1. Một số ví dụ điển hình từ thực tiễn
Ví dụ 1: Bản án số 752/2018/KDTM-PT ngày 16/8/2019 tuyên: Buộc Công ty T phải thanh toán cho Ngân hàng S tổng cộng nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng là 4.677.000.000 đồng. Kể từ ngày tiếp theo của ngày 25/6/2019, Công ty T còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng nêu trên cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Nếu Công ty T không thanh toán nợ thì Ngân hàng S có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mãi tài sản bảo đảm là quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty T phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 142/HĐ ngày 15/7/2015 giữa Công ty T với Công ty G để thu hồi nợ cho Ngân hàng S. Nếu sau khi phát mãi tài sản bảo đảm là quyền tài sản nêu trên không thanh toán hết nợ cho Ngân hàng S thì Công ty T vẫn phải thanh toán nợ cho Ngân hàng S cho đến khi dứt nợ.
Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã tiến hành thủ tục thông báo về thi hành án theo quy định. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng Công ty T vẫn chưa thi hành nghĩa vụ theo án tuyên. Nhận thấy, việc Tòa án tuyên phát mãi quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty T phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa nêu trên là chưa rõ nên chấp hành viên đã có công văn đề nghị Tòa án giải thích rõ quyền tài sản theo bản án trên cụ thể là quyền gì. Tòa án đã có văn bản trả lời nêu rõ: “Quyền tài sản ở đây cụ thể là quyền đòi nợ theo hợp đồng mua bán hàng hóa nêu trên và được đưa ra thi hành”. Bản chất của vụ việc là trước đây, Công ty T đã sử dụng quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 142/HĐ để thế chấp, vay tiền của Ngân hàng S. Khi đến hạn trả nợ nhưng Công ty T không trả được nên Ngân hàng S đã khởi kiện yêu cầu Công ty T phải trả nợ và Tòa án đã tuyên nội dung như trên. Căn cứ theo giải thích của Tòa án, chấp hành viên đã thông báo yêu cầu Công ty G phải nộp cho cơ quan thi hành án số tiền mà Công ty G còn nợ Công ty T theo hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, sau nhiều lần thông báo, triệu tập nhưng Công ty G không hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của chấp hành viên. Vì vậy, căn cứ theo bản án, nội dung giải thích của Tòa án và các quy định của Luật Thi hành án dân sự thì chấp hành viên phải tiến hành xử lý, kê biên phát mãi tài sản bảo đảm là quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty T phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 142/HĐ để thu hồi nợ cho Ngân hàng S. Biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng trong trường hợp này chính là kê biên, phát mãi tài sản là quyền đòi nợ để thi hành án. Tuy nhiên, khi tiến hành xử lý tài sản là quyền đòi nợ thì có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh cần giải quyết như: Quyền đòi nợ có phải là tài sản để thi hành án không? Quyền đòi nợ có kê biên, phát mãi được không? Nếu quyền đòi nợ là tài sản thi hành án và có thể kê biên, phát mãi để thi hành án thì trình tự, thủ tục được thực hiện như thế nào? Đây chính là những vấn đề làm cho cơ quan thi hành án dân sự cũng như chấp hành viên lúng túng.
Ví dụ 2: Bản án số 652/2016/KDTM-PT có nội dung: Công ty Đ phải thanh toán cho Ngân hàng M tổng số tiền nợ gốc và lãi là 3.820.000.000 đồng và lãi suất phát sinh. Nếu Công ty Đ không thanh toán nợ thì Ngân hàng M có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản bảo đảm là các quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Đ phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 25/HĐ ngày 16/8/2013 giữa Công ty Đ và Công ty P để thu hồi nợ cho Ngân hàng.
