Abstract: In civil cases, the court fee is a sanction, an essential tool contributing to improving the sense of law enforcement for the people. In addition, the court fee generated revenue for the state budget and also as an “economic measure” to reduce undue disputes. However, the guidance of the Supreme People's Court on the application of court charges for divorce was not in accordance with the law and caused some consequences.
Trong các vụ án dân sự, án phí chính là chế tài, là công cụ thiết yếu góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Ngoài ra, án phí cũng tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cũng là “biện pháp kinh tế” làm giảm các tranh chấp không đáng có xảy ra trên thực tế. Nếu án phí dân sự được áp dụng đúng pháp luật thì người dân thấy được những chế tài nghiêm minh của pháp luật, cũng như tính công bằng, bình đẳng của pháp luật; góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân vào hệ thống pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc áp dụng mức tính án phí thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật về án phí là rất cần thiết. Thi hành Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (Nghị quyết số 326), các Tòa án địa phương áp dụng pháp luật về án phí trong trường hợp thuận tình ly hôn chưa thống nhất, còn nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 về việc thống nhất áp dụng quy định về án phí trong vụ án hôn nhân (Công văn số 72). Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng các đơn vị Tòa án nhân dân tối cao tổ chức quán triệt tới các thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký trong cơ quan, đơn vị mình và Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để áp dụng thống nhất theo đúng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 01). Cụ thể, trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định). Căn cứ vào nội dung hướng dẫn như trên của Tòa án nhân dân tối cao thì khi nộp đơn khởi kiện trong một vụ án xin ly hôn, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí bằng với mức án phí không có giá ngạch là 300.000 đồng[1]. Nếu trong vụ án này, các đương sự thỏa thuận thuận tình ly hôn và các vấn đề khác trong vụ án trước khi mở phiên tòa (tức là hòa giải thành) thì mỗi bên (bên nguyên đơn và bên bị đơn) phải chịu 25% mức án phí quy định. Tổng mức án phí hai bên phải chịu là 50% mức án phí không giá ngạch. Như vậy, trong trường hợp này, nếu tính theo mức án phí của Nghị quyết số 326, bên nguyên đơn (bên người nộp đơn khởi kiện) phải chịu 75.000 đồng án phí, bên bị đơn phải chịu 75.000 đồng án phí. Do khi khởi kiện, bên nguyên đơn đã nộp 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí, nên họ được hoàn lại 225.000 đồng tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, để thuận tiện việc thi hành án, thông thường thẩm phán trực tiếp hòa giải thuận tình ly hôn luôn vận động cho bên nguyên đơn chịu toàn bộ án phí, bên bị đơn không phải chịu án phí[2]. Do đó, trong trường hợp này, nguyên đơn tự nguyện 150.000 đồng, nhưng nguyên đơn đã nộp 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí nên được hoàn lại 150.000 đồng, bị đơn không phải chịu án phí ly hôn. Nếu các Tòa án địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao như trên thì việc hoàn 150.000 đồng tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn rất khó khăn, làm phát sinh thêm việc cho cơ quan thi hành án dân sự; làm thất thoát khoản thu của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hướng dẫn theo Nghị quyết số 01 đã không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về án phí.
Dưới đây, tác giả xin phân tích một số vấn đề liên quan đến giải quyết thuận tình ly hôn để chứng minh hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về án phí thuận tình ly hôn là trái luật:
Về các hình thức giải quyết thuận tình ly hôn tại Tòa án, xét về lý luận và thực tiễn thì thuận tình ly hôn được giải quyết tại Tòa án bằng hai hình thức giải quyết khác nhau: (i) Hai bên đương sự cùng yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một việc dân sự, cả hai vợ chồng đều thuận tình ly hôn trước khi đến nộp đơn tại Tòa án, cả hai vợ chồng cùng đứng đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Khi nộp đơn yêu cầu tại Tòa án thì các đương sự phải nộp “tạm ứng lệ phí” và phải “chịu lệ phí” giải quyết việc dân sự theo quy định của pháp luật. (ii) Trong một vụ án ly hôn do một bên vợ hoặc chồng nộp đơn khởi kiện ly hôn với bên kia. Thời điểm trước khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án thì hai bên chưa thuận tình ly hôn, nhưng sau khi một trong hai bên nộp đơn khởi kiện xin ly hôn, Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải, tại buổi hòa giải thì bên còn lại cũng đồng ý ly hôn và hai bên cùng thỏa thuận thuận tình ly hôn và các vấn đề khác trong vụ án đó, thì thẩm phán sẽ ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, người khởi kiện phải “nộp tạm ứng án phí” và phải “chịu án phí” theo quy định của pháp luật.
