Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác lý lịch tư pháp Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 876/KH-UBND ngày 08/8/2013 về Sơ kết 03 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”; Kế hoạch số 1701/KH-UBND ngày 31/12/2015 về Tổng kết 05 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và 04 năm thi hành Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Việc tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, 05 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh ban hành Quy chế phối hợp số 1252/QCPHLN-STP ngày 21/8/2014 về việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Cũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở Tư pháp đã có nhiều hình thức trong công tác phối hợp như ban hành 08 văn bản hoặc tổ chức các cuộc họp liên ngành để tăng cường phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, cộng đồng trách nhiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và xác nhận trường hợp đương nhiên xóa án tích thông qua việc cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Để giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia áp dụng giải pháp “kiềng ba chân” trong hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 05 năm thực hiện giải pháp “kiềng ba chân”, về cơ bản đã giải quyết tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp, làm giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian đi lại của người dân, củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, sau khi tiếp nhận, kiểm tra thông tin lý lịch tư pháp từ cơ quan có liên quan gửi đến, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành phân loại, xử lý thông tin theo quy định của pháp luật, cập nhật những thông tin thuộc thẩm quyền vào phần mềm cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp dùng chung. Đối với những thông tin không thuộc thẩm quyền, địa phương đã chuyển cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh để tiến hành cập nhật theo quy định; thiết lập địa chỉ thư điện tử để thuận tiện trong trao đổi thông tin với đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp các tỉnh. Tính từ ngày 01/3/2013 đến 30/6/2018, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 29.946 thông tin lý lịch tư pháp, trong đó kiểm tra, phân loại 29.946 thông tin lý lịch tư pháp; lập, cập nhật bổ sung 29.380; chưa lập và cập nhật bổ sung 566 thông tin lý lịch tư pháp; cung cấp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh 2.993 thông tin; cung cấp, trao đổi dưới dạng điện tử 19.774 thông tin.
Trong 05 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp quan tâm triển khai công tác lưu trữ hồ sơ thông tin lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy. Đây là căn cứ để xác định một người có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Các hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy được sắp xếp trong túi hồ sơ và đưa vào từng ngăn tủ theo thứ tự mã số lập hồ sơ, mỗi hồ sơ đều được lập danh mục cụ thể theo đúng quy định. Định kỳ, công chức làm công tác lập hồ sơ lý lịch tư pháp có nhiệm vụ rà soát số lượng thông tin lý lịch tư pháp bằng giấy, thực hiện thay thế túi hồ sơ lý lịch tư pháp bị hư, hỏng. Đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện lưu trữ 6.574 hồ sơ đồng thời bằng giấy.
Để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp, tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt Luật Lý lịch tư pháp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ của Ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cấp tỉnh. Ngoài hình thức tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như biên soạn, in ấn, phát hành hơn 20.000 tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực lý lịch tư pháp” để cấp phát cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh; đăng tải nhiều bài viết có nội dung liên quan đến Luật Lý lịch tư pháp trên Bản tin tư pháp; thông qua chuyên mục “Đời sống và Pháp luật” trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, website của Sở Tư pháp... Thông qua hình thức tuyên truyền, phổ biến, về cơ bản các chế định của Luật Lý lịch tư pháp đã đi vào đời sống của nhân dân trên địa bàn; nhận thức của các cấp, ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Luật Lý lịch tư pháp đã được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước lĩnh vực này ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn, cụ thể:
Về hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan: Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết chưa quy định về giá trị pháp lý của phiếu lý lịch tư pháp, thời hạn sử dụng phiếu lý lịch tư pháp; trình tự, thủ tục, thời gian và cơ chế phối hợp xóa án tích trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có án tích và đã đủ thời gian đương nhiên xóa án tích nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập.
Cùng với đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính quy định “thủ tục hành chính ban hành phải được quy định trong đó văn bản quy phạm pháp luật” nhưng Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định phương thức cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, hồ sơ trực tiếp và tiếp nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính, gửi hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại trụ sở mà chỉ quy định trong Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” nên đã gây khó khăn trong qúa trình ban hành thủ tục hành chính và triển khai thực hiện.
