1. Những kết quả bước đầu
Nghệ An được Bộ Tư pháp lựa chọn là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Để triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã kịp thời có các hoạt động cụ thể để quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các quy định của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương. Nhờ đó, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận, quyết tâm của các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp triển khai thí điểm và nâng cao nhận thức của người dân đối với chế định này. Việc thành lập và đăng ký hoạt động cho 2 văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Vinh và Kim Tiến Tây Bắc Nghệ (huyện Diễn Châu) đúng lộ trình theo Đề án và Kế hoạch đã đề ra. Qua 02 năm triển khai thực hiện, những kết quả đạt được của các văn phòng Thừa phát lại đã khẳng định sự cần thiết của chế định này trong hoạt động tư pháp cũng như trong đời sống xã hội của tỉnh Nghệ An.
Trên cơ sở Quyết định số 485/QĐ-BTP ngày 03/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại, ngày 29/4/2014, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về truyền thông, phổ biến về chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành nhiều hoạt động khác nhau nhằm tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ Thừa phát lại, thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ Thừa phát lại và các văn bản pháp luật có liên quan cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Công An Nghệ An lồng ghép, xây dựng các chương trình, tin bài để thông tin, giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định này trên phạm vi toàn tỉnh; tuyên truyền rộng rãi các hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại trên 12 số Tập san Pháp luật và Đời sống (với số lượng gần 19.200 cuốn) và trên các báo địa phương thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; biên soạn và phát hành tờ gấp tìm hiểu về chế định Thừa phát lại (với số lượng hơn 11.000 bản) cung cấp cho các huyện, thành phố, thị xã, các văn phòng Thừa phát lại để truyền thông, phổ biến cho cán bộ, nhân dân.
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng phóng sự với thời lượng 15 - 20 phút/phóng sự để phản ánh một số kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; mở chuyên trang về Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật và hoạt động liên quan để làm kênh thông tin chính thống, toàn diện về việc thí điểm chế định Thừa phát lại.
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, để triển khai có hiệu quả chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức một số cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh, có sự tham gia của các văn phòng Thừa phát lại và các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ.
Để nâng cao năng lực quản lý, phương pháp thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương, Ban Chỉ đạo và văn phòng Thừa phát lại đã có chuyến đi học tập kinh nghiệm triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương đi đầu, thực hiện khá tốt, có hiệu quả việc thí điểm.
Trong 2 năm (2014 - 2015), Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại ở trung ương đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Nghệ An và thấy được những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời khẩn trương có những chỉ đạo, hướng dẫn nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, và phát huy những mặt mạnh vốn có của địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên có văn bản yêu cầu các văn phòng Thừa phát lại cung cấp thông tin, báo cáo tình hình triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Kết quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong 2 năm thực hiện thí điểm như sau: Tống đạt văn bản (11.796 văn bản) thu được 768.212.000 đồng; lập vi bằng (42 vi bằng) thu được 57.300.000 đồng; xác minh điều kiện thi hành án (16 vụ việc) thu được 89.000.000 đồng; tổ chức thi hành án (11 vụ việc) thu được 360.293.000 đồng.
Nhìn chung, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã được các cấp, các ngành của tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc: Ban Chỉ đạo đã tham mưu, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong Đề án và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm đúng thời gian, tiến độ; công tác tuyên truyền bước đầu đạt được một số kết quả tích cực; các ngành đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời trong tổ chức thực hiện chế định; việc thành lập và đăng ký hoạt động cho 2 văn phòng Thừa phát lại đúng lộ trình theo Đề án và Kế hoạch đã đề ra, các văn phòng đã bước đầu ổn định về tổ chức và hoạt động; Ủy ban nhân dân tỉnh đã cử các cán bộ, công chức, Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ tham gia các lớp tập huấn công tác triển khai, kỹ năng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức. Tuy thời gian thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Nghệ An không dài nhưng với những kết quả đạt được đã bước đầu khẳng định vị trí, vai trò của Thừa phát lại đối với nền kinh tế, xã hội và hoạt động tư pháp của tỉnh, được người dân ủng hộ, có tác động hiệu quả đối với xã hội.