Quá trình thi hành án, chấp hành viên đã thực hiện các thủ tục thông báo quyết định thi hành án cho các bên đương sự theo đúng quy định. Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Công ty Đ không tự nguyện thi hành nên chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo quy định và kết quả là Công ty Đ không còn hoạt động tại địa phương, không có tài sản nào khác ngoài tài sản bảo đảm được tuyên trong bản án. Căn cứ nội dung bản án, chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản bảo đảm thi hành án do Công ty Đ thế chấp tại Ngân hàng là các quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Đ phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 25/HĐ. Do tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Đ và Công ty P nên chấp hành viên đã có nhiều công văn gửi Công ty P để xác minh các thông tin liên quan đến kế hoạch sử dụng hàng hóa, tiến độ thanh toán tiền theo hợp đồng mua bán hàng hóa này. Vì theo nội dung hợp đồng đó thì bên mua phải thanh toán cho bên bán 100% giá trị thực tế giao hàng trong vòng 04 tháng kể từ ngày bên bán hoàn tất việc giao hàng. Công ty P đã trả lời các công văn xác minh của chấp hành viên, do vậy, chấp hành viên đã thực hiện thủ tục kê biên, xử lý tài sản bảo đảm thi hành án là các quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Đ phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 25/HĐ. Do các bên đương sự không thỏa thuận được tổ chức thẩm định giá nên chấp hành viên đã thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên theo quy định và ký hợp đồng thẩm định giá. Tuy nhiên, sau một thời gian tiến hành việc thẩm định giá thì công ty thẩm định giá đã có công văn trả lời chấp hành viên là không thể thực hiện được việc thẩm định giá tài sản với lý do “... việc thu thập thông tin đối với tài sản để thẩm định giá rất khó khăn nên công ty không thể thực hiện được việc thẩm định giá tài sản...”. Sau khi nhận được công văn trên, chấp hành viên đã thông báo cho các bên đương sự biết không thể thực hiện được việc thẩm định giá tài sản kê biên, đồng thời, yêu cầu bên phải thi hành án chỉ định tài sản tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án để chấp hành viên xử lý và yêu cầu bên được thi hành án cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của bên phải thi hành án theo quy định. Tuy nhiên, các bên đương sự không cung cấp được thông tin về điều kiện thi hành án.
Đối với vụ việc ở ví dụ 2, hiện nay có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, do Công ty Đ không còn tài sản nào khác, tài sản bảo đảm thì không thể thẩm định giá được, nên không thể xử lý để thi hành án. Do vậy, cần căn cứ Điều 44a Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) để phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án vì người phải thi hành án không có tài sản, điều kiện thi hành án. Quan điểm thứ hai lại cho rằng, bản án đã tuyên xử lý tài sản bảo đảm, do vậy, chấp hành viên phải xử lý tài sản bảo đảm là các quyền tài sản thuộc sở hữu của Công ty Đ phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 25/HĐ để thi hành án, còn cách thức xử lý như thế nào là trách nhiệm của cơ quan thi hành án, chấp hành viên phải giải quyết chứ không thể phân loại là việc chưa có điều kiện thi hành, vì tài sản bảo đảm của người phải thi hành án có và chưa xử lý xong.
Như vậy, các quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án dân sự còn có nhiều vướng mắc, bất cập, đặc biệt là các quy định về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ để thi hành án. Để có cơ sở giải quyết những vấn đề này, thiết nghĩ cần phải nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến quyền đòi nợ nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng, từ đó đề xuất một số phương án giải quyết phù hợp.
2. Quyền đòi nợ là một loại tài sản đặc thù[1]
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khái niệm tài sản được hiểu là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, tài sản là một khái niệm có nội hàm rất rộng. Trong đó, quyền đòi nợ cũng được xem là một loại tài sản tồn tại dưới dạng quyền tài sản và được thể hiện thông qua các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu quyền tài sản hoặc sự thừa nhận của các bên trong quan hệ nghĩa vụ liên quan đến quyền tài sản đó. Vì quyền đòi nợ là một loại tài sản nên nó có thể là đối tượng trong các giao dịch dân sự. Ví dụ, quyền đòi nợ là đối tượng trong giao dịch mua bán, được quy định tại Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015. Quyền đòi nợ cũng có thể được sử dụng để làm tài sản bảo đảm, thế chấp trong hoạt động tín dụng, ví dụ như quy định về thế chấp quyền đòi nợ tại Điều 22 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ).
Như vậy, có thể hiểu, quyền đòi nợ là quyền yêu cầu trả nợ và rõ ràng theo các quy định hiện hành thì quyền đòi nợ là một loại tài sản (quyền tài sản) có thể chuyển giao, mang tính đặc thù và nó được tham gia vào hầu hết các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật như các loại tài sản khác.
3. Xử lý quyền đòi nợ để thi hành án
Trong thi hành án dân sự có hai loại nghĩa vụ liên quan đến tài sản, đó là nghĩa vụ giao trả vật và nghĩa vụ trả/thanh toán tiền. Khi nói đến việc xử lý tài sản để thi hành án thì thường được hiểu đây là trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có quy định hay nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể những loại tài sản nào được xử lý để thi hành án nên khi giải quyết các vụ việc trên thực tế, chấp hành viên phải dùng phương pháp loại trừ căn cứ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự về tài sản không được kê biên để suy ra các loại tài sản khác là có thể xử lý để thi hành án. Theo quy định tại Điều 87 thì tài sản là quyền đòi nợ không thuộc đối tượng không được kê biên nên có thể hiểu quyền đòi nợ là loại tài sản có thể bị xử lý, kê biên để thi hành án. Đặc biệt, trong trường hợp quyền đòi nợ là tài sản bảo đảm được tuyên rõ trong bản án như hai ví dụ đã nêu thì cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên phải xử lý để thi hành án khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành. Quyền đòi nợ là một loại tài sản mà cụ thể là quyền tài sản, do đó, khi tiến hành xử lý để thi hành án thì chấp hành viên phải thực hiện các thủ tục như ra quyết định kê biên, tiến hành việc thẩm định giá, bán đấu giá theo quy định. Vấn đề đặt ra ở đây là, áp dụng các quy định nào của pháp luật về thi hành án dân sự để xử lý quyền đòi nợ?
Theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay thì trình tự, thủ tục xử lý tài sản để thi hành án được quy định khá chặt và chi tiết. Đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự quy định rõ trình tự, thủ tục xử lý đối với các loại tài sản cụ thể. Theo đó, các loại tài sản sau đây có thể bị cưỡng chế để thi hành án: Tài sản là tiền; tài sản là giấy tờ có giá; tài sản là quyền sở hữu trí tuệ; tài sản là vật; cưỡng chế khai thác đối với tài sản; tài sản là quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong các quy định này thì không có quy định nào nói về xử lý tài sản là quyền đòi nợ. Chính vì vậy, khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên sẽ rất lúng túng trong việc lựa chọn quy định áp dụng để xử lý đối với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ để thi hành án.
Việc xử lý tài sản bảo đảm trong quá trình tổ chức thi hành án, về nguyên tắc, trước hết, pháp luật dành cho các bên đương sự quyền tự thỏa thuận với nhau về cách thức xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau thì chấp hành viên sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tương ứng để xử lý tài sản bảo đảm. Đối với tài sản là vật và quyền tài sản thì cách thức xử lý thông thường của cơ quan thi hành án, chấp hành viên là ra quyết định cưỡng chế kê biên, sau đó sẽ thực hiện thủ tục thẩm định giá và đưa tài sản bị kê biên ra bán đấu giá. Tương tự như vậy, đối với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, theo tác giả thì chấp hành viên có thể áp dụng Điều 89 Luật Thi hành án dân sự quy định về kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm để xử lý. Vấn đề đặt ra là quyền đòi nợ có thẩm định giá và bán đấu giá được không?
4. Khó khăn trong việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án là quyền đòi nợ
Khó khăn trong việc thẩm định giá tài sản là quyền đòi nợ: Trong thi hành án dân sự, khi người phải thi hành án có nghĩa vụ thanh toán cho người được thi hành án một khoản tiền, thì mục đích cuối cùng của việc xử lý tài sản là thu được một khoản tiền để trả cho người được thi hành án. Do vậy, tài sản sau khi bị kê biên thì phải thực hiện thủ tục thỏa thuận về giá hoặc thẩm định giá tài sản để xác định giá khởi điểm bán đấu giá. Theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Giá năm 2012, có thể nói một cách ngắn gọn, thẩm định giá là xác định giá trị bằng tiền của một loại tài sản nào đó. Vậy, quyền đòi nợ có thẩm định giá được không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại phải quay về bản chất của quyền đòi nợ. Quyền đòi nợ là quyền của một bên (có thể là bên bán hàng hóa, dịch vụ; bên cho vay, cho thuê…) yêu cầu bên kia (bên mua, vay, thuê…) trả một khoản nợ (khoản nợ này thường được xác định bằng hợp đồng, chứng từ… cụ thể) trong một giao dịch mà các bên đã giao kết với nhau. Ví dụ: Công ty A bán một lô hàng cho Công ty B, giá trị của lô hàng là 2 tỷ đồng. Nếu Công ty B chưa thanh toán cho Công ty A khoản nào thì trong trường hợp này, quyền đòi nợ của Công ty A là yêu cầu Công ty B phải trả cho mình số tiền 2 tỷ đồng (có thể có thêm phần lãi suất nếu chậm trả và được thỏa thuận trong hợp đồng). Giả sử rằng, Công ty A sử dụng quyền đòi nợ trong hợp đồng mua bán này để thế chấp thì quyền đòi nợ sẽ trở thành tài sản bảo đảm và nó có giá trị bằng chính số tiền nợ mà Công ty B chưa trả cho Công ty A là 2 tỷ đồng (có thể có thêm phần lãi chậm thanh toán). Như vậy, bản chất của quyền đòi nợ sau khi được hình thành là nghĩa vụ trả nợ của bên mắc nợ và nó luôn được xác định bằng một số tiền cụ thể. Trong giao dịch mua bán nợ thông thường giữa các chủ thể dân sự với nhau, ví dụ như trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thì các bên tự thỏa thuận với nhau định giá khoản nợ (thường là thấp hơn giá trị khoản nợ) để tiến hành giao dịch mua bán. Tuy nhiên, trong thi hành án dân sự, việc thẩm định giá tài sản là quyền đòi nợ chưa được quy định và dường như đây là điều không khả thi. Vì việc thẩm định giá tài sản trong thi hành án dân sự phải được thực hiện theo quy định của pháp luật và như đã nêu ở trên thì việc thẩm định giá là xác định giá trị bằng tiền của một loại tài sản nào đó, trong khi quyền đòi nợ đã được xác định bằng một khoản tiền cụ thể, do vậy, không thể tiến hành thẩm định giá được, hay nói cách khác, quyền đòi nợ đã được xác định bằng một số tiền cụ thể nên không cần thẩm định giá nữa.
