Tuy nhiên, thực tiễn có những trường hợp, khi người được thi hành án chết thì người thừa kế của họ lại từ chối nhận di sản hoặc từ chối nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ phát sinh từ bản án, quyết định cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành, mặc dù cơ quan thi hành án đã thu được tiền, tài sản thi hành án từ người phải thi hành án. Hiện nay, các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự liên quan đến vấn đề này còn chưa cụ thể, rõ ràng. Do vậy, khi gặp phải trường hợp trên, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên rất lúng túng trong cách giải quyết, thậm chí là có các cách hiểu và giải quyết khác nhau dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Để hiểu rõ hơn vấn đề trên, chúng ta xem xét một tình huống đã xảy ra trên thực tế tại một cơ quan thi hành án dân sự địa phương như sau:
Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 528/DSST ngày 09/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện D, tuyên buộc ông B phải trả cho ông T số tiền 185.000.000 đồng. Sau khi án có hiệu lực, ông T đã làm đơn yêu cầu thi hành án và Chi cục Thi hành án dân sự huyện D đã thụ lý và giao cho chấp hành viên tổ chức thi hành. Do ông B không có tiền trả nợ nên đã đồng ý để cơ quan thi hành án kê biên, xử lý quyền sử dụng đất để trả nợ cho ông T. Chấp hành viên đã tiến hành kê biên, thẩm định giá theo quy định. Tài sản được tổ chức bán đấu giá thành với giá 265.000.000 đồng. Trong thời gian chờ người mua tài sản thanh toán tiếp số tiền còn lại thì ông T bị tai nạn giao thông chết. Do ông T đã chết nên chấp hành viên thông báo cho những người thừa kế của ông T biết để làm thủ tục thừa kế quyền của ông T theo bản án (người mua trúng đấu giá đã nộp đủ số tiền theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá). Tuy nhiên, ngày 06/11/2019, vợ và con của ông T là bà N và anh M đã thỏa thuận không yêu cầu ông B phải trả nợ và đồng ý để cơ quan thi hành án đình chỉ thi hành án đối với ông B. Ngay sau đó, ngày 07/11/2019, ông H đến gặp chấp hành viên và cho biết ông là anh em bà con với ông T và đã được ông T để lại di chúc cho hưởng toàn bộ số tiền được thi hành từ bản án trên, đồng thời, cung cấp cho chấp hành viên bản sao có công chứng của tờ di chúc. Sau khi biết được ông H có tờ di chúc thì bà N đã đến làm việc với chấp hành viên và cho rằng di chúc mà ông H có là giả tạo, đề nghị cơ quan thi hành án không chi tiền cho ông H. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên, chấp hành viên đã hướng dẫn cho bà N khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định. Sau đó, bà N đã khởi kiện yêu cầu hủy di chúc giả tạo. Ngày 28/11/2019, Tòa án nhân dân huyện D đã có thông báo thụ lý vụ án. Vì vậy, Chi cục Thi hành án dân sự huyện D đã ra quyết định hoãn thi hành án. Tuy nhiên, đến ngày 22/4/2020, Tòa án có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do không xác định được địa chỉ của ông H. Vì vậy, Chi cục Thi hành án dân sự huyện D đã ra quyết định tiếp tục thi hành án để giải quyết vụ việc. Sau nhiều lần gửi giấy mời nhưng ông H vẫn không đến cơ quan thi hành án để làm việc, qua tìm hiểu, chấp hành viên được biết địa chỉ do ông H cung cấp là nhà của người quen, trước đây, ông H chỉ ở nhờ còn hiện nay ông ở đâu thì không ai biết. Vì hiện nay ông H không đến cơ quan thi hành án để giải quyết việc xin nhận tiền theo di chúc nên cơ quan thi hành án đang lúng túng trong việc xử lý số tiền đã thu được từ việc bán đấu giá tài sản của ông B.
2. Thủ tục xử lý tài sản thi hành án khi đương sự không nhận
Hiện nay, theo pháp luật về thi hành án dân sự thì có các trường hợp đương sự không đến nhận tài sản được quy định cụ thể tại các điều khoản như sau: (i) Cưỡng chế trả nhà, giao nhà theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự; (ii) Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất mà có tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự; (iii) Trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự; (iv) Trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự; (v) Khoản tiền được thi hành án có giá trị nhỏ hơn 01 tháng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).
Trong cả năm trường hợp trên thì việc xử lý tài sản đều áp dụng quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể: Đối với tiền, hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Đối với tài sản, hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Vấn đề này được hướng dẫn cụ thể tại khoản 5, khoản 6 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với một số tài sản đặc thù thì được xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự.
Theo các quy định trên, chúng ta có thể thấy một số đặc điểm đối với tài sản trong các trường hợp đương sự không nhận như sau: Thứ nhất, hầu hết các tài sản thường có giá trị nhỏ; thứ hai, các tài sản chủ yếu là tiền hoặc động sản; thứ ba, chủ yếu là trong các vụ việc thi hành án chủ động hoặc đương sự chủ yếu là người phải thi hành án.
3. Áp dụng pháp luật để giải quyết tình huống phát sinh trên thực tế
Trở lại với tình huống đã nêu, hiện tại, cơ quan thi hành án đã thu được tiền bán đấu giá tài sản, tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là vợ và con của ông T là bà N và anh M không yêu cầu ông B phải thi hành án, cơ quan thi hành án chưa ra quyết định đình chỉ thi hành án thì ngay sau đó ông H xuất hiện, yêu cầu được hưởng tài sản theo di chúc nhưng sau đó, ông H lại không tiếp tục liên hệ với Tòa án và cơ quan thi hành án để giải quyết, xác định về tính hợp pháp của di chúc. Do vậy, vấn đề đặt ra cho cơ quan thi hành án dân sự là tiếp tục giải quyết vụ việc thi hành án trên và xử lý số tiền đã bán đấu giá thành như thế nào? Hiện nay, vẫn đang có những quan điểm khác nhau để giải quyết tình huống trên:
- Quan điểm thứ nhất là áp dụng điểm a khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để giải quyết. Có nghĩa là cơ quan thi hành án sẽ gửi tiền thu được từ việc bán đấu giá vào tài khoản ngân hàng chờ khi nào ông H liên hệ sẽ giải quyết. Nếu quá thời hạn mà ông H không liên hệ với cơ quan thi hành án để giải quyết thì sẽ làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
- Quan điểm thứ hai cho rằng, cần áp dụng điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (Thông tư liên tịch số 11) để giải quyết. Theo đó, trong quá trình xử lý tài sản để thi hành án, người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì: “Trường hợp tài sản đã được bán đấu giá thành thì số tiền thu được từ việc bán đấu giá được trừ đi các khoản chi phí cưỡng chế, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đó. Số tiền phải thi hành cho người được thi hành án chết thuộc về ngân sách nhà nước, số tiền còn lại (nếu có) được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Theo quan điểm này, với tình huống trên thì mặc dù người được thi hành án chết có người thừa kế là vợ và con nhưng hai người này không yêu cầu tiếp tục thi hành án, từ chối nhận thừa kế, bên cạnh đó, ông H xuất trình di chúc nhưng khi có tranh chấp về tính xác thực của di chúc, ông lại không liên hệ nên Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ việc, do đó, cơ quan thi hành án không có cơ sở để chấp nhận di chúc mà ông H đã xuất trình, vì vậy, trường hợp này được xem là không có người thừa kế nên phải áp dụng điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 11 để giải quyết.
Tác giả cho rằng, tình huống trên là một trường hợp khá đặc biệt và cách giải quyết như hai quan điểm đã nêu còn có những điểm chưa hợp lý: (i) Quan điểm thứ nhất cho rằng khoản tiền bán đấu giá thành là khoản tiền, tài sản chưa xác định được địa chỉ của người được nhận hoặc khoản tiền hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP mà người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án không đến nhận, thì theo tác giả, trong tình huống này, chưa thể xem ông H là người đã yêu cầu thi hành án được vì cơ quan thi hành án chưa làm thủ tục chuyển giao quyền cho ông H. Do vậy, việc áp dụng điểm a khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để giải quyết là không phù hợp. (ii) Quan điểm thứ hai cho rằng tình huống trên có thể xem như không có người thừa kế thì theo tác giả là không phù hợp, bởi vì: Thứ nhất, ông T có vợ và con, ngoài ra còn xuất hiện thêm tờ di chúc của ông T cho ông H hưởng thừa kế tài sản phát sinh từ bản án (mặc dù cơ quan thi hành án không xác định được tính hợp pháp của tờ di chúc này). Như vậy, rõ ràng, tình huống này là có người thừa kế, nên cho dù những người này đều thống nhất từ chối nhận di sản thì cũng không thể xử lý sung quỹ nhà nước đối với số tiền đã thi hành án được mà phải áp dụng điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự để đình chỉ thi hành án.
Theo tác giả, để tiếp tục giải quyết việc thi hành án trên thì cần phải thực hiện các thủ tục sau: Một là, do vụ việc đã bị tạm hoãn thi hành án để chờ kết quả giải quyết của Tòa án nên sau khi nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc của Tòa án thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự. Hai là, khi có quyết định tiếp tục thi hành án, chấp hành viên thực hiện thủ tục xác minh, thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 11. Mặc dù trong tình huống trên có người thừa kế theo pháp luật, ngoài ra còn có người thừa kế theo di chúc, tuy nhiên, người thừa kế theo pháp luật thì không đồng ý nhận di sản, còn người thừa kế theo di chúc khi phát sinh tranh chấp về tính hợp pháp của di chúc thì lại không liên hệ với có quan chức năng để giải quyết. Do vậy, mặc dù đây không phải là trường hợp người được thi hành án chết mà không có người thừa kế, nhưng việc thông báo công khai là cần thiết để đảm bảo thủ tục giải quyết việc thi hành án được chặt chẽ. Đồng thời với việc thông báo, chấp hành viên cần mời vợ, con của ông T là bà N và anh M đến làm việc, hướng dẫn cho họ có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (do họ có ý định không nhận di sản, nên việc yêu cầu họ làm đơn yêu cầu thi hành án để làm thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo Điều 54 Luật Thi hành án dân sự sẽ khó khăn, vì vậy, nên hướng dẫn làm thủ tục từ chối nhận di sản sẽ giảm được thủ tục mà vẫn phù hợp với quy định). Ba là, sau khi đã có được văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của vợ, con ông T và hết thời hạn thông báo mà không có người nào yêu cầu nhận di sản thừa kế thì cơ quan thi hành án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự để đình chỉ thi hành án, đồng thời làm thủ tục trả lại tiền bán tài sản cho ông B sau khi trừ các chi phí cưỡng chế thi hành án.
Cách giải quyết như vậy là phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự. Mặc dù, sẽ có quan điểm cho rằng việc đình chỉ thi hành án, trả lại tiền cho người phải thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của ông H là người được thừa kế theo di chúc. Tuy nhiên, do di chúc mà ông H xuất trình có tranh chấp (vợ, con của người được thi hành án cho rằng đó là di chúc giả), cơ quan thi hành án không có thẩm quyền xác định đó là di chúc thật hay di chúc giả và cũng chưa thực hiện thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho ông H. Như vậy, ông H chưa phải là đương sự hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc thi hành án này. Đồng thời, cơ quan thi hành án đã hướng dẫn cho các bên yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết và Tòa cũng đã thụ lý vụ việc, nhưng ông H đã không tiếp tục liên hệ với Tòa án cũng như cơ quan thi hành án để giải quyết, bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, cơ thi hành án cũng đã thực hiện thủ tục thông báo sau khi có quyết định tiếp tục thi hành án theo quy định. Do đó, việc cơ quan thi hành án đình chỉ thi hành án là có căn cứ và ông H không có cơ sở để khiếu nại việc đình chỉ thi hành án.