Về trình tự, thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn bằng việc dân sự và cách áp dụng lệ phí thuận tình ly hôn:
- Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án (Pháp lệnh số 10): Các đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì phải nộp đơn theo quy định tại Điều 28, Điều 311, 312 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Khi nộp đơn yêu cầu thì hai vợ chồng cùng phải nộp mức tạm ứng lệ phí là 200.000 đồng[3]. Sau khi nộp đơn và nộp tiền lệ phí theo quy định, Tòa án sẽ tiến hành mở phiên họp giải quyết việc dân sự để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các đương sự; trong trường hợp này, nếu Tòa án chấp nhận nghĩa là giải quyết công nhận đương sự thuận tình ly hôn thì cả hai vợ chồng cùng phải chịu 200.000 đồng lệ phí dân sự sơ thẩm[4].
- Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 326, các đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một việc dân sự công nhận thuận tình ly hôn theo thủ tục quy định tại Điều 396 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, khi nộp đơn yêu cầu thì cả hai vợ chồng là người yêu cầu và cả hai vợ chồng phải nộp 300.000 đồng tiền lệ phí[5]. Trong trường hợp này, khi Tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ, cả hai vợ chồng đều đồng ý đoàn tụ thì thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ. Nhưng khi hòa giải đoàn tụ không thành thì thẩm phán ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, việc ban hành quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự trong trường hợp này tương đồng với việc Tòa án tiến hành mở phiên họp và chấp nhận yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của người yêu cầu, nên mức lệ phí mà hai vợ chồng phải chịu là 300.000 đồng[6]. Mặt khác, nếu hai bên yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nhưng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí thì mỗi bên phải chịu 50% mức lệ phí Tòa án[7] (mỗi bên phải chịu 150.000 đồng, tổng mức lệ phí hai vợ chồng phải chịu là 300.000 đồng).
Từ hai trường hợp, cả hai người yêu cầu cùng phải nộp tạm ứng lệ phí và cùng chịu mức lệ phí bằng mức án phí không có giá ngạch, nghĩa là khi thuận tình ly hôn được giải quyết bằng thủ tục giải quyết việc dân sự, mỗi bên phải chịu 50% lệ phí, tổng mức hai bên phải chịu là 100% lệ phí.
Về cách tính án phí thuận tình ly hôn trong vụ án ly hôn:
Khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”. Quy định này là quy định được kế thừa từ các quy định trước đó quy về án phí, lệ phí Tòa án[8].
Trên thực tiễn, khi áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, khoản 3 Điều 17 Nghị định số 70-CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án (có hiệu lực đến khi Pháp lệnh số 10 có hiệu lực pháp luật), thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí bằng mức không có giá ngạch là 50.000 đồng, nếu trong quá trình giải quyết vụ án, hai bên thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa mức án phí sơ thẩm, tức là mỗi bên chịu 50% mức án phí sơ thẩm. Tổng mức án phí các đương sự phải chịu trong trường hợp này là 100%, trong khi đó, các vụ án dân sự khác nếu hòa giải thành trước khi mở phiên tòa thì các đương sự chỉ chịu tổng cộng 50% án phí[9]. Do vậy, mức án phí thuận tình ly hôn được xem là trường hợp riêng khác với mức án phí dân sự thông thường.
