Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Hoàng Oanh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí Bí thư Đảng bộ, Bí thư Chi bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27/NQ-TW) gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo quán triệt, phổ biến, nghiên cứu triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW và Chương trình hành động số 82/Ctr-BCS đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tư pháp, tạo sự thống nhất cao trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao. Sau gần hai năm triển khai, Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đạt được những thành công, kết quả đáng ghi nhận, khẳng định quyết tâm cao của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp. Về cơ bản, việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm đúng tiến độ, đạt chất lượng theo đúng Chương trình đề ra. Các nhiệm vụ cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp đều được thực hiện theo đúng nguyên tắc, định hướng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đồng chí Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: (i) Nhận thức về Nghị quyết số 27-NQ/TW để vận dụng vào thực tiễn các mặt công tác còn chưa đồng đều, đầy đủ và thống nhất trong bối cảnh nhiều nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW là những vấn đề mới, được nêu khái quát, cô đọng; (ii) Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra nhiều nhiệm vụ mới, với yêu cầu cao, trong khi đó, việc triển khai Nghị quyết diễn ra trong bối cảnh các đơn vị đều quá tải công việc nên tạo thêm áp lực mới cho các đơn vị; (iii) Nguồn lực về kinh phí bảo đảm cho việc triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 27-NQ/TW chưa tương xứng, còn thấp so với các yêu cầu về bảo đảm chất lượng ngày càng cao của Nghị quyết số 27-NQ/TW, điều này thể hiện rõ trong thực tiễn công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý và các công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và các kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện trong các lĩnh vực như xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật…
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, Nghị quyết số 27-NQ/TW là cơ sở chính trị quan trọng đối với Bộ, ngành Tư pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển trong thời gian tới. Thứ trưởng yêu cầu các đồng chí Bí thư, cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu sâu các tư tưởng, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được ghi nhận trong Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 82/Ctr-BCS của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp để có chỉ đạo phù hợp, kịp thời tại đơn vị. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị cần phải chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất thêm những nhiệm vụ mới, cần thiết trong bối cảnh mới của đất nước để bổ sung vào kế hoạch triển khai Nghị quyết này của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho ý kiến về một số vấn đề về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành trong công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác theo dõi thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm của pháp chế các bộ, ngành, địa phương; rà soát tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tư pháp…
Đồng chí Đặng Hoàng Oanh - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh mục đích Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá các chương trình, nhiệm vụ, đề án đề ra để triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, đánh giá những hạn chế, bất cập và làm rõ nguyên nhân, xác định yêu cầu đặt ra với công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật trong bối cảnh mới của đất nước ta hiện nay cũng như những năm tới.
Bộ trưởng đánh giá cao và cơ bản đồng tình với báo cáo kết quả hai năm triển khai Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý rà soát, thống kê các nhiệm vụ đã hoàn thành, các nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc quá hạn trong 38 nhiệm vụ của Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, các đề xuất, kiến nghị cần phải khắc phục được các hạn chế, khó khăn, vướng mắc được nêu trong Báo cáo. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Nghị quyết 27-NQ/TW đối với sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cần: (i) Nghiên cứu sâu sắc hơn nữa các tư tưởng, quan điểm tại Nghị quyết 27-NQ/TW, từ đó, quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị phải bám sát nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, đặc biệt là phải chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng từ quản lý sang khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển; (ii) Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng thực chất, tránh phô trương, hình thức; (iii) Cần phải xác định đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật; (iv) Bổ sung thêm các nhiệm vụ mới để giải quyết được các vấn đề phát sinh trên thực tế hiện nay cũng như những năm tới như nghiên cứu xây dựng đề án để giải quyết những vấn đề hiện tại đang đặt ra và những vấn đề mang tính chiến lược; xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vương mình của dân tộc Việt Nam”…
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận Hội nghị.
Đối với nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu việc luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trong nội bộ Bộ Tư pháp, phân bổ nguồn lực phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đối với các đơn vị xây dựng pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị lựa chọn, tập trung nguồn lực triển khai những đề án trọng tâm về chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Về kinh phí thực hiện, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phối hợp Cục Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu cơ chế đặc thù về tài chính trong công tác xây dựng pháp luật. /.
Hoàng Trung