Abstract: Within the scope of this article, the author refers to the current legal provisions on complaints and denunciations about candidates and the compilation of the list of candidates in the election of deputies to the People's Councils at all levels; proposals and recommendations are made to ensure the feasibility of legal provisions on complaints and denunciations in the election.
1. Các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với mục đích bảo đảm cho các bước, các công đoạn trong quá trình tổ chức bầu cử được tiến hành đúng quy định của pháp luật; việc xem xét, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có vi phạm, theo pháp luật hiện hành được quy định cụ thể tại Điều 55 và Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, tại Điều 55 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phát sinh trong quá trình giới thiệu, hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều luật này đã nêu rõ trách nhiệm và thời hạn xác minh, trả lời đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Kết quả xác minh, trả lời về các vụ việc nói trên là cơ sở để hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.
Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định chung về khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử. Theo đó, công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử không phân biệt về thời điểm thực hiện việc khiếu nại, tố cáo. Ủy ban bầu cử, ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là các cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.
Như vậy, các khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải được ban bầu cử, Ủy ban bầu cử tương ứng tiếp nhận, ghi vào sổ, chuyển đến các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện việc xác minh, trả lời làm cơ sở cho việc giải quyết của các cơ quan phụ trách bầu cử theo thẩm quyền. Đối với các vụ việc cử tri nêu lên về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tiến hành hiệp thương thì việc xác minh và trả lời được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Kết quả xác minh, trả lời được gửi cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương để làm cơ sở cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình. Các tố cáo về người ứng cử từ sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ ba hoặc việc xử lý kết quả xác minh những vụ việc cử tri mà chưa được trả lời theo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này đều thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử theo quy định Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân 10 ngày trước ngày bầu cử. Các khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết được chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Về nguyên tắc, các khiếu nại, tố cáo về tư cách của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, liên quan đến việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các thông tin trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban bầu cử nơi đã lập và công bố danh sách này. Khi tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo này, Ban bầu cử phải chuyển ngay cho Ủy ban bầu cử để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền (điểm e khoản 2 Điều 24 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015). Căn cứ vào kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan hữu quan, Ủy ban bầu cử có thể quyết định xóa tên người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong danh sách chính thức những người ứng cử hoặc thực hiện việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng. Ban bầu cử chỉ giải quyết những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mang tính kỹ thuật liên quan đến việc công bố, niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử (ví dụ như, về thời điểm niêm yết, vị trí, cách thức niêm yết danh sách, các sai sót in ấn trong danh sách đã niêm yết…). Trong trường hợp người dân không đồng ý với giải quyết của Ban bầu cử thì Ủy ban bầu cử cấp tương ứng giải quyết; trình tự giải quyết được căn cứ vào nội dung vụ việc khiếu nại hay tố cáo. Các tố cáo liên quan đến sai phạm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương, đến thành viên của Ủy ban bầu cử, đến các Ban bầu cử, Tổ bầu cử đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử chỉ xem xét, quyết định về các nội dung liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bầu cử; việc xem xét, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có vi phạm được thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đáng chú ý, tuy Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 không quy định về thời hạn khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và danh sách người ứng cử nhưng trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, việc xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan đến người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ phải ngừng cho đến khi bầu cử xong. Những trường hợp tố cáo đã rõ, đủ cơ sở để kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân thì thông báo với Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng xem xét, quyết định theo thẩm quyền về việc xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử.
Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng Bầu cử quốc gia. Về khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng.
Khiếu nại, tố cáo trong bầu cử không chỉ để xác minh rằng các hoạt động và quyết định bầu cử cụ thể được thực hiện theo khuôn khổ pháp luật mà còn tạo điều kiện giám sát pháp lý sự hợp hiến của luật bầu cử và các đạo luật liên quan. Trên thế giới, những khiếu nại, tố cáo như vậy thường thuộc thẩm quyền của các Tòa án hoặc Hội đồng Hiến pháp, hoặc Tòa án cấp cao nhất trong bộ máy tư pháp của một quốc gia có thẩm quyền xem xét các đạo luật và các quy định chung đối với tất cả các lĩnh vực của pháp luật, không chỉ các vấn đề bầu cử. Quy định này ở Việt Nam có sự khác biệt so với quy định ở một số nước trên thế giới. Ví dụ như: ở Nam Phi, cơ quan cuối cùng đứng ra bảo vệ quyền bầu cử là Tòa án Bầu cử, trong khi cơ quan có thẩm quyền đối với tất cả các quyền chính trị cơ bản khác là Tòa án Tư pháp Tối cao; ở một số quốc gia châu Âu, bao gồm Đức và Tây Ban Nha, có các cơ quan thấp hơn khác nhau để bảo vệ các quyền, tùy thuộc vào quyền bầu cử hay quyền chính trị khác, tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp là cơ quan xét xử cuối cùng trong cả hai trường hợp[1].
2. Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử trong bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian vừa qua
Xác định công tác bầu cử là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, trong cuộc bầu cử gần đây nhất là bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì Ủy ban bầu cử tại 63 tỉnh, thành phố đã tập trung quán triệt Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, các văn bản của trung ương và Ủy ban bầu cử cấp tỉnh về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó tập trung quán triệt sâu Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp.
