Khi theo học tại Trường, học sinh, học viên sẽ được trang bị khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở và khối kiến thức nghiệp vụ, trong đó, Khoa Đào tạo cơ bản phụ trách giảng dạy khối kiến thức cơ sở với 13 học phần gồm: Lý luận Nhà nước và pháp luật, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tài chính, Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động và an sinh xã hội, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự. Các học phần này sẽ cung cấp cho học sinh, học viên những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam; về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, thẩm quyền và mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính, chính quyền cơ sở, các quy định của pháp luật, cũng như các thủ tục tố tụng, thẩm quyền, trình tự xét xử của Tòa án… để có thể tham mưu, tư vấn, vận dụng vào thực tiễn đời sống xã hội và tuyên truyền, vận động các chủ thể khác hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
1.1. Những thuận lợi
Thứ nhất, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cấp ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, tập thể Khoa Đào tạo cơ bản luôn đoàn kết, nỗ lực, từng bước tìm hiểu quy chế đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp, xây dựng đề cương chi tiết các học phần, bắt tay vào công việc soạn giáo án, bài giảng khi bản thân Khoa Đào tạo cơ bản chưa từng có kinh nghiệm hay được đào tạo về hoạt động này.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên trẻ có năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng động và sáng tạo, có khả năng nhanh chóng tiếp cận quy chế đào tạo cũng như phương pháp đào tạo mới, kịp thời hội nhập với khu vực và quốc tế. Đồng thời, đội ngũ, giáo viên rất tâm huyết, nhiệt tình với công việc, luôn phấn đấu, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.
Thứ ba, Nhà trường được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng bước đầu yêu cầu dạy và học.
Thứ tư, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, tập thể Nhà trường nói chung và Khoa Đào tạo cơ bản nói riêng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong công tác hợp tác, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học có uy tín trong cả nước như Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Vinh…
Từ năm 2012 - 2017, với những thuận lợi nói trên, Khoa Đào tạo cơ bản đã đạt được những thành tích nhất định. Khoa đạt danh hiệu tập thể lao động tiến tiến; nhận Giấy khen của Hiệu trưởng về thành tích đạt được trong 02 năm kể từ khi thành lập Trường và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp… Có thể nói, những ghi nhận kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, của Nhà trường là nguồn động viên, khích lệ để Khoa Đào tạo cơ bản tiếp tục cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.
1.2. Những khó khăn, vướng mắc
Từ lúc mới thành lập, Khoa Đào tạo cơ bản cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Ở thời điểm ấy, tất cả dường như đều mới mẻ, lạ lẫm. Tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường phải tự tìm tòi, học hỏi, bước đầu làm quen với môi trường giáo dục, cụ thể:
Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức, nhân sự: Khoa Đào tạo cơ bản được thành lập vào năm 2012. Ở thời điểm thành lập, tập thể Khoa gồm có 01 Phụ trách Khoa, 01 Phó phụ trách Khoa và 03 giáo viên.
Số lượng biên chế giáo viên còn ít. Một giáo viên phải đảm nhận từ hai đến bốn học phần. Một số học phần cơ sở như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động và an sinh xã hội, Luật Môi trường, Luật Tố tụng dân sự, giáo viên mới đảm nhận từ cuối năm 2015. Với số lượng biên chế giáo viên của Nhà trường còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo, Khoa phải mời thêm giáo viên thỉnh giảng để giảng dạy.
Hầu hết các giáo viên vừa mới ra trường, chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, trong khi đó, nguồn tài chính của Nhà trường để xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên chưa nhiều. Các giáo viên chủ yếu tự trau dồi, tự bồi dưỡng năng lực theo kế hoạch của mỗi cá nhân.