Đối với tình huống trên, hiện nay, vấn đề có thể gây lúng túng cho cơ quan thi hành án đó chính là việc xác định căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành án khi người được thi hành án chết mà có người thừa kế nhưng họ lại từ chối nhận di sản. Do hiện nay chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, nên vấn đề này sẽ có hai quan điểm và cách giải quyết khác nhau. Quan điểm thứ nhất: Do người được thi hành án chết nhưng có người thừa kế (mặc dù họ từ chối nhận di sản) nên phải thực hiện thủ tục chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự, sau đó mới hướng dẫn đương sự làm văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành án căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Quan điểm thứ hai: Mặc dù có người thừa kế, nhưng người thừa kế từ chối nhận di sản nên cũng giống như trường hợp không có người thừa kế, do đó, cần áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự để đình chỉ thi hành án mà không cần phải làm thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự. Xét về thủ tục thì có vẻ như hai quan điểm này đều có cơ sở và có căn cứ pháp luật, chỉ khác nhau về thủ tục giải quyết, nhưng kết quả cuối cùng đều là đình chỉ việc thi hành án. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, đây là trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền của người phải thi hành án. Do vậy, quan điểm giải quyết khác nhau sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý khác nhau đối với số tiền đã thu được, điều này cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phải thi hành án. Theo đó, nếu giải quyết theo quan điểm thứ nhất thì số tiền đã thu được cần phải trả lại cho người phải thi hành án vì người thừa kế đã trở thành người được thi hành án (đã được chuyển giao quyền và nghĩa vụ) và họ đã có yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Có nghĩa là họ đã thể hiện ý chí không yêu cầu người phải thi hành án phải trả tiền, tài sản cho họ. Nếu theo quan điểm thứ hai giải quyết vụ việc giống như trường hợp không có người thừa kế thì đình chỉ thi hành án luôn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự mà không cần làm thủ tục chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ không phù hợp, vì theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 11 thì nếu cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền, tài sản nhưng người được thi hành án chết và không có người thừa kế, việc thi hành án vẫn tiếp tục mà không bị đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 50 Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, số tiền thi hành án thu được sẽ được sung quỹ nhà nước chứ không phải trả lại cho người phải thi hành án. Như vậy, rõ ràng trong tình huống trên, mặc dù người được thừa kế đã thể hiện rõ ý chí là từ chối nhận di sản thừa kế, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục thi hành nhưng với cách hiểu khác nhau, thủ tục khác nhau sẽ cho ra hậu quả pháp lý khác nhau. Với cách giải quyết theo quan điểm thứ nhất thì thủ tục sẽ phức tạp hơn, nhưng lại có lợi cho người phải thi hành án vì họ sẽ được nhận lại tiền, tài sản đã nộp. Với cách giải quyết theo quan điểm thứ hai thì thủ tục sẻ đơn giản hơn, nhưng lại không có lợi cho người phải thi hành án vì số tiền họ đã thi hành sẽ thuộc ngân sách nhà nước.
4. Đề xuất, kiến nghị
Tác giả cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc một tình huống như trên nhưng có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau là do pháp luật chưa dự liệu trước trường hợp người được thi hành án chết, có người thừa kế nhưng người thừa kế lại từ chối nhận di sản phát sinh từ bản án mà cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành. Chính vì vậy, giải pháp tối ưu nhất để giải quyết trường hợp trên là phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự thì cần phải có thời gian. Do vậy, trong thời điểm hiện nay, để giúp các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đang gặp phải vướng mắc với những trường hợp như trên, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn thống nhất cách hiểu, cách giải quyết.
Theo tác giả, cần thống nhất cách hiểu trường hợp người được thi hành án chết mà có người thừa kế, nhưng người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không đồng ý nhận tiền, tài sản phát sinh từ bản án thì được xem là trường hợp “người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế” theo quy định tại đoạn đầu của điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự, mà không xem là trường hợp “không có người thừa kế”. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ không phải làm thủ tục chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho người thừa kế vì đây là trường hợp không được chuyển giao (tuy nhiên, trước đó, chấp hành viên cần phải lập biên bản hoặc hướng dẫn người thừa kế có văn bản từ chối nhận di sản). Như vậy, tùy thuộc vào số người thừa kế, nội dung từ chối nhận di sản mà cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ việc thi hành án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 50 nói trên. Đối với khoản đình chỉ thi hành, nếu cơ quan thi hành án dân sự chưa thu được tiền, tài sản thì không tiếp tục thi hành, còn nếu đã thu được tiền, tài sản thì tiến hành trả lại cho người phải thi hành án mà không thực hiện thủ tục sung quỹ nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 11. Nếu thống nhất được cách hiểu và cách giải quyết như vậy thì chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu sau: Việc thi hành án được giải quyết đúng pháp luật; trình tự thủ tục nhanh gọn, rõ ràng (so với thủ tục chuyển giao quyền và nghĩa vụ); đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Học viện Tư pháp