chưa kể 17 hội nghị tập huấn về kỹ năng bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự, 09 điểm cầu truyền hình nâng cao nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính và nghiệp vụ truyền thông hỗ trợ công tác kiểm soát thủ tục hành chính) nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho 6.801 lượt người. Để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng Bộ Tư pháp cũng đã hỗ trợ kinh phí để triển khai biên soạn chương trình, tài liệu học tập. Tựu chung lại, so với những năm trước, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức đã có những chuyển biến rõ rệt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương, từng bước hoàn thiện chuẩn hóa về tiêu chuẩn ngạch công chức, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Báo cáo cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc như: Kế hoạch bồi dưỡng hàng năm thường được ban hành quá chậm; Số lượng tham gia các lớp bồi dưỡng còn ít, ý thức học tập chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả lớp học; Nhu cầu đao tạo cao cấp lý luận chính trị còn rất lớn, tuy nhiên, chỉ tiêu Bộ Tư pháp được phân bổ còn hạn chế; Kinh phí để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành Thi hành án dân sự tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được so với yêu cầu đề ra,…
Sau khi nghe Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ về nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Ngành Tư pháp năm 2013, các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhất trí với nội dung của Báo cáo. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng ý thức của một số cán bộ, công chức, viên chức được đơn vị cử đi tham gia các lớp học còn kém, do đó mới xảy ra tình trạng danh sách đăng ký đi học rất đông, song thực tế số lượng học viên tham gia lớp học và theo học đến lúc bế giảng chưa đạt 50% so với đăng ký ban đầu. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà còn gây ra tình trạng lãng phí, tốn kém. Trước tình trạng đó, các đại biểu kiến nghị cần có biện pháp “chế tài” đối với các cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học mà không theo học như: Yêu cầu đơn vị cử cán bộ đi học phải có trách nhiệm đối với số tiền học phí; thủ trưởng các đơn vị cần thường xuyên đôn đốc, sát sao nắm bắt thông tin về tình hình học tập của các cán bộ được cử đi học, gắn kết quả học tập với công tác bình xét thi đua cuối năm.
Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ đã Báo cáo về dự kiến Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Ngành Tư pháp năm 2014. Theo Kế hoạch dự kiến này, trong năm 2014, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên ở trong nước, đồng thời với việc đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Một số lớp dự kiến không đưa vào Kế hoạch gồm: Khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; Khóa đào tạo nghiệp vụ lý lịch tư pháp; Lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến dự kiến Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Ngành Tư pháp năm 2014, các đại biểu tham dự cuộc họp hầu hết đều nhất trí với dự kiến mà Vụ Tổ chức cán bộ đã đề xuất. Một số đại biểu đề nghị trong năm 2014 để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đề nghị Học viện Tư pháp, các trường Trung cấp Luật cũng như các đơn vị chuyên môn chủ trì thực hiện cần: Có kế hoạch rà soát lại toàn bộ tài liệu, giáo trình đã biên soạn để tránh sự trùng lặp; Có kế hoạch duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy và giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng trước khi khai giảng các lớp học; Kết thúc khóa đào tạo, bồi dưỡng, đề nghị các đơn vị chủ trì có Báo cáo tổng quan đánh giá hiệu quả, chất lượng của khóa học, rút ra những bài học kinh nghiệm để việc tiến hành đào tạo, bồi dưỡng đạt chất lượng tốt hơn.
Kết thúc cuộc họp,Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã kết luận một số vấn đề chính mang tính nguyên tắc như sau:
1. Giao cho Học viện Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho các chức danh Tư pháp như: Thư ký thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Lý lịch tư pháp, Đấu giá viên, Trọng tài viên, Luật sư, Công chứng viên,…; chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành;
2. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Tư pháp tổ chức cần tập trung vào các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ. Các cán bộ tư pháp địa phương do địa phương chịu trách nhiệm. Bộ chỉ xem xét hỗ trợ kinh phí cho những đia phương thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Đối với cán bộ ngoài Ngành Tư pháp muốn tham gia lớp học cần tự trang trải học phí, chi phí theo học;
3. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng phải nâng cao ý thức học tập. Trường hợp đã đăng ký nhưng không tham gia lớp học hoặc bỏ học giữa chừng thì đơn vị cử cán bộ đi học phải có trách nhiệm bồi hoàn lại các chi phí học tập; đồng thời gắn với việc bình xét thi đua cuối năm của cá nhân đó;
4. Các đơn vị có Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2014 đã được phê duyệt phải quán triệt, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ mà kế hoạch đặt ra. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, đề nghị đưa vào bình xét thi đua cuối năm của đơn vị đó;
5. Đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ cân nhắc, bổ sung thêm Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính. Mặc dù, Cục Xử lý vi phạm hành chính chưa thành lập, song nhiệm vụ quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, vì vậy, cần được quan tâm bồi dưỡng;
6. Vụ Tổ chức cán bộ cần nghiên cứu xây dựng Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp để hoạt động này được triển khai hàng năm hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của việc nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ tư pháp, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của Ngành.
Như Quỳnh