Thứ hai, về đối tượng người học: Đặc thù học sinh, học viên của Trường đa phần là con em dân tộc thiểu số, hộ nghèo, vùng kinh kế đặc biệt khó khăn, được đào tạo theo chương trình đào tạo 03 năm với đối tượng đã tốt nghiệp trung học cơ sở và chương trình đào tạo 02 năm với đối tượng đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Trình độ nhận thức, kỹ năng giao tiếp của các em còn hạn chế. Các em tuổi còn nhỏ, xa gia đình, do đó, để đào tạo, ngoài việc giảng dạy, các giáo viên còn phải đóng vai trò của người mẹ, người cha chăm sóc, dạy dỗ các em.
Thứ ba, về chương trình, giáo trình, tài liệu học tập: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã xây dựng chương trình đào tạo, được cung cấp hệ thống các giáo trình phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy 13 học phần cơ sở. Đồng thời, thư viện Trường được đầu tư nhiều đầu sách tham khảo. Tuy nhiên, thời điểm từ năm 2013 cho đến nay, chính sách pháp luật nước ta có nhiều thay đổi, các văn bản luật mới được ban hành, do đó, hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu không còn phù hợp, chưa cập nhật các kiến thức pháp luật hiện hành.
Thứ tư, về cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy: Từ năm 2012 đến tháng 10/2015, Nhà trường phải thuê trụ sở của Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nông nghiệp để hoạt động. Thời điểm ấy, phòng làm việc chật hẹp, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo và giảng dạy rất hạn chế, cả Trường chỉ có 02 phòng để giảng dạy và tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn.
Hiện nay, với số lượng học sinh có nhu cầu theo học tại Trường ngày càng tăng, bao gồm cả học sinh Việt Nam và lưu học sinh Lào, Nhà trường cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết đáp ứng công tác đào tạo như: Khu giảng đường, khu nhà ở nội trú cho học sinh, thư viện phục vụ cho cán bộ, giáo viên và học sinh nghiên cứu, học tập…
Những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai các nhiệm vụ của Nhà trường, của Khoa. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, đào tạo và pháp luật; pháp luật cơ bản cũng được Nhà nước ngày càng chú trọng và quan tâm đầu tư hơn; quá trình hội nhập quốc tế đã tạo thời cơ để Trường thực hiện các chương trình liên kết đào tạo quốc tế nhằm khẳng định chất lượng cũng như uy tín; nhu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về pháp luật ngày càng cao… đòi hỏi tập thể giáo viên của Khoa phải luôn đoàn kết, cố gắng từng bước đi lên, ngày càng hoàn thiện cả về phẩm chất, đạo đức và trình độ, năng lực chuyên môn.
2. Định hướng phát triển của Khoa Đào tạo cơ bản trong thời gian tới
Trường Trung cấp Luật Đồng Hới với định hướng phát triển trong tương lai sẽ trở thành một cơ sở đào tạo về pháp luật uy tín tại khu vực Bắc miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, mục tiêu đến năm 2018 sẽ nâng lên thành trường Cao đẳng Luật. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, tập thể Khoa Đào tạo cơ bản sẽ quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tập trung xây dựng và tiến tới hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự của Khoa. Trong thời gian tới, Khoa triển khai xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy đảm bảo hợp lý về cơ cấu và tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến đảm bảo định mức phấn đấu đến năm 2020 có 100% tỷ lệ giáo viên có trình độ thạc sĩ; 10% giáo viên có trình độ tiến sỹ. Khoa Đào tạo cơ bản sẽ chuẩn hóa đội ngũ này bằng cách bổ sung, bồi dưỡng, sàng lọc đội ngũ giáo viên hàng năm; nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ; mời chuyên gia trong nước có kinh nghiệm tham gia giảng dạy để bồi dưỡng kỹ năng, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên của Khoa.
