Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý với 100% đại biểu có mặt tán thành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Đây là một trong những luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ban hành nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người thuộc diện chính sách và những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý, tạo bước chuyển biến căn bản trong sự nghiệp phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý.
1. Những kết quả đạt được
Ngay sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được thông qua, Bộ Tư pháp và các địa phương đã nhanh chóng ban hành kế hoạch, tổ chức quán triệt các nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý đến đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan có liên quan. Sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả như sau:
1.1. Công tác xây dựng thể chế
Công tác xây dựng thể chế về trợ giúp pháp lý được chú trọng và kịp thời triển khai, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trên cả nước.
- Ở Trung ương: Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 19 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bao gồm: 01 luật, 02 nghị định (Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã), 07 thông tư liên tịch, 08 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, 01 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đánh giá của các cơ quan, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý về cơ bản đã đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các vấn đề tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, các hoạt động nghiệp vụ…
- Ở địa phương: Công tác chỉ đạo, ban hành và tham mưu ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh/thành phố và các cơ quan hữu quan quan tâm thực hiện. Nhiều văn bản được ban hành góp phần nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý ở địa phương.
1.2. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các địa phương đã quan tâm sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tính đến ngày 31/12/2021, toàn quốc có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và 104 Chi nhánh. Hiện nay, tổng số biên chế được giao là 1.369 người, trong đó, số lượng người đang làm việc trong hệ thống trợ giúp pháp lý trên thực tế là 1.233 người (666 trợ giúp viên pháp lý, 406 chuyên viên pháp lý, 106 kế toán và nhân viên khác).
Như vậy, so với thời điểm trước khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực[1], tổng số biên chế được giao đã giảm 13 người (1.369/1.382), trong đó, giảm 08 người làm việc trên thực tế (do nghỉ hưu, nghỉ việc và chuyển công tác). Số Chi nhánh được giải thể, sáp nhập là 98 Chi nhánh.
1.3. Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trên cả nước đã thực hiện được 146.148 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 146.148 người được trợ giúp pháp lý, trong đó, có 77.707 vụ việc tư vấn pháp luật, 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, 1.334 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Trong đó, số lượng vụ việc tham gia tố tụng kết thúc tăng hàng năm, cụ thể: Năm 2018 là 11.860 vụ việc, năm 2019 là 13.428 vụ việc, năm 2020 là 16.168 vụ việc và năm 2021 là 20.868 vụ việc[2].
Trợ giúp viên pháp lý ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ đạo, nòng cốt trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân. Cụ thể:
Năm 2017, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 58% vụ việc trợ giúp pháp lý (46.148/79.186 vụ việc), trong đó, 55% vụ việc tư vấn pháp luật (37.543/68.010 vụ việc), 65% vụ việc tham gia tố tụng (7.839/10.058 vụ việc) và 85% vụ việc đại diện ngoài tố tụng (184/217 vụ việc). Sau 05 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 80% số vụ việc trợ giúp pháp lý (116.614/146.148 vụ việc), trong đó, thực hiện 77% vụ việc tư vấn pháp luật, 83% vụ việc tham gia tố tụng và 85% vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Tỷ lệ % số lượng trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng theo yêu cầu của Bộ Tư pháp tăng qua các năm, đặc biệt là số lượng trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tốt ngày càng tăng, năm 2021, tăng 152% so với năm 2017 (năm 2021 có 299 trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt, hơn 103 người so với năm 2017).
Số liệu trên cho thấy, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã định hướng công tác trợ giúp pháp lý, nhất là các trợ giúp viên pháp lý tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện trợ giúp pháp lý.
Chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao. Theo định hướng của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đã có chuyển biến rõ nét. Chất lượng, hiệu quả vụ việc được xác định căn cứ vào tiêu chí cụ thể (theo Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công). Hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. Đặc biệt, có nhiều vụ việc thành công, hiệu quả như: Người được trợ giúp pháp lý được tuyên không có tội hoặc được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân... Từ năm 2018 đến năm 2021, có 10.384 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, chiếm 18,3% tổng số vụ việc tham gia tố tụng trong giai đoạn này, trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 8.602 vụ việc, luật sư thực hiện 1.782 vụ việc.