Khi Pháp lệnh số 10 có hiệu lực thi hành thì trong thời gian đầu, các Tòa án địa phương vẫn áp dụng mức án phí thuận tình ly hôn như khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định, mỗi bên phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm. Nghĩa là trong vụ án ly hôn tại thời điểm đó, người khởi kiện ly hôn phải nộp 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí (mức án phí không có giá ngạch), trong quá trình giải quyết vụ án, nếu các đương sự thuận tình ly hôn thì mỗi bên chịu là 50% mức án phí, tức là mỗi bên phải chịu 100.000 đồng án phí, do bên nguyên đơn đã nộp 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí nên được hoàn lại 100.000 đồng tiền tạm ứng, bị đơn phải nộp 100.000 đồng tiền án phí. Tổng số tiền phải thu nộp vào ngân sách là 200.000 đồng.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng theo quy định này thì khi Tòa án chuyển quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự cho cơ quan thi hành án để thi hành quyết định đó, cơ quan thi hành án sẽ hoàn lại cho bên nguyên đơn 100.000 đồng tiền tạm ứng án phí, đồng thời lập hồ sơ thi hành án để tiến hành thu 100.000 đồng án phí đối với bị đơn theo quy định của pháp luật. Việc này làm tốn công sức của cơ quan thi hành án, do đó, khi hòa giải thuận tình ly hôn, thẩm phán thường vận động, giải thích cho nguyên đơn tự nguyện chịu thay phần án phí của bị đơn, nghĩa là nguyên đơn tự nguyện chịu 200.000 đồng án phí và bị đơn không phải chịu án phí nhưng vẫn đảm bảo tổng số tiền án phí thu nộp ngân sách vẫn là 200.000 đồng.
Sau thời gian đầu áp dụng cách tính án phí thuận tình ly hôn như trên nhưng khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh số 10 quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn”. Như vậy, Pháp lệnh số 10 đã bỏ quy định “trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”, nên lúc này việc áp dụng án phí thuận tình ly hôn xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01 để hướng dẫn Pháp lệnh số 10. Theo đó, khoản 2 Điều 16 của Nghị quyết số 01 đã hướng dẫn: “Trong vụ án ly hôn mà các đương sự thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 90 của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì được xem là các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên Tòa theo quy định tại khoản 11 Điều 27 của Pháp lệnh và các đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định)”, như vậy, mỗi bên vợ, chồng chịu 50.000 đồng án phí, tổng cộng hai vợ chồng chịu 100.000 đồng án phí, tương ứng mức án phí các đương sự phải chịu là 50% án phí. Trong trường hợp này, nguyên đơn sẽ được khấu trừ 50.000 đồng vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp nên được hoàn lại 150.000 đồng tiền tạm ứng án phí. Đồng thời, bị đơn phải nộp 50.000 đồng án phí.
Có thể nhận thấy, Pháp lệnh số 10 bỏ quy định cụ thể là “trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”, không còn xem trường hợp thuận tình ly hôn là trường hợp đặc biệt như quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 là trái với đạo luật gốc vì các quy định về án phí phải dựa trên các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Sau khi Pháp lệnh số 10 có hiệu lực, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01 hướng dẫn cách tính án phí thuận tình ly hôn như đã nêu trên. Chính quy định này đã làm triệt tiêu đi trường hợp thuận tình ly hôn bằng thủ tục việc dân sự tại thời điểm đó vì:
- Trong thủ tục yêu cầu giải quyết thuận tình ly hôn bằng việc dân sự, mỗi người yêu cầu phải nộp 100.000 đồng tạm ứng, tổng mức tạm ứng lệ phí là 200.000 đồng[10]. Sau đó, Tòa án tiến hành thủ tục mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của hai vợ chồng, Tòa án đã chấp nhận đơn yêu cầu và mỗi người phải chịu 100.000 đồng lệ phí. Tổng số tiền mà hai vợ chồng phải nộp vào ngân sách nhà nước là 200.000 đồng.
- Trong khi đó, trường hợp thuận tình ly hôn bằng một vụ án ly hôn thì mỗi bên chịu 25% án phí, tức là 50.000 đồng, tổng mức án phí hai bên phải chịu là 100.000 đồng. Như vậy, nếu thuận tình ly hôn bằng một vụ án thì đương sự sẽ ít tốn kém hơn 100.000 đồng.
