1. Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Thứ nhất, tiềm lực và kinh nghiệm của đa số các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế. Trong khi các quốc gia trên thế giới đã chú trọng vào hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ rất lâu, thì tại Việt Nam, hoạt động đầu tư ra nước ngoài chỉ mới được bắt đầu từ những năm 90 và trong những năm gần đây mới có xu hướng phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, chưa có sự tìm hiểu kỹ về môi trường đầu tư, văn hóa, phong tục tập quán cũng như pháp luật về đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư. Bên cạnh đó, so với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác thì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật công nghệ cũng như năng lực quản lý, đồng thời chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động đầu tư kinh doanh trên thương trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài còn mang tính riêng lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, thậm chí có trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ hai, quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là:
- Chưa có kế hoạch tổng thể xây dựng chiến lược đầu tư ra nước ngoài một cách hợp lý. Khoản 1 Điều 51 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước”. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước vẫn chưa xây dựng được chiến lược đầu tư ra nước ngoài một cách hợp lý, lâu dài, chưa thực sự khuyến khích được các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa đưa ra danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, địa bàn chiến lược khuyến khích đầu tư ra nước ngoài…
- Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chưa được phân cấp. Theo quy định tại Điều 59 Luật Đầu tư năm 2014, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan duy nhất thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho tất cả các dự án đầu tư. Quy định này gây khó khăn không chỉ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn đối với nhà đầu tư. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan này gặp khó khăn trong khâu kiểm tra, xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Những số liệu trên cho thấy, các dự án đầu tư ra nước ngoài đang có xu hướng gia tăng, năm sau thường cao hơn năm trước. Trong khi đó, chỉ có một cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, trên thực tế không tránh khỏi sự quá tải công việc, dẫn đến sự ùn tắc, chậm trễ trong việc giải quyết. Nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Nam, miền Trung sẽ tốn kém thời gian, công sức cũng như tiền bạc để có được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
- Thủ tục đầu tư ra nước ngoài còn rườm rà, kéo dài. So với Luật Đầu tư năm 2005, thì Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài (Nghị định số 83/2015/NĐ-CP) đã có sự thay đổi trong quy định về trình tự, thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể là, không dựa trên quy mô vốn đầu tư của dự án đầu tư ra nước ngoài như trước đây. Theo pháp luật hiện hành, thủ tục đầu tư ra nước ngoài gồm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tất cả các dự án đầu tư ra nước ngoài đều phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, chỉ có một số dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc diện pháp luật quy định mới phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài (Điều 54 Luật Đầu tư năm 2014). Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài thuộc về Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, thời hạn quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài còn kéo dài, cụ thể là 58 ngày đối với các dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài[1] và ít nhất 155 ngày đối với các dự án thuộc diện Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài (Điều 56 Luật Đầu tư năm 2014).
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài có thể thực hiện bằng một trong hai cách, đó là thực hiện trực tiếp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc thực hiện thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (Điều 18 Nghị định số 83/2015/NĐ-CP). Trong trường hợp thực hiện trực tiếp, thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài hay dự án không thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài chỉ được tiếp nhận khi đã được đăng ký trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài[2]. Tuy nhiên, Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (https://dautunuocngoai.gov.vn/fdi) hoạt động còn chưa ổn định, tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài không thể truy cập, tình trạng nghẽn mạng, xử lý thông tin chậm gây mất thời gian cho nhà đầu tư trong việc kê khai hồ sơ cũng như tra cứu thông tin.
- Quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn chung chung, chưa hợp lý. Pháp luật hiện hành không có điều luật quy định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài mà được quy định rải rác trong các điều luật tại Mục 4 Chương 5 Luật Đầu tư năm 2014 về triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài và Nghị định số 83/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, còn có quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Chẳng hạn như, quy định về hạn mức chuyển ngoại tệ khi nhà đầu tư thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư. Theo khoản 4 Điều 19 Nghị định số 83/2015/NĐ-CP, hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Quy định này đang dần trở thành rào cản đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bởi dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Hiện nay, vẫn chưa có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho sự phát triển của hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Việc thu thập các thông tin về môi trường đầu tư ở nước ngoài chưa được coi trọng, đặc biệt công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức[3]. Theo quy định hiện hành, Cục Đầu tư nước ngoài là đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng chiến lược, kế hoạch, cơ chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư. Một trong những nhiệm vụ của Cục Đầu tư nước ngoài là hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư[4]. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa đưa ra được danh mục các cơ hội đầu tư ở nước ngoài với những thông tin về môi trường đầu tư, cơ chế pháp lý, đặc điểm môi trường đầu tư…
Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên khi gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án không tranh thủ được tối đa sự hỗ trợ của các cơ quan này. Cơ quan thương vụ chưa giúp được nhiều cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết các tranh chấp, hướng dẫn các thủ tục về đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư, tư vấn thông tin liên quan đến môi trường luật pháp, đối tác đầu tư, lĩnh vực đầu tư[5]. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam thường bị lạ lẫm, thiếu thông tin về thị trường đầu tư, dẫn đến đầu tư chưa hiệu quả.
2. Một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài
Từ những khó khăn nêu trên, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Thứ nhất, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải có ý thức trách nhiệm hơn, chủ động hơn trong việc tìm hiểu cơ chế chính sách pháp luật Việt Nam, văn hóa, phong tục, tập quán, pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận đầu tư đã tham gia. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên quyết định đầu tư khi có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực cải thiện khả năng cạnh tranh bằng đầu tư trung và dài hạn để hoạt động đầu tư ra nước ngoài phát huy hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể:
- Cần xây dựng chiến lược cụ thể về hoạt động đầu tư ra nước ngoài bao gồm nhiều nội dung, trong đó chú ý đến mục tiêu và định hướng phát triển đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam theo từng giai đoạn; ngành, nghề đầu tư kinh doanh khuyến khích đầu tư ra nước ngoài; thị trường đầu tư trọng điểm cho các dự án; các biện pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
- Quy định thêm cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể là, quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và phải phân định rõ thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định như vậy sẽ giải quyết được vấn đề ùn tắc, quá tải, chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, đồng thời giảm một số lượng công việc đáng kể cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để có thể tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án cần quyết định chủ trương đầu tư. Bởi vì, trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà lỡ mất cơ hội. Do đó, việc giảm thời gian sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
- Nâng cấp hệ thống cổng thông tin quốc gia về đầu tư ra nước ngoài. Bởi đây không chỉ là công cụ tiện lợi hỗ trợ việc khai hồ sơ đăng ký đầu tư ra nước ngoài qua mạng mà còn là kênh thông tin hữu ích về đầu tư ra nước ngoài đối với các nhà đầu tư. Việc thường xuyên kiểm tra, nâng cấp, cập nhật hệ thống sao cho hoạt động thông suốt là điều rất cần thiết.
- Cần có điều luật quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tham gia hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Quy định như vậy sẽ giúp nhà đầu tư nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó các nhà đầu tư sẽ chủ động trong việc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi một số quy định về các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư sao cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Chẳng hạn như, quy định về hạn mức chuyển ngoại tệ khi nhà đầu tư thực hiện chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư. Cần nâng hạn mức chuyển ngoại tệ lên hơn mức 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quy định số tiền cụ thể nhằm đảm bảo quyền tự do cho nhà đầu tư cũng như đảm bảo cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả.
Thứ ba, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ và tư vấn về đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc hình thành một hệ thống các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư ra nước ngoài về việc xúc tiến tìm kiếm thị trường, hỗ trợ tài chính để triển khai các dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nước tiếp nhận đầu tư, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư[6].
Bên cạnh đó, cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải kết hợp với các hiệp hội giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác, hướng dẫn các quy định pháp luật về đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư… Các cơ quan này cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
Trong những năm gần đây, có thể thấy xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng gia tăng và là yếu tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Đây là những rào cản khiến cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đạt được hiệu quả. Vì vậy, việc nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài là điều rất cần thiết.
ThS. Vũ Thị Hòa Như
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Điều 55 Luật Đầu tư năm 2014 và Điều 10 Nghị định số 83/2015/NĐ-CP.
[2]. Xem khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 15 Nghị định số 83/2015/NĐ-CP.
[3]. Http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/%C4%91au-tu-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-va-cong-tac-thuong-vu-102586-401.html.
[4]. Xem Quyết định số 1895/QĐ-BKHĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đầu tư nước ngoài.
[5]. Phạm Quang Trung, Bùi Huy Nhượng, “Hai mươi lăm năm đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 873, năm 2015.
[6]. Trần Thanh Hải, “Kinh nghiệm pháp luật về quản lý dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc quản lý doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài”, Tạp chí Nghề luật, số 2, năm 2018.