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tích cực theo dõi các vụ việc thông qua báo chí, mạng xã hội và chỉ đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xác minh, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cho người được trợ giúp pháp lý khi họ có nhu cầu. Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý và công bằng trong xét xử, tạo niềm tin của người dân nói chung và người được trợ giúp pháp lý nói riêng vào tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước trên toàn quốc.
Công tác quản lý, thẩm định và đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý được quan tâm, chú trọng nhằm kiểm soát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đã cung cấp cho người dân. Về cơ bản, các vụ việc được thẩm định, đánh giá chất lượng đều đạt chất lượng, người dân hài lòng với chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý được cung cấp.
1.4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý
Theo số liệu thống kê của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ sau khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, có 88 trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm mới, 243 viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được cử tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, 178 người đã và đang tập sự trợ giúp pháp lý và 125 trợ giúp viên pháp lý được cử tham gia bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp viên chức theo các hạng.
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc nhằm đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân, hàng năm, Bộ Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, trong đó, tập trung vào các kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Ở địa phương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý của địa phương. 100% trợ giúp viên pháp lý hoàn thành nghĩa vụ tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý[3].
1.5. Công tác huy động các lực lượng xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
Việc huy động các lực lượng xã hội tham gia trợ giúp pháp lý được đẩy mạnh nhằm đa dạng hóa các chủ thể tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng theo tinh thần của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định nhằm bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (30 tổ chức hành nghề luật sư và 10 tổ chức tư vấn pháp luật) và 180 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp (146 tổ chức hành nghề luật sư và 34 tổ chức tư vấn pháp luật), có 663 luật sư và 38 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 1.764 vụ việc, trong đó, có 1.433 vụ việc tư vấn pháp luật, 324 vụ việc tham gia tố tụng và 07 vụ việc đại diện ngoài tố tụng[4]. Các vụ việc trợ giúp pháp lý do các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên.
1.6. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý
- Ở Trung ương: Nhằm tích cực lan tỏa hoạt động cũng như kết quả của công tác trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp chủ động phối hợp để xây dựng, phát sóng các phóng sự về công tác trợ giúp pháp lý theo chuyên đề, các phóng sự về vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, các thông điệp về trợ giúp pháp lý trên các kênh truyền hình trung ương, có nhiều người theo dõi như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2), Truyền hình Quốc hội…; tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý kết nối cộng đồng ở một số địa phương; thường xuyên duy trì Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý, chú trọng các bài nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, các tin bài theo những ngày lễ, kỷ niệm; cập nhật danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, đăng tải các bài viết trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp)...
- Ở địa phương: Đa số các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với các cơ quan, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...) để giới thiệu thông tin về trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên của các tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan báo chí để đăng tải các câu chuyện pháp luật trợ giúp pháp lý, nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, giải đáp các vướng mắc về pháp luật mà người dân thường gặp; một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xây dựng Trang thông tin điện tử riêng về trợ giúp pháp lý (Bình Định...) đăng tải các thông tin về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; một số địa phương xây dựng chuyên mục “Câu chuyện trợ giúp pháp lý” trên báo địa phương; xây dựng các phóng sự trợ giúp pháp lý phát trên đài truyền hình hoặc báo địa phương; tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở để trực tiếp truyền thông, hướng dẫn thông tin về trợ giúp pháp lý cho người dân; xây dựng các bảng tin, hộp tin, tờ rơi, tờ gấp về trợ giúp pháp lý; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý cao điểm để mừng các ngày lễ, kỷ niệm hàng năm; cập nhật danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp.
Nhìn chung, hoạt động truyền thông của địa phương đã có những đổi mới, đa dạng hơn về hình thức và các nội dung có tác động lớn đến xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, qua đó, người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin về trợ giúp pháp lý để biết và kịp thời sử dụng khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật.
