Trong bài viết này, tác giả Vũ Hoàng đã đi sâu phân tích thực trạng hủy phán quyết trọng tài thương mại theo pháp luật Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về hủy phán quyết trọng tài thương mại ở Việt Nam, cụ thể: (i) Hoàn thiện pháp luật về hủy phán quyết của trọng tài thương mại; (ii) Việc áp dụng các căn cứ hủy phán quyết trọng tài phải gắn với việc áp dụng quy định tại Điều 13, khoản 4 Điều 63, khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại; (iii) Loại bỏ trường hợp các bên tranh chấp lợi dụng tính không minh bạch của các căn cứ hủy phán quyết trọng tài để đưa ra yêu cầu hủy phán quyết.
1. Thực trạng hủy phán quyết trọng tài thương mại theo pháp luật Việt Nam hiện nay
Phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp được nêu trong đơn kiện, làm chấm dứt tố tụng trọng tài và có giá trị chung thẩm ràng buộc đối với các bên. Theo thông lệ quốc tế, hủy phán quyết trọng tài là một thủ tục pháp lý do Tòa án thực hiện nhằm xem xét lại phán quyết trọng tài được ban hành có tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục xét xử của trọng tài thương mại theo luật định. Một trong các bên tranh chấp được quyền yêu cầu Tòa án xem xét lại phán quyết trọng tài nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng, Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp bị hủy theo quy định của pháp luật. Việc hủy phán quyết trọng tài cũng phải tuân theo trình tự và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
Ở Việt Nam, quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được quy định tại Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp có thể hủy phán quyết trọng tài thì có thể làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là có căn cứ và hợp pháp. Theo Điều 70 Luật Trọng tài thương mại, đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải có các nội dung và tài liệu kèm theo đơn như: (a) Bản chính hoặc bản sao phán quyết trọng tài đã được chứng thực hợp lệ; (b) Bản chính hoặc bản sao thỏa thuận trọng tài đã được chứng thực hợp lệ.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng phân chia nghĩa vụ chứng minh về căn cứ hủy thành hai trường hợp: (i) Đối với các căn cứ tại khoản a, b, c và d khoản 2 Điều 68, bên yêu cầu hủy có nghĩa vụ chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài; (ii) Đối với các căn cứ tại khoản đ khoản 2 Điều 68, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài. Các tài liệu, chứng cứ phải gửi kèm theo đơn yêu cầu được quy định chi tiết tại Ðiều 70 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Phán quyết trọng tài sẽ bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; (ii) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại; (iii) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị hủy; (iv) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; (v) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tính đến hết tháng 01/2019, toàn quốc hiện có 23 Trung tâm trọng tài thương mại với số trọng tài viên là trên 460 người và được phân bố không đồng đều tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk. Số vụ việc tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại có xu hướng tăng lên (khoảng gần 500 vụ/năm 2018) nhưng vẫn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu thực tiễn, chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được Tòa án thụ lý, xét xử hàng năm. Trong khi đó, những năm gần đây, tranh chấp quốc tế đang có xu hướng giảm, ngược lại tranh chấp trong nước hiện chiếm khoảng 70% và có xu hướng gia tăng, nhất là ở các doanh nghiệp FDI[1].
Mặc dù trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn có nhiều ưu điểm, song không ít ý kiến cho rằng, họ e ngại việc phán quyết của trọng tài bị Tòa án hủy. Theo ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, từ năm 2003 đến năm 2011, trong số 26 vụ yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài, thì chỉ có 9 phán quyết bị hủy, chiếm 34,6% tổng số vụ tranh chấp yêu cầu hủy. Từ năm 2011 đến năm 2014, sau khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực, có 20 yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của VIAC thì có đến 10 phán quyết được Tòa án chấp nhận hủy, chiếm 50% trong tổng số vụ tranh chấp yêu cầu Tòa án hủy[2]. Thông tin cụ thể hơn về số vụ việc phán quyết trọng tài bị hủy tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Tòa kinh tế, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho biết: Năm 2015, cơ quan này đã thụ lý 07 vụ; năm 2016 là 11 vụ; năm 2017 với 14 vụ; riêng 6 tháng đầu năm 2018 thụ lý 5 vụ. Trong đó, yêu cầu về khiếu nại thẩm quyền của Hội đồng trọng tài là 04 vụ việc, yêu cầu hủy phán quyết là 26 vụ và công nhận cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là 07 vụ[3].
Việc số lượng phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy có xu hướng tăng khiến cho không chỉ cộng đồng doanh nghiệp hoang mang, mà ngay chính các trọng tài viên cũng “đứng ngồi không yên”. Do tình trạng số lượng phán quyết trọng tài bị hủy cao, khiến các trọng tài viên lo lắng việc “xử mà không biết phán quyết có bị hủy hay không”. Đây là thực trạng cần khắc phục, vì bản chất Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là tạo hành lang pháp lý cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phát triển, nhưng thực tế thì đang đi ngược lại do số phán quyết trọng tài bị tuyên hủy, thậm chí còn nhiều hơn so với giai đoạn trước.