Một mặt, Khoa sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai cho các giáo viên tự liên hệ, đăng ký lịch đi thực tập, thực tế tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, kiến thức thực tế; có báo cáo đi thực tế vào cuối đợt thực tế trình Ban Giám hiệu Nhà trường và Khoa. Mặt khác, Khoa sẽ thực hiện xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thực giảng của giáo viên. Giám sát, đánh giá nhằm giúp đơn vị quản lý xác định được chất lượng, hiệu quả đào tạo, khả năng truyền thụ kiến thức của từng giáo viên; qua đó, nắm bắt được những điểm mạnh, yếu để xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong tương lai.
Thứ hai, nhận thức được đặc thù của đối tượng người học, tập thể Khoa Đào tạo cơ bản càng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, luôn cố gắng nâng cao năng lực của bản thân, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học. Khoa tập trung thực hiện công tác giảng dạy kết hợp phụ đạo cho các em học sinh. Đối với đối tượng lưu học sinh Lào, Khoa tập trung xây dựng kế hoạch giảng dạy và phụ đạo riêng. Tính đến nay, cùng với sự cố gắng, nỗ lực chung của Nhà trường, Khoa Đào tạo cơ bản đã đào tạo được 05 khóa trình độ trung cấp luật, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của các tỉnh Bắc miền Trung nói riêng.
Thứ ba, Khoa Đào tạo cơ bản tiếp tục chủ động phối hợp với Phòng Đào tạo và công tác học sinh, các đơn vị liên quan phân công giáo viên giảng dạy các học phần cơ sở theo kế hoạch đào tạo đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Song song với quá trình giảng dạy, hàng năm, Khoa thường xuyên tổ chức đánh giá tính phù hợp, khả thi của hệ thống đề cương chi tiết các học phần, chất lượng giảng dạy của giáo viên trên lớp để có hướng điều chỉnh phù hợp với thực tiễn giảng dạy của Nhà trường và đáp ứng yêu cầu của học sinh, học viên. Khoa tổ chức thực hiện việc ra đề thi, kiểm tra, đánh giá học sinh, học viên bằng nhiều hình thức và hoàn thiện việc xây dựng ngân hàng đề thi đến hết năm 2017.
Thứ tư, bên cạnh công tác giảng dạy, Khoa Đào tạo cơ bản sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm của quy trình đào tạo, đánh giá chất lượng giáo viên.
Tập thể Khoa sẽ triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học có hiệu quả, thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, hỗ trợ và khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, tài liệu nghiên cứu việc giảng dạy và học tập nhằm nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo. Nâng cao năng lực và kỹ năng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giáo viên theo hướng chuyên sâu.
Bên cạnh đó, Khoa Đào tạo cơ bản tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, biên soạn, nghiệm thu giáo trình nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khoa học, cập nhật và chính xác. Nội dung giáo trình, bài giảng đổi mới theo hướng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ năm, Khoa Đào tạo cơ bản sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ của giáo viên. Đặc biệt, tăng cường hợp tác đào tạo với nước bạn Lào nhằm học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm của nước bạn, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao.
05 năm trôi qua, một chặng đường cho sự cố gắng và phát triển, những gì mà Khoa đã đạt được là cả một chặng đường khó khăn và thử thách mà tập thể Trường Trung cấp Luật Đồng Hới nói chung và tập thể Khoa Đào tạo cơ bản nói riêng đã chung sức, chung lòng vượt qua. 05 năm ấy có những nụ cười, niềm vui, hạnh phúc và cũng có cả những giọt mồ hôi, nước mắt. Bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, sẽ còn rất nhiều những hạn chế, thiếu sót mà trong thời gian tới Khoa Đào tạo cơ bản cần phải khắc phục để tiếp tục hoàn thiện mình. Với khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tập thể Khoa Đào tạo cơ bản sẽ tích cực học tập, trau dồi chuyên môn, cùng với các đơn vị thuộc Trường tổ chức thực hiện thành công kế hoạch phát triển Trường trong giai đoạn 2016 - 2020, góp phần xây dựng, phát triển Nhà trường, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ pháp luật cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT ĐỒNG HỚI