Khó khăn trong việc bán đấu giá tài sản để thi hành án là quyền đòi nợ: Theo quy định của pháp luật dân sự, quyền đòi nợ là loại quyền tài sản được phép chuyển dịch mua bán, thế chấp. Như vậy, về nguyên tắc, quyền đòi nợ có thể được đưa ra bán đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Tuy nhiên, việc bán đấu giá tài sản là quyền đòi nợ để thi hành án thì rất khó thực hiện và thực tế đến thời điểm hiện nay, ở nước ta chưa thực hiện được vụ việc bán đấu giá quyền đòi nợ nào để thi hành án. Giả sử, trường hợp có quyền đòi nợ được đưa ra bán đấu giá cũng rất khó để tìm được người mua vì nếu người có nghĩa vụ trả nợ có ý thức chấp hành pháp luật thì họ đã tự nguyện trả nợ cho bên nhận thế chấp hoặc họ đã thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên chứ không để phải cưỡng chế kê biên. Vì vậy, việc bán một món nợ mà người mua biết trước người có nghĩa vụ sẽ không thực hiện nghĩa vụ của mình là điều không thực tế.
5. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, đối với các chủ thể khi tham gia giao dịch liên quan đến quyền đòi nợ, đặc biệt là bên nhận thế chấp phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá khả năng thực hiện cam kết của phía đối tác.
Thứ hai, đối với các cơ quan chức năng, cần có những hướng dẫn, sửa đổi pháp luật phù hợp với thực tiễn. Tác giả đề xuất một số phương án như sau:
- Tại giai đoạn xét xử, cần đưa người có nghĩa vụ trả nợ vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật để xét xử và tuyên theo hướng chuyển đổi tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ thành nghĩa vụ trả nợ thay trong phạm vi bảo đảm. Tác giả cho rằng, phương án này là tối ưu nhất trong việc bảo vệ quyền lợi cho người nhận thế chấp là quyền đòi nợ nói chung và người được thi hành án nói riêng. Ví dụ: Theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì Công ty B phải trả cho Công ty A 2 tỷ đồng. Công ty A thế chấp quyền đòi nợ này để vay Ngân hàng C 1 tỷ đồng. Đến hạn thanh toán, Công ty A không thanh toán cho Ngân hàng C nên Ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa. Theo phương án đề xuất trên thì trong trường hợp này, Công ty B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (tài sản bảo đảm ở đây chính là nghĩa vụ trả nợ của Công ty B) và xét xử theo hướng nếu Công ty A không trả nợ cho Ngân hàng C thì Công ty B phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty A trong phạm vi bảo đảm (thay vì tuyên xử lý tài sản bảo đảm như hiện nay).
- Trong giai đoạn thi hành án, các cơ quan chức năng cần thống nhất hướng dẫn giải quyết theo hướng: Trong trường hợp người có nghĩa vụ trả nợ (như Công ty B ở ví dụ trên) không thực hiện theo nội dung bản án, không nộp tiền cho cơ quan thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên để thi hành thay cho người phải thi hành án, thì chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản khác của người có nghĩa vụ trả nợ để thi hành án. Theo phương án này, cơ quan thi hành án, chấp hành viên mới có cơ sở để giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ mà hiện nay đang vướng mắc chưa có hướng xử lý.
Quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản mang tính đặc thù. Mặc dù, nó khá phổ biến trong các giao dịch dân sự thông thường, nhưng trong lĩnh vực thi hành án thì việc xử lý tài sản này còn mới mẻ, quy định pháp luật điều chỉnh còn hạn chế, dẫn đến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế đặc thù xử lý đối với loại tài sản này nhằm giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện làm cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn. Bài viết này chỉ mới là ý kiến cá nhân mang tính chất gợi mở về việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ trong thi hành án mà trong thực tiễn một số cơ quan thi hành án đã gặp phải. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi, chia sẻ của bạn đọc.
Học viện Tư pháp
[1]. Trong nội dung bài viết này, tác giả chỉ xem xét quyền đòi nợ theo cách hiểu thông thường là quyền yêu cầu trả một khoản tiền (nợ) cụ thể.