2. Hoàn thiện thể chế pháp luật về hủy phán quyết trọng tài thương mại ở Việt Nam
Qua thực tiễn thực hiện cho thấy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã bộc lộ những bất cập gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và uy tín của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Cụ thể: (i) Phạm vi điều chỉnh của Luật chưa được thể hiện rõ ràng, nhất quán, tạo ra những khó khăn, vướng mắc khi xác định thẩm quyền của Trọng tài; (ii) Trên thực tế, số vụ việc hòa giải thành công khá cao, tạo ảnh hưởng tích cực trong hoạt động thương mại, tuy nhiên, các quy định về hòa giải, thỏa thuận trọng tài trong Luật còn quá sơ sài. Các trung tâm trọng tài hiện nay phần lớn vẫn chưa có quy tắc hòa giải riêng, việc hòa giải đơn thuần dựa trên kinh nghiệm và kỹ năng của trọng tài viên. Bên cạnh đó, quy định cụ thể về nội dung của thỏa thuận trọng tài cũng chưa được làm rõ. Qua các trường hợp hủy phán quyết trọng tài cho thấy, nhiều phán quyết bị hủy do nội dung thỏa thuận không rõ ràng; (iii) Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng không quy định về thời hạn giải quyết vụ tranh chấp (thời gian từ khi hội đồng trọng tài được thành lập đến khi ra phán quyết trọng tài); không quy định rõ ràng về biện pháp khẩn cấp tạm thời; về nội dung trong kết quả giải quyết tranh chấp của Trọng tài... Bởi vậy, cần quan tâm hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại phát triển mạnh mẽ, hạn chế tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật để hủy phán quyết của trọng tài thương mại, theo đó:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về hủy phán quyết của trọng tài thương mại
Cần có quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, điều này sẽ tạo điều kiện tốt cho các chủ thể liên quan và các bên tham gia tranh chấp xác định đúng về thẩm quyền của trọng tài thương mại. Trong thủ tục tố tụng, cần xác định chỉ khi các bên hòa giải không thành công, Hội đồng trọng tài mới đưa vụ tranh chấp ra giải quyết. Bổ sung quy định về nội dung thỏa thuận trọng tài, như các quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, về chi phí, lệ phí trọng tài, ngôn ngữ, quy phạm văn bản, quy tắc tố tụng, cam kết thực hiện phán quyết trọng tài…
Về thời gian tiến hành tố tụng trọng tài, cẩn bổ sung thêm quy định thời gian giải quyết tranh chấp từ khi Hội đồng trọng tài được thành lập cho đến khi ra phán quyết trọng tài. Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Hội đồng trọng tài thực hiện biện pháp khẩn cấp thạm thời mà không gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi các bên, cần có quy định cụ thể về những hành vì nào thì được coi là bất lợi đối với quá trình tố tụng trọng tài.
Thứ hai, việc áp dụng các căn cứ hủy phán quyết trọng tài phải gắn với việc áp dụng quy định tại Điều 13, khoản 4 Điều 63, khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại
Khi áp dụng các căn cứ hủy phán quyết trọng tài được quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, thì phải hiểu sâu sắc rằng, tố tụng trọng tài có rất nhiều điểm khác biệt với tố tụng dân sự tại Tòa án. Nếu không nắm vững tính đặc thù đó, rất dễ xét xử lại vụ tranh chấp hoặc có những trường hợp vi phạm Luật Trọng tài thương mại, vi phạm thỏa thuận trọng tài…, nhưng vi phạm đó không còn là căn cứ để hủy phán quyết. Ví dụ như, việc đã mất quyền phản đối được quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại.