Xuất phát từ những bất cập của Pháp lệnh số 10 và Nghị quyết số 01 nên Nghị quyết số 326 đã khôi phục lại tính chất đặc biệt của án phí thuận tình ly hôn theo đúng quy định gốc của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 đã quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”. Quy định này là kế thừa từ những quy định về án phí, lệ phí theo khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; khoản 3 Nghị định số 117-CP ngày 07/9/1994 về án phí và lệ phí Tòa án; khoản 3 Điều 11 Nghị định số 70-CP ngày 12/6/1997 về án phí và lệ phí Tòa án và theo khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; nó khác hoàn toàn so với quy định tại Pháp lệnh số 10. Do đó, những nội dung hướng dẫn tại Pháp lệnh số 10 sẽ không có giá trị hướng dẫn thi hành đối với Nghị quyết số 326.
Mặt khác, một số ý kiến lại cho rằng, việc áp dụng án phí thuận tình ly hôn như hiện nay vẫn còn mâu thuẫn nhau do khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326 (nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm) và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 (nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể) là “đá nhau”, khiến tòa này hiểu đương sự ly hôn chỉ nộp 75.000 đồng án phí, tòa kia lại cho rằng phải nộp 150.000 đồng… dẫn đến việc áp dụng pháp luật về án phí đối với trường hợp thuận tình ly hôn không thống nhất. Theo tác giả, hai quy định này không hề mâu thuẫn nhau vì khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326 là quy định về nghĩa vụ chịu án phí đối với các vụ án dân sự nói chung, nó được hiểu là dân sự nghĩa rộng, còn quy định tại điểm a khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326 là quy định riêng cho từng trường hợp cụ thể mang tính chất đặc thù chỉ được áp dụng đối với các vụ án ly hôn và thuận tình ly hôn. Do đó, khi áp dụng pháp luật, nếu trường hợp nào có quy định riêng thì chúng ta phải ưu tiên áp dụng quy định pháp luật đó, trường hợp nào không có quy định riêng, đặc thù thì chúng ta áp dụng quy định chung.
Từ những phân tích như trên cho thấy rằng, Pháp lệnh số 10 ban hành là văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, những quy định về án phí thuận tình ly hôn tại Pháp lệnh số 10 phải đảm bảo đầy đủ, đúng với đạo luật gốc (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004) nhưng Pháp lệnh số 10 lại bỏ sót quy định “trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm” do đạo luật gốc quy định. Vậy việc bỏ sót này là một sai sót lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc áp dụng án phí thuận tình ly hôn trong thời gian dài, nó dẫn đến việc công tác thi hành án dân sự vốn đã quá tải, càng trở nên quá tải hơn, mặt khác, với quy định này đã làm tốn kém chi phí thi hành án, tốn kém chi phí hoàn tiền tạm ứng cho đương sự, làm thất thoát khoản thu vào ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 326 được ban hành đã bảo đảm được sự phù hợp, tuy nhiên, do một số người thực thi pháp luật chưa nắm vững pháp luật nên còn lúng túng, chưa thống nhất quy định này, nên Tòa án nhân dân tối cao đã vội vàng ban hành Công văn số 72 để hướng dẫn. Việc hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao như Công văn số 72 là chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết số 326 và chưa phù hợp với các quy định pháp luật vì Nghị quyết số 01 là văn bản hướng dẫn Pháp lệnh số 10, trong khi đó, giữa Pháp lệnh số 10 và Nghị quyết số 326 có quy định khác nhau nên không thể lấy Nghị quyết số 01 để hướng dẫn Nghị quyết số 326 được. Từ những bất cập, vướng mắc như đã nêu trên, thiết nghĩ Tòa án nhân dân tôi cao cần thu hồi Công văn số 72; đồng thời khẩn trương nghiên cứu văn bản hướng dẫn về trường hợp này theo hướng “trong trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí” phù với quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 326.
Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005