Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhận được câu hỏi của quý bạn đọc và đã chuyển đến luật sư nghiên cứu, tư vấn. Trên cơ sở thông tin bạn cung cấp, luật sư trả lời quý bạn đọc như sau:
Theo chúng tôi, lịch trình của chuyến đi là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng đã ký kết, việc thay đổi nội dung cơ bản của hợp đồng phải là hành động chung của những người có thẩm quyền ký kết hợp đồng.
Trong trường hợp này, hướng dẫn viên du lịch đã căn cứ điểm d khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017: “Trong trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng, được quyền thay đổi chương trình du lịch, điều chỉnh tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch” để thay đổi lịch trình của khách hàng mà không báo cáo với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành (Công ty SB). Tuy nhiên, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017, hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ: “Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu”.
Việc tự ý thay đổi lịch trình mà không báo cáo trước sẽ gây ảnh hưởng đến các dịch vụ đi kèm phía sau như vấn đề lưu trú, thanh lý hợp đồng... Bên cạnh đó, việc hướng dẫn viên du lịch tự ý thay đổi hành trình trong tình huống này sẽ có thể là căn cứ gây bất lợi cho Công ty SB trong trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng du lịch lữ hành với Công ty TNHH AP.
Trong trường hợp này, đánh giá hành vi của hướng dẫn viên là đúng hay sai, phụ thuộc vào tình huống phát sinh “mưa bão, thời tiết xấu” có phải là tình huống bất khả kháng hay không?
Căn cứ vào tình hình phát triển khoa học - kỹ thuật ngày nay, việc dự báo thời tiết trước từ 02 - 05 ngày có tỷ lệ chính xác cao, do đó, theo quan điểm của chúng tôi, tình huống mưa bão và thời tiết xấu hoàn toàn có thể dự kiến và lường trước được kể từ khi cập nhật được dự báo thời tiết. Do đó, trong khoảng thời gian từ 02 - 05 ngày thì khách hàng hoàn toàn có thể yêu cầu thay đổi lịch trình với Công ty SB để trải nghiệm chuyến đi được tốt nhất. Trong tình huống này, việc mưa bão và thời tiết xấu có thể lường trước và khắc phục được nhưng khách du lịch không liên hệ với Công ty SB để thay đổi lịch trình. Theo dữ kiện được nêu, tình huống thời tiết chỉ làm cho việc vãng cảnh của khách du lịch không được thoải mái như khi thời tiết tốt, tầm nhìn thoáng đãng, chứ không phải là không thể di chuyển ra vị trí hoặc khu vực vãng cảnh. Vì vậy, đây chưa phải là trường hợp bất khả kháng được quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, trong tình huống này, hướng dẫn viên sẽ có nghĩa vụ báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành (Công ty SB) về quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu theo điểm d khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch năm 2017. Vì vậy, hành động tự mình quyết định ngay việc thay đổi lịch trình mà không báo cáo người phụ trách trong tình huống này là sai.
Công ty Luật TNHH Bảo Lâm