Trong nhiều trường hợp, tố tụng trọng tài là do đương sự lựa chọn hoặc do các bên thỏa thuận. Mối quan hệ giữa Hội đồng trọng tài và các bên trong tranh chấp (quyền và nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài và các bên trong một vụ việc cụ thể có thể là mối quan hệ hợp đồng). Do đó, các bên có thể tự do thỏa thuận bằng văn bản (thỏa thuận trọng tài, quy tắc trọng tài hay thỏa thuận riêng của các bên...) hoặc bằng hành vi cụ thể (biết nhưng im lặng và không phản đối) đối với tất cả các quyền và nghĩa vụ đó trong giới hạn pháp luật áp dụng cho phép. Vì vậy, biết vi phạm mà không phản đối trong thời hạn thì được coi là các bên đã lựa chọn, đã đồng ý về thành phần, về tố tụng, về thẩm quyền… của trọng tài. Nó khác hẳn với tố tụng dân sự là tố tụng luật định. Về xử lý sai sót của phán quyết, giữa tố tụng dân sự và tố tụng trọng tài cũng rất khác nhau. Trong tố tụng dân sự, nếu thẩm phán, Hội đồng xét xử đã công bố, đã phát hành phán quyết, dù thẩm phán, Hội đồng xét xử tự phát hiện ra sai sót hoặc thông qua khiếu nại, kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân, thì thẩm phán, Hội đồng xét xử không tự mình sửa chữa sai sót đó, trừ trường hợp sai sót về lỗi chính tả, tính nhầm. Tùy theo phán quyết đó đã có hiệu lực pháp luật hay chưa có hiệu lực pháp luật, việc sửa chữa sai sót đó sẽ do Tòa án ở cấp cao hơn thực hiện theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Trong tố tụng trọng tài, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành, không có trình tự xét xử phúc thẩm và không có trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 63 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết, một bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi trong phán quyết và phải thông báo ngay cho bên kia biết. Nếu Hội đồng trọng tài cho rằng yêu cầu này là chính đáng, thì ra phán quyết bổ sung trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”[4]. Thậm chí, khi Tòa đã thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của đương sự, nhưng theo quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại thì: “Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài. Hội đồng trọng tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng. Trường hợp Hội đồng trọng tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”[5].
Có thể thấy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt Luật Trọng tài thương mại là ý chí của các bên có vai trò rất lớn trong hoạt động của trọng tài; các bên đương sự là người kiến tạo nên thẩm quyền trọng tài (Điều 5), các bên có quyền quyết định chọn địa điểm giải quyết tranh chấp (Điều 11); đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài luật áp dụng cũng do các bên lựa chọn (Điều 14), thành phần Hội đồng trọng tài (Điều 39), hình thức trọng tài (khoản 5 Điều 43), thành phần phiên họp, trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp đối với trọng tài vụ việc cũng do các bên thỏa thuận (Điều 55)… Điều này cho thấy, trong tố tụng trọng tài, ý chí của các bên tranh chấp có vai trò chi phối, quyết định rất lớn. Do đó, khi một trong các bên phát hiện vi phạm của trọng tài mà không phản đối, được coi là các bên đã lựa chọn hoạt động đó. Mặt khác, mất quyền phản đối còn có ý nghĩa ngăn chặn sự lợi dụng kéo dài vụ kiện, đồng thời, còn đảm bảo nguyên tắc thiện chí trong giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong trường hợp một bên đã biết có vi phạm nhưng không phản đối, chỉ đến khi bị thua kiện tại trọng tài, không muốn bị ràng buộc bởi phán quyết trọng tài mới đưa ra căn cứ đó tại Tòa án. Vì vậy, điều rất đáng lưu ý đối với các thẩm phán, các Tòa án là trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật Trọng tài thương mại hoặc thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối. Trường hợp quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại, Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối thì bên đã mất quyền phản đối đó sẽ không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài hay yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của bên yêu cầu. Tuy nhiên, mất quyền phản đối chỉ áp dụng cho các bên đương sự trong vụ kiện, chứ không thể áp dụng cho những trường hợp phán quyết trọng tài xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích công, trật tự công… Vì vậy, khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để khẳng định phán quyết trọng tài đã xâm phạm lợi ích công, trật tự công, lợi ích của Nhà nước và đạo đức xã hội… thì Tòa án có quyền quyết định hủy phán quyết trọng tài ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối.
Thứ ba, loại bỏ trường hợp các bên tranh chấp lợi dụng tính không minh bạch của các căn cứ hủy phán quyết trọng tài để đưa ra yêu cầu hủy phán quyết
Trường hợp “phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, Nghị quyết 01/2014/NQ- HĐTP Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra phạm vi căn cứ là những nguyên tắc liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của trọng tài, như các bên đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; thỏa thuận đó không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, nhưng Hội đồng trọng tài không chấp nhận; Hội đồng trọng tài đã vi phạm một nguyên tắc quan trọng của tố tụng trọng tài. Chỉ trong những trường hợp này mới coi là phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, định đoạt. Đây là nguyên tắc tồn tại trong rất nhiều luật nội dung và luật hình thức, một nguyên tắc mang tính phổ quát.
Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam
[1]. http://bttp.moj.gov.vn/qt/Pages/trong-tai-tm.aspx.
[2]. https://lawnet.thukyluat.vn/posts/t2107-thuc-trang-huy-phan-quyet-cua-trong-tai-thuong-mai-hien-nay.
[3]. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-06-07/so-vu-giai-quyet-qua-trong-tai-van-chua-tao-duoc-nhieu-ky-vong-58411.aspx.
[4]. Tưởng Duy Lượng (2015), Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án và việc phân biệt thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài và Tòa án theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Tòa án nhân dân số 16.
[5]. Tưởng Duy Lượng (2015), Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án và việc phân biệt thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài và Tòa án theo quy định của Luật Trọng tài thương mại và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Tòa án nhân dân số 16.