Qua 2 năm triển, việc khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Nghệ An đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Hoạt động Thừa phát lại đã tạo cơ chế để người dân tăng cường tính chủ động, tích cực trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự và hành chính. Trong đó, việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan thi hành án của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự.
2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc: Các thành viên của Ban Chỉ đạo hoạt động kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian thực hiện triển khai Đề án; cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - Sở Tư pháp trong tham mưu có lúc còn chưa chủ động và kịp thời; một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, cán bộ và nhân dân chưa nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình nên còn nhiều hạn chế trong phối hợp, tổ chức thực hiện; ở một số xã, phường, khối trưởng, xóm trưởng không hợp tác xác nhận vào biên bản tống đạt khi Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt cho đương sự.
Ngoài ra, đội ngũ Thừa phát lại và nhân viên Văn phòng Thừa phát lại còn mỏng, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế; còn thiếu nguồn Thừa phát lại để thành lập thêm Văn phòng Thừa phát lại theo kế hoạch đã đề ra; nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa thu hút, truyền tải kịp thời cho người nghe một cách sinh động.
Do chế định Thừa phát lại đang trong thời gian thí điểm nên còn nhiều mới mẻ từ cơ chế lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước đến mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc của Thừa phát lại chưa được quy định cụ thể trong các văn bản có giá trị pháp lý cao; thời gian thực hiện thí điểm lại quá ngắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ nên ảnh hưởng đến quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.
Trong tổ chức thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí phục vụ triển khai chế định Thừa phát lại còn hạn chế, đặc biệt là nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, phổ biến chế định Thừa phát lại. Chương trình bồi dưỡng, đào tạo Thừa phát lại và thư ký Thừa phát lại chưa thực sự hiệu quả, thời gian đào tạo ngắn, nên kỹ năng và nghiệp vụ hoạt động của Thừa phát lại chưa cao.
Hơn nữa, nhận thức của các cán bộ, công chức đối với lĩnh vực này còn hạn chế; tâm lý e ngại, chưa thật tin tưởng của người dân đối với một số việc do Thừa phát lại thực hiện...
Sự phối hợp của một số ngành liên quan chưa cao, chưa có sự chỉ đạo tích cực các đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm túc việc bàn giao văn bản tống đạt, chậm hoặc không bàn giao, gây khó khăn cho các văn phòng Thừa phát lại. Một số cơ quan cơ sở không chỉ đạo các ban, ngành có liên quan phối hợp với các văn phòng thừa phát lại khi thực hiện.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Trong thời gian chờ Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại, Ban Chỉ đạo của tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật về chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng như sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn, nhất là các địa phương có văn phòng Thừa phát lại.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết của cán bộ và người dân; lồng ghép tuyên truyền về chế định Thừa phát lại trong các hội nghị tuyên truyền pháp luật.
- Nâng cao chất lượng phối hợp quản lý nhà nước giữa các cơ quan trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại hoạt động có hiệu quả.
- Các thành viên của Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được phân công tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực, cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền chế định Thừa phát lại; tham mưu đào tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại để thành lập các văn phòng Thừa phát lại tiếp theo; tổ chức kiểm tra các văn phòng Thừa phát lại để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các tồn tại, sai sót nhằm nâng cao kết quả hoạt động.
- Cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị ngành dọc thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao văn bản tống đạt cho văn phòng Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật; tăng cường tổ chức kiểm tra công tác chuyển giao văn bản tống đạt cho văn phòng Thừa phát lại thực hiện.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có văn phòng Thừa phát lại cần chủ động tổ chức tuyên truyền chế định Thừa phát lại tại địa phương; chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với các văn phòng thừa phát lại trong tổ chức thực hiện trên địa bàn.
Nguyễn Quế Anh
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An