Về mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại địa phương: Công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đôi lúc chưa thường xuyên, kịp thời, đầy đủ; nhiều thông tin chưa được cung cấp hoặc cung cấp còn thiếu, có sai sót, ảnh hưởng đến yêu cầu quản lý, khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Một số cơ quan ngoài tỉnh việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về án tích rất chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định, nhiều trường hợp không cung cấp thông tin khi Sở Tư pháp có văn bản yêu cầu. Công tác phối hợp xác minh tình trạng án tích của người có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và phối hợp xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích còn chậm, dẫn đến tình trạng chậm trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp. Việc tra cứu, xác minh trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp bị cơ quan công an “lập căn cước” thường bị chậm và không có kết quả về án tích dẫn đến tình trạng cấp phiếu lý lịch tư pháp bị chậm so với quy định.
Về xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đang trong quá trình mới hình thành nên chưa đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng, số lượng thông tin còn tồn đọng nên chưa đáp ứng yêu cầu về khai thác, sử dụng, chưa phát huy được vị trí, vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong công tác lý lịch tư pháp hiện nay.
Về đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp: Số lượng thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan liên quan gửi đến và nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng qua các năm nhưng biến chế được bố trí trong lĩnh vực này thì quá ít; theo Đề án xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Thủ tướng Chính phủ thì mỗi tỉnh được bổ sung ít nhất 03 công chức. Nhưng hiện nay, Sở Tư pháp Quảng Bình mới chỉ được bố trí 02 công chức phụ trách công tác lý lịch tư pháp. Việc bố trí thiếu biên chế đã gây ảnh hưởng đến tiến độ cập nhật thông tin và cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Về đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác lý lịch tư pháp: Cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý lý lịch tư pháp mới chỉ dừng lại ở việc nhập và tra cứu thông tin lý lịch tư pháp, chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp trong việc cung cấp thông tin thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp. Hơn nữa, hiện nay, các cơ quan có nhiệm vụ cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đều chưa được ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp hoàn toàn dưới hình thức thủ công, dưới dạng văn bản giấy và bằng phương thức giao nhận trực tiếp hoặc qua bưu điện, do vậy thời gian cho việc cung cấp, đính chính thông tin kéo dài, ảnh hưởng đến việc lập, bổ sung, đính chính hồ sơ lý lịch tư pháp.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, thời gian tới, kiến nghị các bộ, ngành có liên quan thực hiện những nội dung sau:
Thứ nhất, về công tác hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp và pháp luật có liên quan: Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng bổ sung quy định về giá trị pháp lý, thời hạn của phiếu lý lịch tư pháp; trình tự, thủ tục, thời gian và cơ chế phối hợp trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích; phương thức yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; quy định tách bạch thủ tục, quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với những trường hợp yêu cầu xóa án tích; quy định rõ hơn về trách nhiệm, chế tài trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Thứ hai, về công tác phối hợp liên ngành: Các bộ, ngành có liên quan cần tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đảm bảo theo yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp, rà soát cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan cung cấp thông tin. Quy định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có lỗi trong việc phối hợp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng cần tăng cường phối hợp hơn nữa để thực hiện có hiệu quả hơn nữa giải pháp “kiềng ba chân” trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, không chỉ dừng lại “nói không” với tình trạng “chậm” như đã cam kết với các địa phương mà còn hướng đến “rút ngắn” hơn nữa thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu.
Thứ ba, về công tác kiện toàn đội ngũ đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp: Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tham mưu Thủ tướng chính phủ sửa đổi Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 về phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” theo hướng tổ chức rà soát tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại 58 tỉnh, thành phố còn lại, nếu tỉnh, thành phố nào “quá tải” trong việc thực hiện nhiệm vụ lý lịch tư pháp thì nên cho phép thành lập Phòng Lý lịch tư pháp. Về lâu dài, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nên nghiên cứu xây dựng thêm mô hình Trung tâm Lý lịch tư pháp tại các tỉnh, thành phố. Để có cơ sở đánh giá khách quan, chính xác nhiệm vụ này, đề nghị Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí để rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ lý lịch tư pháp ở địa phương.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ về tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác trực tiếp liên quan đến lý lịch tư pháp của các cơ quan có liên quan; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm giúp địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lý lịch tư pháp; tạo điều kiện bảo đảm về biên chế, kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật cho hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; đồng thời triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp kết hợp với cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình