Năm 2022 sẽ có 7 nhóm rà soát văn bản
Báo cáo hoạt động năm 2021 của Tổ công tác, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho biết, công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19.
Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành đã thực hiện rà soát văn bản nghiêm túc, có trách nhiệm.
Hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi rà soát đã xác định. Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Đối với kết quả rà soát văn bản do các bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đề xuất phương án và xây dựng kế hoạch xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Việc theo dõi, đôn đốc rà soát văn bản và xử lý kết quả rà soát được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp (đồng thời là Cơ quan thường trực của Tổ công tác) thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, bảo đảm công tác báo cáo, thông tin theo yêu cầu.
báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 của Tổ công tác.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai hoạt động, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên các thành viên Tổ công tác phải xử lý nhiều công việc có tích chất đột xuất, phát sinh để ứng phó với tình hình dịch bệnh, do đó một số hoạt động theo Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Tổ công tác chưa thể thực hiện được đầy đủ, hiệu quả như dự kiến, nhất là các hoạt động liên quan đến việc tổ chức khảo sát, tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về kết quả rà soát.
Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của Tổ công tác đã được bố trí theo quy định, tuy nhiên do định mức thấp, nội dung chi chưa bao quát đầy đủ nên chưa thực sự đáp ứng được khối lượng và tính chất phức tạp của công việc được giao, từ đó dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong việc thu hút, huy động, khuyến khích sự tham gia của các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị vào hoạt động của Tổ công tác.
Các bộ, ngành phải triển khai nhiệm vụ rà soát văn bản do nhiều cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện với khối lượng văn bản phải rà soát lớn, một số trường hợp trùng lặp về phạm vi rà soát, một số trường hợp không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, thời gian thực hiện ngắn, nguồn lực còn hạn chế; việc phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện rà soát chưa thực sự hiệu quả đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kết quả rà soát văn bản.
Cũng theo ông Huy, trong năm 2022, dự thảo Kế hoạch năm nay của Tổ công tác xác định các nhiệm vụ và nội dung công việc cụ thể mà Tổ sẽ thực hiện, tập trung vào 2 nhóm nhiệm vụ: Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành.
Trong đó, sẽ có 7 nhóm rà soát gồm 1 nhóm rà soát quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị và 6 nhóm rà soát, cho ý kiến độc lập đối với các nội dung quy định cụ thể liên quan đến các luật của Quốc hội theo tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội (bao gồm 32 nhóm (98 vấn đề) liên quan đến các luật ngoài Báo cáo số 442/BC-CP và 13 nội dung trong Báo cáo số 442/BC-CP mà các cơ quan của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ).
Ngoài ra, Tổ công tác cũng dự kiến một số hoạt động liên quan khác như tổ chức các đoàn khảo sát kết hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp luật mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tại một số địa phương; tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để tiếp nhận, trao đổi, thảo luận về các phản ánh về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật...
Lựa chọn những vấn đề mang tính liên ngành, có nhiều vướng mắc
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần làm rõ tiêu chí rà soát của cả 7 nhóm, thống nhất nguyên tắc chung trong thực hiện rà soát. Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều văn bản đang được rà soát để phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thì tổ rà soát độc lập này có tiến độ như thế nào, đâu là lĩnh vực cần ưu tiên rà soát. Một số ý kiến đề nghị nên thừa nhận, công nhận kết quả rà soát lẫn nhau giữa các bộ, ngành, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình rà soát; ngoài phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo thì cần đề xuất định hướng hoàn thiện để hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng tốt hơn…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu điểm lại một số kết quả nổi bật của Tổ công tác năm 2021. Theo đó, Thứ trưởng đánh giá cao việc kết quả rà soát phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và một số luật trình Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất tin tưởng kết quả rà soát của Tổ công tác, tiếp tục giao thêm nhiều nhiệm vụ rà soát cho Tổ công tác; một số nội dung trong Báo cáo 442 được Quốc hội ghi nhận…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập như hoạt động chung, mang tính liên ngành còn hạn chế, chưa tổ chức được nhiều hội thảo, tọa đàm để xin ý kiến chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn; chất lượng rà soát của một số nhóm chuyên sâu còn có mặt hạn chế, tiến độ còn chậm; phối kết hợp giữa các thành viên Tổ công tác chưa thật sự tốt.
Về định hướng ưu tiên năm 2022, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ tập trung đôn đốc quá trình hoàn thiện pháp luật trên cơ sở kết quả rà soát 2 năm 2020-2021; đôn đốc hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành rà soát theo thẩm quyền và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục rà soát theo một số chuyên đề, chú trọng các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đối với các vấn đề rà soát chuyên đề chuyên sâu, cần lựa chọn theo nguyên tắc sau: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Ủy ban Thường vụ, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bám sát định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; Lựa chọn những vấn đề mang tính liên ngành, những lĩnh vực đang có nhiều vướng mắc mà nếu tháo gỡ được sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không trùng lặp với nhiệm vụ rà soát của các bộ, ngành, với các chủ đề đã làm vừa qua; Kết quả rà soát phải phục vụ trực tiếp cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, cần phân biệt rõ nhiệm vụ rà soát của từng bộ, ngành với nhiệm vụ rà soát của Tổ công tác. Đối với nhiệm vụ của các bộ, ngành, Thứ trưởng đề nghị bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị để chủ động tiến hành các hoạt động rà soát theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời chủ động thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao; còn Tổ công tác có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn. Thứ trưởng mong muốn các hoạt động của Tổ công tác sẽ thu thập được nhiều tiếng nói từ thực tiễn, nhất là ở cơ sở, các doanh nghiệp làm sao cho kết quả rà soát được chất lượng, sát với đòi hỏi của cuộc sống, xử lý được các vướng mắc trong điều kiện phòng chống dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 4 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Tổ công tác.
(Theo Báo pháp luật Việt Nam điện tử)