Bên cạnh đó, Ủy ban bầu cử các tỉnh đã thành lập tiểu ban chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, để giúp Ủy ban bầu cử cấp tỉnh chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 100% Ủy ban bầu cử cấp huyện, xã đã thành lập tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo để tham mưu, giúp Ủy ban bầu cử cấp mình chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; phân công cơ quan thường trực tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử, giúp theo dõi, đôn đốc chỉ đạo việc giải quyết đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, thẩm quyền của ngành, đơn vị mình phụ trách, tổ chức phân công cán bộ trực tiếp công dân, xử lý đơn thư hàng ngày phục vụ bầu cử; chỉ đạo cán bộ kiểm tra tăng cường đi cơ sở, nắm bắt tình hình công tác chuẩn bị bầu cử. Trong ngày tổ chức bầu cử, 100% cán bộ theo dõi địa bàn phải đi cơ sở để theo dõi, giám sát công tác bầu cử. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử để kịp thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử, đặc biệt nhắc nhở, chấn chỉnh, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp ủy[2].
Tính đến ngày 02/7/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận tổng số 220 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (còn ở kỳ bầu cử trước là kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2016 -2021, Hội đồng bầu cử tiếp nhận được 998 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh về bầu cử)[3]. Qua nghiên cứu kết quả thẩm tra, xác minh, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, nội dung công dân thông tin, phản ánh về các nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện trình tự thủ tục xem xét, giải quyết và trả lời đúng theo quy định của pháp luật. Trong số 142 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, chiếm đến 78,2% tổng số ứng cử viên có đơn tố cáo, phản ánh. Nội dung tố cáo, phản ánh về người ứng cử chủ yếu liên quan cho rằng một số ứng cử viên có phẩm chất đạo đức yếu kém; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực quản lý đất đai như trong thực hiện công vụ công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, tranh chấp đất đai; tiêu cực trong quản lý tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật… Đối tượng bị tố cáo, phản ánh chủ yếu là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, công chức địa chính, cán bộ chuyên môn cấp xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn; một số đối tượng bị tố cáo là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện. Số đơn thư trùng lặp về nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử do nội dung tố cáo của công dân xuất phát từ việc khiếu nại, tố cáo không đạt được mục đích, nên chuyển sang tố cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải quyết mà không đưa ra được căn cứ tố cáo. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn thư gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 18% so với kỳ bầu cử trước. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu, lựa chọn người ứng cử; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc đông người, phức tạp đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung xem xét, chỉ đạo dứt điểm ngay từ cơ sở.
3. Một số kiến nghị
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, pháp lý, các vấn đề liên quan đến bầu cử phải được quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật mỗi quốc gia. Những phân tích trên đã cho thấy, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử ở Việt Nam đã được quan tâm, được quy định trong một số văn bản pháp luật về bầu cử. Mặc dù vậy, trong quá trình thi hành còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Để hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, công tác nhân sự, hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử cần được triển khai bài bản, dân chủ, khách quan, thận trọng, khoa học, bảo đảm nguyên tắc và quy trình, thủ tục. Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình, phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện của Đảng trong công tác cán bộ; giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện nhiệm vụ đại biểu, xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cần được tiến hành điều chỉnh dự kiến phù hợp với yêu cầu và tình hình công tác nhân sự cụ thể ở địa phương.
Thứ hai, để bảo đảm thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Hội đồng Bầu cử quốc gia cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý những đơn, thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử. Trong đó, cần phải bám sát các quy định pháp luật hiện hành về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bầu cử để chủ động xây dựng kế hoạch tiếp công dân, phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn thư để bảo đảm giải quyết kịp thời, khách quan, chính xác các đơn thư, phản ánh, tố cáo về nhân sự ứng cử, về công tác bầu cử. Có thể thấy, các quy định về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bầu cử có vai trò rất quan trọng để bảo đảm tối đa việc tuân thủ nguyên tắc dân chủ trong việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng và trung thực và bảo vệ các quyền bầu cử, do đó cần được quy định rõ ràng hơn, hoàn thiện hơn và dễ tiếp cận đối với mọi cá nhân, tổ chức.
Thứ ba, cần có quy định phân biệt giữa chủ thể quyền khiếu nại với chủ thể tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hiện nay, bất kỳ cá nhân nào biết về các vi phạm pháp luật của người ứng cử đều được thực hiện quyền tố cáo. Do việc khiếu nại phải gắn với yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại nên pháp luật bầu cử cần phải xác định rõ quyền khiếu nại thuộc về chủ thể nào[4]. Điều này không chỉ giúp cá nhân, tổ chức hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình mà còn làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối giải quyết những khiếu nại do người không có quyền khiếu nại gửi đến, cũng như hạn chế trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền khiếu nại làm cản trở hoạt động bầu cử. Trong việc lập danh sách người ứng cử, người khiếu nại phải là người đã được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử khi phát hiện có sai sót trong danh sách người ứng cử liên quan đến mình; các cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử cũng có quyền khiếu nại về danh sách người ứng cử liên quan đến người ứng cử do cơ quan, tổ chức đã giới thiệu.
Thứ tư, pháp luật bầu cử cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể, trực tiếp về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk
[1]. Tư pháp bầu cử: Sổ tay IDEA quốc tế, tr. 15.
[2]. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?ItemID=56883.
[3]. Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 14/7/2021 của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
[4]. TS. Nguyễn Ngọc Bích, Khiếu nại, tố cáo trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05, tháng 03/2021.