1.7. Công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và quy định của các bộ luật, luật tố tụng liên quan, ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Thông tư liên tịch này khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tạo cơ chế để các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ hơn với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, giúp người bị buộc tội, đương sự, bị hại không bỏ lỡ cơ hội được trợ giúp pháp lý.
Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tiếp tục được thực hiện tương đối tốt. Theo số liệu báo cáo thống kê cho thấy, hiện nay, việc lắp đặt, kiểm tra, thay thế bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam được thực hiện đồng bộ ở tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, để kịp thời tiếp nhận thông tin vụ việc trợ giúp pháp lý, thông tin của người được trợ giúp pháp lý từ các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam khi phát hiện các vụ việc có đối tượng trợ giúp pháp lý thì cơ quan tiến hành tố tụng liên hệ để yêu cầu Trung tâm thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời.
Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở trung ương thường xuyên theo dõi hoạt động phối hợp tại địa phương, hàng năm, tổ chức các chuyến kiểm tra, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập và có hướng dẫn, giải đáp theo thẩm quyền. Hàng năm, căn cứ vào ý kiến của các ngành thành viên, Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở trung ương đã xây dựng kế hoạch hoạt động ở trung ương, từ đó, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký kết Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Quy định của Thông tư liên tịch này về đặt điểm cầu tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ giúp trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như người bị hại, đương sự là người được trợ giúp pháp lý thuận lợi hơn trong việc tham gia phiên tòa trực tuyến, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đa số các Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Thông tư liên tịch này[5].
Để tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội, đương sự, bị hại tại Tòa án, ngày 19/5/2022, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Chương trình phối hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án. Triển khai Chương trình này, một số Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Chương trình phối hợp[6]. Ở một số địa phương, trụ sở Tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất để bố trí người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa thì Tòa án thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các thông tin về người thuộc diện trợ giúp pháp lý qua điện thoại.
Công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý được các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý trên như: Tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý, phối hợp xây dựng các phóng sự, chuyên mục về trợ giúp pháp lý, tập huấn, bồi dưỡng về trợ giúp pháp lý… Các quy chế, chương trình phối hợp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (với Trung ương Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, Tòa án nhân dân tối cao…) được triển khai kịp thời, thường xuyên. Đặc biệt, công tác giới thiệu, chuyển gửi người dân là người được trợ giúp pháp lý đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được chú trọng thực hiện nhằm kịp thời bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý của họ.
1.8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý được tăng cường ở cả trung ương và địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu thông qua việc đăng tải các thông tin, quy định về trợ giúp pháp lý, danh sách người thực hiện và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam và các trang thông tin điện tử địa phương; triển khai có hiệu quả việc sử dụng Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. Hiện nay, ngoài Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý ở trung ương và địa phương, trên các trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân các cấp đều có chỉ dẫn trợ giúp pháp lý để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi vào các trang thông tin điện tử này.
Có thể thấy rằng, sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác trợ giúp pháp lý trên cả nước đã đi vào nề nếp và tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý hơn, nhất là việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được cải thiện, được đánh giá, đo lường bằng những tiêu chí cụ thể. Thông qua các vụ việc cụ thể, hoạt động trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Thông qua trợ giúp pháp lý, quyền công dân, quyền con người được bảo đảm, đặc biệt là quyền tiếp cận công lý, công bằng trong xét xử, tranh tụng.
Hoạt động này nhận được sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước[7]. Hiện nay, nội dung về trợ giúp pháp lý đã được đưa vào 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: (i) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); (ii) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ); (iii) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Một số tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, còn một số hạn chế trong các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Một số đối tượng thực sự có nhu cầu trợ giúp pháp lý, không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý có thu phí nhưng chưa được quy định là người thuộc diện trợ giúp pháp lý như hộ mới thoát nghèo, người cần được trợ giúp pháp lý trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi…
Thứ hai, còn một số hạn chế trong việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn như:
- Một số người dân vẫn còn chưa biết về trợ giúp pháp lý, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn và người dân chưa biết tiếng phổ thông.
- Công tác phối hợp ở một số nơi còn chưa thực sự được quan tâm nên hoạt động trợ giúp pháp lý chưa phát huy được hiệu quả.
- Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý có nơi chưa đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn phong tục, tập quán của người dân trên địa bàn. Việc triển khai hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý mới ở giai đoạn bước đầu nên vẫn chưa được nhịp nhàng ở tất cả các khâu, hệ thống đôi lúc chưa hoạt động thông suốt.
- Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng còn thấp so với số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và số lượng án xét xử trong toàn quốc. Chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý còn chưa đồng đều; việc quản lý chất lượng, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý còn chưa được quan tâm đúng mức, một vài nơi chưa được triển khai thường xuyên.
- Việc huy động các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý ở một số nơi còn chưa được hiệu quả nên số lượng tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý vẫn còn hạn chế.
3. Định hướng nâng cao hiệu quả thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trong thời gian tới
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là việc triển khai trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại cơ quan tiến hành tố tụng theo phương thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương.
Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý; xác định chức danh trợ giúp viên pháp lý là chức danh tư pháp theo hướng nghiên cứu, đổi tên thành luật sư công hoặc luật sư trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, nghiên cứu, ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực kết nối tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ giúp người bị buộc tội thuộc diện trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.
Thứ tư, triển khai hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... để tiếp tục khẳng định vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong việc giúp người dân giảm nghèo về pháp luật, yên tâm phát triển sinh kế giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, có kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cụ thể để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân.
Thứ sáu, tăng cường và đổi mới hơn nữa các phương thức truyền thông nhằm có hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo hướng số hóa cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý để chia sẻ, kết nối, tích hợp dữ liệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý với cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ người dân yêu cầu trợ giúp pháp lý trực tuyến, đơn giản hóa và giảm tải thủ tục hành chính trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
[1]. Năm 2017, tổng số biên chế được giao là 1.382 người, trong đó số lượng người đang làm việc trong hệ thống trợ giúp pháp lý trên thực tế là 1.241 người với 683 trợ giúp viên pháp lý, 355 chuyên viên pháp lý, còn lại là kế toán và người làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
[2]. Số liệu báo cáo từ năm 2019 đến năm 2021 theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp.
[3]. Thời gian tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của trợ giúp viên pháp lý tối thiểu là 08 giờ/năm.
[4]. Số liệu báo cáo theo Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Bộ Tư pháp.
[5]. Một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thuận lợi trong việc xin chủ trương thực hiện như: Hà Nội (dự kiến xây dựng 05 điểm cầu), Tiền Giang, Hà Giang (có sẵn phòng họp)...; 15 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã lập dự toán kinh phí thực hiện trình Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân. Một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đang có chủ trương xây dựng trụ sở mới, trong phương án thiết kế, đã bố trí xây dựng một phòng riêng phục vụ các hoạt động trực tuyến nhưng vì trụ sở chưa xây dựng xong nên chưa lập dự toán (Quảng Ngãi, Bình Định, Bạc Liêu). 37 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã bố trí được phòng riêng để lắp đặt trang thiết bị.
[6]. Tại Ninh Bình, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, Tòa án đã thống nhất hỗ trợ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí bàn trực trợ giúp pháp lý đặt bên cạnh bàn tiếp nhận khởi kiện, yêu cầu tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc chuyên viên trực trong giờ hành chính (03 buổi/tuần). Tại Tây Ninh, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức ký kết Kế hoạch liên tịch về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân 02 cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tại Ninh Thuận, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã cử viên chức trực tại Tòa án 02 huyện. Tại Kiên Giang, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân tỉnh.
[7]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Phần XIII Báo cáo chính trị và Mục 10 Phần IV báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng, trong đó có Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó có quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia phiên tòa trực tuyến với vai trò là một điểm cầu, thực hiện chuyển đổi số trong công tác trợ giúp pháp lý.