Quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn
Phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chiều 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Cuối năm 2022, GDP tăng 5,03%. Trong 5 tháng đầu năm, thu ngân sách tăng 18,7 %. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,9%... Tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.
Các lĩnh vực văn hóa, môi trường chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững; côn tác đối ngoại được đẩy mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ bản hoàn thành các cơ chế, chính sách và tích cực triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế…
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong lĩnh vực kinh tế tài chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu trong phiên chất vấn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, trong thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước, nâng cao trình độ của cán bộ thực thi nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Về kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, lạm phát trong 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.
Phân tích những biện pháp đã triển khai trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng thời thông tin, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Liên quan tới giá sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để quản lý giá sách giáo khoa theo đúng quy định của pháp luật về giá; phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá cả hợp lý.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.
Đẩy mạnh việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Về đổi mới, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ thừa nhận, việc cơ cấu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm. Các nguyên nhân đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình cụ thể.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ tối đa lợi ích của nhà nước.
Cùng với đó, chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách; ổn định tâm lý nhà đầu tư; ngăn chặn kịp thời các thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường.
Về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động theo quy định pháp luật, phát triển các thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường.
Có các giải pháp hiệu quả để khắc phục những bất cập, hạn chế
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, qua chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực, các vấn đề liên quan đến tài chính, đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Phân tích về những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực tài chính thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục các bất cập, hạn chế đã được chỉ ra, tập trung vào một số vấn đề.
Cụ thể, khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
Sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.
Bảo đảm mua sắm các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Khẩn trương ban hành danh mục, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là Nghị định 32. Hoàn thiện các quy định về định giá doanh nghiệp, việc tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cá thể hóa trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu.
Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 mà trọng tâm là các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Tổ chức tái cơ cấu toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)