Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, công tác giáo dục mầm non của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 03 đến 04 tuổi chưa được tiếp cận giáo dục; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non còn hạn chế; chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non...
Hiện, Luật Giáo dục năm 2019 chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 05 tuổi, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, trẻ em mẫu giáo, cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết các vấn đề phức tạp, trong khi đó, yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, trẻ em mẫu giáo đã được đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới và Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Do đó, việc ban hành Nghị quyết Quốc hội là cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập giáo dục mầm non, trẻ em mẫu giáo theo yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu “hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030”.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại cuộc họp
Dự thảo Nghị quyết được áp dụng cho cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục mầm non; các tổ chức, cá nhân có liên quan và trẻ em trong độ tuổi từ 03 đến 05 tuổi. Nội dung dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 03 nhóm chính sách lớn, cụ thể: (i) nhóm chính sách 1: ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, bảo đảm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến các cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non; (ii) chính sách 2: chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; (iii) chính sách 3: đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.
Đại biểu trao đổi tại cuộc họp
Trao đổi về nội dung dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung sau: (i) rà soát lại nội dung dự thảo Nghị quyết do có nhiều chính sách không thuộc thẩm quyền của Quốc hội như chính sách về hỗ trợ ăn trưa (hiện nay đang thực hiện theo các nghị định của Chính phủ); chính sách đối với trẻ em mẫu giáo, cụ thể là việc bổ sung đối tượng trẻ em là con công nhân, người lao động (hiện đang được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non...; (ii) cân nhắc chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non trong dự thảo Nghị quyết do nội dung này đang bị trùng với chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo, dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Luật Giáo dục năm 2019. Trong trường hợp Nghị quyết này được thông qua, cần lược bỏ những nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo; (iii) nghiên cứu bổ sung đối tượng trẻ em là con quân nhân đang học tập tại các trường mầm non trong quân đội; (iv) rà soát nội dung dự thảo Nghị quyết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước quyền trẻ em, Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về quyền của người khuyết tật...; (v) tại Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa ra dẫn chứng về một số nước trong khu vực châu Á thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, trẻ em mẫu giáo, tuy nhiên, các nước được đề cập đến đều là các nước phát triển mà Việt Nam lại không thuộc trong nhóm các nước phát triển, mà thuộc nhóm các nước đang phát triển. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các nước đang phát triển, có điều kiện tương đồng với Việt Nam thuộc khu vực châu Á; (vi) căn cứ để ban hành dự thảo Nghị quyết đang sử dụng các luật đã cũ, vì vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cập nhật các luật mới được ban hành trong năm 2025; (vii) cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc cách diễn đạt Điều 3 dự thảo Nghị quyết do tên điều luật đang có sự trùng lặp với Nghị quyết; nội dung khoản 1 về phạm vi điều chỉnh đã được nêu tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết; cách diễn đạt khoản 2 chưa phù hợp với nội dung Nghị quyết...
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Luật Giáo dục năm 2019 thay vì xây dựng dự thảo Nghị quyết, theo đó, sửa đổi khoản 1 Điều 14 Luật Giáo dục năm 2019 theo hướng “Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 03 đến 04 tuổi hoặc từ 03 đến 05 tuổi” thay vì “05 tuổi”, đối với các chính sách khác tại dự thảo Nghị quyết nghiên cứu đưa vào nội dung sửa đổi Nghị định số 105/2020/NĐ-CP hoặc ban hành các nghị định khác của Chính phủ trong trường hợp thấy cần thiết. Về quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng cho biết, nội dung các chính sách hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết đã được quy định tại Điều 27, Điều 77 Luật Giáo dục năm 2019 và dự án Luật Nhà giáo cũng đang quy định một số chính sách đối với nhà giáo tại các điều 25, 26, 27, 29, do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu lại nội dung điều luật này. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá trong Tờ trình xây dựng Nghị quyết về tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước về quyền của người khuyết tật.
Thùy Dung